Ở MIỀN NAM CÓ MỘT NHẠC SĨ ĐỘC ĐÁO
Miền Nam trước 1975 có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, đã mang danh nhạc sĩ thì sáng tác bài nào cũng hay, trừ một vài nhạc sĩ sáng tác nhiều quá thì có lẫn nhạc dở!
Trong số các nhạc sĩ này, có một nhạc sĩ vô cùng độc đáo, nhạc anh được quần chúng hân hoan đón nhận những ca khúc dâng đời, những tình ca với những mối tình đượm hương, những nỗi buồn không tên, những tan hợp trong đau thương, những dằn vặt trong Chiến tranh, những thiết tha về đất nước con người, những rạng rỡ núi sông, những nông dân nhìn cây lúa lả lơi… Những bài hát này, ai cũng hát được, thuộc năm, mười bài hát của anh - một con số mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được - mặc dù anh đã có 200 bài hát, mà bài hát nào cũng hay! Đó là một con số có thật trong đời sống âm nhạc miền Nam, dù anh không có tượng đồng huy chương, không được báo chí tôn vinh, nhưng người nghe âm thầm ghi tên anh trong lòng đã là suy tôn anh rồi:
Đó là cố nhạc sĩ Lam Phương.
-Sinh năm 1937 tại Rạch Gía
-Mất năm 2020 tại Hoa Kỳ
-Nghề nhiệp: Nhạc sĩ
Bắt đầu sáng tác năm 17 tuổi (1955) với hai nhạc phẩm đầu tay nổi tiếng: “Chuyến đò vĩ tuyến” và “Kiếp nghèo”. Và kể từ đó, anh sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng, lấy con số tròn là 200 nhạc phẩm! Một con số, “có người không ưa”, nhưng phải ngước nhìn!
Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác rất đặc biệt, có thể nói là độc đáo:
1-MỘT CHUỖI NHẠC TÌNH:
-Tình anh lính chiến
-Tình bơ vơ
-Tình chết theo mùa đông
-Tình cố đô
-Tình đau
-Tình đầu muôn thuở
- Tình nồng Paris
-Tình mẹ
-Tình lặng lẽ
- Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi
- Tình vẫn chưa yên
-Tình thiên thu
- Tình người viễn xứ.
Trích một đoạn “Tình cố đô”:
“… Buồn nhìn về xa xăm Hanoi ơi đã xa cách rồi/ Mịt mùng ngàn trùng khơi thành phố cũ lắng sau núi đồi…”
2-MỘT CHUỖI NHẠC CHIỀU:
-Chiều hành quân
-Chiều hoang đảo
- Chiều tàn
- Chiều Tây Đô
- Chiều hoang vắng
-Chiều thu ấy.
Trích một đoạn “Chiều hành quân”:
“… Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi/ Nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay…”
3-MỘT CHUỖI NHẠC ĐÊM:
-Đêm buồn
- Đêm dài chiến tuyến
- Đêm tiền đồn.
Trích một đoạn “Đêm dài chiến tuyến”:
“… Một đêm dài nhớ em/ Một đêm dài trắng đêm/ Nhìn sao trời nhớ em/ Nhìn núi đồi thấy em/ Người anh yêu trọn đời…”
4-MỘT CHUỖI NHẠC KIẾP:
-Kiếp nghèo
- Kiếp Tha hương
- Kiếp phiêu bồng
- Kiếp ve sầu.
Trích một đoạn “Kiếp nghèo”:
“… Đường về đêm nay vắng tanh/ Dạt dào hạt mưa rớt nhanh/ Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi/ Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”
Khi ra nước ngoài sống cuộc đời lưu vong, Lam Phương vẫn tiếp tục viết nhạc, nhưng có lẽ cuộc đời anh đã thấm mệt, nên anh đã sáng tác một loạt bài mà cái tựa chỉ có một chữ, và cũng vì anh ngoài thấm mệt, lại cộng thêm đơn chiếc, sống một mình nữa, thế là một loạt bài “cô đơn” ra đời chỉ trong năm 1978.
5-MỘT CHUỖI TỰA ĐỀ “MỘT CHỮ”:
-Chờ
- Mất
-Lầm
- Mơ
- Say
- Tiếc
- Quên
- Thương (1981)
-Nhớ (1995).
Trích bài “Lầm”:
“… Anh đã lầm đưa em sang đây để đêm trường nghe tiếng thở dài/ Thà cuộc đời yên trong lòng đất/ Được trở về tiếng khóc ban sơ/ Hơn là mang kiếp mong chờ/ Anh đã lầm đưa em về đây/ Cho tâm hồn tan nát từng ngày/ Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí/ Dìu lòng người sang chốn đam mê/ Đưa anh vào khổ lụy hôm nay…”
Thương quá anh Lam Phương ơi! Những ngày xa xưa ở Việt Nam anh cũng đã khổ vì trong lúc hành quân nghe tin “người yêu” ở nhà bị người ta cướp mất (người đó cùng là nhạc sĩ với anh). Nhưng nhờ đó mà anh có một bài hát đã đi vào lòng người:
“… Về đâu em ơi lúc tình còn sâu/ Lúc hương trần đời vẫn chớ nhau giữa đêm thâu/ Về đâu khi em vẫn là nguồn sống/ Khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng/ Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi/ Nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay…” (Chiều hành quân)
Viết về anh, để nhớ anh đã cho đời những ca khúc khó quên.
Tiếc quá anh Lam Phương ơi, cuộc đời này ai cũng có lúc LẦM, nhưng riêng anh LẦM nghe nó đau:
-Thà cuộc đời nằm yên trong lòng đất…
Như anh đã viết trong nhạc phẩm LẦM.
Kết:
-Ở miền Nam có một nhạc sĩ độc đáo:
-LAM PHƯƠNG
TRANHUUNGU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét