BÀI HÁT “KHÔNG NGƯỜI LÁI”…
Chuyện xưa tích cũ: Đồng hồ không người lái, canh không người lái, bài hát không người lái… và chiến tranh bây giờ là chuyện mới: Những máy bay không người lái, xuồng không người lái, xe không người lái… Vậy thì, so với những thứ “không người lái bây giờ” thì chúng ta đã đi trước thời đại lâu rồi!
Biết đâu một ngày không xa sẽ có: Tình yêu không người lái, khám chữa bịnh không người lái, tiền không người lái…
Trẻ con ngày nay sau này lớn lên, sẽ không có nhiều kỷ niệm bằng chúng tôi hồi xưa. Hòa bình thì không bao giờ có nhiều kỷ niệm bằng lúc còn Chiến tranh?
Cũng nhờ Chiến tranh mà có tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoy, những bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, âm nhạc… được viết trong thời Chiến tranh, là những tác phẩm khó quên, mà trong trong Hòa bình tìm đỏ con mắt không thấy.
Có không ít những bài ca đi qua tôi trong Chiến tranh là “Những bài hát không người lái”, thường là những bài hát trong thời kháng chiến.
Thú thật rằng, tôi kém may mắn vì sinh ra và lớn lên trong thời kháng chiến chống Pháp, thất học, tôi suốt ngày cầm cuốc “đắm mình” trong rẫy bái nương khoai, làm bạn với núi rừng, cỏ cây hoa lá, chim kêu vượn hú… và tôi cũng tự đặc cho mình một biệt danh lúc còn nhỏ là người kháng chiến, nhưng “kháng chiến chống nạnh”, sau này lớn lên là “kháng chiến chống cuốc”. (Vì người lớn chống Pháp, tôi còn nhỏ chỉ chống nạnh và chống cuốc!)
Nói đến kháng chiến, tôi sực nhớ và thèm khoai mì luộc thời bão lụt năm Thìn 1952 ở trong rừng sâu. Rừng, đất cao, vậy mà vẫn bị ngập nước, cây cối ngã rạp, hoa lá tiêu điều, gió thổi trốc gốc rẫy cây mì chiến lược (chỉ có cây khoai mì là để được quanh năm, có củ “hóa thạch”, là thực phẩm chiến lược, để dành ăn cứu đói, mà trường kỳ kháng chiến). Khoai mì bị ngâm nước lâu ngày, củ mì ăn nghe thum-thủm, tôi ghiền loại mì này, vì thum-thủm là vị chớ không phải là mùi. Biết bao giờ ăn được loại mì “mắc nước” này? Tôi đã từng mua củ mì về ngâm nước, nhưng không có cái mùi thum-thủm ấy. Nếu nói theo cách bây giờ, thì khoai mì có vị thum-thủm là đặc sản!
Trở lại “Bài hát không người lái”, là gì?
Là không có bài hát (chỉ nghe người ta hát, rồi hát theo, truyền miệng), không có bản nốt nhạc, không ai tập hát, không ai bắt nhịp, nói theo kiểu những nhà Âm nhạc học, Ca sĩ học, Nhạc sĩ học, là không có thầy hướng dẫn hát, không có “hòa âm phối khí”… không có ông nhạc trưởng quay đít về phía khán giả chỉ huy mặc áo đuôi tôm múa gậy, chỉ tay, không có dàn nhạc cụ… nhiều hơn khán thính giả!
Trước ngày Đình chiến 1954, tôi hát “Nụ cười sơn cước” của Tô-Hải, “Lời người ra đi”, “Sơn nữ ca” của Trần-Hoàn, “Dư âm” của Nguyễn-Văn-Tý, “Mùa đông binh sĩ” của Phan-Huỳnh-Điểu, “Quê nghèo” của Phạm-Duy… không nhạc, không đàn… nghĩa là không có người hướng dẫn, tập dượt (hát không người lái), hát bắt chước theo lối thuộc lòng từ người này qua người khác. Sự truyền miệng này còn nhanh hơn Facebook? Tôi nói thật, không đùa đâu.
Những bài hát trên lúc bấy giờ nó ở tận ngoài Bắc, vậy mà hầu như mọi người trong thời kháng chiến miền Nam, từ liên khu 5 trở vào đều hát, đều thuộc, tuy đôi lúc sai, nhưng sai rất ít, và có đôi khi sai rất dễ thương!
Trở lại “Những bài hát không người lái”, nếu đem so sánh cách hát quen tai, quen miệng với bản nhạc gốc thì gần giống đến 95%. Còn 5% là sai Ton, sai từ… Có đôi khi là “sai rất hợp lý”?
Sai Ton, (quần chúng sửa lại để hát cho dễ, khỏi trẹo họng) nhưng chắc chắn rằng nghe nó thuận tai,và êm ru bà rù!
Điển hình trong nhạc phẩm “Dư âm”, quần chúng lao động ăn khoai lang, khoai mì, mặc áo vá vai, quần thủng đít, vậy mà hát “Dư âm” nghe nó êm ru, bà rù:
“… Mái tóc nhẹ rung
Trăng vờn làn sóng
Yêu ai em nắn cung đàn
Đầy vơi đôi mắt xa vời…” (Nốt Rề )
Nhưng trong bản nhạc Dư âm chính gốc:
“… Yêu ai em nắn cung đàn
Đầy vơi đôi mắt xa xôi…” (Nốt mi).
Hình như tôi nghe: “Đôi mắt xa vời” nó êm hơn “Đôi mắt xa xôi” hơi bị chỏi?
Dân miền Nam chịu chơi lắm, dù là nhạc miền Bắc, nếu hay, là OK SALEM, bịnh gì mà cử. Nhạc khó quá, thì sửa Ton, nhạc đụng phía bên này, hay bên kia, thì sửa chữ. Và trong “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải, “Lời người ra đi”, “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn… quần chúng cần lao có đôi khi hát sai Ton, nhưng cái sai này nghe rất “hợp tai”!
Những “Bài hát không người lái” đi qua tôi trong Chiến tranh - Tôi viết không có ý chăm chọc, mà viết rất nghiêm túc - Tôi thành kính xin lỗi hương hồn nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Tô Hải, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý… các anh đã đóng cho nền âm nhạc nước nhà những bông hoa xinh đẹp. Ngày ấy, dưới tai mắt quần chúng, họ đã mê nhạc các anh, dù sai Ton, nhưng quyết không đổi từ như một số ca sĩ ngày nay đã đổi. Thế mới biết quần chúng lao động dù dốt nhưng vẫn tôn trọng ca từ.
Biết làm sao hơn, khi đó là tiếng hát của quần-chúng anh-hùng lao-động (Hát mà không ca, vì ca chỉ dùng cho ca sĩ), thấy suông tai, nghe cũng có lý, có đôi khi họ cao vút lên, có đôi khi họ xuống “xề” như “Đôi mắt xa vời”… mà không làm ảnh hưởng bài hát như một số ca sĩ Diva ngày nay hát sai lời đã vô tình làm hư bài hát. (Như trong ca khúc “Sương lạnh chiều đông”: … Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở, của người nguyện đợi chờ…(chữ THỞ và chữ NGUYỆN hát sai Ton đã làm hư bài hát!)
Những “Bài hát không người lái” đi qua tôi trong Chiến tranh và nó sẽ ở lại mãi trong Hòa bình. Đó là những kỷ niệm xa vời vợi… Nhưng mỗi khi hát và nghe lại vẫn râm-ran nóng, và những bài tình ca trong Chiến-tranh vẫn còn đó như những vỉa than còn âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn thời gian. (Không giống như những bài hát vô cảm và lạnh lùng như bây giờ).
Bây giờ những nhà khoa học thế giới chế nhiều thứ “giết người không người lái”, họ tự hào là văn minh, nhưng vẫn thua dân kháng chiến thời chống Pháp Việt Nam, họ biết “hát những bài ca không người lái” từ lâu, nghĩa là đi trước thời đại!
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét