TRÒ CHƠI KÉO MO CAU
Bến Tre là xứ dừa nên có thể thấy dừa khắp mọi nơi, người ta trồng dừa quanh nhà, trong sân, ranh đất, sát bờ rào, ngay trước cổng nhà. Nhưng dừa nhiều nhất là trong các thớt vườn rộng cả héc-ta hoặc nhiều hơn nữa, nha giàu có từ đời ông, cha để lại có thể tới 5 hoặc 10 héc-ta (mẫu) là chuyện bình thường. Nhiều thớt vườn dài, rộng mút mắt, mỗi lần đi “thăm vườn” cả buổi mới giáp hết một thớt vườn. Tất nhiên trogn vườn dừa không chỉ có dừa mà người ta còn trồng xen chuối, mãn cầu xiêm (mãn cầu gai), nhưng đi sát với cây dừa thường là cây cau. Do đó trên một mương vườn thường xen những cây cau chiếm vị trí giữa khoảng cách của hai cây dừa nằm theo một bờ mương.
Hoa dừa rụng xuống đất đã thơm, nhất là sau một cơn mưa đêm, nhưng hoa cau rụng càng thơm hơn hoa dừa. Mùi hoa cau lẫn trong gió sớm mai, sau một cơn mưa như càng đậm hơn trong không gian, thơm ngây ngất, nôn nao không chỉ với người ở quê mà mùi thơm dân dã, thuần khiết này còn hấp dẫn, quyến rũ cả người thành phố có dịp về thăm quê gặp mùa hoa cau rụng. Ngày xưa người ta trồng cau tất nhiên là để bán cau trái vì có nhiều người nhà quê ăn trầu hoặc khi có người tổ chức đám cưới cho con rất cần mua cau buồng bởi cau và trầu là lễ vật không thể thiếu cho một đám cưới. Nhưng cau còn có một công dụng nữa dành làm trò chơi cho lũ trẻ con, đó là những chiếc mo cau khi rụng xuống. Mo cau là phần đầu của tàu cau, giúp tàu cau bám vào thân cau, khi những nhánh lá cau già, khô héo thì tàu cau rụng xuống.
Tôi thường được bà ngoại sai đi lượm tàu cau về để cắt phần mo cau ra làm quạt, tất nhiên phải lựa tàu cau nào có chiếc mo lớn nhất, bằng phẳng và đẹp nhất mới làm được quạt mo cau. Chiếc quạt mo cau đã đi vào câu chuyện dân gian “Thằng Bờm có cái quạt mo”, chiếc quạt mo cau dân dã, bình dị, không giá trị bằng chiếc quạt giấy nhưng lại quạt mát hơn quạt giấy nhất là vào những buổi trưa hè ở thôn quê có chiếc quạt mo cau phe phẩy thì thật tuyệt. Nhưng lũ trẽ con chúng tôi khi đi lượm mo cau ít khi đi một mình mà phải rủ bạn theo, đặc biệt là một đứa bạn gái cùng trang lứa cạnh nhà, chung xóm. Thế là tàu cau lại thêm một công dụng khác trước khi được cắt phần mo cau ra để làm quạt, nó trở thành một chiếc xe mo cau để đôi bạn trẻ con trai, gái thay phiên nhau kéo bạn mình loanh quanh trong sân nhà. Đó là trò chơi “kéo mo cau” đã đi vào kỷ niệm tuổi thơ, ghi dấu ấn sâu đậm một quãng đường đời từ tuổi ấu thơ đến ngày khôn lớn, trưởng thành có thể nói bất kỳ nam, nữ thanh niên nào lớn lên ở thôn quê cũng khó quên được kỷ niệm tuyệt vời khi được ngồi trên mo cau hai tay vịn chặc vào tàu cau cho bạn kéo.
Một chiếc tàu mo cau bình dị nhưng chuyên chở cả một thiên đường tuổi thơ nếu ta được ngồi trên đó cho bạn kéo. Thiên đường kỷ niệm này vô giá, không tiền bạc nào mua được dù bây giờ ta có thể mua được vé đi máy bay lên chín tầng mây nhưng khung trời tuổi thơ thì rất khó mua vé để được “kéo mo cau” quay về kỷ niệm nếu không có được trái tim son sắt ghi đậm hình bóng quê nhà.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét