CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

THU CA ,BÀI TANGO BÂY GIỜ VÀ MAI SAU - TRẦN HỮU NGƯ







THU CA, BÀI TANGO BÂY GIỜ VÀ MAI SAU

Nói đến Tango, giới đam mê âm nhạc thường nghĩ đến Hoàng Trọng, suốt một thời gian dài từ năm 1953 đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau không một ai có thể soán ngôi ông, cho nên người ta phong ông là “ông vua Tango” quả không sai. Hoàng Trọng có đến 30 bài Tango mang đến cho người nghe trong những lời ca mượt mà, có sự đóng góp ca từ của thi sĩ Hồ Đình Phương, cùng những giai điệu Tango lả lướt, xuất phát từ một nhịp điệu khiêu vũ chậm của xứ Mexique, tiết điệu 2/4, anh em, họ hàng cùng với Habanera, “Tango Habanera”.
Và cho đến năm 1961, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mới cho ra đời bài hát có một tên rất ngắn: “Thu ca”, ca về mùa thu. Đây là một nhạc phẩm viết về mùa thu mang giai điệu Tango nổi bật nhất so với những giai điệu Tango của một số ca khúc của các nhạc sĩ khác viết về mùa thu, và người yêu âm nhạc đã đón nhận bài “Tango lạ” này, vì “Thu ca” ngoài giai điệu, nó còn mang đến cho người nghe những ca từ mang trọn vẻ đẹp toàn vẹn, quý phái của một mùa thu.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác chừng 50 nhạc phẩm, nhưng người ta chú ý đến ông qua mấy nhạc phẩm như: “Thế rồi một mùa hè” ca sĩ Thanh Thúy đã thu vào dĩa hát Sóng Nhạc, và “Loài hoa không vỡ” đã được ban nhạc Nghiêm Phú Phi hòa âm, ca sĩ Hoàng Oanh thu thanh vào dĩa hát Việt Nam, “Thung lũng hồng” do Khánh Ly ca… và còn rất nhiều ca khúc quen thuộc khác. Phạm Mạnh Cương là một ông thầy giáo dạy triết, nên nhạc ông có thoáng một chút triết lý, nhưng không đến nỗi suy nghĩ nhiều mới hiểu được và nhạc ông như trong bài “Loài hoa không vỡ”, ông không dùng hoa tàn, héo, úa, khô… mà vỡ, cũng chính vì chữ “vỡ” này mà “Loài hoa không vỡ” có một sức sống lâu bền trong lòng mọi người dù nó mang một chút triết lý.
Có một điều đặc biệt rằng, bài nhạc “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương không dành riêng cho một ca sĩ nào. Đây là một bài hát chung cho tất cả các ca sĩ, nó không kén chọn ca sĩ và người nghe từ bình dân cho đến cao cấp, ai cũng lĩnh hội được nhạc phẩm này, người nghe thấy “đã” vì cái nhịp Tango dồn dập và cuồn cuộn đi tới cùng với lời ca như tan chảy, thấm đẫm vào tâm hồn người nghe.
Bài hát “Thu ca” ra đời từ năm 1961, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương giữ bản quyền, đây là nhạc phẩm nằm trong bộ sưu tập của NXB Mỹ Hạnh, thời gian này, đã có những bài Tango lóe sáng trên bầu trời ca nhạc miền Nam, nhưng “Thu ca” như một hiện tượng, một vì sao sáng, chiếu qua bầu trời Tango. Nhạc Tango, một giai điệu hầu như rất khó trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ miền Nam thời bấy giờ! Và hãy xem lại, cái gì đã làm cho người ta say mê, nồng nhiệt đón nhận “Thu ca” đến như vậy?
Giai điệu, hay ca từ?
“Thu ca” là một cuộc tình lãng mạn, hình như đây là một ca khúc “giai điệu ôm trọn ca từ”, ngắt đoạn, nhưng không rời nhau.
Mùa thu là một mùa đẹp đẽ, chỉ cần một chiếc lá vàng rơi, một tiếng mưa nhỏ hạt, một khung cảnh lãng đãng khói sương, một thoáng mây qua khung cửa… cũng làm cho người nhạc sĩ chạnh lòng. Nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lam Phương và một số nhạc sĩ khác, đã cho chúng ta nghe nhiều về nhạc mùa thu. Nhưng ở bài “Thu ca” này, ngoài hình bóng của một anh chàng lữ thứ với một mối tình lãng mạn đầy sương khói mùa thu, nhẹ gió rung một tà áo, nhẹ nụ cười thắm như cánh hao đào, nhẹ một tiếng nói… Tất cả hình ảnh cũng đều nhẹ nhàng, chỉ có giai điệu Tango là mạnh mẽ, và chính vì cái nhịp sôi nổi đó nên làm người nghe thích thú vì thấy lạ tai rồi hưng phấn, rồi thăng hoa với một bài thu ca đặc biệt này!
Tiếp theo sau năm 1961, Phạm Mạnh Cương lấy “Thu ca” là nhạc hiệu chương trình của ông. Thế mới biết “Thu ca” là đứa con yêu dấu của ông và có lẽ nhắc đến tên ông là người nghe nghĩ đến ca khúc này. Cuộc đời viết nhạc, chỉ một ca khúc để làm nên tên tuổi, điều này cũng không dễ chút nào!
“Thu ca”, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương viết móc đôi và móc đơn ông dùng những nốt Bémol: Mí, Si, La, đó là những “nốt buồn”, vì mùa thu, mùa của lá vàng rơi, mùa của gió heo may, mùa của trời mây bay tản mát… nói chung mùa thu mang đến cho chúng ta cảm giác buồn, dù mùa thu là mùa đẹp đẽ trong bốn mùa.
Mỗi năm mùa thu lại đến, nhạc thu cũ có rất nhiều những bài hát hay, nhưng thời gian đã làm nhạc thu ngủ yên, có đôi khi hờ hững, lặng yên trong đong đầy nỗi nhớ, và mỗi năm đến mùa thu, dù ai quên, ai nhớ, nhưng “Thu ca” đã thức dậy khi bên ngoài trời thu có


                         

những ngọn gió heo may thổi về:
“… Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu…”
Mỗi năm mùa thu đến hẹn lại về, trong sương rơi, cô đơn và chuyện tình yêu cũ cũng về:
“… Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lưới cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vì đâu
Mờ xóa tình quen biết nhau
Nhắc chi cho lòng đớn đau…”
“Thu ca” hát không cần mùa, một bài Tango bây giờ và mai sau.


TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: