CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

HIÊN CÚC VÀNG - TRẦN HŨU NGƯ

 



Tôi vừa được biết Nguyễn Đình Thư báo tin ba anh là nhà văn Nguyễn Đình Toàn vừa mới qua đời 28.11.2023 tại Mỹ (1936-2023).
Tôi thương tiếc ông vô cùng.
Thành kính phân ưu.
Thành kính chia buồn cùng tang quyến.
Tôi đăng lại bài này như một nén nhang tiễn đưa ông ra đi nhìn trùng xa cách!

HIÊN CÚC VÀNG

Tôi đắn đo mãi… và rồi, cuối cùng tôi quyết định viết về Nguyễn Đình Toàn. Tôi không có khả năng bình luận thơ văn của ông, nhưng với một sự cảm nhận, cùng nỗi đam mê âm nhạc, tôi, với vốn từ ngữ quá ít, nhưng cũng xin mạo muội viết mấy dòng về CD “Hiên cúc vàng” của ông.
Những ngày trước 1975, tôi đã từng đọc sách, thơ văn, đặc biệt những truyện ngắn như: Tro than, Mùa xuân trên sông… của ông và đọc ông, để rồi tôi đâm ra ngưỡng mộ ông lúc nào không hay! Ông có những những đoản văn khó mà ai viết sánh kịp, cho nên Đài Phát thanh Saigon đã từng chọn những bài của ông để đọc cho thính giả nghe. Đây là một hân hạnh mà không phải nhà văn nào cũng có được. Ông sinh năm 1936, tại Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh và di cư vào Nam năm 1954.
Có lần trong bài viết của mình, tôi gởi xin phép xuất bản sách, tôi viết chữ “di cư” này mà các Biên tập viên kiểm duyệt đã gạch bỏ, hình như họ rất “dị ứng” chữ “di cư”. Tôi đặt câu hỏi: Những người miền Bắc vào Nam năm 1954 sinh sống thì không gọi là di cư thì gọi bằng cái gì? Tháo chạy, di tản, hay bỏ quê hương?
Phải công bằng mà nói, những văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam đã đóng góp một phần rất lớn cho nền Văn học Nghệ thuật miền Nam trước 1975. Nói thế, cũng không có nghĩa là phụ lòng những văn nghệ sĩ đích thực miền Nam.
Sau 1975, Nguyễn Đình Toàn “di cư” ra nước ngoài. Đây là cuộc di cư lần thứ hai của ông, và là cuộc di cư cuối cùng, hay ông vẫn còn đau đáu một ngày nào đó ông sẽ hồi cư? Ông đã viết “Mai tôi đi”, rồi “Nếu mai ngày”, chứng tỏ rằng ông không bội bạc quê hương, không hờn giận cuộc đời.
Một người đã nổi tiếng viết văn, làm thơ, vậy mà Nguyễn Đình Toàn ra nước ngoài thêm một nghề nữa: Nhạc sĩ. Tôi biết ông qua CD “Hiên cúc vàng” (1999), “Tôi muốn nói với em” (2001), “Mưa trên cây Hoàng Lan” (2002) và năm 1970 ông đã đọc lời giới thiệu “Tình ca Việt Nam”.
Những tháng ngày lang thang trên đường Huỳnh Thúc Kháng vào những năm CD chép từ Trung Quốc bán tràn lan (từ những năm 1994)… Nơi đây tôi đã bắt gặp rất nhiều bài hát của những thời xa xưa. Và hình như ngày ấy, tôi “bất cần thân thể” có bao nhiêu tiền lao vào mua dĩa nhạc! Mê nhạc như tôi, khó có ai… theo kịp? Đem về chất đống, nghe dần, nghe dần… Cho đến một hôn, không còn dĩa nhạc cũ nào nữa để mà mua nữa. Có người trách tôi, nhạc trên mạng đầy, nuốn nghe bài nào cũng có, sao mua chi cho tốn tiền? Vâng, nghe nhạc còn phải nghe tiếng là Bass, Treble… nó mới ra nhạc chứ? Mặc dù ngày nay băng cối đã được “phục hồi”, nhưng cũng không thể bỏ CD được.
Trở lại Nguyễn Đình Toàn. Trong ba CD như đã nói ở trên, tôi chú ý để rồi mê CD “Hiên cúc vàng”, và tôi cũng đã làm một việc “không công” là giới thiệu nhiều người mua CD này. Lúc mua CD “Hiên cúc vàng” nhìn thấy tên Nguyễn Đình Toàn tôi không tin mấy, nhưng vì tò mò, cũng vì ông là nhà thơ nhà văn… sao lại chuyển sang sáng tác nhạc? Nhưng trong CD này Khánh Ly hát, thì (xin lỗi ông Nguyễn Đình Toàn) tôi tin. Và quả thật, “Hiên Cúc vàng”, một hiện tượng hiếm có trong những bài hát sáng tác ở nước ngoài nói riêng và trong nước sau 1975 nói chung. (Tôi có một người cháu suốt ngày nghe nhạc tào lao, vậy mà khi nghe “Hiên cúc vàng” nó bảo tôi chỉ chỗ nằng nặc đi mua ngay, sợ hết. Tôi gởi biếu cho ông bạn làm Bác sĩ, sau khi nghe, ông nhắn tôi mua giùm ông 20 dĩa nữa để biếu bạn bè! Vậy mà có nhà sản xuất âm nhạc than rằng làm CD dạo này ế quá, nhạc dở ế là phải!).
“Hiên cúc vàng”, nhạc không mới, nhưng ông dùng chữ quá mới và lạ, chính chỗ “dùng chữ quá mới, lạ” này mà nhạc ông kéo theo những cái mới, lạ khác, làm người nghe không thể bỏ qua CD này, tất nhiên nó không thể thiếu trong “gia tài” âm nhạc của những người đam mê âm nhạc.
Trước một đống nhạc trên kệ, tôi để “Hiên cúc vàng” chỗ dễ thấy nhất, để thỉnh thoảng tôi nghe lại. Mất chừng 70 phút, với 10 bài hát, đã cho tôi “thưởng thức” những đau thương, những chia lìa, những mất mát quá lớn, trong những ngày từ biệt quê hương. Nguyễn Đình Toàn sắp xếp như có chủ đích, bài đầu là “Mai tôi đi”, và kết thúc là “Nụ vàng”. Nghe 10 ca khúc với giọng ca Khánh Ly trong giai điệu Solow, có xen một vài bài Tango, tôi thấy ông là một phù thủy ngôn ngữ, và những nốt nhạc nằm trong trường canh đã được ông khéo léo ngắt đoạn như một nhạc sĩ có tay nghề, ngắt mà không dứt, những ca từ nằm trong “Syncope” làm người nghe không bị hụt hẫng mà chính điều này đã làm bài hát trở nên sinh động hơn.
Ngày trước, người ta thích Nguyễn Đình Toàn vì lối văn, cũng như cách dùng từ của ông. Ngày nay chuyển sang nhạc, cũng chính những con chữ ấy, ông khéo léo sắp vào khuôn trong dạng thức, dù không được tự do như lối hành văn, nhưng không vì thế mà nhạc ông bị gò bó.
“Hiên cúc vàng” là những trăn trở khôn nguôi, những nỗi đau tột cùng, những dằn xé vô biên, những tan rã khó mà hàn gắn, thấy đó mà chia lìa, nắm trong tay nhưng vụt mất, đi với những bước chân xiêu vẹo, hiểm nguy, nhưng cũng phải đi:
“… Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen/ Sương rất độc tẩm vào người nỗi chết/ Quê hương ta sống chia dòng vĩnh biệt/ Chảy về đâu những nước mắt đưa tin/… Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng/ Cho quê hương u mê ngày thức tĩnh/ Để dù xa có chết cũng vui mừng/…” (Nhạc Mai tôi đi).
Xa quê hương là nỗi đau không chỉ của những người đã gắng bó với Saigon, mà hầu như những ai sống ở nông thôn, những thứ hằng ngày ít ai để ý nằm đâu đó ở quanh vườn, bờ ao gốc chuối… nhưng khi xa quê, đó là những cái nhớ đầu tiên, làm nhức nhối:
“… Nếu mai ngày những con sâu nằm trong mắt bão/ Anh sống sót trở về/ Em có còn hay em đã ra đi/ Anh cũng xin cám ơn em/ Cám ơn đời đã cho anh thấy lại những ngày tan thương biến đổi đầy vơi/ Áo trách không che hồn tơi tả/ Lối cũ đã thay nhiều cây lá/ Trời đất cũng bơ vơ/ Chiều nhớ vẫn tuôn mưa/ Dòng sông dài vẫn chảy xuôi đẩy đưa/ Khóm liễu bên hiên nhà nghiêng ngã/ Lối cũ đã thay nhiều cây lá/… Thôi nước mắt xin đừng rơi/ Gió rét xin ngừng lay/ Cho người về đã tả tơi này/ Còn một niềm tin cuối đường đắng cay/…” (Nhạc Nếu mai ngày).
Từ bỏ quê hương như xát muối vào lòng, có những người cắn răng chịu đựng, riêng Nguyễn Đình Toàn, ông được thanh thản hơn người khác ở chỗ ông dùng nhạc để giãi bày, đó là những khúc nhạc lòng, một “thú đau thương” và không thấy ông thù ghét ai…
“…Chim ơi chim bay/ Trăng ơi trăng soi/ Chim đau chim có bầy/ Trăng soi trăng có ngày nghỉ ngơi/ Riêng tôi vẫn nhớ (ư) người/…” (Dạ Khúc). “Mưa ơi mưa, mưa từng vực sâu/ Hay mưa rơi từ đỉnh trời đau/ Mưa có mong người sau/ Thương yêu nhau bền lâu/ Thì kiếp này còn gì nữa đâu/” (Mưa khuya). “Đời muôn hướng bơ vơ thôi còn gì mà nuôi ước mơ/ Tình như tháng năm xa đã một ngày chôn sâu lần nữa/ Này em nghe gì không, đêm nhiều khi tối tăm hãi hùng/ Chim bay, chim bay chừng/ Mây trôi, mây trôi dường/ Đỗ về một phương nhớ trong lòng/…” (Nhạc Đường đưa bước em đi).
Một nỗi nhớ quê hương đến xốn xang:
“… Đêm có mây sầu đưa/ Trăng giấu đi tuổi thơ/ Ven con sông dài/ Quê ta thiu ngủ/ Đêm nào đó, ta đứng trông xa ngọn đèn lu thắp trong sương mù dáng ai ngồi co ro/ Như quê hương thu nhỏ/ Để người viễn xứ mang cho vừa/… Trông ra nơi nào cũng thấy quê hương lượn quanh/ Một cơn gió lướt qua nghe lòng tha thiết/ Tưởng như mùi hương vườn cũ bay theo mình/… Thèm miếng khoai ngày đói/… Khi nao ta về tới/ Soi trong gương sầu ấy/ Có còn ta nữa hay là ai/…” (Nhạc Quê hương thu nhỏ).
Và Nguyễn Đình Toàn trong nhạc phẩm “Có bao giờ”, ông đã hỏi: “ …Có bao giờ em trở lại đây/ Đứng dưới trời cao ngửng trông mây/… Đêm thao thức mây đưa/ Đêm rưng rức sao thưa/ Nhìn quanh mình nghe đã lạ/ Ai xa đã xa chưa/ Ai quên đã quên chưa/ Thôi nặng lòng chi nữa/ Có tay nào che nổi trời mưa/…”.




Trong xuyên suốt 10 tình khúc của Nguyễn Đình Toàn, tôi bị ông mê hoặc bởi những đoản khúc mà tôi trích dịch ở trên. Bài kết là “Nụ vàng” như kết thúc một hành trình của một kiếp người:
“… Sớm nay trên cành/ Con chim đau bao ngày/ Chợt lên tiếng hót/ Tiếng chim véo von/ Tiếng chim héo hon/ Đã khâu liền vết thương/… Quê hương ta không còn hận ngăn ghét trói/ Đớn đau sẽ nguôi/ Đói no cũng vui/ Biết buông sầu oán vơi thương đầy/ Nhìn nhau ra người cũng một đời thôi/ Mà máu xương buồn vấy/ Chân em thơ dại và trên đường nơi em qua lại/ Sao lòng chắc không ai đã nằm chết nơi đây dưới mặt đất này/ Để dừng đạp trên mặt người ngủ yên/…”
Tôi không biết viết gì hơn trước những ca từ đẹp lộng lẫy ru từng nốt nhạc, trong cuộc hành trình từ biệt quê hương, mang nỗi đau sâu lắng, trầm tư của một người đi tìm cuộc đời đã mất!


TRẦN HỮU NGƯ
(Saigon, 02.4. 2017, Những ngày xa quê, nhớ quê)

Không có nhận xét nào: