CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

MÙA ĐÔNG CUỐI ĐÃ VỀ - TRẦN HỮU NGƯ

 



MÙA ĐÔNG CUỐI ĐÃ VỀ
Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… Mùa Đông là mùa cuối cùng trong bốn mùa.
Nhạc viết về mùa Đông ít hơn nhạc Xuân, Hạ, Thu. Và trong số những nhạc sĩ miền Nam không phải nhạc sĩ nào cũng viết được nhạc mùa Đông.
Trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi, tôi chỉ nhớ:
-Mùa đông binh sĩ (MĐBS-Phan Huỳnh Điểu)
-Đêm đông (ĐĐ-Nguyễn Văn Thương)
-Chiều đông (CĐ-Phạm Duy-Cung Trầm Tưởng)
-Sầu đông (SĐ-Khánh Băng)
-Ngụ ngôn mùa đông (NNM Đ-Trịnh Công Sơn)
-Sương lạnh chiều đông (SLCĐ-Mạnh Phát)
-Một chiều đông (MCĐ-Tuấn Khanh)
-Mùa đông của anh (MĐCAN-Trần Thiện Thanh)
-Nỗi nhớ mùa đông (NNMĐ-Phú Quang-Thảo Phương).
Và tôi biết còn có vài mươi bài viết về mùa đông của những nhạc sĩ đổi đời sau 1975, nhưng những bài hát về mùa đông này là “rét đậm, rét hại”, nên tôi không nhắc để nhớ trong bài viết ngắn này.
1-MÙA ĐÔNG BINH SĨ (MĐBS - Phan Huỳnh Điểu)
Trước khi vào nhạc mùa đông đã nêu trên, cá nhân tôi, tôi xin ghi lại như sau:
-MĐBS được hát vang trong thời kháng chiến. Sau 1954, miền Nam cũng hát bài hát này (họ qua mắt chính quyền bằng cách đó là những bài nhạc tiền chiến), nhưng sau 1954, miền Bắc cấm hát nhạc phẩm này (?):
“… Ca khúc MĐBS được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết từ mùa đông năm 1946. Những ca từ trong bài hát này đầy bi thương ai oán, êm đưa trong giai điệu Lento Gamme La Thứ-vốn là Gamme buồn-làm cho bài hát càng buồn thêm.
Hỏi:
-MĐBS buồn đến như vậy, làm sao bộ đội đánh Tây?
Phan Huỳnh Điểu:
-Các bà mẹ hậu phương bảo phải viết sự thật như thế, dùng nó để vận động đồng bào quyên góp ủy lạo chiến sĩ. Mà tôi đâu có cường điệu? (Ông thoáng buồn…)
Năm mươi năm đã đi qua, MĐBS cũng đã đi qua…, bây giờ nó nằm ở đâu, ai hát? Và từ năm 1975 đến nay MĐBS đã mất tích mặc dù bản nhạc được in trang trọng trong quyển sách THUYỀN VÀ BIỂN, nói về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều.
“… Miền sơn cước gập ghềnh gió ào ào
Muôn quân Nam ngoài mưa gió thét gào
Đường đi đầy cheo leo bên núi cao
vang tiếng hò giữa mưa đông
Trời rét toán quân binh không ngại ngùng cơn gió bão tê tái lòng…”
(Trích trong Tùy bút NHỮNG BÀI CA ĐI QUA TÔI TRONG CHIẾN TRANH-Trần Hữu Ngư).
2-ĐÊM ĐÔNG (ĐĐ - Nguyễn Văn Thương):
“… Có một số ca khúc viết về mùa đông, nhưng riêng ĐĐ, một bài hát đẹp về ca từ lẫn giai điệu, hay đến nỗi mà người ta quên hết những bài hát khác của ông, chỉ cần ĐĐ là đủ nhớ Nguyễn Văn Thương. Cũng cần nhắc lại rằng khi ĐĐ ra đời, khoảng thời gian 1943, mang giai điệu Tango, nhưng ca sĩ Bạch Yến khi hát đã đổi sang Slow Rock. (Thời ấy chỉ có Fox Trot, Valse, Tango, Boston, sau năm 1950 mới có Slow Rock và các nhịp điệu khác). Mãi cho đến năm 1982, NS Nguyễn Văn Thương mới gặp ca sĩ Bạch Yến tại Pháp, người ca sĩ đã làm hàng triệu trái tim ngây ngất vì ĐĐ.
Ca sĩ Bạch Yến đã xin lỗi tác giả ĐĐ, vì chưa được phép mà “dám chơi” ĐĐ bằng Slow Rock. Nhưng NS Nguyễn Văn Thương đã tha lỗi cho ca sĩ Bạch Yến, một thứ “lỗi” mà chính tác giả cảm thấy hài lòng!
Nhắc lại việc này, để thấy rằng bài hát hay không chỉ đẹp ở ca từ mà phải tốt cả về giai điệu:
“…Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cụm mây xám về ngang lưng trời…”
Nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng có nhiều gió. Nhưng riêng nhạc phẩm ĐĐ đã tràn ngập gió. Gió và gió được “thổi” vào những nốt nhạc “móc đôi”, và cũng chính gió đã làm ĐĐ bất hủ với thời gian:
“… Gió nghiêng chiều say
Gió lay ngàn cây
Gió nâng thuyền mây
Gió gieo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miêm…”
(Trích trong Tùy bút NHỮNG BÀI CA ĐI QUA TÔI TRONG CHIẾN TRANH)
3-CHIỀU ĐÔNG (CĐ - Phạm Duy-Cung Trầm Tưởng):
Một bài hát rất ít người biết. Đây là ca khúc phổ thơ mà những “nhạc sĩ thích phổ thơ” phải kêu là “Sự phụ”:
“… Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Ngày đi tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Phường xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh núi non vọng ầm
Nhà ga dột mái lâm râm
Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào
Một mình tôi với tuyết non cao
Với cồn phố tịnh buốt vào thịt da…”
4-SẦU ĐÔNG (SĐ - Khánh Băng):
Một ca khúc gắn liền với Hùng Cường:
“… Chiều nay gió đông về
Dừng chân trên bến xưa
Đời trai gió sương
Về thăm cố hương tìm bao nhớ thương
Mà sao phố phường vắng
Tình sầu lạnh buốt đêm trường…”
5-NGỤ NGÔN MÙA ĐÔNG (NNMĐ - Trịnh Công Sơn):
Bài hát NNMĐ trong toàn tập ca khúc phản chiến, thân phận, tình yêu… do Khánh Ly ca, bài ca của những mùa đông chiến tranh:
“… Một ngày mùa đông
Một người Việt Nam
Ra bên giòng sông
Nhớ về cội nguồn
Nhớ về đoạn đường
Từ đó ra đi
Nhớ về biển rộng
Thuyền ghe lướt sóng
Nhớ về nghìn trùng
Nòi giống của chim
Một ngày muà đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…”
6-SƯƠNG LẠNH CHIỀU ĐÔNG (SLCĐ - Mạnh Phát):
SLCĐ được Mạnh Phát viết từ năm 1950, nhưng mãi đến 10 năm sau 1960, nhạc phẩm này mới được phổ biến rộng rãi qua các đài Phát thanh:
“… Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở
Của người nguyện đợi chờ
Nghẹn ngào giờ tiễn đưa
Chợt thấy lòng như rớt giữa hư vô
Đưa tiễn nhau đi ngại những đêm mưa…”
(Rất tiếc, bây giờ có nhiều ca sĩ hát không tới, sai Ton trong hai câu: “Của người nguyện đợi chờ/ Nghẹn ngào giờ tiễn đưa”, đã làm bài hát “sượng”!
7-MỘT CHIỀU ĐÔNG (MCĐ - Tuấn Khanh):
Việt Nam có tới hai nhạc sĩ Tuấn Khanh. Xin thế hệ nhạc sĩ sau đừng trùng tên với Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… nhé!
MCĐ của Tuấn Khanh (có tóc):
“… Dù mai anh đưa em về
nơi không mái tranh xa xôi lạnh lùng
Một đêm có ánh sao trời cao tim nao nao
Đường về xôn xao
Rồi mai đây ai đưa em về nơi ấm êm trăng soi đầy thềm
Nhìn nhau khẽ nói câu:
Thời gian trôi qua mau không phi lạt nhau…”
8-MÙA ĐÔNG CỦA ANH (MĐCA - Trần Thiện Thanh):
MĐCA được Trần Thiện Thanh viết năm 1971.
Trần Thiện Thanh có cái lợi thế của anh: Anh là ca sĩ, nên nhạc anh anh hát, cũng như Duy Khánh, hai người này vừa là nhạc sĩ vùa là ca sĩ, rất thành công ở hai lĩnh vực này.
“… Ngày nào anh yêu em
Anh đã quên trong cay đắng tuyệt vời
Ngày nào em yêu anh
Em hãy quên với trời hạnh phúc mới
Em ơi đông lại về từ trăm năm lạnh giá
Tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó
Em nghe không
Mùa đông mùa đông…”
9-NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG (NNMĐ - Phú Quang-Thảo Phương):
MNMĐ, nhạc Phú Quang, thơ Phương Thảo, một thời làm rung động những trái tim yêu Hanoi:
“… Dường như ai đi ngang cửa
Gío mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi
Làm sao về được mùa đông
Giòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về…”
Chín bài hát về mùa đông, theo quan niệm dân gian con số 9 là số đẹp!
Tôi viết bài này:
-Dường như mùa đông đã về.


TRẦN HỮU NGƯ
(Xóm Gà Giadinh, 12.11.2024)

Không có nhận xét nào: