NHẠC CỤ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ
Nhạc cụ của người Êđê rất phong phú và đa dạng, luôn luôn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng qua các tập tục, lễ hội truyền thống cũng như thế giới tâm linh của dân tộc họ. Âm nhạc của người Thượng nói chung thường kết hợp bởi những âm thanh man dại của núi rừng. Phần lớn các nhạc cụ được cấu tạo bằng những vật liệu thô sơ, mộc mạc có sẵn trong thiên nhiên như lá, tre, nứa, vỏ bầu, gỗ, sừng. Ngoài ra còn có những nhạc cụ làm bằng đồng như Cồng, Chiêng (Goong Chinh), Chụp chõa (Hđang Hgơr), Thông linh (Ring Rơng), Trống (Hgơr) bằng gỗ và da trâu, đàn đá...
Riêng trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nêu lên vài nhạc cụ của người Êđê mà trước 1975 tôi đã từng mắt thấy, tai nghe, tay chạm qua.
1. Kèn lá
Kèn lá là nhạc cụ thổi rất phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Muốn thổi thì bứt ngay một chiếc lá còn tươi trên cây xuống, gấp đôi theo sóng lá, cắt phần cuống là có chiếc kèn lá giản dị, đơn sơ.
2. Sáo
Người Êđê gọi ống sáo là Đing. Sáo của dân tộc thiểu số có nhiều loại như sáo chull thổi giữa thân ống tre, sáo alá thổi ở gần đầu ống tre, sáo hol và sáo pi thì thổi ở đầu ống. Trong buôn Ea Pok, Ban Mê Thuột tôi chỉ thấy sáo pi mà thôi.
Sáo pi làm bằng ống nứa dài khoảng 30cm, đường kính 2cm. Cả hai đầu đều kín. Đầu thổi được vạt xéo góc khoảng 45 độ, đặt lưỡi gà bằng nứa mỏng hoặc lá cây.
3. Tù Và (Ky Pá)
Tù Và cùng họ với kèn t'nốt và kèn t'diếp, làm bằng sừng trâu, sừng bò rừng hoặc sừng sơn dương. Một đầu lớn sừng rỗng. Đầu nhọn cắt bớt để thổi. Tù Và chỉ có một âm duy nhất, dùng để tập trung hiệu lệnh, đánh dấu ngày lễ xuống đồng, cũng như dùng để đuổi muông thú.
4. Kèn Dinh Duk
Kèn gồm 13 ống tre nhỏ khoảng 1cm. Ống ngắn khoảng 15cm, ống dài khoảng 80cm. Các ống tre đều dùi thủng cả hai đầu, xếp chung thành một bó. Mỗi ống có âm thanh khác nhau. Ống dài có âm trầm, ống ngắn âm sắc.
5. Kèn Đinh Năm
Đinh Năm thuộc nhạc cụ thổi hơi của người Êđê. Năm theo tiếng Êđê có nghĩa là 6, nên Đing Năm gồm 6 ống trúc ngắn, dài, xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống. Trên 6 thân trúc khoét các lỗ cao thấp để tạo thành âm thanh xong cắm một đầu vào trái bầu khô. Cuống trái bầu là đầu thổi.
6. Đinh Tak Ta
Còn gọi là Kèn Bầu, làm từ một ống tre khoét ba lỗ, một đầu có lưỡi gà được gắn vào vỏ bầu. Âm thanh kèn bầu rất rộn rã nên thường được thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức đồng bào trong buôn dậy lên rẫy.
7. Đinh Buôt (Puốt)
Còn gọi là Tiêu, là một loại sáo dọc làm bằng ống nứa, có 4 lỗ tạo thành 4 nốt khác nhau. Thổi ở đầu ống tre.
8. Khèn Mèo
Khèn Mèo chiếm một vị trí quan trong trong đời sống tinh thần của người H'Mông ở vùng Hà Giang, Bắc Việt. Một số dân tộc khác cũng có loại khèn này, tuy cách cấu tạo hơi khác như khèn 6 ống của người Êđê hoặc khèn bầu S'tiêng.
Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 8 năm 1966, từ đèo M'Drak vượt đèo Phượng Hoàng, lên đèo Dốc Cao đi Banmêthuột, khi cách Khánh Dương chừng 20km tôi để ý thấy có một bản Thượng nằm sâu trong núi phía đông nam quốc lộ 21. Ngay tại ngã ba đường đất đỏ dẫn vô buôn tôi thấy một anh thanh niên ở trần, đóng khô đứng dựa gốc cây say sưa thổi Khèn trông rất nghệ sĩ. Tìếng Khèn êm ả, du dương, trầm bổng, nhè nhẹ như gió thoảng, nhưng có một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn gợi lên bản sắc hoang sơ của núi rừng. Lúc tới Khánh Dương nghỉ ngơi ăn cơm tôi hỏi anh tài xế hãng xe đò Bờ-rô (Peugeot) thì được biết bản Thượng đó là bản của người Blô, một nhánh nhỏ người Êđê ở vùng đồi cỏ M'drak. Nhạc cụ anh thanh niên Blô đó thổi là Khèn bầu 6 ống lai Khèn Mèo.
Cách cấu tạo Khèn Mèo trải qua nhiều giai đoạn rất công phu. Thân khèn làm bằng gỗ thông. Trên đâù thân khèn gắn thêm một ống trúc nhỏ để thổi. Ống khèn làm bằng tre, gồm 6 ống lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, đặt song song trên thân khèn, trên mỗi ống đều có mỗi lưỡi gà bằng đồng mài mỏng để tạo ra âm thanh trầm bổng. Lắp 6 ống khèn xuyên qua thân khèn. Các ống tre đều được quấn chặt bằng dây gai. Theo truyền thống Khèn Mèo chỉ dành cho nam giới thổi trong những cuộc hội hè hay tang lễ.
9. Đàn T'rưng
Đàn T'rưng phát nguồn từ dàn đàn đá cổ xưa. Nhạc cụ này được tất cả các dân tộc miền Thượng sử dụng trong các hình thức sinh hoạt của đời sống. Đàn được làm bằng gỗ hoặc những ống nứa to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau xếp theo thứ tự. Mỗi ống giữ nguyên một đầu mắt nứa; đầu kia vạt nhọn một góc. Tất cả các ống được buộc vào 2 sợi dây, xếp thành hàng ngang từ ống to, dài đến ống nhỏ, ngắn để tạo âm vực. Đàn T'rưng có từ 5 đến 18 ống xếp thành hàng trên giá đàn như chiếc võng. Dùng dùi gõ làm bằng 2 thanh gỗ hoặc khúc tre dài khoảng 20cm, phần đầu quấn vải gõ vào ống để tạo âm thanh êm tai hơn.
10. Đàn B'rố
Đàn B'rố do người Êđê chế tạo bằng những vật liệu từ trái bầu khô, tre, nứa, dây dừa, mật ong. Trên ống lồ ô dài khoảng 100cm, đường kính khoảng 7cm, mặt trước gắn một thanh dài gồm 3, 4 phím lõm, có hai dây đàn bằng xơ dừa căng dọc theo thanh phím, mặt sau gắn một trái bầu khô và hai trục để lên dây đàn.
Trước 1975, tôi có ghé vô buôn Ea Tam ở cây số năm thăm anh Y Ngo Kdam được anh cho đàn thử cây đàn B'rố giản dị này. Đàn chỉ dành cho con trai. Vì khi đàn anh ta ở trần úp trái bầu khô vào bụng, khi úp khi hở để tăng cường độ và tạo độ rung của âm thanh.
11. Đàn Goong
Hồi nhỏ theo ba má tôi vô đồn điền ông Nicholas chơi vừa thấy cây đàn goong đặt ở góc nhà là tôi... hết hồn. Hình thù cây đàn trông thật... quái dị. Sau này lớn lên tôi có tìm hiểu sơ về các loại nhạc cụ của người miền cao thì được biết đàn goong được cấu tạo bằng ba vật liệu: ống nứa, vỏ trái bầu và dây sắt. Ống nứa bào láng làm thân đàn dài khoảng 60cm, đường kính 3cm. Phía trên thân nứa được dùi 11 lỗ, cắm 11 trục bằng gỗ để lên dây. Phía dưới gắn một trái bầu khô. Phần dưới cùng có các rãnh nhỏ để mắc dây.
12. Cồng chiêng
Đối với đồng bào thiểu số, cồng (Knah) chiêng (Ching) là linh hồn của sự sống, là phương tiện giao tiếp với thần linh, nói chung cồng chiêng là linh cụ gắn liền với đời sống vật chất lẫn tinh thần của người miền sơn cước. Bất cứ lễ hội nào, từ lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, lê đâm trâu, lễ bỏ mả trong đó lễ Mnăm Thun cầu cho gia đình mạnh khoẻ và làm ăn thịnh vượng v.v... đều không thế thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Nhạc cụ này dùng để diễn tả niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống nương rẫy và những sinh hoạt hàng ngày của dân làng.
Hình thành và tồn tại trên khắp vùng cao nguyên Thượng du. Trong trường ca Đam San của người Êđê nói về cồng chiêng rất uy nghi, hùng tráng và sôi động: "Ðánh những cái chiêng kêu nhất, những chiêng ấm nhất. Ðánh cho chiêng lan ra khắp xứ. Ðánh cho chiêng lan qua sàn, lan xuống dưới đất. Ðánh cho vượt qua mái nhà vọng lên trời. Ðánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Ðánh cho các âm hồn nghe cũng thôi làm hại người. Ðánh cho chuột sóc cũng quên đào hang. Cho rắn cũng bò ra khỏi lỗ. Cho hươu nai phải đứng thinh mà nghe. Cho thỏ lắng tai không kịp ăn cỏ. Cho tất cả muôn vật chỉ còn có thể lắng tai mà nghe tiếng chiêng..."
Hồi nhỏ cứ cuối tuần lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau ra sân banh đá banh. Nhà ba má tôi gần trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, ra sân banh tôi thường đi ngang qua tiệm bán cồng chiêng trên đường Y Jut. Hồi đó trẻ con thường hay nghịch ngợm, hễ thấy cái chiêng nào đem phơi ngoài sân là chúng tôi lấy cây khỏ cho một cái rồi hè nhau bỏ chạy. Lớn lên tôi khá thắc mắc không biết các loại nhạc cụ miền núi này ở đâu mà người Thượng có. Vì tôi chưa từng thấy người Êđê đúc đồng bao giờ. Hỏi ông bạn Trung úy Y Julnié Ksor, ông cũng không biết, nhưng hỏi Cồng khác Chiêng ở chỗ nào thì ông giải thích rất rõ:
Cồng, chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, hình tròn, làm bằng đồng thau. Cồng có cục u (hay núm) nhô lên ở chính giữa. Chiêng thì mặt phẳng, không núm.
Cũng như đàn đá, cồng chiêng được Unesco công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
13. Trống
Trống được làm từ nguyên một thân gỗ, có kích thước lớn nhỏ khác nhau, hai đầu tạc tròn, nhỏ hơn bụng trống, bên trong thân cây khoét rỗng để làm tang trống, mặt trống bịt bằng da trâu. Trống thường được dùng để thông báo cho buôn làng biết khi có sự kiện lớn diễn ra.
14. Đàn Đá
Tôi chưa từng nghe nói hoặc có thể không biết quốc gia nào trên thế giới có đàn đá như ở Việt Nam. Đàn đá là một nhạc cụ gõ, có từ thời cổ đại hai ba ngàn năm trước Công nguyên, được những người nghệ sĩ tiền sử khéo léo đẽo gọt từ những tảng đá thành những phiến đá có kích thước to, nhỏ, dài, ngắn, dầy, mỏng để tạo nên những âm vực cao thấp khác nhau. Thanh đá lớn, dài và dầy có âm vực trầm so với những thanh đá nhỏ, ngắn và mỏng thì tiếng thanh. Chính những phiến đá này được nghệ nhân thượng cổ sắp xếp thành một loại nhạc khí gọi là Đàn đá.
Đàn đá có từ ba thanh, sáu thanh đến trên 40 thanh. Với những phiến đá thô sơ, vô tri, những nghệ nhân tiền sử đã tạo ra một nhạc cụ sống động mang âm thanh trầm bổng bất hủ của rừng núi đại ngàn.
Bộ đàn đá thời tiền sử được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1949 tại một chốn hoang vu trong rừng rậm thuộc huyện Lak, tỉnh Daklak. Bộ đàn đá cực lớn này gồm 11 phiến kích cỡ từ thanh ngắn nhất 65.5m, nặng 5820kg, tới thanh dài nhất 101.7m nặng 11.210kg có niên đại khoảng 2500 năm, do nhà dân tộc học người Pháp Goerges Condominas cùng một số thanh niên thuộc bộ lạc Sar Luk, trên đỉnh núi Chư Yang Sin cheo leo, hẻo lánh phát hiện. Hiện bộ đàn đá thời thượng cổ này được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Nhân Chủng Học, Paris.
Ngoài bộ đàn đá của G. Condo, sau này còn có nhiều bộ đàn đá khác được các nhà khảo cổ hoặc người dân tình cờ tìm thấy, trải dài từ cao nguyên xuống tới miền duyên hải.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét