Câu chuyện cuộc sống:
NGƯỜI QUÊ ĂN GẠO CHỢ
Mỗi lần về quê lại được nghe tin một người nào đó hoặc là bạn học cũ thời tiểu học, hoặc là một người bà con xa của họ hàng bên nội hoặc bên ngoại chết vì… ung thư. Cũng có khi một cán bộ làm việc ở xã độ tuổi em út, kêu tôi bằng anh, bằng chú, bằng cậu tuổi thanh xuân còn phơi phới bỗng dưng ngã bệnh, rồi lăn ra chết thật bất ngờ, lại cũng chết vì ung thư. Nếu không ung thư thì đột quỵ, tai biến.
Có nghĩa, ung thư, đột quỵ là căn bệnh thế kỷ, không chỉ ở thành phố do áp lực căng thẳng, môi trường ô nhiễm, ăn uống toàn hóa chất độc hại tồn dư, tẩm ướp trong thực phẩm, nước uống, chất thải trong không khí, trong môi trường nước mà ở thôn quê, nơi vẫn được cho là môi trường thiên nhiên còn tinh khiết cũng đã không còn an toàn. Tất nhiên, trong số những người chết trẻ do ung thư này, nhiều người do uống rượu, hút thuốc quá nhiều. Nghĩa là những người này tự đầu độc mình, tự làm cho mình chết mà không hay biết hoặc biết mà không có cách phòng chống.
Làng quê bây giờ thật buồn tẻ, những người cỡ tuổi tôi bây giờ nếu về quê sống thì hầu như không có bạn. Bởi bạn bè cùng trang lứa đã tứ tán bốn phương trời, người còn ở lại nếu không chết thì đã trở thành một lão nông… không có “điền” để mà “tri” bởi ruộng đã lập vườn, còn vườn đã phá ra làm ao nuôi tôm công nghiệp. Nhà cửa ngày xưa ở vùng sâu, vùng xa, phía trước là những thửa ruộng, những giang đồng trống mênh mông rồi mới tới con lộ làng.
Con lộ đất cát, mùa nắng cát bủng đi nóng chân phải nhảy lò cò, mùa mưa mặt lộ ẩm ướt, đi chân trần mát rượi, hai bên lộ là vườn cây, cỏ xanh, hoa vàng, hoa tím, có những bụi cây đan kín dây tơ hồng vàng óng, ong, bướm, chuồn chuồn chập chờn bay lượn, gần gũi với người. Bây giờ con lộ đã trải nhựa, nhà cửa lấn sát ra mép lộ, xe tải chở gạch, đá, cát chạy xuôi ngược, máy sục oxy trong ao nuôi tôm chạy ầm ì. Buổi sáng không còn tiếng dế gáy sương, chiều không tiếng trâu gọi đồng, tìm một nắm rơm lót ổ gà không dễ vì những cánh đồng sau vụ gặt đã không còn. Làm gì còn hình ảnh đứa trẻ con chăn trâu nằm trên rơm rạ nhìn lên cánh diều no gió tung bay trong không gian mênh mông, xanh thẳm?
Làng quê bây giờ thiếu bóng dáng các cô gái ra sông gánh nước như gánh cả bóng chiều trên đôi vai, mái tóc kẹp ba lá chấm lưng thon thả, dịu dàng qua ngõ vắng, đường quanh về hướng mái nhà xa đang lên khói cơm chiều. Những cô gái quê ấy đã lên thành phố bán cà phê, làm nhà hàng hoặc lấy chồng xứ lạ hết rồi. Làng quê bây giờ toàn bà già, ông lão, phụ nữ nặng gánh gia đình, thổn thện chợ búa, làm vườn. Cánh thanh niên già trước tuổi lười biếng, vùi đầu trong thú đá gà, cờ bạc, tụ tập nhậu nhẹt và chờ… chết vì ung thư.
Nông thôn bây giờ chỉ thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài, xe máy tay ga lượn lờ, đèn điện thay đèn dầu, khắp xóm hát kraoke trong những tiệc nhậu. Không còn những đêm trăng sáng đờn ca tài tử quanh chiếc chiếu, ấm trà, quây quần giữa sân nhà, không còn cảnh đôi trâu đạp lúa vào mùa gặt. Sáng cà phê góc chợ chỉ nghe toàn chuyện thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay tiền đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng 2 tháng thu hoạch mấy trăm triệu nhưng nhiều người đóng lãi không nổi, kẻ bỏ nhà đi xứ khác trốn nợ. Vật giá nông thôn mới bằng hoặc cao hơn thành phố, làng quê thuần nông mà toàn ăn gạo đong mua ở chợ.
Nông thôn trên bước đường đổi mới đã phá vỡ nền tảng cũ, tạo nên những cơn lốc, biến nông thôn thành một bộ mặt thành thị nhưng trong ruột thì nửa nạc nửa mỡ kiểu… giải cứu heo khi nhà nhà đua nhau nuôi heo bằng thuốc tăng trọng. Làng quê đã khác, người quê không còn chất phác thuần khiết như xưa, nuôi con mèo, con chó, con gà không giữ là bị mất trộm, chợ quê mua bán đã không còn thật thà, người trong gia đình tham lam tranh giành nhau từng thước đất, anh lừa gạt em, bà con cật ruột qua ngõ không nhìn mặt nhau chỉ vì hiềm khích nhỏ nhen, cán bộ xã nhận tiền lót tay làm hồ sơ giả giành quyền thừa kế… Một bức tranh làng quê tiến lên nông thôn mới cho thấy sự chệch choạc, ãm đạm của một bức tranh còn thiếu những gam màu chuẩn mực để định hình.
Ngay như ở quê tôi, một ngôi làng thuần nông ngày xưa với ruộng rẫy ở sau những thớt vườn bạt ngàn, nhà nhà ở cách xa con lộ lớn phía trước là giồng cát mỗi mùa trồng hoa màu xanh tươi. Bây giờ không còn phân biệt được đâu là ruộng rấy, đâu là vườn dừa. Bởi lẽ ruộng rẫy, vườn dừa đã theo phong trào nuôi tôm công nghiệp mà thành vuông, thành ao. Ngay cả giồng cát cũng bị đào bới, cải tạo thành ao nuôi tôm. Nhà nhà tiến ra mặt lộ trán nhựa nhưng lại đua nhau ăn gạo chợ vì cây lúa đã thay bằng con tôm nhưng nước ô nhiễm khiến người nuôi tôm trắng tay. Nam nữ thanh niên trong tuổi lao động thất nghiệp phải tha hương kiếm việc làm, người lớn tuổi hơn trụ lại với cảnh nợ nần, sổ đỏ cầm cố, buồn chán sinh rượu chè, đá gà…con đường dẫn đến bệnh tật, đau ốm tạo ra vòng lẩn quẩn, bế tắc.
Mỗi lần về quê, tôi cứ mơ ước sao làng quê của mình được trở lại như ngày xưa, ruộng rẫy lúa chín vàng bông cuối vụ mùa. Những thớt vườn dừa bạt ngàn, những giồng cát mùa màng xanh biếc, nhà nhà nép sau những lũy tre êm đềm, tiếng nhà máy xay lúa sập sình trên con đường qua chợ. Và những đêm trăng trải bóng vàng xuống những con đường quen thơm mùi cỏ dưới chân. Nhất là người quê vẫn ăn gạo do lúa bồ nhà mình chở tới nhà máy chà ra dự trữ ăn hàng tháng, hàng năm chứ không phải mỗi ngày phải ăn đong gạo chợ.
Nông thôn mới là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là đổi thay về bản chất cuộc sống nông thôn chứ không phải hình thức là treo lên tấm bảng khẩu hiệu ở cổng chào “Xã văn hoá” trong khi đất ruộng hoá thành ao nuôi tôm công nghiệp theo phong trào bị bỏ hoang, vườn bị mất dần hoặc biến đổi theo mô hình cây trồng mất mùa được giá, được mùa rớt giá khiến nông dân loay hoay xoay trở và nhà nhà phải ăn đong gạo chợ. Nhưng đến gạo cũng không phải của ta mà của… nước ngoài nhập về, nhiều nhất là gạo Thái Lan, gạo Campuchia.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét