CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

ĐỌC THƠ PHƯƠNG TẤN "BÓNG MẸ BÀNG BẠC NHƯ THƠ" - PHAN NI TẤN

 


Đọc thơ Phương Tấn

BÓNG MẸ BÀNG BẠC NHƯ THƠ

Bài thơ tám chữ Thưa Mẹ gồm 30 câu mở đầu tập thơ Thưa Mẹ của nhà thơ Phương Tấn là một tứ thơ lạ và hay. Lạ ờ cách dùng từ, hay ở cách diễn đạt, nhất là những động từ chạm thành tiếng kêu lạ tai, vang đi rất xa:
Con lột mũ cởi giày và tháo mép
Những chua ngoa xin mắc lại cho đời
Nay trở ngựa rầu rầu qua lưng mẹ
Thân cũng tàn con gõ lấy mà chơi
Xin đừng hỏi e một lời cũng mỏi
Tương tàn kia bòn mót hết xương da
Con ngồi gỡ trăng phơi trong mắt lạnh
Lấy nắng chiều hong một chút sầu khuya
Cho được thở hơi bay trong kẽ lá
Chút lòng vui đậu xuống mép sương chiều
Chút gió nổi lay hồn trong bãi đá
Hồng ghêu ngao cùng bầy lệ chắt chiu
Cho được nói lời bay trong kẽ nón
Lời reo vui lách tách vỗ quanh vành
Chân bập bỗng xin quỳ trong mắt mẹ
Thân đã vàng hay nắng đã vàng hanh
Con sẽ thở hơi con trong vú mẹ
Tí bi ai khẽ đọng mé chân đời
Chim lẻ bạn chơi một mình quạnh quẽ
Chạm tiếng kêu, ngại Chúa cũng chơi vơi
Thôi đà mỏi con vui lòng trở ngựa
Thân tong teo dắt dạ chắt chiu về
Thêm chút gạo chút lửa cười trong bếp
Chút bao dung lốp bốp nổ trong con
Mẹ so đũa gắp lòng con trong mắt
Gắp một đời rót xuống chén cơm con.
(Thưa Mẹ)
Có thể nói tập thơ Thưa Mẹ là một sự kết hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về thi ca của Phương Tấn viết về mẹ và lòng thương yêu vô bờ của người mẹ đã một đời tận tụy vì con. Phương Tấn thể hiện một thái độ, một cung cách nối liền người thơ với đời sống con người, là tiếng nói của nghệ thuật nhân bản, là vẻ đẹp của tình người.
Trong lịch sử nền thi ca Việt Nam, hình tượng Mẹ đã hiển hiện trùng trùng. Phương Tấn ý thức rõ điều này nên tác giả không dừng lại ở những hình tượng quen thuộc đó, cũng như không giẫm chân lên lối mòn của những người đi trước. Chính vì vậy cảm hứng trong thơ Phương Tấn viết về mẹ, về con người và đời sống đã bừng lên nhiều sắc điệu, phong phú hơn, nồng nàn hơn, da diết hơn.
Từ đó, trải qua suốt những trang thơ trong tập Thưa Mẹ, người đọc càng nhận thấy, từ lâu rồi, nhà thơ Phương Tấn vẫn miệt mài vẽ ra những chân dung thơ mới lạ về người, về bóng mẹ để mẹ được bàng bạc suốt một còi thơ. Ở đó, thơ gợi lên phẩm chất cao quí, nặng tình yêu thương, biểu hiện sự tương ứng về chữ hiếu, về sự tương quan của tình mẫu tử. Còn gì vời vợi hơn, cao cả hơn, hy sinh đến thê thảm hơn trong cơn ngã giá tình người:
Gặp bạn thời bạc phước
Khuyên mẹ bán bớt con
Mẹ ôm con khóc mướt
"Bán Mẹ không bán con"
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Thi ca Việt Nam nghĩa mẹ thương con như biển hồ lai láng biết trả ơn làm sao cho vẹn cho tròn. Trên đời này, cái gì có thể so sánh được lòng mẹ. Biển Thái Bình chỉ là một cách nói, vẫn có sự giới hạn của biển vỗ bờ. Chân dung mẹ bao la hơn, bát ngát hơn nên lòng mẹ trải về vô hạn. Khi tác giả tâm tình riêng với người em vừa lập gia đình, cũng là môt chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể ngoài mặt trận, vẫn không thể thiếu hình bóng thân yêu của mẹ lồng trong bóng mình:
Em biết đó, anh thân tàn ma dại
Một sớm kia em ngỡ xác trăng khô
Đất sẽ hé cùng thịt da sẽ trải
Cho lòng anh khẽ đậu ở hư vô
Em cũng biết Mẹ mỗi ngày một yếu
Cha thì đi một thuở nọ chưa về
Bốn thằng con sống chung cùng manh chiếu
Cùng chút xương người mẹ róc cho con…
(Thư Cho Em Trai Ở Bệnh Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang)
Thi ca, như chúng ta đều biết, kết tinh từ ba yếu tố ngôn từ, hính ảnh và âm thanh. Ba yếu tố quan trọng đó là vườn hoa gieo trồng, nuôi dưỡng theo năm tháng mà thành thế giới của thi ca.
Riêng thế giới thơ trong tập Thưa Mẹ của Phương Tấn đã gợi cho người đọc một sự xúc động khi ngẫm nghĩ những gì nhà thơ muốn tìm về kỷ niệm qua hình ảnh người mẹ.
Thơ Phương Tấn thường nặng về kỷ niệm. Có một chút hơi hướm ấm lạnh hắt ra và phả xuống từ những kỷ niệm khiến người đọc dễ nhận thấy những gì mộc mạc mà thấm thía, hơn là những mỹ từ bóng bẩy, chãi chuốt như một số nhà thơ khác thích dùng.
Tập thơ Thưa Mẹ, ngoài các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, thơ tự do, còn có những bài lục bát, tác giả viết tại Sài Gòn năm 1997, khóc ngày Mẹ mất nên bài thơ nào cũng thốt lên tiếng kêu thê thiết, móm mém, bùi ngùi.
Bài "Ầu Ơ, Con Ẵm Bóng Theo Tạ Đời" là một thí dụ:
Mẹ cười, bưng bát cơm thiu
Ấu ơ, móm mém hắt hiu phận nghèo
Mặc lòng, trời đất cheo leo
Ấu ơ, con ẵm bóng theo tạ đời
Bài "Con Cười Bên Mộ Vui Cùng Nỗi Đau" cũng hắt hiu, ảm đạm không kém:
Mót tàn hơi, níu thời gian
Đất trời chết điếng trần gian mịt mùng
Mông lung cát bụi mông lung
Con cười bên mộ vui cùng nỗi đau
Thơ Phương Tấn có nhiều tiếng động, nhưng những tiếng động trong phần thơ về Mẹ lại vắng tiếng cười, ngoài nỗi buồn. Thật ra cũng có tiếng vui, tiếng cười đấy, nhưng người ta chỉ có thể nghe được tiếng cười khô khốc như gỗ ván, như vết đạn thức dậy trong thơ:
"Gõ chiếc thân lép kẹp. Như gõ vào áo quan. Nào cười như xé ruột. Xin cười cho Mẹ vui. Con cười như gỗ ván. Giữa đất trời trống huơ. Con cười như vết đạn. Chết sững giữa cơn mơ"
(Con Buồn Mẹ Có Vui)
Hoặc:
"Đêm một mình bó gối. Ngồi cú xụ Phật ơi. Đêm mỗi mình bó gối. Lắc chuỗi cười trong tay"…
(Giữa Chiếc Quan Tài Trống)
Và:
"Tôi kể làm sao hết. Những chuyện thật đau lòng. Như tiềng kêu của Mẹ. Nở giữa vòm thinh không" (Reo Vui Giữa Huyệt Đời).
Cái vui nghe đã buồn huống hồ cái buồn càng nặng như cái chết:
"Ta giẫm qua mặt mình. Giẫm qua cơn lệ lớn. Ta giẫm lên mặt người. Chân vắt giữa cành răng. Cổ dài như ngực mỏng. Khóc mù mắt ta khóc. Nơi biển đời mưa mai. Sao cắn hoài những mũ
Thèm được nói tiếng người…" (Vào Những Ngày Có Kinh Nguyệt).
Sao lại "có kinh nguyệt" ở đây? Kinh nguyêt của thơ hay của người? Hãy nghe nỗi niềm của người thơ thưa với Mẹ:
"Suốt từ năm 1961 đến năm 1968 và sau đó nữa, con mất ngủ triền miên. Mẹ đã đau khổ dường nào khi biết con bị bệnh biến giọng, làm mũ trong cổ họng thông qua cả hai lỗ mũi. Đàm thường chảy theo thức ăn ra đầy miệng. Chữ "mũ" trong nhiều bài thơ của con những năm ấy là do từ căn bệnh này.
Những ngày mũ và đàm ứa ra từ miệng và mũi nhiều quá. Thưa Mẹ, "Vào những ngày có kinh nguyệt" là chuỗi ngày khốn cùng của con".
Ngoài tiếng động, thơ Phương Tấn còn có cả cái không tiếng động. Ta hãy đọc để lắng nghe tiếng "vô thanh" trong bài "Tát Hoài Mỗi Bể Dâu":
Ôi, con thèm đi học. Như khi còn thainhi.Thầm thì trong bụng mẹ".
Hoặc bài "Giữa Chiếc Quan Tài Trống":
Này một con chim sẽ. Thiếp trong lòng mắt em. Này một đôi chim sẽ. Chết trong lòng ngực anh.
Thơ Phương Tấn lại có cái hay ở câu hỏi bất ngờ đầy thú vị. Thí dụ hai câu trong bài thơ "Reo Vui Gữa Huyệt Đời": Này cô đơn quá đỗi. Tuổi trẻ làm sao ăn. Không ăn cơm, ăn quà, ăn bánh, kể cả ăn đòn, ăn đạn hay ăn năn, nhà thơ lại đòi "ăn tuổi trẻ" thì quả thật làm sao ăn, chẳng phải là một câu hỏi ngông nghênh, đáo để đến bất ngờ đó sao.
Đọc Phương Tấn, xuyên qua những trang thơ Phương Tấn viết về mẹ, hầu như không thấy chỗ nào vui. Mà cho dù có nghe thấy loáng thoáng niềm vui ở đâu đó trong thơ, thì cái vui, thay vì "líu xíu" tuôn trào, lại âm thầm ứa ra từ người dì, người chị được người thơ ví như loài chim bạc phước:
Kinh thưa chị đôi lần em chợt hỏi
Đời có cái chi vui quá là vui
Vui đến khóc dù mình chưa kịp khóc
Thèm chút vui lại một chút ngậm ngùi…
Kính thưa chị, nhà có bé Lan bé Phụng
Có dì Chuyền vui líu xíu như chim
Mỗi sáng dậy em lại mừng trong bụng
Em mừng em được sống nốt một ngày…
(Khoai Lang Vỏ Đỏ Lòng Vàng)
Ngoài những dòng thơ thổn thức về Mẹ. về cuộc đời làm người bạc phận, Phương Tấn còn xót xa về quê hương đất nước của mình:
"Xuân ở quê nội con. Chúc nhau mà lại khóc. Phòng mai mình chết đi. Không còn người để khóc. Xuân ở quê nội con. Xuân sao buồn chi lạ. Buồn như thể chiến tranh. Buồn như năm buồn bã…" (Mẹ ơi, Con Không Về Kịp Tết).
Bài "Nắng Hạn" cũng có chút nỗi niềm quê:
Ai ngóng bên kia sông. Ai ngóng bên này sông. Một con thuyền mắc cạn. Một nỗi đau bềnh bồng.
Đi tìm quê hương trong thơ Phương Tấn đâu cần tìm đâu xa. Ở đâu có mộc mạc, giản dị, ở đâu có hiền lương, chất phác, kể cả ở đâu có đắng cay, tũi nhục, có máu và nước mắt, ở đó có quê hương đau thương:
Thôi chịu dại như một loài tầm gửi
Xin ở đây ăn bưởi trổ sau vườn
Ngủ trên cây xướt mía lùi trong bếp
Buồn cưỡi trâu mà tìm được quê hương
A, cưỡi trâu mà tìm được quê hương
(Khoai Lang Vỏ Đỏ Lòng Vàng)
Nhưng cái tình chí hiếu của người thơ với bậc sinh thành vẫn không thiếu bóng mẹ khi chiến tranh tràn vào trong thơ:
Trâu nhớ cày, dồng trống thênh thang
Ruộng vườn xưa mộ dãi bom cán
Bắc với Nam như khoai với sắn
Bao nhiêu năm một dạ sầu mang
Có hơi thở trong từng chút đất
Co` thịt xương trong mỗi con đường
Tóc mẹ bạc những ngày bám đất
Lá xanh thêm như mắt con thơ…
(Đạp Bóng Đêm Hướng Về Phía Chân Trời)
Nhìn chung, tập thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn được tác giả chia làm hai phần: Mẹ ở phần vào tập; phần còn lại viết về thân phận con người trong chiến tranh.
Còng lưng thay trâu cáy qua luống đất
Qua những luống đời ròng rã chiến chinh
Ngưng bắn nghe đâu riêng cho thành thị
Chỉ có thị thàng không có đao binh…
Giựt đất cắm cờ cắm cờ giựt đất
Cờ của hận thù đất của Việt Nam
Bom đạn cho ai vì ai lường lật
Đâu phải người ngoài giết nhau cho cam…
(Thương Cây Nhớ Cội)
Chiến tranh trong thơ Phương Tấn có nhiều cảnh điêu linh, tang tóc đến thảm hại của con người và đất nước. Suốt ba mươi năm chiến tranh, cơn sinh tử đã đẩy dân tình vào lầm than, đất nước vào khốn khó, cho nên quê hương là đất sống của niềm hạnh phúc vô biên mà cũng là nỗi đau vô lượng của kiếp người. Sự sống và sự chết hòa trộn vào nhau chính là vẻ đẹp oan khiên Phương Tấn đổ ào xuống trang giấy:
… Con báu mặt con tưởng mình xa lạ
Buồn đong đưa buồn đọng xuống hoang mang
Nỗi chết đó đột nhiên thàng ân huệ
Quê hương kia ôi màu máu kinh hoàng
Con dại con ngu cam mình bất hạnh
Xin quay về chong đôi mắt xanh xao
Đừng ngó tổ tiên ngó cùng dân tộc
Ngó xuống hồn thân bỗng úa mênh mang.
Thơ Phương Tấn viết ra là để giải bày tâm sự, với người đã đành, mà còn để đối thoại với những con thú bé nhỏ bằng tư tưởng nghệ thuật riêng mình:
… Thơ ta giã, ướp cùng sương khói
Ướp xương da và máu ở hai miền
Nhắp một ngụm nghe lòng đỡ đói
Nhắp cho qua thời buổi đảo điên
Ta bẻ kiếm khi quanh thành lửa cháy
Khi cần lao mất cả ruộng vườn
Bom đạn đã nhiều hơn thóc lúa
Hận thù nhiều hơn cả tình thương
Này anh kiến chị dơi và chú muỗi
Thịt ta thơm xin cắn chút làm duyên
Ca91n như đạn như bom nhu8 lửa dữ
Như xác anh em như máu hai miền…
(Chuyện Trò Cùng Anh Kiến Chị Dơi Và Chú Muỗi)
(Thư Gửi Cha Bên Kia Sông Bế Hải).
Đời vốn nhiêu khê nên đời trôi nổi theo sinh động. Thơ Phương Tấn vì thế mà sinh động. Cũng chính vì thế, sáng tác của Phương Tấn trong tập thơ Thưa Mẹ là tiếng nói ngậm ngùi, là tiếng kêu trầm thống, là nơi ấp ủ tình thương và nỗi buồn, cũng là nơi lưu giữ đời đời sức mạnh của nhân tính và vẻ đẹp của bóng Mẹ bàng bạc trong thơ nên hình tượng Mẹ trở nên bất tử.


PHAN NI TẤN

Không có nhận xét nào: