CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CA HUẾ VÀ NHẠC CUNG ĐÌNH. - PHAN NI TẤN

 



                 CA HUẾ VÀ NHẠC CUNG ĐÌNH


    Ông anh họ Hồ tên Đắc Duệ bên ngoại tôi từng là nhạc công của dàn nhạc cung đình Huế thời Bảo Đại. Thấy tôi có năng khiếu về âm nhạc, ngoài việc dạy tôi đàn nguyệt và ca Huế ông còn hứa hẹn sẽ giới thiệu tôi vào nhóm nhạc cung đình Huế một ngày không xa. 

    Cũng vì lời hứa sôi nổi như rứa mà suốt ngày tôi cứ ôm lẽ đời có câu "mộng tưởng thành chân". Điều này khiến tôi lúc nào cũng tưởng ánh nắng tràn ngập trong lòng sẽ mang đến nhiều may mắn cho ước mơ tôi. Nhưng đời không như là mơ, ước mơ của tôi không thành sự thật.  

     Từ ngày vị vua thứ 13, vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn thoái vị, nhạc cung đình Huế chấm dứt kéo luôn giấc mộng cung đình của tôi tan tành theo mây khói. Có điều an ủi là dù ước mơ tan vỡ, tôi cũng đã học được nhiều điều hữu ích từ ông anh họ, nhất là một số tài liệu chép tay của ông về ca Huế và nhạc cung đình ông cuộn trong bao nylon đưa cho tôi về nhà tự học luyện giọng và học hỏi thêm. Nay ông anh họ mất đã lâu, nhớ ông tôi ư hử vài câu ca Huế và tóm tắt ôn lại bài học vỡ lòng năm xưa.

    1. Nhạc Cung Đình.

    Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc cung đình Huế là nhạc diễn xướng bởi trên 100 nghệ nhân vào những ngày lễ hội cho vua chúa và các đại thần, hoặc các lễ hội trang nghiêm khác. Nhạc cung đình đều phát nguồn từ trong các quy luật của nhiều nghi thức cung đình tại các làng xã người Việt từ nhiều thế kỷ trước. 

    Nhạc cung đình Huế có từ thời nhà Lý thế kỷ XI là một thể loại nhạc căn cứ theo quan niệm triết lý Nho giáo, cũng là biểu tượng của vương quyền.  Nhưng các nghệ thuật ca múa thời đó, ngoài ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Chiêm Thành còn chịu ảnh hưởng của các loại âm nhạc dân gian.

    Nhạc cung đình Huế đầy tính trang trọng của Huế với 7 thể loại nhạc như Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc, quy tụ rất nhiều nghệ nhân có khả năng sử dụng nhiều loại nhạc khí gồm các bộ gõ, dây và hơi, như trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, sáo, khánh, chuông, mõ, phách (sênh tiền) v.v…

    Thời kỳ vàng son của âm nhạc cung đình là thời nhà Nguyễn khởi từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời Pháp thuộc, các vua nhà Nguyễn mất hết quyền bính và nhuệ khí khiến đời sống cung đình đâm ra tẻ nhạt, âm nhạc cung đình ngày càng suy giảm. Đời vua Thành Thái lập thêm một đội nghệ nhân thiếu niên, song tất cả đều hoạt động cầm chừng.

    Năm 1942 là năm cuối cùng triều nhà Nguyễn, vua Bảo Đại cử hành lễ Tế Nam Giao, cũng là lần cuối cùng nhạc cung đình Huế được trình diễn trọng thể trước công chúng. 

    Tháng 8 năm 1945, trên Ngọ Môn, hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn thoái vị. Nhạc cung đình Huế tan rã. Tuy nhiên, thân mẫu của vua Bảo Đại là đức Từ Cung đã đứng ra bảo trợ và duy trì đội nhạc cung đình tồn tại cho đến năm 1975.

    Tài liệu chép tay của ông anh họ chỉ nói đến đời vua Bảo Đại là hết, không thấy đề cập tới tập đoàn UNESCO sau này công nhận Nhạc Cung Đình Huế là Di Sản Nghệ Thuật của nhân loại.

    Nhân nói đến nhạc khí của nhạc cung đình Huế tôi lại có một kỷ niệm khó quên. Tuy tôi có chút năng khiếu về âm nhạc nhưng thuở mới nhập môn kỹ thuật của đàn nguyệt là khảy, rung, nhấn, vuốt, vỗ, vê (luân chỉ) tôi cứ lúng ta lúng túng, lọng ca lọng cọng, vụng về, cứng ngắc làm tiếng đàn cứ ọt ẹt, rên rỉ, ngòng ngọng như ai bóp cổ.

    Rứa mà khi tiếng đàn nguyệt của tôi trở nên mềm mại, duyên dáng, sắc điệu rộn ràng thì xảy ra biến cố chính trị buộc vua Bảo Đại thoái vị. Giấc mộng được tuyển vô nhóm nhạc cung đình Huế của tôi tan rã cũng là lúc tôi giã từ cây đàn nguyệt chuyển trường học về Sài Gòn. Đã hơn sáu mươi năm tôi lìa xa cây đàn nguyệt để rồi đàn thầy trả thầy; giọng ca Huế thanh thoát năm xưa cũng chìm xuống, im lắng theo tuổi tác tôi. Dù rứa tôi vẫn thương nhớ hình dạng cây đờn kìm và thích nghe tiếng đàn nguyệt tuy mộc mạc, trầm đục, chân tình nhưng phơi phới với nhịp điệu sinh động, thanh khiết, vui tươi. 

   Đàn nguyệt xuất xứ từ Trung Quốc, vốn có nhiều tên gọi. Đàn nguyệt còn được gọi là đàn song thanh hay song vận có 2 dây. Thùng đàn hình tròn như mặt trăng nên gọi là nguyệt cầm. Khi du nhập vào Việt Nam, người miền Nam ta gọi đàn nguyệt là đờn kìm, thùng đàn vẫn tròn không có lỗ phát âm, cần đàn dài hơn, phím đàn cao hơn, cách xa nhau và không đều nhau, từ 8 phím tới 11 phím, đánh theo lối ngũ cung. Đờn kìm được vinh danh là Quân Tử Cầm hay Vọng Nguyệt Cầm rất thịnh hành trong nghề đờn ca tài tử miền Nam. Hơn nữa, đàn nguyệt thường được dùng để độc tấu, hòa tấu trong ban nhạc chầu văn, ca Huế, phường bát âm…

    2. Ca Huế.

    Thuở nhập môn, giọng ca niên thiếu tôi thanh thoát, rộn ràng, nhanh, mạnh, đầy tự tin. Còn bây chừ thì ôi thôi rồi, tôi cố cách mấy giọng vẫn rè, khàn đục, già chát nghe lảng nhách, chán phèo, dở ẹc, dở thầy chạy.

    Nhưng mà ca Huế là gì, ca ra răng, làm răng? Trả lời dễ ẹc. Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế. Đơn giản rứa thê. Cũng tài liệu chép tay của ông anh họ khái quát ghi rằng:

    Ca Huế phát sinh từ trong cung đình vào thế kỷ thứ 17, là thú chơi tao nhã của hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc. Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, giáo dục cũng như nhân cách của con người, được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam. Chính vì vậy nên ca Huế rất đa dạng và phong phú, mang âm hưởng của hai điệu thức Bắc rộn rã, vui tươi và Nam nỉ non, ai oán, hầu hết thường diễn qua 4 nhạc khúc thịnh hành Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ.

    Tài liệu chép tay của ông anh họ chỉ nói ca Huế là loại nhạc thính phòng, không thấy nói ca Huế trên sông Hương.

    Ngày nay, ca Huế đã vượt ra ngoài cung đình để những câu hát, điệu hò Huế ngọt ngào, xao xuyến với những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát hòa quyện với tiếng dìu dặt của dàn nhạc gồm đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, sáo, xênh, phách… trổi lên trên thuyền rồng bồng bềnh trên sông Hương sẽ ru tâm hồn giới thưởng ngoạn vào miền ký ức sâu thẳm khởi từ đời nhà Lý.


PHAN NI TẤN


Không có nhận xét nào: