CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

GỐM CHU ĐẬU VÀ HOA VĂN TRANG TRÍ HÌNH RỒNG - HỒ TỊNH


 

                    

           

GỐM CHU ĐẬU VÀ HOA VĂN TRANG TRÍ HÌNH RỒNG

         Khoảng cuối thế kỷ XIV, gốm tráng men Việt đã được sản xuất rất nhiều ở vùng đồng bằng Bắc bộ, sản phẩm gốm men trắng hoa lam, men màu thời bấy giờ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của gốm-sứ Việt; lúc bấy giờ có nhiều làng gốm ở Bắc bộ, trong đó hai trung tâm gốm nổi tiếng nhất là Chu Đậu (Hải Dương) và Bát Tràng (Hà Nội). Thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước ở Đông Nam Á thường xuyên ghé vào Phố Hiến và Thăng Long để lấy hàng hóa, trong đó gốm sứ là mặt hàng rất được ưa chuộng; có thể nói gốm tráng men Việt đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của "Con đường gốm sứ trên biển" thời bấy giờ.

         Gốm tráng men Việt thế kỷ XV được xem là đã đạt đến đỉnh cao về loại hình sản phẩm, nghệ thuật trang trí lẫn công nghệ sản xuất. Những hiện vật được khai quật trong những năm 1997 - 2000 từ con tàu đắm cổ thế kỷ XV-XVI ở vùng biển Cù Lao Chàm- Quảng Nam thuộc dòng gốm Chu Đậu đã minh chứng cho quá khứ vàng son của gốm Việt ở thế kỷ XV-XVII. Trình độ khoa học và công nghệ vật liệu khá cao đã lưu dấu ấn của truyền thống gốm Việt trong những sản phẩm thời kỳ này.

        Chu Ðậu là tên gọi chung của các loại gốm tìm được ở nhiều địa điểm sản xuất gốm như Chu Đậu, Mỹ Xá, Trạm Ðiền, Vạn Yên, Bãi Trụ Thượng, Kiết Ðoài, Linh Xá, Phúc Láo, Làng Ngói, Bá Thủy, Hợp Lễ, Xích Ðằng... Các làng gốm này đều nằm ở 2 bên bờ sông Thương, sông Thái Bình... nhờ vậy thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu về lò và đưa các sản phẩm ra cảng biển. Ðồ gốm Chu Ðậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ XIV, phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV-XVI rồi tàn lụi vào khoảng thế kỷ XVII. 

           Gốm Chu Ðậu rất phong phú về loại hình: bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, chậu, lu, hũ, chân đèn, lư hương, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực; các loại tượng người, tượng động vật... Trong đó đặc sắc nhất phải kể đến loại bình ngọc hồ xuân mà ta quen gọi là bình tỳ bà bởi hình dạng gần giống như chiếc đàn tỳ bà, loại hình nầy xuất hiện khá nhiều trong con tàu đắm cổ vùng biển Cù Lao Chàm, theo một số nhà nghiên cứu, loại bình ngọc hồ xuân này chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

            Trong số các sản phẩm gốm Chu Đậu còn tồn tại đến ngày nay, đồ gốm men trắng hoa lam và men nhiều màu (thường có các màu: lam, đỏ, xanh lá cây, vàng...) được thể hiện bằng những họa tiết trang trí đặc sắc. Với đồ gốm men trắng hoa lam, men lam được vẽ trước khi tráng lớp men trong suốt. Theo các nhà nghiên cứu, màu lam nầy được tạo ra từ chất liệu coban; màu xanh lam hình thành do Co phân ly trong thủy tinh alumino-silicate cùng với Fe và Mn trong quá trình nung sản phẩm. Trong dòng gốm men trắng hoa lam nầy, gam màu lam thay đổi từ màu lam tươi đến xanh đen sẫm, các nhà chuyên môn cho biết, tỉ lệ Fe và Co càng cao thì cho màu xanh lam càng đậm, chuyển thành màu xanh đen.



Với đồ gốm men nhiều màu, sau khi đã nung sản phẩm tạo lớp men trong suốt, người ta mới vẽ trang trí trên men, sau đó sản phẩm được nung lần thứ hai để cố định màu. Bên cạnh đó, có lúc người ta còn áp dụng kỹ thuật trang trí men trắng hoa lam và men nhiều màu trên cùng một sản phẩm để tạo hiệu quả mỹ thuật tối đa. Dưới đáy những loại đồ gốm nầy thường quét một lớp men màu nâu, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là men chocolate. Những họa tiết trang trí màu lam rất bền nhờ lớp men phủ bên trên bảo vệ. Trong khi đó, do được vẽ trên men, nên sự gắn kết của loại men nhiều màu phải có lớp men phủ trong suốt để bảo vệ các hình vẽ. 

Loại men xanh lá cây là men thủy tinh chì (Pb) pha đồng (Cu). Ngoài phần vẽ men xanh lá cây, dấu vết của Pb cũng được phát hiện khá rõ khắp bề mặt men, nguyên nhân là do sự khuếch tán của Pb trong khi nung sản phẩm do áp suất hơi bão hòa lớn của Pb. Trong các di vật gốm tam thái vớt từ tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, thường thấy dấu vết vỏ của một số loài hà biển bám trên các vùng vẽ men xanh lá cây; có lẽ chì là nguyên tố cần thiết cho sự sống của loài nhuyễn thể này. 




           Đặt biệt, trong bộ sưu tập gốm Chu Đậu được tìm thấy trong tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, có một số di vật được vẽ bằng kĩ thuật vẽ vàng kim/tô vàng trên gốm, người thợ vẽ dùng bột vàng tô viền theo những hoạ tiết chính của hoa văn, làm tăng thêm phần sang trọng, quý phái cho sản phẩm, đồng thời cũng thể hiện tài năng điêu luyện và kỹ thuật tiến bộ của các nghệ nhân gốm Việt ngày xưa.

            Các chi tiết hoa văn được thể hiện đậm nhạt theo lối phóng bút hoặc vẻ bằng những nét tinh tế theo lối công bút. Cũng có sản phẩm người ta sử dụng cả hai phương pháp trên để trang trí hoa văn. Đề tài trang trí trên gốm Chu Đậu rất phong phú, từ những con vật thần thoại như long mã, bộ tứ linh: long - lân - quy - phụng, cá hóa rồng, đến các loại động vật trong đời thường như cá chép, tôm, hổ, trâu, dê, chim sẻ, chim bói cá, mây nước, cánh sen, vịt bơi trong hồ sen; các đồ án hoa mẫu đơn, cúc, trúc; hoa văn hình học như bát giác, lục giác, hình thoi, hình sóng nước... và không ít những cảnh sinh hoạt ở chốn cung đình lẫn nông thôn, phong cảnh sơn thủy…


 

      

   Trong số các cổ vật gốm Chu Đậu được trục vớt từ con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, có tượng một con rồng men trắng vẽ hoa lam có hình dạng độc đáo, thân rồng mập mạp, uốn cong ở giữa, đầu và đuôi vễnh lên, bụng rồng tạo dáng phẳng để làm chân đế cho tượng đứng vững, Đây là một trong những tượng rồng điển hình của nghệ thuật thời Hậu Lê, đầu rồng có chiếc mũi to, túm lông bờm dày tung bay về phía sau, chân rồng có 4 móng, chiếc đuôi mập mạp với dãi vây trên sống lưng kéo dài xuống trông như đuôi cá.

           Trên thân một liễn gốm men trắng hoa lam có vẽ một con rồng thân dài, dọc sống lưng có một hàng vây thấp, rồng uốn lượn quanh vòng bụng liễn, đầu rồng ngẩng lên, có 2 sừng kiểu sừng nai; 2 túm lông bờm bay phất phơ về phía sau; miệng há rộng trong tư thế đớp viên ngọc to lơ lững ở phía trước, dưới cằm có 3 sợi râu; mũi rồng to, bên trên có 2 sợi râu uốn lượn về phía trước; rồng có thân dài, trên lưng có dãi vây kéo dài đến tận đuôi; dưới bụng rồng là 4 chiếc chân 4 móng, trong tư thế như đang bơi trong các dãi mây hình đao lửa.

          Trên một chiếc đĩa men trắng hoa lam lớn. trang trí hình 3 con rồng, gồm 2 con rồng nối đuôi nhau lượn quanh thành đĩa, được phân cách bởi 2 hạt châu và đám mây hình ngọn lửa ở 2 đầu; chính giữa lòng đĩa là một hình rồng cuộn tròn trong đám mây. Những con rồng này đều có thân dài, trên lưng có dãi vây kéo dài đến tận đuôi, hình dáng tương tự như rồng trên liễn gốm nói trên.

Cùng với hình rồng, trên gốm Chu Đậu còn có hình tượng cá hóa rồng theo truyền thuyết dân gian. Các nghệ nhân gốm Chu Đậu đã chọn đề tài “cá chép vượt vù môn hóa rồng” với ý nghĩa cổ vũ tinh thần kiên trì học tập, bền bỉ vượt mọi khó khăn để đạt đến đỉnh cao tri thức, danh vọng. Trong số những chiếc đĩa được trang trí đề tài cá chép hóa rồng, có 4 chiếc đĩa thể hiện khá độc đáo, như thể hiện sự biến đổi liên tục của quá trình cá chép hóa rồng.

           Ở chính giữa một chiếc đĩa hoa lam lớn, thể hiện hình cá hóa rồng đang uốn mình trong đám mây hình đao lửa, cá mới hoá rồng ở phần đầu, mũi nhô rõ, miệng mím lại, ở khóe mép nhô ra chiếc răng nanh dài; thân, vây và đuôi vẫn là của cá chép. Xung quanh hình cá hóa rồng là 3 vành hoa văn thể hiện các cánh hoa, cúc dây, cành lá, các vành hoa văn được phân cách bằng những vòng tròn kép. 

            Trên thân một kendi vẽ men nhiều màu, một con cá hóa rồng ở toàn bộ phần đầu, chiếc miệng to há rộng, nanh nhọn, mũi to, mắt lồi, có 2 sợi râu dài… Phần thân trước mọc ra 2 chân có 4 móng, thân sau vẫn là cá chép với dáng tròn dẹt, vảy to, vây lưng kéo dài đến  tận đuôi. Hoa văn trên kendi được vẽ bằng men nhiều màu nhưng phần lớn đã bị bong tróc, chỉ có nét vẽ men lam vẫn còn rõ.

            Một chiếc đĩa có đường kính lớn, trang trí men nhiều màu nhưng hầu hết các màu đã bị bong tróc, chỉ còn rõ nét vẽ màu men lam; vành đĩa vẽ 11 cánh sen, chính giữa lòng đĩa là một hình cá hóa rồng ở giai đoạn cuối chỉ có phần thân sau và đuôi vẫn là cá chép, phần đầu và thân trước đã hóa rồng khá hoàn chỉnh, đầu rồng được thể hiện rất dữ tợn, miệng há rộng, lưỡi nhọn và dài thè hẳn ra ngoài, phía trước miệng rồng có một viên ngọc lớn; chỉ mới xuất hiện 2 chân trước, có 4 móng sắc nhọn quặp lại, từ khuỷu chân mọc ra túm lông dài và nhọn; từ hai của đôi chân trước mọc ra đôi cánh xoè rộng như đang bay;  trên lưng cá đã xuất hiện vây hình đao lửa.

          Một đĩa lớn khác cũng vẽ bằng men nhiều màu, màu men lam chuyển sang xanh sẫm, cũng là kiểu trang trí 11 cánh sen trên vành đĩa; về tạo hình thì con cá hóa rồng này tương tự như hình vẽ của đĩa trên, chỉ khác là miệng rồng đã ngậm lại, phía trước mặt cá không có viên ngọc, dường như muốn thể hiện viên ngọc đã bị cá hóa rồng ngậm trong miệng.

         Gốm Chu Ðậu không chỉ sử dụng ở trong nước, sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, ngày nay chúng đã có mặt trong các sưu tập của tư nhân và các Bảo tàng ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippine, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Ðức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada... 


 HỒ TỊNH


Tài liệu tham khảo:

+ Nguyễn Đình Chiến – Phạm Quốc Quân. Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hà Nội 2008

+ Nguyễn Quang Liêm, Colomban Ph., Vũ Xuân Quang, Hà Văn Tấn. Xác định công nghệ chế tạo gốm sứ cổ Việt Nam trên cơ sở những nghiên cứu khoa học vật liệu. Khảo cổ học, số 2-2002.

+ Tăng Bá Hoành. Gốm Chu Đậu. NXB Hà Nội 1999

1 nhận xét:

QUANG THÁI nói...

Qua thăm Nhã My dọc bài viết về Làng Gốm Chu Đâu hữu ích lám .. chúc mừng.. chúc NM một mùa xuân mới luon vui khoẻ - Bình an và Hạnh Phúc