MÀU TÍM
HOA SIM
Tôi xin trở lại bài thơ MÀU TÍM HOA SIM.
Xin nói một cách chắn chắn rằng, MÀU TÍM HOA SIM là một bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Nhưng chỉ có nhạc sĩ miền Nam, miền Trung phổ, còn nhạc sĩ miền Bắc thì không?
Lịch sử thơ phổ nhạc có từ rất sớm từ khi nhạc Việt manh nha từ năm 1938, hoặc trước đó vài năm. Tôi dùng chữ “lịch sử” vì thơ phổ nhạc đã đóng góp một phần không nhỏ trong gia tài âm nhạc Việt Nam. Thơ phổ nhạc mỗi ngày mỗi nhiều, vì dân Việt có đến 2/3 người mang trong mình bầu rượu, bịch thơ, túi đàn. Họ có thể uống rượu, làm thơ, đàn địch bất cứ nơi đâu!
Nhưng nghe thơ phổ nhạc bây giờ, còn tùy thuộc bạn đứng ở đâu và nhạc sĩ phổ thơ cũng đứng ở mô?
Bài hát “Màu tím hoa sim” đã cũ, nhưng bài thơ “Màu tím hoa sim” còn cũ hơn!
Tôi xin nói một cách chắn rằng: Chưa có bài thơ nào được nhạc sĩ chiếu cố để phổ thơ thành nhạc nhiều như “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan:
-Dũng Chinh (Những đồi hoa sim)
-Phạm Duy (Áo anh sứt chỉ đường tà)
-Anh Bằng (Chuyện hoa sim)
-Duy Khánh (Màu tím hoa sim)
-Song Ngọc (Màu tím hoa sim)
-Thu Hồ (*)
-Nguyễn Đăng Mừng (Tím cả chiều hoang)
-Trọng Khương (Màu tím hoa sim)
…
Và không biết có còn nhạc sĩ nào phổ bài thơ này nữa không?
Và xin hỏi: Tại sao bài thơ “Màu tím hoa sim” được ưu ái như vậy?
Và cũng xin thưa: Bài thơ hay và xúc động!
Tôi không đọc được nhiều thơ, truyện ngắn, truyện dài, phim… về chiến tranh. Nhưng lại thuộc được nhiều ca khúc viết về Chiến tranh.
Trước 75, nhạc sĩ miền Nam rất chịu chơi “không sợ mưa rơi”, nhưng chỉ sợ mưa đá, nên phổ bài thơ “Màu tím hoa sim” của tác giả “Bên thắng cuộc” từ bên kia sông Bến Hải. Và ca sĩ miền Nam cũng “chơi tuốt” những bài hát của phía bên kia thường được gọi là nhạc “tiền chiến”.
Theo cá nhân tôi, tôi cho rằng, “Màu tím hoa sim” là một trong những bài thơ hay viết về sinh tử trong Chiến tranh Việt Nam, mặc dù cái chết của người em gái hậu phương trong “Màu tím ho sim” không phải chết vì bom đạn!
Như đã liệt kê những nhạc sĩ đã phổ bài thơ “Màu tím hoa sin”, nhưng chỉ có hai bài nổi tiếng, đứng được với thời gian là: “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy) và “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh.
Nếu đem nhạc sĩ Dzũng Chinh so với nhạc sĩ Phạm Duy, thì Dzũng Chinh chỉ là… đệ tử trong sáng tác và nhạc phổ thơ! Nhưng nói riêng về phổ thơ bài “Màu tím hoa sim” thì có lẽ bài “Những dồi hoa sim” của Dzũng Chinh sẽ lội ngược dòng về đích trước so với “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy? Tại sao?
Tại vì “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh mang giai điệu Boléro, dễ hát đễ thuộc, nó ra đời đúng thời cơ, đúng giai đoạn mà Boléro đã đi vào từng bữa ăn giấc ngủ của đồng bào miền Nam, lấy thời gian trung bình là 1964.
Hơn nữa, những tình khúc đẫm lệ, những chuyện tình lãng mạn, những sống chết trong chiến tranh… chỉ có Boléro, trong giới hạn một bài hát, mới diễn tả trọn vẹn cốt chuyện, khung cảnh, thời gian, không gian, như “Đồi thông hai mộ”, “Chuyện tình Lan và Điệp. “Hàn Mặc Tử”, v.v…
Tôi có nghe nói lại rằng: Sau 1975, nhà thơ Hữu Loan có vào Saigon, người ta đã cho ông nghe tất cả những bài hát phổ thơ “Màu tím hoa sim”… nhưng cuối cùng ông ngậm ngùi khi nghe đến “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh!
Và cũng nói không ngoa rằng: Dzũng Chinh trở thành nhạc sĩ, và người ta suy tôn ông cũng chỉ vì “Những đồi hoa sim”:
“… Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa
Nàng yêu hoa sim tím
Khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến
Ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay
Từ nơi chiến trường Đông Bắc đó
Lần ghé về thăm xóm
Hoàng hôn tắt sau đồi…”
Cuộc chiến ngút ngàn khói lửa, binh đao, lằn tên mủi đạn, bầm dập, tả tơi… đi qua cuộc đời lính chiến nhưng không chết, mà lại chết:
“… Để không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái hậu phương
Tuổi xuân thì…”
Đau!
Và trong Chiến tranh, dù ai chết ngoài tiền tuyến hay ở hậu phương… cũng là chết:
“… Khói buốt bên hương tàn nghi ngút
Trên mộ đầy cỏ vàng
Mà đường về thênh thang
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ
Giờ thiếu người xưa ấy
Đồi hoang mới tiêu điều…”
Được biết Việt Nam có nhiều cuộc thi, và những ngày kỷ niệm. Nay đề nghị xin thêm vào cuộc thi “NHẠC PHỔ THƠ” và kỷ miện ngày “THƠ PHỔ NHẠC”.
Đề nghị này nghe cũng có lý, phải không các bạn?
TRẦN HỮU NGƯ
(Một ngày, nhớ Dzũng Chinh, Phan Rang, Phan Thiết)
(*) Riêng nhạc sĩ Thu Hồ thì tôi tìm chưa ra, được biết, ông cũng có phổ bài thơ Màu tím hoa sim, nhưng không biết ông lấy tựa là gì? Trên mạng đã viết sai, nhạc phẩm “Tím cả rừng chiều” của Thu Hồ là một bài rất nổi tiếng của ông từ năm 1957 (?) chớ không phải phổ thơ “Màu tím hoa sim”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét