CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

KHÚC NHẠC LY HƯƠNG - TRẦN HỮU NGƯ



 KHÚC NHẠC LY HƯƠNG


Việt-Nam từ ngày lập quốc cho đến hôm nay có không ít người “ly hương”, và không chỉ riêng ở Việt-Nam, mà ngay cả trên thế giới cũng có người ly hương. Ly hương không phải bỏ nước ra đi mới gọi là ly hương, mà ly hương ngay trên quê hương mình!
Thời kháng chiến chống Pháp, người ta như bỏ khu rừng này qua khu rừng khác, đời sống dân lúc ấy giống như dân “du-mục”. Sau 1954 lại trở về cái nơi mà đã ra đi. Nếu lấy con số tròn từ năm 1955 đến 1975 là hai mươi năm thì người dân lại có những cuộc ly hương ra nước ngoài và ly hương từ Bắc-Trung-Nam.
Một cột mốc lịch sử để người Việt ly hương vẫn còn đó, và tôi bỏ nơi chôn nhau cắt rún vào Saigon cũng là ly hương. Ban đầu cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ rằng “bán bà con xa, mua láng giềng” cũng thấy đỡ cô đơn.
Những bài hát của Việt-Nam đứng vững trong lòng bạn đọc là những bài tình ca quê hương. Và nhạc viết về quê hương ở bất cứ thời nào cũng hát được và được hát. Ngày xưa nhạc sĩ đau quê hương vì Chiến tranh, sau Hòa bình người ta không còn đau quê hương vì Chiến tranh nữa mà đau quê hương vì những chuyện khác, những nỗi đau này còn ghê gớm hơn nỗi đau Chiến tranh?
Thơ, văn, có viết, nhưng chưa thấy nhạc đụng tới đề tài này, vì nhạc sĩ cũng sợ “nhạy cảm”, cho nên nhạc chỉ nói đến những triết lý đời thường, những yêu cuồng sống vội, một số giận hờn vu vơ của một số nhạc sĩ trẻ, và nói như thế tôi không vơ đũa cả mắm. Nằm trong số các nhạc sĩ “nghe được” có Phó Đức Phương với nhạc phẩm “Về quê”, tôi nghe mà chảy nước mắt :
“… Theo em anh thì về
Thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê
Có hàng tre ru khi chiều về…”.
Sau khi tôi viết bài “Những nhạc sĩ miền Nam đi qua tôi trong chiến tranh, bây giờ về đâu) đã thiếu sót một số nhạc sĩ, mà trong đó người nhạc sĩ mà tôi mến yêu, kính phục, tôi xem như là một nhạc sĩ viết nên những khúc ca kinh điển đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam (ca khúc) và được mời ngồi ghế danh dư: Đó là nhạc sĩ LÂM-TUYỀN


Nhạc sĩ Lâm-Tuyền viết chừng 21 bài hát, nhưng có 5 nhạc phẩm sau đây gắn liền vào sự nghiệp của ông từ năm 1950 đến 1997:
-Khúc nhạc ly hương
-Hình ảnh một buổi chiều (Dạ-Chung viết lời)
-Tiếng thời gian (Dạ-Chung viết lời)
-Tơ sầu (Dạ-Chung viết lời)
-Trở về dĩ vãng
Một chút ngắn gọn:
Nhạc sĩ Lâm-Tuyền sinh 1922 tại Huế, qua đời 2.3.1997 tại Saigon.
Tôi đã nghe nhạc Lâm Tuyền qua giọng ca của Mai Hương, Sỹ Phú, Duy Trác, Duy Quang, Khánh Ly…
Nay trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin nhắc nhớ nhạc phẩm “Khúc nhạc ly hương” qua tiếng ca “đi cùng thời gian”, Thái Thanh:
“… Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi
Khuất bóng Kim-ô chiều tàn lâm ly
Mây trời bao la
Lòng buồn sầu ước
Như lũ chim quyết tung trời mây
Bao nhiêu giông tố hề chi
Bao nhiêu mưa gió biệt ly
Thề quyết ra đi từ đây…”
Viết về nhạc sĩ Lâm Tuyền, người ta đã viết đầy trên mạng, tôi chỉ làm một công việc “nhắc để nhớ” những ca khúc cũ của nhiều nhạc sĩ đi qua trong thời Chiến tranh trong của nhạc sĩ Lâm Tuyền. Nhắc vì sợ người nghe quên, chớ không phải lập lại những gì mà đã viết về Lâm Tuyền.
Nhạc sĩ Lâm Tuyền, người ta biết tên tuổi ông qua nhạc phẩm đầu tay là “Tơ sầu” từ năm 1950. Sau khi nghe “Khúc nhạc ly hương”, mời bạn nghe để nhớ “Tờ sầu” qua giọng ca Khánh-Ly:
“… Với ánh tơ sầu sắc thắm muôn màu
Làm cho tim ta tê tái thương đau
Với ánh tơ sầu ném xuống nhân loại
Làm cho bao giống người sầu đau…”
Bài hát thì có đời sống vô hạn, còn nhạc sĩ chỉ hữu hạn.
Tôi, mấy mươi năm nay vẫn cứ đi tìm “Những khúc hoan ca một thời đi qua chúng ta”. Dẫu biết rằng một con sông không làm nên biển lớn!



TRANHUUNGU

Không có nhận xét nào: