Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018
ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC : ĐÁ VÀNG - ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Chieu Duc
08:28, Th 7, 8 thg 12, 2018
ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC :
ĐÁ VÀNG
Đá Vàng hay Vàng Đá là hai vật chất cứng rắn và bền vững. Ta hay nghe nói Cứng như Đá và Vững như Vàng, chắc cũng vì thế mà ta có từ Vững Vàng chăng ?! Vàng cho dù có bị thiêu đốt bầm dập như thế nào thì vẫn giữ được màu Vàng cố hữu không phai lạt bao giờ. " Vàng thật không sợ lửa "mà ! Nên ...
Tình Đá Vàng là tình bền vững, không dễ lung lay; Lời Vàng Đá là lời nói chắc chắn trước sau như một, như lời Kim Trọng đã nói với Vương Viên Ngoại lúc trở lại vườn Thúy tìm Kiều :
Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
Những lời Vàng Đá phải điều nói không ?!
"Những Lời Vàng Đá" là Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言. Kim là Kim loại qúy, còn Đá qúy thì người xưa gọi là Ngọc; nên Kim Thạch Chi Ngôn còn được nói thành Kim Ngọc Chi Ngôn 金玉之言, ngoài nghĩa là những lời thề thốt chắc chắn, còn là những lời nói đáng trân trọng, đáng nghe theo, như lời nói của Trương Quân Thụy nói với Thôi Oan Oanh trong Tây Sương Ký : "Tiểu thơ Kim Ngọc Chi Ngôn, tiểu sinh nhất nhất minh chi phế phủ 小姐金玉之言,小生一一銘之肺腑". Có nghĩa : Những lời vàng ngọc của tiểu thơ, tiểu sinh tôi đều ghi khắc ở trong lòng.
Tây Sương Ký
Còn như Thúc Sinh khi muốn chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, mà cô Kiều còn e ngại, vì Thúc Sinh đã có Hoạn Thư ở nhà, thì Thúc đã dứt khoát một cách chắc chắn và liều mạng với Thúy Kiều rằng :
Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Đã gần chi có đường xa,
Đá Vàng cũng quyết phong ba cũng liều !
Đá Vàng ở đây cũng là Kim Thạch 金石, nhưng Kim Thạch ở đây chỉ Vũ Khí dùng để đánh nhau ngày xưa. Gươm đao giáo mác đều bằng kim loại và các loại ná đều bắn bằng đá. KIM THẠCH còn dùng để chỉ chung các loại Vũ Khí, theo như sách Chu Lễ có câu : Phàm quốc hữu đại cố, nhi dụng Kim Thạch, tắc chưởng kỳ lệnh 凡國有大故而用金石則掌其令. Có nghĩa : Hễ nước có biến cố lớn, thì phải dùng đến Vũ Khí ( chiến tranh ) để nắm quyền chỉ huy. Nên câu : " Đá Vàng cũng quyết phong ba cũng liều ". Có nghĩa : Dù cho có dùng Vũ Khí ( để đâm chém cản ngăn ) thì cũng quyết lòng thương nhau, dù cho có sóng to gió lớn thì cũng liều chết với nhau. Liều mạng đến thế, chả trách Thúy Kiều phải nhắm mắt nghe theo !
Kim Thạch, Thỉ Thạch : Vũ khí ngày xưa
Khi tự đánh giá mình là " phận mỏng cánh chuồn " Thúy kiều đã lo lắng cho mối tình duyên của mình với Kim Trọng " Khuôn duyên biết có vuông tròn mà hay ?" thì Kim Trọng đã an ủi Thúy Kiều một cách chắc chắn là :
Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem VÀNG ĐÁ mà liều với thân !
Quả là liều mạng cũng không thua Thúc Sinh chút nào cả !
Thỉ Thạch 矢石 là Tên và Đá, cũng dùng để chỉ Vũ Khí và Chiến Tranh. Như khi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến phục binh đánh lén, Thúy Kiều chạy đến thì chỉ thấy :
Trong vòng TÊN ĐÁ bời bời,
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ !
Còn bình thường, như lúc ban đầu Thúy Kiều nhận lời tỏ tình của Kim Trọng trong cảnh "Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng" thì cũng đã khôn ngoan lí lắc mà đỗ thừa rằng :
Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc Đá Vàng thủy chung !
Đá Vàng ở trong câu nầy là lời hứa chắc chắn, bền vững và chung thủy trong tình yêu, sẽ không bao giờ lay chuyển đổi thay ! Nên trong đêm hò hẹn hội ngộ lần đầu, khi mà " Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi ", thì Thúy Kiều đã "xì- tóp" Kim Trọng lại bằng tích :
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay.
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương ?
Mây mưa đánh đổ ĐÁ VÀNG,
Qúa chiều nên đã chán chường yến anh !
Đá Vàng ở đây là Duyên Vàng Đá, là Nghĩa Đá Vàng. Đá Vàng là cái gì đó trân qúy, rất đáng trân trọng, là KIM THẠCH LƯƠNG DUYÊN 金石良緣 là mối lương duyên lâu bền vững chắc và tốt đẹp như Đá với Vàng.
Đến như lần đầu tiên khi Từ Hải tìm đến gặp Thúy Kiều ở lầu xanh với lòng hiếu kỳ là : " Bấy lâu nghe tiếng má đào, Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?", thì cô đã trả lời một cách khiêm tốn khôn ngoan và thực tế là :
Chút chi chọn ĐÁ thử VÀNG,
Biết đâu mà gởi cang tràng vào đâu ?!
Chọn Đá xem đá cứng hay bở; Thử Vàng xem Vàng thật hay giả. Ý của Thúy Kiều là muốn chắc lọc chọn lựa lấy cái tốt, muốn kiếm một tấm chồng cho xứng đáng để nương nhờ về sau. Ta hãy nghe cô nói tiếp :
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chon vàng thau tại mình !?
Tội nghiệp cho các cô gái ở lầu xanh, muốn kiếm một tấm chồng đàng hoàng cũng đâu phải dễ !
Ngoài ra, ĐÁ VÀNG còn dùng để chỉ cái gì đó rất thiêng liêng có thể lưu truyền mãi mãi về sau, như trong Đại nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái Đoạn nói về Hai Bà Trưng :
Được thua mấy cỏi chiến trường,
Nghìn năm tiết nghĩa ĐÁ VÀNG lưu danh !
" Đá Vàng Lưu Danh " ở đây ĐÁ là Bia Đá; còn VÀNG là Chuông Vàng hoặc Đĩnh Vàng có khắc chữ khắc tên ghi lại công lao chiến tích của người đã mất để lưu truyền lại cho đời sau.
Nhưng thường thì trong các truyện Nôm của ta Đá Vàng hay Kim Thạch gì đều thường dùng để chỉ lời giao ước hứa hẹn với nhau, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
Duyên này chẳng được bàn dai,
Nhẹ đem Vàng Đá mà coi làm thường.
Và ...
Như trong truyện Phương Hoa, quan Ngự Sử Trần Điện đã nói với quan Thượng Thư Trương Đài khi bàn về việc hôn nhân của Trần Phương Hoa và Trương Cảnh Yên :
Trần rằng : Kim Thạch nhất ngôn,
Còn trời còn đất hãy còn đấy đây.
Tóm lại, Đá Vàng hay Vàng Đá có rất nhiều nghĩa như trên đã dẫn, nên tùy theo ngữ cảnh, tùy theo câu thơ đang diễn đạt sự việc gì để hiểu nghĩa của nó một cách chính xác. Nhưng thường thì Đá Vàng hay Vàng Đá là lời đính ước hẹn hò một cách chắn chắn chân thành giữa trai gái với nhau. Trước năm 1975, ở Miền Nam còn có một tuồng hát Cải Lương lấy tựa là Trọn Nghĩa Đá Vàng.
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét