LÚA MÙA DUYÊN THẮM
Nhạc viết về cây lúa, phần đông nhạc sĩ miền Nam thường dùng Giai điệu Boléro (trừ nhạc sĩ Phạm-Duy, trong thời kháng-chiến anh không dùng giai điệu này). Và nhạc Boléro miền Nam sau 1954, hình thành từ những bài hát ca ngợi về cây lúa (Lam-Phương, Trịnh-Hưng, Hoài-An và một số nhạc sĩ khác…).
Người Việt-Nam bất cứ thời nào cũng được nuôi sống bằng cây lúa. Trước 1975, 80% dân số miền Nam sống bằng nông nghiệp, nên nhạc viết về cây lúa, ca ngợi nông dân là điều dễ hiểu trong một xã hội “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ”.
Bây giờ khác rồi, thực phẩm “ăn liền, nếu không ăn vội nó hư”, những món ngon vật lạ tràn ngập thị trường, trong đó chủ yếu là hàng ngoại nhập, hoặc bắt chước mẫu mã hàng ngoại, có đôi khi trẻ con nhà giàu quên không biết… cơm, và cũng quên… sữa mẹ! (Cho con bú sợ xệ vú).
Tôi xin điểm qua ca khúc “Lúa mùa duyên thắm” của nhạc sĩ Trịnh-Hưng.
Nhạc sĩ Trịnh-Hưng:
-Sinh năm 1930 tại Hanoi
-Mất năm 2008 tại Pháp
-Sáng tác chừng 30 bài hát
-Những nhạc phẩm tiêu biểu:
-Lối về xóm nhỏ
- Lúa mùa duyên thắm,
-Tôi yêu (phổ thơ Hồ-Đình-Phương).
Trịnh-Hưng là một nhạc sĩ gắn bó với cây lúa, chỉ cần hai nhạc phẩm “Lối về xóm nhỏ” và “Lúa mùa duyên thắm” cũng đủ để nông dân miền Nam tôn vinh và dựng tượng ông trong lòng!
Điểm qua một chút “Lối về xóm nhỏ”.
Nông thôn miền Nam Việt-Nam thời Chiến-tranh thường là những “xóm nhỏ” để dễ bề sơ tán nếu có giặc đến, đây là “chiến thuật” chia nhỏ, mặc dù không có nhà “chiến lược” nào chỉ bảo. Dù nhỏ và xa cách nhau, nhưng nếu có chuyện “tối lửa ta đèn” hú một tiếng là hàng xóm bên sông, bên ruộng, xom dưới, xóm trên… chạy đến.
Tôi mê “Lối về xóm nhỏ” từ những ngày theo trâu, nắng cháy khét da, mót lúa:
“… Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá
Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gửi anh dâng mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên…
Có những chiều hôm trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn làm cho đôi má em thêm dòn…”
Và nhạc phẩm “Lúa mùa duyên thắm” là nỗi mừng vui khi lúa được mùa, một tình yêu của những cô gái nông thôn nói chung và những cô gái miền sông nước Cửu-Long nói riêng.
Đây là nhạc phẩm có nhiều cặp song ca “thời vụ” ca, để thay đổi không khí ta thử nghe ca sĩ Sơn-Ca và Bùi-Thiện trong điệu Boléro hòa cùng lúa thắm, duyên cũng thắm, giữa một rừng nhạc mới, giai điệu lạ, nhưng vẫn “Lúa mùa duyên thắm” thấy nó không lạc lõng.
Trước khi vào “Lúa mùa duyên thắm”, xin nói một chút về ca sĩ Sơn-Ca.
-Tên thật là Nguyễn-Thị-Tuyết-Nga, sinh năm 1953 tại Saigon trong một gia đình Di-cư vào Nam từ năm 1954. Cô đã từng theo học Luật, nhưng vì lý do kinh tế nên bỏ học theo nghề hát và cô đã được nhạc sĩ Hoàng-Thi-Thơ giúp đỡ và cô đã thành danh. Năm 1976, cô vượt biên và định cư ở Hoa-Kỳ. Sơn-Ca đã phát hành được 8 CD trong đó có CD “Sơn-Ca đặc biệt” do Trung tâm Thanh Lan phát hành ở hải ngoại. (Tôi chỉ có một CD với ca khúc “Lúa mùa duyên thắm”).
Trong CD này, cặp song Sơn-Ca và Bùi-Thiện, dù không “đuổi bắt nhau” nhưng đã để lại ấn tượng cho người nghe vì bài hát quá hay.
Ngày đó, mỗi khi chiều xuống, người nông dân vác cuốc trở về ngồi bên hiên nhà vấn thuốc rê, phành ngực nhả khói. Người nông dân có hạnh-phúc riêng của họ, có đôi khi một chút lãng-mạn như ngồi xuống bên bờ ruộng, nhìn chiều xuống, trăng lên, nhíu mày khi nghe con cá đồng quẫy đuôi.
Chiều ở đồng quê, sao cho ta một bình yên đến kỳ lạ, dù là Chiến-tranh, nhưng nghe nó Thanh-bình tưởng chỉ có trong tranh vẽ :
“… Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vì thắm bao mồ hôi
Và sớm hôm ra sức ta cày xới
Mừng đêm nay bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Nhịp hòa khoan cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Hò hò khoan rằng chúng em là gái sông Cửu Long
Cày cấy mong lúa tốt cho nhiều bông
Gạo trắng trong mà duyên thêm mặn nồng…
Kìa trăng soi bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Đồng mênh mang cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê
Người sống vui tình thắm vương hồn quê
Gạo trắng trong mà duyên nên mặn mồng…”
Có thể nói, “Lúa mùa duyên thắm” là một bài hát như một “áng văn bất hủ”, dù nó không “cân chia đong đếm tấn này, tạ khác” nhưng lúa đầy ngoài đồng, đầy niềm vui một nắng hai sương trên vai người nông dân là hạnh-phúc rồi !
Tôi xa ruộng từ lâu, nên mỗi lần thấy ruộng lúa, thấy gié lúa chín vàng chiếu trên TV, là tôi nhớ mẹ tôi, những ngày mẹ còng lưng trên ruộng lúa. Còn tôi đi sau những bà mẹ, bà chị gặt lúa, để mót lúa. Lúa gặt xong bó lại, có khi chưa kịp chở về nhà, không ai trông coi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ ăn cắp, dù một gié lúa!
Ngày nay, đã cơ giới hóa nông nghiệp, người nông dân không còn khổ trên cánh đồng một sương hai nắng. Điều này, đã được nhạc sĩ Phạm-Duy “tiên đoán trước thời cuộc” trong nhạc phẩm “Bình ca”:
“Trâu đừng buồn vì máy cày nghe!...”
TRANHUUNGU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét