ÂM NHẠC MIỀN NAM:
MÀU VÀNG VĨNH CỮU
NHẠC VÀNG, chuyện đã xảy ra cách đây nửa thế kỷ, từ cái thời CHIẾN TRANH VỪA CHẤM DỨT. Từ cái thời Chúa đã đi qua Mỹ, từ cái thời vượt biên, từ cái thời ăn Bobo rau muống bổ hơn thịt bò, đi kinh tế mới thay trời làm mưa biến sỏi đá thành hoa màu!
Trước khi vào đề tài ngắn gọn: ÂM NHẠC MIỀN NAM: MÀU VÀNG VĨNH CỮU, tôi xin nói lại một chút cũng ngắn gọn: NHẠC SẾN.
Tôi không phải là nhạc sĩ, ca sĩ, nhưng tôi đam mê âm nhạc từ lúc còn cỡi truồng tắm mưa, đầu trần chân đất, uống nước giếng không cần nấu chín, tối phủi chân leo lên bộ ván ngủ không có mùng, ăn sáng cơm nguội cá khô nướng… Hộ khẩu thường trú ở một làng quê không có tên trên bản đồ.
Ngày đó không có từ NHẠC SẾN, Từ này chỉ xuất hiện sau khi chiến tranh vừa chấm dứt. Và từ này là của những kẻ to mồm, trưởng giả học làm sang, họ hùa nhau “theo đóm ăn tàn”, những anh chàng, cô nàng “cách mạng 30” mang túi zếch, dép râu, đội nón tài bèo, đi hô khẩu hiệu! Miệng hát vang ca khúc khải hoàn ca:
“… Giải phóng miền Nam chúng ta tề quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước…”
Và nếu hỏi:
-Nhạc sến là nhạc gì, thì ú ớ, không trả lời được!
Có người còn lên lớp với tôi:
-Nếu ông không biết nhạc sến là nhạc gì, thì ông đừng viết về âm nhạc?
Tôi từ tốn thưa rằng:
-Ông làm ơn hát cho tôi nghe một bài hát mà ông cho là sến?
…
Cuộc cãi tay đôi đã đến hồi gây cấn, thì bên kia đường, chiếc loa kẹo kéo phát ra ra bài hát “Về đâu mái tóc người người thương” của Hoài Linh do Hoàng Oanh và Phương dung song ca:
“… Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên thềm…”
Bạn ấy chăm chú nghe… Tôi thừa thắng xông lên, nói tiếp:
-Bài hát này nằm trong số những bài hát mà ông cho là sến đó!
Ông ta không trả lời và nổ máy xe, zọt lẹ.
Có lẽ chữ “nhạc sến” bắt nguồn từ những những cô mari-sến, gánh nước mướn ở những vòi nước công cộng “Laphongten”, lúc đợi nước thường hát nhạc vàng Boléro, những người ở đợ, thường ru em bé cũng bằng những bài hát Boléro… mà người ta hiểu lầm Boléro là nhạc sến chăng?
Và, tôi xin trở lại, ÂM NHẠC MIỀN NAM: MÀU VÀNG VĨNH CỮU.
Màu vàng là màu vĩnh cữu.
Thời ông cha chúng ta thường sơn son thếp vàng lên những đồ vật có giá trị để thách thức với thời gian. Màu vàng là màu chủ đạo, màu tâm linh; những đồ thờ cúng tổ tiên, ông bà, các bật tiền nhân, trưng trên bàn thờ tôn nghiêm được sơn son thếp vàng.
Da người Việt là màu vàng, màu lá chuyển sang màu vàng để bắt đầu một cuộc sống vĩnh cữu! Chiều vàng, đồng lúa chín vàng, trái cây màu vàng, trời tưởng là xanh nhưng vàng đấy, nước tưởng là xanh nhưng vàng đấy, bình minh màu vàng, hoàng hôn màu vàng... Màu vàng của lá mùa Thu, không phải là lá chết mà là chuẩn bị cho một sức sống mới cùng với đất.
Chiều cho ta màu vàng.
Nhạc miền Nam nói chung là nhạc vàng, nhưng là màu vàng vĩnh cửu, và nói riêng một số bài hát dưới đây cũng nằm trong số đó:
-Những chiều không có em (Trường Hải)
-Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn)
-Tím cả rừng chiều (Thu Hồ)
-Đường chiều lá rụng (Phạm Duy)
-Đường chiều (Hồng Duyệt)
-Chiều mưa biên giới (Nguyễn Văn Đông)
-Nương chiều (Phạm Duy)
-Chiều vàng (Nguyễn Văn Khánh)
-Đò chiều (Trúc Phương)
-Chiều trên Phá Tam giang (Thơ Tô Thùy Yên-Trần Thiện Thanh phổ nhạc)
-Chiều lên bản Thượng (Lê Dinh)
…
Và hãy nghe nhạc sĩ Phạm Duy trong ca khúc Nương chiều, đã thiết tha kêu chiều:
“… Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về giục mõ xa xôi ơi chiều
Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi ơi chiều
Chiều ơ, lúc chiều về là lúc yên vui
Con đường mòn ngửi lúa thơm ngon ơi chiều
Chiều ơi, chiều ơi
Chiều… ơi.
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét