CÁ LÌM KÌM TRONG CÂU HÁT RU EM THỜI THƠ ẤU
Tối qua tôi hơi khó ngủ do mấy ngày nay có một hạt bụi bay vào mắt trong lúc chạy xe trên đường. Hạt bụi làm con mắt bị cộm, rất khó chịu khiến tôi dụi mắt mấy lần và có lẽ vì thế hạt bụi đã gây một vết loét trên giác mạc nên mắt tôi bị xốn và theo phản xạ tôi cứ phải chớp mắt thường xuyên kể cả khi phải lim dim mắt trôi vào giấc ngủ. Và trong giấc ngủ chập chờn tôi đã nằm mơ thấy mình trở về ngày thơ ấu.
Có thể, lúc đó tôi khoảng 9-10 tuổi, một đứa trẻ con quê nghèo, gắn bó với đồng nội, lan thang với cỏ cây, chim chóc, sông rạch và những ruộng lúa mênh mông. Một lần tôi ôm chiếc cặp đệm đi học, trường cách nhà 2km, phải qua 2 cây cầu bắc qua 2 con rạch, gặp con nước lớn tôi thấy cả bầy cá lìm kìm đang giỡn nước. Cá lìm kìm có thân hình thon, dài, nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, đầu nhọn, chuyên lội đứng và lội ngược dòng nước chảy dưới chân cầu.
Tôi rất thích chơi với bầy cá lìm kìm lội đứng ngược dòng nước này. Những lần thấy chúng giỡn nước tôi thường ngồi bệt xuống cây cầu cầu dừa sát mép nước, thòng hai chân xuống quẫy nước tung tóe cho bầy cá lìm kìm sợ tản đi, nhưng chỉ một thoáng sau khi tôi rút hai chân lên bầy cá lìm lìm lại quay trờ lại chân cầu và tiếp tục lội đứng, ngược dòng nước như một cuộc bơi đua, đầy thách thức và rất ngoạn mục.
Cà lìm kìm rất hiền, chúng chỉ giỡn nước thôi, không cắn ai bao giờ. Nhưng câu hát ru em tôi nghe được từ nhỏ lại bảo cá lìm kìm cắn người, nhất là cắn trẻ con:
Má ơi, con vịt chết chìm
Thò tay con vớt, cá lìm kìm cắn con.
Có thể câu hát ru em này có một hàm ý khác, thâm thúy, sâu xa hơn của dân gian để lại. Nhưng quả thật, cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu hàm ý này vì trong thực tế, cá lìm kìm không cắn người, nhất là không cắn trẻ con mà câu chuyện tôi thò chân xuống nước giỡn với bầy cá lìm kìm là một ví dụ rất thực tế.
Rồi tôi cũng chợt nhớ mấy hôm trước về quê ra thăm hồ cá và cho cá ăn tôi bỗng thấy trên mặt nước hồ có những gợn nước lăn tăn, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn kỹ những gợn nước này thì phát hiện đó là những chú cá lìm kìm con mà tôi không hiểu vì sao chúng lại có mặt ở đây? Bởi lẽ, hồ tôi nuôi cá là hồ nước đọng, đáy hồ và thành hồ đều tráng xi măng và không có đường nước ra, nước vô thì làm sao có cá lìm kìm ngoài thiên nhiên vào được? Không lẽ cá lìm kìm do mưa rơi xuống hay từ nguồn nước máy tôi xả vào khi thay nước dơ trong hồ?
Tôi đã nghĩ mãi mà chưa giải thích được điều ky lạ này. Quả thật thiên nhiên có nhiều điều kỳ lạ, và cá lìm kìm cũng thật kỳ lạ không phải chỉ từ những câu hát ru.
Và rồi sáng sớm hôm nay nhà hết thức ăn tôi ra khu chợ gần nhà. Trong lúc chưa biết sẽ mua thứ gì để bỏ trong tủ lạnh dự trữ ăn trong tuần lễ mới phải đi chợ lần nữa thì bà bán cá bỗng chào mời tôi mua những con cá lìm kìm thật to mà lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy. Cá lìm kìm này theo bà bán cá thì ở miền Trung đưa vào, chứ trong miền Nam không có cá lìm kìm lớn như vậy. Đúng là như thế, ở quê tôi, từ ngày nhỏ, tôi cũng chưa thấy cá lìm kìm nào lớn như cá chình mà bà bán cá đang bày trước mắt. Tôi quyết định mua hết mớ cá lìm kìm vì thấy cá còn tươi và đặc biệt, do tính tò mò muốn biết cá lìm kìm miền Trung có gì khác hơn cá lìm kìm miền Nam trong ký ức tuổi thơ thôi hay không.
Quả thật cá lìm kìm miền Trung thịt rất chắc, ngọt. Nấu canh chua và kho tộ đều ngon.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét