CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

NỖI NIỀM NHẠC CŨ - TRẦN HŨU NGƯ

 


NỖI NIỀM NHẠC CŨ
-Nhạc cũ, có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới không?
Từ năm 1938 đến năm 1975 là 37 năm, nền âm nhạc Việt Nam đã đi một chặng đường khá dài, cũng đã hơn nửa đời người! Và những ca khúc viết trong thời gian này được gọi một cái tên quen thuộc là “nhạc cũ”.
Nhưng nhạc cũ tôi muốn nói ở đây là những bài nhạc viết từ năm 1954 đến 1975 ở miền Nam. Còn nhạc được gọi là “Tiền-chiến” thì có từ 1950 trở về trước? Nhưng nhạc “Tiền-chiến” thì chỉ có ở miền Bắc. Cho đến nay chữ “nhạc Tiền-chiến” có không ít nhạc sĩ kể cả hai miền Nam-Bắc chưa không nhận đúng tên gọi này. Đại khái rằng: “Tiền-chiến” là trước Chiến-tranh, nhưng trước Chiến-tranh nào? Vì Việt-Nam có rất nhiều cuộc Chiến-tranh. (Theo nhận định của nhạc sĩ Việt Lang- ông nổi tiếng trong ca khúc “Tình quê hương” và nhạc sĩ Tô Hải cũng đồng quan điểm này, ông nói, ông chỉ có tình ca trong kháng chiến, chứ không có nhạc tiền chiến. Chỉ riêng nhạc sĩ Lê Thương là ông xác nhận chữ “tiền chiến”)
Trong âm nhạc, từ “nhạc cũ” là chỉ để chỉ những bài hát viết đã lâu, chớ âm nhạc dứt-khoát là không có bài mới, bài cũ, mà chỉ có bài hay và dở.
Bài hát mới được viết ra, nếu hay thì được người nghe nồng-nhiệt đón nhận, còn dở thì nghe qua một lần rồi… bỏ! Bài hát khác thơ, văn, truyện, ở chỗ là chỉ nghe thôi, mà không phải đọc…, đọc một ngày chưa hết, thì ngày sau đọc tiếp, có đôi khi ban đầu chưa hiểu được, đọc một vài lần sau, hoặc có khi vài năm sau người ta mới thấy… hay? Còn bài hát thì ngược lại, nghe qua một lần là biết. Cũng có một vài trường hợp bài hát mang màu sắc triết-lý, dù hay, nhưng người bình-dân ít học không hiểu, thì đành chịu chớ không dám chê dở! (Như người ít học thì không hiểu “Giọt mưa trên lá” của Phạm Duy, “Ngọc Lan” của Dương Thiệu Tước và “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn)…
Tôi thuộc thế hệ già nua, không nghe được nhạc mới, còn người trí thức trẻ ngày nay không biết có nghe được nhạc cũ không? Nếu cần, thì phải có một nghiên-cứu, một luận-án, một cuộc điều-tra, tìm xem nhạc cũ có phải là thứ nhạc nó lỗi-thời chăng, hay một lý do nào khác mà ngày nay “không có con đường âm nhạc dành cho nhạc cũ?”.
Còn riêng cá nhân tôi, không nghe được nhạc mới của một số nhạc sĩ mới vì… theo tôi, bài hát quá dở, còn người khác thì cho là hay, bởi họ chạy theo một thứ văn hóa mà riêng tôi, tôi gọi là VĂN HÓA HÙA, và tự đặt là “Văn hóa Hùa phi vật thể”, cũng vì dở mà cho là hay, nên tác giả và bài hát sống được, sống khỏe!
Cố gắng nghe, nhưng nghe không biết họ viết về cái gì, không để lại một ấn tượng gì, mà câu từ chỉ là một bài văn cấp hai, một bài thơ “Câu-lạc-bộ” (xin lỗi), nghĩa là nghe xong một bài hát rồi… trớt quớt!
Tôi thường viết “cảm nhận về nhạc”, có đôi khi thật lòng tôi muốn viết về một bài hát mới, nhưng “can-đảm” lắm tôi mới nghe hết một bài hát mới, của nhạc sĩ mới. Nghe nhạc, mà phải “can-đảm” thì còn khó hơn… đánh giặc!
Tôi nghe nhạc cũ như nghe “một nỗi niềm”, nghe những chan-chứa yêu thương ùa về, nghe những khắc-khoải sầu đưa, nghe nhạc cũ như nghe một kỷ-niệm, những ấp-ủ được mở ra… Nhạc cũ nhiều quá, tôi xin mượn bài hát “Kỷ niệm xa rồi” của Nguyễn-Hữu-Thiết, để nghe, như nghe một nỗi niềm, nghe-kỷ-niệm (Nguyễn Hữu Thiết thành công ở hai phương diện Nhạc sĩ và Ca sĩ):
“… Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như giòng nước trôi
Còn tìm đâu giây phút bên nhau
Nhìn trăng lên trong những đêm thâu
Gửi tâm tư cho mây cùng gió
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Để xao xuyến cho tình lứa đôi
Còn tìm đâu tiếng sóng rung rinh
Nhìn biển khơi trăng nước lung linh
Đời phơi phới biết bao mộng xinh
Đêm nay gió về làm buốt giá cung đàn
Chạnh lòng tôi thêm bâng khuâng
Nhớ ai phương trời xa
Luyến lưu bao ngày qua
Kỷ niệm ôi thiết tha!
Như tình trăng với sao
Mà nay biết tìm đâu?
Kỷ niệm ấy hôn nay xa rồi
Đành ôm ấp để lòng biết thôi
Đàn lên đi cho nhớ thương nguôi
Cười lên đi cho thắm đôi môi
Đời còn bao nhiêu mộng đẹp tươi…”
Khi nghe lại nhạc cũ, cho tôi nhiều kỷ niệm thương nhớ khôn nguôi. Nhạc cũ nó ở trong tim thế-hệ từ trẻ cho đến già trước 1975. Nhạc được giữ lại trong những băng dĩa cũ, còn đâu đó rất nhiều ở miền Nam, ở nước ngoài. Những người xa quê hương, họ mang theo để nghe, để nhớ đất nước và con người Việt-Nam.
Nếu không chọn-lọc cho hát lại nhạc cũ, thì chắc chắn rằng vài mươi năm sau nữa, nhạc cũ sẽ biến mất, và những người trẻ sau này nghe nhạc mới, của nhạc sĩ mới cứ tưởng rằng nhạc Việt-Nam chỉ có vậy, thôi sao, sao nghèo nàn thế và eo-sèo đến thế? Những ca từ hời-hợt, những triết-lý làm dáng trí thức, có đôi khi vô duyên… được gắn vào nốt nhạc cao thấp, phân nhịp, thế là thành một bài hát, vì “bài hát đâu chỉ là những nốt nhạc ?”.
Viết một bài hát hay đâu có dễ? Tôi đã từng phỏng vấn nhạc sĩ Lê-Hoàng-Long về bài “Gợi giấc mơ xưa”. Hỏi rằng, anh viết “Gợi giấc mơ xưa” hay quá, sao anh không viết tiếp? Anh trả lời rằng: Anh có viết tiếp, nhưng những bài sau này dở quá, nên đã giết chết bài trước… Tôi cũng thành thật nói với anh rằng: Không phải bài sau nó dở nên giết chết bài trước, mà nó làm “mất giá” nhạc sĩ. Thà chỉ một bài để đời, chỉ một bài cũng trở thành nhạc sĩ như: Gái xuân (Từ-Vũ), Trăng mờ bên suối (Lê-Mộng-Nguyên), Đường chiều (Hồng-Duyệt), Trăng Phương Nam (Anh-Hoa), Đường về Sài-thành (Hoàng-Khải)… Và một số nhạc sĩ khác, mỗi người chỉ có một bài, mà tôi không thể nhớ hết.
Khi nghe nhạc cũ, thoáng trong tôi những bâng khuâng, có khi rưng-rưng nước mắt. Nhạc cũ ra đời cách đây đã bảy, tám chục năm, nhưng nghe lại vẫn thấy như gần đâu đây.
Tôi nghĩ rằng, bài hát nào khi nghe lại, cho ta nhiều kỷ-niệm của tình yêu hợp-tan, damg-dở, tái hiện Chiến-tranh có sống, có chết…, không hư-cấu, không làm dáng, không bỗng dưng mà có…, thì đó mới là “Những bài ca không bao giờ quên”
Thú thật rằng, nghe nhạc mới của một số nhạc sĩ mới mà phải “can-đảm” thì tôi không can- đảm được, thà rằng “cam-lòng” nghe nhạc cũ.
Nhạc cũ, có những bài “không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, sao không được hát lại, tại sao?
Đó là một câu hỏi vô cùng thú vị, có dịp, tôi sẽ trở lại đề tài này!

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: