CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

TỪ DẠO ẤY CÓ HAI BÀI SLOW ROCK LÀM XÔN XAO NGƯỜI NGHE - TRẦN HỮU NHƯ

 


TỪ DẠO ẤY CÓ HAI BÀI SLOW ROCK
LÀM XÔN XAO NGƯỜI NGHE!
(Ngày mai thứ Bảy 22.2.2025, xin mời các bạn đón đọc ĐEO LON. Một bài viết cuối tuần, rất hấp dẫn… Bỏ qua sẽ mãi mãi không còn cơ hội… ĐEO LON!
-ĐEO LON là gì?
-Hãy đợi đấy!)
Tôi tiếp xúc nhạc miền Nam từ dạo 1955.
Từ năm 1955-1959, ngoài những lúc ôm cặp đến đến trường (dùng chữ ôm cặp đúng nghĩa vì những cuốn vở không có cặp đựng. Má tôi chằm cho tôi cái cặp bằng mo cau, bỏ một ít vở học, mấy củ khoai lang, khoai mì, tôi ung-dung đến trường, vui như chim hót buổi sáng, lòng nhẹ như gió ban mai. Những ngày nghỉ học tôi theo má tôi xuống ruộng mót lúa, hoặc xuống biển hôi cá).
Ngày ấy, ở Ấp Cây Găng, thuộc xã Văn Mỹ, quận Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy - vùng xôi đậu - gia đình tôi nghèo quá nên “bị bỏ lại phía sau” chớ không phải như bây giờ, không “ai bị bỏ lại phía sau”!
Đến năm 1960 tôi lên tỉnh đi học.
Tôi bỏ lại sau lưng người mẹ trẻ, góa chồng rất sớm từ sau ngày Đình chiến 1954, và vì lẻ bạn, nên Mẹ tôi thường hát “Hòn vọng phu 3”:
“… Nơi phía Nam
Giữa núi mờ
Ai bế con
Mãi đứng chờ
Như nước non
Xưa đến giờ…”
Và tôi r đi tìm đường học vấn, bỏ lại người chị, đứa em, trong một mái tranh nghèo, tả tơi gió táp mưa sa, mỗi lần mùa mưa đến là nhà dột nát, vì lâu quá mà chưa có tiền mua tranh lợp lại. Vậy mà tôi đã khóc sướt-mướt khi phải rời căn nhà tranh này!
Tại sao phải dùng từ “lên tỉnh”, mà không “xuống tỉnh”?
-Từ Ấp lên Xã, từ Xã lên Quận, từ Quận lên Tỉnh… nên trường hợp của tôi “lên Tỉnh” là vậy chăng?
Và từ khi lên Tỉnh, tôi mê chữ thì ít, mà mê nhạc thì nhiều.
Tôi mê nhạc từ thời Kháng-chiến chống nạnh, tôi hát vui trên ruộng đồng nương rẫy:
“… Quần bay phất phới là quần đàn bà…” (“Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng”- Bài hát Giải phóng quân- 1954)!
Có lần nhạc sĩ Phan-Huỳnh-Điểu đến chơi nhà tôi, tôi xin lỗi anh, tôi hát vui “Quần bay phất phới…”. Anh cười, nói bậy quá, bậy quá!
Nhắc một chút cho vui, và cũng để khơi đầu cho bài viết ngắn sau đây.
Tôi đã thường nói rằng, tôi chỉ làm một công việc là nhắc để nhớ những bài tình ca đã một thời đi qua Chiến tranh - chúng ta đã vô tình quên - mà những bài tình ca ấy như những khúc hát thanh xuân của thuở yêu người, yêu đời, yêu đất nước.
Cũng từ dạo ấy…, từ trước, hoặc sau năm 1960 (tôi không nhớ rõ) có hai hai bài Slow Rock làm xôn xao người nghe, mặc dù thời bấy giờ nhạc Boléro đã bắt đầu xâm chiếm lĩnh vực ca nhạc và đồng hành trong những giai điệu Tango, Rumba, Valse, Modérato, Boléro, Cha cha cha…



-KIẾP THA HƯƠNG Slow Rock (Lam-Phương):
“… Chiều đi lặng lẽ màn đêm dần trôi
Bâng khuâng vì gió đông đến tim côi
Ngã mình nghe lá khô nhẹ rơi
Thấy lòng bớt cô đơn
Giữa ánh đèn kinh đô sáng soi
Hồn theo làn khói về nơi mộng mơ
Chim non mỏi cánh tung gió chơi vơi
Thẫn thờ nghe tiếng chuông ban chiều
Ngỡ rằng câu hát mỹ miều
Vì đời mình chỉ biết cô liêu…”
-ĐẠI LỘ HOÀNG HÔN Slow Rock (Y-Vân):
“… Người về, người đi, hoàng hôn một lối
Đường một, đường hai, chiều đưa vào tối
Trời cao và gió đầy
Hàng cây cùng ghế dài
Nào ai lẻ bóng
Nào ai thành đôi
Đời mình là con tàu qua nhiêù bến
Mà thăng trầm như trùng dương nổi sóng
Đại lộ hoàng hôn, hồn hoa ngập nắng
Thời gian thường vô tình theo đời sống
Ngày xanh thì khuất dần
Chiều rơi nhuộm tóc vàng
Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương…”
Hai bài hát khi ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt, (và ngày đó nó lan truyền chớ không “lan tỏa” như ngày nay) điều đặc biệt là hai ca khúc này không phải vì ca từ, mà vì nhịp điệu, nhịp Slow Rock ngập ngừng, ngắt câu, lướt tới nhẹ nhàng… như một làn gió chướng thổi qua vùng trời Boléro, Tango, Valse, Rumba… làm người nghe thấy lạ!
Bây giờ nghe lại những “giọng hát cũ” trong hai ca khúc này, vẫn thấy như thuở ban đầu.
Tôi xin trích ra hai câu từ trong hai bài hát nêu trên, dù rất xa, nhưng làm tôi khó quên:
-“Vì đời mình chỉ biết cô liêu…” (Kiếp tha hương)
-“Ngày xanh thì khuất dần…” (Đại lộ hoàng hôn)
Nghe và hát lại để thương nhớ Lam-Phương & Y-Vân

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: