NHỮNG CON ĐÒ QUÊ HƯƠNG
Một bài viết cũ, nhưng hôm nay Mùng Tám Tết, tình cờ đọc thấy bức hình dưới đây, ghi chú: Chợ Tết trong nạn đói năm 1945 của tác giả Thiên Mỹ (Trích trong tiểu thuyết “Ngẩng mặt thấy trời xanh).
Xin đăng lại bài này và có sửa chữa, bổ túc thêm những điều còn thiếu sót.
Sông, suối, hồ, ao, là nét đặc trưng của những làng quê ở thế kỷ 20.
Thôn làng, tỉnh thành nào có sông suối chảy qua, là nơi đó có một đời sống trù phú hơn. Nhưng ngày nay, ao hồ sông suối còn rất ít, vì đắp đập ngăn sông, cho nên hình ảnh những con đò quê hương đã không còn nữa. Ngày xưa, hai làng, hai xã chỉ cách nhau một con sông, qua lại, trao đổi phải dùng phương tiện chuyên chở bằng con đò. Gọi đò, chờ đò, là chuyện thường ngày ở bến đò.
Ngày nay, thay con đò là những chiếc cầu “nối những bờ vui”!
Tiếng Việt phong phú, đa nghĩa: Nhỏ là con đò, lớn một chút là ghe, lớn hơn ghe là thuyền, lớn hơn thuyền là tàu, và có một vật tròn dùng đánh bắt cá trên sông, biển, đưa người qua sông, đó là chiếc thúng chai. Tại sao là thúng chai? Đơn giản, thúng đan bằng tre và chống vô nước bằng cách trét chai (Một loại mủ của cây chò, nên mới đặt tên là thúng chai?).
Con đò quê hương không thể thiếu ở một nơi có sông rạch, nhưng ngày nay hình ảnh con đò dần dần biến mất vì người ta đã xây được cầu, và nếu còn đò thì cũng không ai dám chèo vì sông rạch bây giờ có vẽ hung hãn, dữ tợn hơn vì con sông muốn trả thù bàn tay tàn phá rừng của con người?
Con đò quê hương là đưa người ta sang sông:
-“… Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẳm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?…”
(Tống biệt hành của Thâm Tâm).
Nói về chèo đò thì có hai hạng người khác nhau. Hễ đàn ông đưa đò là ông lão, còn ngược lại nếu là đàn bà thì phải thiếu nữ, có lẽ một ông lão có sức khỏe bằng một cô thiếu nữ chăng? Một “Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ” (Hoàng Thi Thơ), một “Cô lái đò” (Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Nguyễn Bính), một “Đò chiều” (Trúc Phương), “Đôi mái chèo trăng” (Y vân), “Trăng rụng xuống cầu” Hoàng Thi Thơ… Nhưng “Ông lái đò” (Hiếu Nghĩa), “Con đò đưa xác” (Ngọc Bích)… lại là ông già!
Nhạc đưa đò còn nhiều, nhưng trong bài viết này, người viết chỉ nhắc đến hai nhạc phẩm “Ông lái đò” và “Con đò đưa xác”, hai hình ảnh trái ngược nhau: một đưa khách, một đưa xác.
Có thể nói “Ông lái đò” là một trường ca. Mở đầu là ngâm thơ:
“Tôi đã gặp một chiều trên bến nước…”.
-Đoạn giữa: “… Và cứ thế giòng đời trôi lặng lẽ…”.
-Đoạn cuối: “… Họ về đây bụi vươn mình trên nếp áo…”.
Một bài hát buồn thảm nỗi cô quạnh, cô đơn, nghèo khổ, mà ông lái đò chỉ muốn “cuộc đời xưa đen tối, xóa nhòa đi trong cùng tận đáy lòng”. Và ông trách người qua sông:
“… Khách qua đò ngày xưa hờ hững quá
Trả công ông để lại một vài xu
Họ với ông hai cảnh đời xa lạ
Sang sông rồi không một tiếng phân ưu…”.
(Tôi không có bản chính bài hát “Ông lái đò”, sao lại “Qua sông rồi không một tiếng “Phân ưu”? Tôi nghe một vài ca sĩ nhất là Hùng Cường cũng hát “Phân ưu” (Ca sĩ Hùng Cường hát bài này đạt yêu cầu). Sao lại “Phân ưu”? Cuộc đời ông lái đò có buồn thật, có nghèo thật, nhưng đâu đến nỗi phải phân ưu? Thường thì câu “Phân ưu” dùng cho người chết mà? Tìm bản nhạc gốc đăng trên mạng, đúng là “phân ưu”, nhưng “phân ưu” của nhạc sĩ Hiếu Nghĩa ở đây có phải là “chia sẻ nỗi buồn cùng với ông lái đò” chăng?
Những tài liệu để lại về nhạc sĩ Hiếu Nghĩa quá ít, chỉ một vài dòng ngắn gọn, nhưng tôi thấy có nói đến một nhạc phẩm nữa của ông viết trong thời kháng chiến chống Pháp, đó là “Chàng đi theo nước”, mà tôi đã biết hát từ cái thời còn rất nhỏ ở một vùng rừng núi, mà không biết tác giả, trong giai điệu rất chậm:
“… Chiều hôm ấy chàng bước chân đi
Theo hồn nước tình duyên nhớ chi
Bao lời nói lòng em vẫn ghi
Xuân về mai nở vàng ngoài sân mới về
Lòng em say vì nhớ đến chàng
Đang hiên ngang tung hoành trong khói súng…”
Hai nhạc phẩm “Ông lái đò” và “Chàng đi theo nước”, viết với gai điệu và ca từ dễ ca, dễ thuộc, xuất hiện trong lúc nền âm nhạc còn thiếu thốn mọi bề, chứng tỏ ông là một nhạc sĩ có tài. Riêng “Ông lái đò” đã được dựng thành nhạc kịch. Rồi tôi tìm… có thêm một thông tin hiếm hoi nữa:
-Nhạc sĩ Hiếu Nghĩa sau 1975 kiếm sống bằng nghề xe ôm để nuôi một vợ sáu con, và ông chết vì tại nạn xe… ôm!
Nghe vậy thì biết vậy, nhưng khó kiểm chứng được. Và nếu đây là sự thật, thì đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, nhưng không chết vì nhạc mà chết vì… xe ôm!
“Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa là… Nghề, còn “Con đò đưa xác” của Ngọc Bích là… Nghiệp.
Nhạc sĩ Ngọc Bích khá quen thuộc với công chúng miền Nam. Ông có viết chung với Phạm Duy bài “Giấc mơ ngàn” và Xuân Tiên “Chờ một kiếp mai”. Riêng nhạc ông có “Bến đàn xuân”, “Bến nhạc lòng”, “Chiều tàn trong mắt em”, “Mộng chiều xuân”, “Trở về bến mơ”, “Con đò đưa xác”…
Ngọc Bích cũng giống Phạm Duy, khởi nghiệp là ca sĩ, ông tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với Nhạc sĩ Nguyễn Hiền ở Liên Khu 3, và năm 1954 di cư vào Nam. Sau 1975, ông định cư ở Hoa Kỳ và mất năm 2001. Ở nước ngoài Ngọc Bích và Nguyễn Hiền thành lập ban nhạc Saion Band để giúp vui cho những người xa quê.
Trận đói năm Ất Dậu 1945 đã làm chết hai triệu dân miền Bắc. Các nhà sử học đã nói về vấn đề này rồi, và các nhiếp ảnh gia đã cũng cho chúng ta xem hình ảnh người chết đói, đó là trận đói lịch sử, điều đau đớn tột cùng là không phải thiên tai mà là do nhân tai! Chỉ có một bài hát duy nhất viết về cái chết lịch sử này, đó là “Con đò đưa xác” của Ngọc Bích (Viết chung lời với Nguyễn Văn Đức). Và bài thơ “Chiếc xe xác qua Phường Dạ Lạc” nói về trận đói này của nhạc sĩ Văn Cao:
“… Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Chập chờn áo hóa tà ma
Đôi dẫy hồng lâu của mở phấn sa
Rũ rượi tóc, những hình hài Địa Ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang nhịp gõ khóc đàn sương
Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây
Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ…”
Nhưng tại sao mãi đến năm 1947 Ngọc Bích mới viết bài hát này? Có lẽ ông đã chờ nỗi đau tột cùng lắng xuống, mới đủ bình tĩnh để viết nên nhạc phẩm này, viết lại một nỗi đau, một thảm cảnh của đồng bào mình chết đói ngay trên cánh đồng lúa gạo phì nhiêu của mình?
Nghe “Con đò đưa xác” trong giọng hát liêu trai, đầy mộng mị, ma quái của Thanh Thúy, như một thước phim tư liệu chiếu chậm:
“… Ô hô! Ô hô! Con ơi mười mấy tuổi đầu
Vì chưng đói rét ngậm sầu thác oan!
Trong cơn heo may, ai thương vay, ai nức nở thế này
Mà trên sông vắng con đò cay đắng
Đưa xác người thầm than!...”.
Thời tiết lúc con đò đưa xác là một đêm trăng, có gió, có mưa:
“…Gió thổi thì thầm, mưa bay lâm tâm…
Trăng lên, mây tan, sao trăng đẹp thế này?
Mà trên sông vắng con đò cay đắng
Đưa xác người về đâu…
Chôn đi đâu lũ oan hồn…”.
Trong giai điệu cùng với sự hòa âm có tiếng cóc lóc của tiếng mõ, như sớm đưa các linh hồn được siêu thoát!
Viết đến đây, tôi nhớ “Hát trên xác người” của Trịnh Công Sơn :
“… Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy
Tôi đã thấy
Bên khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con…”
Và tôi tự hỏi, chết vì chiến tranh, chết vì đói, cái nào tàn nhẫn vô nhân đạo hơn?
TRANHUUNGU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét