CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

MỘT GÓC TRỜI QUÊ : NGUYỆT CẦM RÉO RẮT HAI DÂY




MỘT GÓC TRỜI QUÊ-NGUYỆT CẦM RÉO RẮT HAI DÂY

Lúc nhỏ, khi lên Sài Gòn học cấp II tôi được 12 tuổi. Tôi mê tân nhạc lẫn cổ nhạc. Ghi ta thùng tôi tự học, trình độ chỉ... tự đệm đàn cho mình ca thôi, và nói như sau này có karaoke, tôi hát thì được máy chấm... bạn là ca sĩ. Còn cổ nhạc, tôi được một người kế bên nhà, cùng quê mà không hiểu sao tôi gọi là cậu Chín Mạnh dạy đàn và dạy ca. Tôi học một lần cả đàn vọng cổ và ca 6 câu vọng cổ. Hồi đó Ba tôi rất khó nên việc đi học đàn và ca tôi phải lén đi nên học bữa đực bữa cái. Đàn tôi học cũng khá nhưng tôi ca khá hơn. Giọng rất mùi mà cũng rất chắc nhịp. Thầy dạy tôi đàn và ca thường dẫn tôi đi ca tài tử vào dịp cuối tuần. Trong những buổi đàn ca tài tử hối ấy ở Q4 tôi là người nhỏ tuổi nhất, lại ca vọng cổ 6 câu, bài bản vắn 3 nam 6 bắc rất bài bản, nhịp nhàng đàng hoàng nên rất được người lớn yêu mến, không chỉ khen tặng mà còn cho.... kẹo bánh ăn mệt xỉu.
Nghỉ hè về quê 3 tháng, năm nào cũng thế, là thời gian tôi được tự do. Ngoài những thú vui đồng quê: cắm câu, soi cá, săn chuột, đào dế...những đêm có trăng tôi được mấy anh, ông chú, ông dượng trong nhóm đàn ca tài tử dẫn đi giao lưu, đám tiệc có đàn ca tài tử. Thế là tôi... nổi tiếng như một thần đồng, có tương lai trở thành... kép hát cải lương và đi theo một đoàn cải lương nào đó theo như nhiều người suy đoán. Nhưng suy đoán sai bét hết, tôi trở thành... nhà văn, nhà báo khi tuổi còn rất trẻ. Đó là năm tôi mới 19 tuổi. Làm ở mấy tờ báo lớn và có sách phát hành ra thị trường. Truyện dài đầu tay của tôi là Huyền Xưa, Tập thơ đầu tay của tôi là Thơ Hồng, Khi Bỏ Trường Mà Đi.
Hồi đó, khi đi giao lưu đàn ca tài tử ở quê khi nghỉ hè tôi thường ca với chú Ba De (đàn Ghi ta phím lõm), chú Sáu Chinh (đàn Kìm). Chú Sáu Chinh bình thường đàn đã mùi, có vài ly rượu đế vô đàn càng mùi hơn nên chủ nhà, chủ tiệc mời đàn ca tài tử đến chơi thường để trước mặt chú Sàu Chinh xị rượu đế, mỗi lần chú Sáu Chinh rót rượu đế ra cái ly nhỏ, uống "trốc" một cái gọi là "xé lỗ tai", chú càng hứng chí, bấm phím đàn Kìm, chạy chữ mùi tận đỉnh mây xanh. Tôi thường được chú Sáu Chinh giục khi "trốc" xong ly rượu đế gọi là "xé lỗ tai": Vô sáu câu đi mày! Thế là chú "rao" thật mùi mẫn rồi nhịp song lang cái "cốc" cho tôi vô 6 câu.
Tôi mê tiếng đàn Kìm mùi mẫn của chú Sáu Chinh tới bây giờ. Mặc dù sau này lớn lên, tôi đã biết và nghe tiếng đàn Kìm của nghệ sĩ Năm Cơ, Văn Giỏi, Ba Tu... nhưng không hiểu sao tôi nhớ và thích tiếng đàn Kìm của chú Sáu Chinh đàn cho tôi ca hơn. Có lẽ đó là tiếng đàn Kìm đã ăn sâu vào ký ức, kỷ niệm đẹp của tuổi thơ tôi. Những chữ đàn của chú Sáu Chinh nhấn nhá rất điêu luyện, rất mùi và thật sự là ngón đàn Kìm tài hoa mặc dù chú Sáu Chinh chỉ là một ngông dân bình thường và chú chỉ đàn ca tài tử chứ không chuyên nghiệp.
Sau năm 1975 tôi về quê , có ý đi tìm lại chú Sáu Chinh nhưng tiếc rằng chú đã mất. Ngón đàn Kìm của chú không biết có truyền lại cho ai không. Nếu nó cũng mất đi theo chú thì quả thật đáng tiếc. Đáng tiếc hơn ngày về tìm thăm chú tôi cũng có ý định nhờ chú truyền lại cho tôi ngón đàn Kìm lãng tử này, nhưng chú đã không còn nữa.
Trong những loại nhạc cụ cổ truyền của VN có hai loại đàn độc đáo nhất, ít dây nhất, nhưng đàn lại nghe rất mùi mẫn, nhiều cung bậc, đa dạng, âm sắc thăng trầm. Đó là đàn Bầu và đàn Kìm (Nguyệt Cầm). Đàn Bầu chỉ có 1 dây, đàn Kìm 2 dây. Nhưng đàn Bầu thì sầu não quá, đàn Kìm buồn thôi không đến mức não nề. Nhưng đàn Kìm còn thêm sự lãng tử ở cung bậc, chữ đàn và người đàn. Tới bây giờ tôi vẫn muốn học đàn Kìm, có lẽ tôi sẽ trải nghiệm bằng cách mua đàn và tự học. Bởi đàn Kìm ngoài tên Nguyệt Cầm còn một tên khác nữa cũng khá thú vị, đó là Quân Tử Cầm.


TỪ KẾ TƯỜNG


 

Không có nhận xét nào: