MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CÂU RÊ
Ở quê tôi trước đây nam nữ thanh niên tới tuổi yêu đương hẹn hò, tán tỉnh nhau thường có một cách gọi ví von là anh đó đang “câu dầm” hay “câu rê” cô nọ, cô kia. “Câu dầm” ý nói là tán tỉnh ngầm, lâu dài, áp dụng chiến lược “ăn chắc, mặc bền”. Còn “Câu rê” là bề nổi, công khai, đeo đuổi, áp dụng chiến thuật kéo rê làm mổi nhử để cá nhanh chóng cắn câu. Từ cách gọi này ta hình dung ra anh câu cá, nếu “Câu dầm” thì thả mồi ngầm, sâu tận đáy và thường thì bỏ câu qua đêm sáng hôm sau mới đi thăm.
Còn “Câu rê” thì phải câu vào ban ngày, cần câu dài, sợi dây câu cũng dài để quăng ra xa rồi kéo lưỡi câu đã móc cục mồi trở về nhưng không để cục mồi chìm mà phải nổi trên mặt nước tạo sự chú ý của cá. Với cách câu này, con cá chạy đuổi theo cục mồi để táp, khi đó người câu giật mạnh cần về phía sau, cá sẽ dính câu. Bây giờ, câu rê rất phù hợp với loại cần câu máy. Nhưng ngày xưa làm gì có cần câu máy, người ta dùng cây tre bằng cổ tay, uốn nắn tuỳ ý để làm cần câu, một cuộn dây câu đủ dài quấn vào cái lon sữa bò, quăng ra thu về bằng cách kéo rê lưỡi câu móc sẵn cục mồi trên mặt nước canh me con cá đuổi theo táp mồi thì giật. Câu rê chỉ câu độc nhất một loại cá, đó là cá lóc thích ăn mồi nhái.
Khi trời còn mưa “dào dẫn”, lúa cấy đã lên xanh bạt ngàn, những bụi lúa đã bung ra, tép lúa mẩy, lá sum sê dày bịt lả ngọn rào rào theo từng cơn gió sớm là lúc mùa câu rê tới. Dân câu rê chuẩn bị dụng cụ hành nghề rất đơn giản: một cây trúc già làm cần câu to cỡ cườm tay, dài 4-5 m, ngọn nhỏ, uốn cong, dẻo và chắc, thân cần thẳng tắp, ở gốc cần lắp cái chân đế bằng đoạn tre mạnh tông dài cở 4 tấc làm điểm tựa đặt vào bắp đùi người đi câu. Dây cước dùng để câu rê sợi to hơn loại câu cá rô, dài 15-20 m, cột lưỡi câu to “đặc chủng” uốn cong vào thân lưỡi có ngạnh bén và sâu.
Cột lưỡi câu rê là cả một nghệ thuật và dày dạn kinh nghiệm trong nghề của dân câu mới không để lười câu và mồi vướng lúa, hoặc khi cá ăn giật không sẩy con nào. Muốn được như vậy, dân câu dày dạn kinh nghiệm tự mình sáng tạo ra thêm một vài chi tiết như cục chì dằn lưỡi, cái phao nối từ con mồi tới điểm cột lưỡi câu để khi “rê” dây câu chạy theo đường thẳng đứng dọc theo ngọn lúa, góc nghiêng từ lưỡi câu tới ngọn cần phải là một góc 30o và tránh được chướng ngại vật, chủ yếu không để lưỡi câu vướng lúa, gỡ tới gỡ lui con nhài mồi sẽ “hôi ê”, cá lóc chê không thèm đụng tới là coi như phí công cho một buổi đi câu.
Câu rê thường vào lúc sáng sớm sương chưa tan trên cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Dân câu rê vác cần, mang giỏ ra ruộng, nếu không chuẩn bị được mồi nhái soi hồi đêm thì khi ra ruộng có thể đi dọc theo bờ đê giậm cỏ tìm bắt những chú nhái mồi cỡ ngón tay cái, loại nhái mà cá lóc rất mê. Có cách bắt nhái “ bá phát”, không sẩy con nào là chân cứ giậm trên bờ cỏ, những chú nhái nấp trong cỏ sẽ phóng xuống ruộng nghe “chủm” một tiếng, mắt luôn quan sát tìm điểm rơi của chú nhái rồi nhẹ chân bước xuống xòe bàn tay úm chú nhái vừa phóng xuống còn để lại một khoảng nước đục là mười con không sẩy một.
Nhái làm mồi câu rê bắt khoảng chục con là đủ cho một buổi câu. Và dân câu rê thiện nghệ trong một buổi câu từ lúc sáng tinh sương đến khi nắng lên chói mắt khoảng 2-3 tiếng đồng hồ giỏi lắm cũng chỉ “rê” được chục con cá lóc là hết giá. Nhưng thường thì chỉ được vài con cũng được xếp vào hàng top những tay “sát cá”.
Dân câu rê có lối phục trang riêng, nhìn là biết liền. Áo sơ mi dài tay, quần tây lở gối, trên đầu luôn có chiếc nón lá che nắng hoặc loại nón rộng vành. Vai vác cây cần câu rê dài ngoằng, chiếc giỏ giảng đựng cá đeo bên hông, mặt mày rám nắng. Xem thế nhưng người đi câu rê phải có một đức tính kiên nhẫn “siêu bền” thì mới thành công chứ dân láu táu sẽ thất bại trăm lần xuất quân như một vì để “rê” được một con cá lóc không phải dễ, có khi dân câu phải thi chí nhẫn nại với chú cá lóc cả giờ đồng hồ hoặc hơn thế nữa. Ở trường hợp này thì kết quả thắng cuộc luôn dành cho người bền chí hơn. Bởi thế nên nhân gian đã ví von việc một chàng trai nào đó đang “tán đào” là…câu rê, quả thật không ngoa.
Câu rê là một thú vui rất hấp dẫn của trẻ con lẫn người lớn nơi đồng ruộng, miệt vườn. Đồng thời đây cũng là một cách bắt cá dạng tài tử, ít nặng nhọc vì không phải lội bùn mà dân câu chỉ đứng trên bờ đê, chỉ cần có kinh nghiệm và con mắt quan sát “dự đoán” thửa ruộng nào trong các cánh đông mênh mông bát ngát ấy là nơi để “thả câu, rê cá” mà không thất bại. Khi đã chấm được điểm, dân câu thò tay vào giỏ bắt chú nhái sống móc một phát từ miệng nhái vòng ra sau, nghệ thuật là làm sao cho tay chân chú nhái còn nguyên vẹn để khi rê lưỡi câu, con cá lóc vẫn lầm tưởng chú nhái còn sống và đang bơi trên mặt nước, vì cá lóc chỉ ăn nhái sống ( mồi chạy ). Mũi lưỡi câu lúc này được “ngụy trang” rất khéo bằng một đoạn rỗng của thân lúa tới điểm cột lưỡi câu, mục đích của việc ngụy trang là “giấu lưỡi câu” không cho cá thấy mà chỉ tập trung thấy con nhái mồi, nhưng đồng thời cũng để lưỡi câu không bị vướng lúa trong khi mồi được kéo rê trên mặt nước.
Móc mồi xong, người câu rê nhấc cần đặt bàn đế tựa lên ắp đùi, tay trái giữ cần thẳng đứng, tay phải quây dây câu lấy trớn. Khi đủ trớn người đi câu thực hiện cùng lúc hai động tác cho thật nhịp nhàng, táy trái vừa hạ mũi cần thấp, tay phái dùng lực quăng lưỡi câu và mồi ra phía trước, càng xa càng tốt rồi ngả người ra sau dùng sức kéo rê lưỡi câu sao cho con nhái mồi chạy đều trên mặt nước ở tốc độ chậm vừa phải. Nếu gặp may, con cá lóc nào đó đang đói mồi, háu ăn, thì từ vòng rê đầu tiên chú cá đã đớp mồi nghe “phập” một tiếng rõ to, người đi câu có kinh nghiệm nghe tiếng “phập” này sẽ biết con cá lóc ăn thật hay ăn giả, nếu ăn giả thì không giật, bởi giật mạnh thì sẽ mất oan con nhái mồi.
Nếu cá ăn thật thì phải chúc mũi cần câu xuống thấp, ngả hết người ra sau lấy trớn giật thật mạnh. Cảm giác của dân câu khi giật được chú cá lóc đồng to, bụng trắng, đang giẫy giụa trên dây câu đang được thu ngắn dần khoảng cách để bàn tay “ngư ông” túm gọn cho vào giỏ thì không có sự sung sướng, hồi hộp nào bằng. Nhưng thường thì có khi phải đứng hàng giờ mới có con cá lóc đớp mồi, gặp một chú cá lóc tinh ranh lại phải mất thời gian nhiều hơn để “dụ” nó mắc bẫy. Cái thú của dân câu rê là càng mất nhiều thời gian thì luôn luôn được cá lớn. Bởi cá lớn bao giờ cũng khó câu.
Bây giờ dân câu thời hiện đại không dùng cần câu trúc “truyền thống” để câu rê nữa mà chơi cần câu máy. Một cây cần câu máy giá trên triệu bạc hoặc vài triệu là chuyện bình thường. Rê cần câu máy ít nhọc sức hơn, nhưng cảm giác được cá lại không hấp dẫn, hồi hộp hơn bởi động tác giật, thu cước về bắt cá chỉ quây máy cái rẹt là xong. Trong khi cần câu bằng tre, trúc “truyền thống” thì phải kết hợp nhiều động tác nhịp nhàng, thời gian chậm, cảm giác vì thế mà có cao trào, kịch tính hơn. Và một điều nữa, thú vui câu rê ngày mai một dần do đồng ruộng ngày bị thu hẹp, môi trường thiên nhiên không còn nhiều cá lóc đồng như trước đây nữa.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét