ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC
BÓNG NÚI VÀ ANH
(Nhớ nhà thơ Tường Linh!)
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh
VẠN LỘC
Lời bình; Châu Thạch
Trước khi bàn đến bài thơ “Bóng Núi Và Anh” của nhà thơ Vạn Lộc, người viết nghĩ rằng nên viết qua về nhà thơ Tường Linh, để ai còn xa lạ với nhà thơ này sẽ hiểu biêt về ông, hầu dễ đồng cảm với bài thơ của Vạn lộc.
Tường Linh tên khai sinh: Nguyễn Linh, Sinh 12/ 12/ 1931, mất 5 /02/2021, quê quán Trung Phước, Nông Sơn, Quảng Nam. Ông là nhà thơ có gia tài thơ ca lớn, thường lấy đề tài trung tâm là miền đất và con người xứ Quảng Nam. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng như "Chị Điện Hòa", "Năm cụm núi quê hương"…
Tường Linh có gia tài văn học lớn với 11 tập thơ, 130 truyện ngắn và tùy bút, 36 hồi ký. Các sáng tác của Tường Linh xoay quanh kỷ niệm về quê hương. Bút pháp Tường Linh mộc mạc, chất chứa một tình cảm chân thành, da diết và sâu lắng. Hình ảnh trong thơ Tường Linh phần nhiều về miền đất và con người xứ Quảng, về dòng sông Thu Bồn thân thương và thơ mộng. Thơ quê hương của Tường Linh không bị trùng lặp, luôn gợi lên nhiều rung động mới. Tình cảm dành cho quê hương chiếm vị trí cao trong thơ Tường Linh. Tường Linh từng phát biểu: “Nếu sinh ra tại một nơi khác không phải Quảng Nam, không chắc gì tôi đã trở thành một văn nghệ sĩ dù là văn nghệ sĩ nghiệp dư.”
Bài thơ “Bóng Núi và Anh” Vạn lộc viết về Tường Linh với cảm xúc mến yêu và kính trọng một nhân tài văn học đồng hương. Châu Thạch tôi viết cho bài thơ nầy cũng với lòng kính yêu Tường Linh, một thi nhân mà tôi cảm phục từ buổi thanh xuân, và thú thật, cũng bởi cảm xúc từ sự chân thành của Vạn lộc. Sự chân thành đó khiến tác giả viết nên một bài thơ hay đáng trân trọng.
Vào khổ đầu của bài thơ ta thấy ngay một bóng núi, bóng núi chớ không phải là núi:
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
Dáng ngồi của Tường Linh trong thơ cao hơn một bóng núi. Vạn Lộc dùng từ ngữ vô cùng khôn ngoan. Bằng phương pháp hình tượng hóa, nhà thơ Vạn Lộc đã gởi được nhân cách, địa vị, uy tín của Tường linh vào thơ một cách khiêm nhường. Nhà thơ không dùng chữ “núi” mà chỉ dùng chữ “bóng núi” làm cho lời thơ tôn vinh trở nên nhã nhặn, hình ảnh tôn vinh trở nên đẹp mà giản dị, không phô trương quá đáng.
Qua khổ thơ thứ hai, Vạn Lộc dựng cái bóng núi đang ngồi đó lên thành Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm, làm cho bóng núi trở nên vô vàn thân thương và yêu quý :
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
Tất nhiên Tường Linh không phải là Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm để nhớ anh là nhớ những nơi đó, nhưng Tường Linh có thơ xuất sắc viết về những nơi đó, khiến bút danh Tường linh trở thành biểu tượng của những gì Vạn Lộc yêu dấu. Vạn lộc yêu dấu quê hương mình nên yêu dấu thơ Tường Linh là phải, bởi những địa danh thắm thiết trong con tim nóng hổi đã được thơ Tường Linh dựng lên sống động, từ đó Tường Linh cũng hiện hữu cùng địa linh trong tâm hồn nhà thơ Vạn lộc. Nếu ai từng đọc thơ Tường linh thì sẽ nhận thấy sự điêu luyện nhuần nhuyễn trong bút pháp hình ảnh hóa Tường Linh trong thơ Vạn Lộc.
Qua khổ thơ thứ ba, Vạn Lộc đã thu những bức tranh quê hương mênh mông cẩm tú nhỏ lại như nhúm nhau, như con chim vịt để cô đọng tình yêu quê hương ấy vào lòng, làm sống dậy trong máu thịt mỗi người biết bao kỷ niệm yêu dấu thân thương mà nơi chôn nhau cắt rốn đem lại cho mình:
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
Trong khổ thơ nầy, nhà thơ cũng nhắc đến những địa danh nhưng không phải những danh lam thắng cảnh hùng vỹ nữa, mà là nơi “Quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Câu thơ “Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều” là một câu thơ tích tụ nhiều câu ca dao ngọt ngào trong tâm khảm mỗi người. Đọc câu thơ nầy không mấy ai không nhớ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” và còn biết bao câu ca dao “chiều chiều…” khác đã lắng đọng thấm thía trong lòng mỗi người nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tình yêu hay nhớ làng nhớ xóm.
Từ khổ thơ thứ hai chuyển qua khồ thơ thứ ba, Vạn lộc như chuyển cung điệu bài thơ, thu con mắt nhìn xa trông rộng vào nội tâm mình, hướng nhìn vào kỷ niệm thân thương trong ký ức, để rồi qua khổ thơ thứ tư, nhà thơ trực tiếp tán dương thơ Tường Linh, xem đó là những điều đánh động con tim yêu thơ cúa mình:
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
Nhà thơ Tường Linh đã qua đời, Vạn Lộc dùng bóng núi để đồng hóa sự nghiệp văn chương của ông vào đó. Sự nghiệp đó còn sừng sững ngàn đời, nó không phải là núi vì Vạn lộc muốn tránh tiếng đời dị nghị, nhưng sự thật nó vẫn là núi, núi cao hay núi thấp để cho văn học sử ngày sau nhận định. Với tôi, chữ bóng núi nên thơ và thi vị hơn chữ núi, nó làm cho hai câu thơ cuối cùng của Vạn Lộc thành hình ảnh lung linh trong nắng chiều, gợi thương gợi nhớ trong tâm hồn của mỗi chúng ta mà ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn tồn tại trong những câu ca dao đất Việt:
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh
CHÂU THẠCH