CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

CHIẾC CHIẾU VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI - TRẦN HỮU NGƯ




 

CHIẾC CHIẾU VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI!

Đời sống của người Việt Nam trải qua bao thế kỷ, thăng trầm theo thời cuộc, dù cho vật đổi sao dời, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn gắn liền với chiếc chiếu.
Chiếc chiếu, gia đình nào cũng có, cho dù giàu nghèo hay sang hèn, dù ở thành thị hay thôn quê, chiếc chiếu như một vật bất ly thân. Nhưng ngày nay vì đời sống mỗi ngày cao hơn, nên ở thành thị người ta không còn dùng chiếu nữa, mà ngã lưng trên tấm nệm êm ái! Chỉ có những gia đình ven đô, hoặc gia đình nghèo chen chúc trong con hẻm chật chội, hoặc những vùng nông thôn nào còn nghèo mới dùng chiếu trải trên chiếc giường tre, bộ ván, nền nhà để nằm… Và cũng vì chỗ sang hèn đó, nên cuộc đời này chiếc chiếu bị hàm oan khi người đời phân biệt “chiếu trên, chiếu dưới”.
Nhớ lại những năm chiến tranh rày đây mai đó, bỏ nhà, có thể bỏ lại tất cả, nhưng chiếu thì phải mang theo, để đắp hoặc trải nằm, cũng có gia đình dùng thêm tấm đệm. Chiếu và đệm như hai anh em, nhưng cách đan khác nhau. Cọng chiếu thì tròn, cọng đệm thì dẹp, và cách dùng cũng khác nhau: Chiếu dùng để trải, đệm dùng để lót. Lót ở đây thường dùng cho đồ vật, có đôi khi lót đệm để ngồi. Chiếc chiếu thì thông dụng hơn, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh người ta dùng đệm làm nóp (may kín ba bên, chừa một bên để chui vào). “Nóp với giáo mang trên vai nhưng thân trai nào kém oai hùng” (Nhạc phẩm Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn).
Chiếc chiếu ngày xưa gắn liền với đời sống con người, có đôi khi ăn ngủ trên chiếu. Nhà giàu thì chiếu đôi, chiếu hoa, nghèo thì chiếu đơn, chiếu chiếc, là loại chiếu chỉ có một màu, mỏng hơn chiếu hoa… Chiếc chiếu có mặt trên từng cây số, có khi còn dùng cho người qua đời! Và ngày nay, ở miền Tây, người ta còn đan chiếu để… xuất khẩu. Rất may, chiếc chiếu Việt Nam đã có mặt một vài nước trên thế giới.
Những tháng năm xa xưa, lúc còn chiến tranh, nghe người bán chiếu rao đầu ngõ, tôi thèm vì nhà quá nghèo, ước có được chiếc chiếu mới vì những chiếc chiếu trong nhà dùng lâu bị rách phải lấy vải vá. Vá quần, vá áo đã đành, nhưng vá chiếu thì bây giờ nhớ lại như một chuyện cổ tích mà thời ấy tìm một miếng vải để vá đâu có dễ?
Những gia đình thuộc “cường hào”, hương tổng, lý trưởng, bá hộ… thường có những đôi chiếu hoa dành riêng trải xuống thềm nhà, hay trên bộ ván ngựa “dùng lâu lên nước”, mời khách ngồi trong những giỗ chạp tiệc tùng. Chiếc chiếu ở thôn quê vào thế kỷ 20 là một vật dùng thân yêu, gắn liền với số phận con người, có khi đắp chiếu đến cuối đời!
Và ngày nay chiếc chiếu còn được dùng đến để trải trước bàn thờ tụng kinh, quỳ lạy người qua đời, mong rằng đừng ai quên chiếc chiếu, dù vắng mặt trong đời sống đô thị giàu sang, nhưng chiếc chiếu rất có tình, có nghĩa, bên nhau khi con người từ giã cõi đời!
Sống ở thành phố với những chỗ nằm tiện nghi chăn nệm êm ấm, thỉnh thoảng, tôi nghe thấy người đàn ông gánh chiếu bán dạo cất giọng lúc gần, lúc xa, tiếng rao như một tiếng lòng, lạc lõng giữa phồn hoa đô hội mà trong mỗi tiếng rao ấy hình như có một nỗi buồn xa vắng mênh mông:
-Chiếu… đây. Ai mua chiếu… không?
Tôi bỗng nhớ “Tình anh bán chiếu”, sáu câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu sáng tác vào năm 1959, và được giọng ca mùi Út-Trà-Ôn ca, thời dĩa đá, đường kính 11,5 cm chứa được khoảng 60 phút âm thanh stereo, máy hát được quay “lên dây thiều”. Thời đó mà nghe Minh Chí, Út-Trà-Ôn ca 6 câu vọng cổ là muốn dừng cuốc, ngưng tay, bỏ làm, bỏ ăn mà nghe… Vọng cổ một thời lên ngôi vua cho đến khi tân nhạc Boléro ra đời! Bây giờ, nếu có dịp nghe lại, như một kỷ niệm buồn nhớ xa xôi. Hãy nghe Út-Trà-Ôn trong “Tình anh bán chiếu”:
-Nói lối :
“… Hò ơi… chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp/ Tôi gối đầu mỗi đêm !...”
-Rồi vào vọng cổ :
“… Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh ngã bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào! Cửa vườn cô khóa kín tự… hôm nào…”
Đây là một tình khúc tương tư của anh chàng bán chiếu với cô gái ở miền tây sông nước, anh chàng bán chiếu quen cô gái trên đường đi bán chiếu dạo, và năm trước gặp nhau, cô đã đặt anh một đôi chiếu bông :
“… Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy/ Chiếc áo nhuộn bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi/ Nhà của cô sau trước vắng tanh trong gió chiều đông/ Bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi thê thảm/ Cô đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước, có lẽ để điểm tô ở chốn… loan phòng/ Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo… chồng/ Cô ơi đôi chiếu bông này tôi tự tay dệt lấy/ Tôi đã lựa từng cọng lát sợi gai/ Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã rời quê nhà sang qua xứ khác/ Tôi đứng trước cổng vườn xưa buồn man mác/ Còn đôi chiều này tôi biết tặng cho ai/… Nhớ năm ngoái khi ghe tới vàm sông ngã bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô/ Cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và cô đặt làm đôi chiếu/ Cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen/ Năm hôm sau khi tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng/ Sau khi cô đà lui gót, chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre/ Cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang, để che giấu đôi dòng nước mắt/ Vì không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tinh/… Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết cô theo chồng đã được bốn trăng qua/ Mình dám đâu sai hẹn với người ta, mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác/ Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không… hồn/ Nước mắt tuôn rơi theo lá rụng bên đường/ Gió đông vụt vù thổi mạnh, lạnh đất trời lạnh cả tâm can/… người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung/… Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi/ Lòng nặng trĩu một nỗi sầu tê tái/ Tôi ngồi yên sau lái mắt vẫn hướng nhìn nơi nẻo cũ vườn xưa/ Hỡi ơi con sông Phụng Hiệp nó chãy ra ngã bảy mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng… muôn dòng/ Có ai hiểu được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh ngã bảy/… Sông sâu bên lở bên bồi/ Tình anh bán chiếu trọn đời… không phai…” (Tình anh bán chiếu).
Dù nghèo, nhưng anh bán chiếu rất hào phóng, pha một chút lãng mạn giang hồ lãng tử, chiếu không bán mà chỉ để tặng cô để làm quen như ngõ lời tình yêu của thuở ban đầu!
Đệ nhứt danh ca Út-Trà-Ôn với sáu câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu mùi mẫm đã một thời làm người nghe thương cảm anh chàng bán chiếu lụy tình và cũng từ đó, “Tình anh bán chiếu” đã đưa chiếc chiếu đi vào thơ ca. Và dù trải qua bao năm tháng, nhưng người đời khó mà quên được bài ca sáu câu vọng cổ này.
Ngày xưa ở một làng quê, tôi mê sáu câu vọng cổ và tôi suýt đi theo gánh hát mỗi khi gánh hát về làng!

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: