Tranh Nguyễn Sơn
Tranh Nguyễn Sơn
MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CON CÁ LINH NON MÙA NƯỚC NỔI
BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH
này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh
ở phương này anh nhớ một quê hương
bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn
anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh
khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh
như mầu xanh của lúa mạ lên mầm
như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt
áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long
khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài
xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai
xõa trong anh bóng tre gìa quê ngoại
xoã hương tình của ruộng lúa Đồng-nai
khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé
để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm
để chiều nay mặt trời không ngủ sớm
như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn
khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn
để hương trinh ngào ngạc gập hồn anh
như cúc vàng bên thềm xưa Vỹ-dạ
ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương
khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát
để trời xanh rơi rớt vào mắt trong
để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng
bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang
khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ
để lòng anh không xao động nổi hờn
vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng
phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh
khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé
hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta
mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá
nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me
khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé
để lòng anh như pháo nổ đầu xuân
anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở
tạ ơn đời và tổ quốc mến thương
KHÊ KINH KHA
TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH
Nhà thơ Nguyễn An Bình vừa phát hành tập thơ DẤU TRĂNG XƯA vào cuối tháng 10 – 2023. Sách dày 130 trang do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn cấp phép phát hành, giá 120.000 đống. Sách in từ nguồn hỗ trợ sáng tác văn học của Hội Nhà Văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2023. Đây cũng là tác phẩm thứ 18 trong tủ sách TÌNH THƠ của nhà thơ Nguyễn An Bình. Các bạn có ủng hộ tác phẩm xin liên hệ qua mail tác giả: luongmanh2106@gmail.com .
Xin chân thành cám ơn các bạn.
NGẮM TRĂNG TRÊN ĐỒI THƠM
Xuống dốc lên đồi chờ trăng mọc
Con đường nào xanh mướt tiếng mưa
Sóng vỗ từ bên kia sườn núi
Mơ hồ tiếng hát mỹ nhân ngư.
Cây mận trên đồi sai trỉu quả
Cành khuya xao động dấu chim đêm
Ánh đèn thành phố xa xôi quá
Mênh mông đồng lúa đợi trăng lên.
“Chiều qua Tuy Hòa” còn ai hát
Mười năm tìm mãi tóc huyền sương
Chỉ tại lòng ta buồn hiu quạnh
Muốn giữ liềm trăng để nhớ thương.
Đêm nay có phải đêm huyền ảo
Cùng ta đón gió Tháp Nghinh Phong
Chóp Chài Tháp Nhạn mờ sương khói
Soi bóng mình trên nước Đà Giang.
Thoáng chút mưa khuya trên đồi vắng
Lá có reo vui mừng bước chân
Đêm Đồi Thơm ngỡ hình là bóng
Ta đợi em về lúc trăng tan.
NGUYỄN AN BÌNH
*Đồi Thơm: địa danh du lịch ở Tp.Tuy Hòa – Phú Yên
THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT GHI BẰNG CHỮ CÁI LA TINH VÀ TRONG ÂM HÁN VIỆT
Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết.
Âm tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) chỉ có 4 thanh bậc: phù bình (tên thông dụng hiện nay là âm bình),trầm bình (tên thông dụng hiện nay là dương bình), thượng thanh và khứ thanh (không chia bậc).
Nhưng âm Hán-Việt lại quy về bốn thanh điệu và thêm hai bậc của tiếng Hán vì dựa vào phiên thiết của âm tiếng Hán.
Trong tiếng HánViệt trước đây có bốn thanh: bình 平, thượng 上, khứ 去, nhập 入; mỗi thanh có hai bậc là phù 浮 và trầm 沈 (hoặc thanh 清 /trộc 濁; thượng 上/hạ 下)
Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平),phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).
*
Từ khi dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết, người Việt có thể diễn tả thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ được 6 thay vì 8, nghĩa là mất 2. Hai thanh phù-khứ, phù-trầm nhập lại thành một, hai thanh trầm-khứ, trầm-nhập cũng nhập lại thành một. Như vậy chỉ còn 2 thay vì 4.
Trong chữ Quốc ngữ, sáu thanh điệu được biểu thị bằng các dấu: sắc (´),hỏi (?), huyền (‘), ngã (~), nặng (.) và không dấu dành cho thanh ngang (phù-bình).
* THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT SỬ DỤNG THEO BẢNG CHỮ CÁI
LA TINH:
Tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái Latin và có sáu thanh điệu được ghi bằng các dấu thanh đặt trên hoặc dưới nguyên âm chính: huyền, ngã,hỏi, sắc, nặng và không dấu (tức không có dấu nào cả). Ta có thể nói tiếng Việt thông thường có 6 thanh điệu và được ghi bằng 5 dấu thanh.
Sáu thanh điệu tiếng Việt được xếp vào 2 nhóm: thanh bằng và thanh trắc
THANH BẰNG
Thanh bằng là thanh điệu bằng phẳng, không có sự cao giọng hay thấpgiọng khi đọc. Và là những thanh điệu mà khi thể hiện, đường nét âmđiệu diễn biến bằng phẳng, đồng đều từ đầu đến cuối, không có sự lên xuống bất thường nào.
Thanh bằng gồm những tiếng hay chữ không có dấu (gọi là thanh ngang) và những tiếng hay chữ có dấu huyền.
- Thanh ngang: thanh ngang hay còn gọi là thanh không dấu hoặc gọi làthanh không được thể hiện dấu trên chữ. Thanh này xuất hiện trong tất cả các âm tiết, trừ âm tiết khép.
Ví dụ: cam, xuân, đông, công ty, mưa xuân,….
Nhưng thanh bằng không được thể hiện trên các âm tiết như: lach, bach,bat, lac, nhac, hat, het, bêt,….
- Dấu huyền: dấu huyền là một dấu thanh nằm trên các nguyên âm trong tiếng Việt. khi thể hiện trên các nguyên âm thì phát ra âm với giọng đi xuống. Dấu huyền được viết bằng một gạch ngang chéo từ trái sang phải.
Dấu huyền thấp hơn thanh ngang một bậc, dấu này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép và đọc với giọng nặng hơn thanh ngang.
Ví dụ về dấu huyền: cà, sàn, đầm, bằng, bà, bàn, ….
THANH TRẮC
Thanh trắc là thanh điệu không bằng phẳng. Thanh này có âm diệu diễn biến phức tạp trong thanh điệu. thanh này khi lên khi xuống, thể hiện ra bằng một đường nét không bằng phẳng và không đồng đều.
Thanh trắc được thể hiện bằng các tiếng hay chữ có các dấu gồm: dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, gấu nặng.
- Dấu hỏi: dấu này có thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, dấu hỏi có điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp.
Dấu hỏi thường xuất hiện trong tất cả các âm tiết không phải là âm tiết khép.
Ví dụ: vả lại, hỏi han, cảm cúm, cảng biển, cảnh đẹp, hổn hểnh, cảm ơn, thể hiện,….
- Dấu ngã: dấu ngã là dấu có thanh điệu thuộc âm vực cao. Dấu này bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn, có thêm động tác nghẽn thanh hầu khi phát âm.
Dấu này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép vàđọc với giọng nặng hơn thanh ngang.
Ví dụ: ngã, vẽ, xã, mãn nhãn, sững sờ,….
Dấu ngã không được thể hiện trên các âm tiết như: lach, bach, bat, lac, nhac, hat, het, bêt,….
- Dấu sắc: dấu sắc là dấu có thanh điệu thuộc âm vực cao. Khi phát âm,dấu này có điểm xuất phát thấp hơn thanh ngang một chút và điểm kếtthúc ở âm vực cao. Đồng thời khi kết thúc còn phải có thêm động tác nghẽn thanh hầu khi đọc.
Dấu sắc có thể xuất hiện trong tất cả các kiểu âm tiết.
Ví dụ: khá lớn, bí quyết, chính thức, sáng sớm,….
- Dấu nặng: dấu nặng là dấu có thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, dấu này có điểm xuất phát gần với độ cao xuất phát của thanh huyền nhưng kết thúc đột ngột ở độ cao thấp hơn.
Dấu nặng xuất hiện ở tất cả các kiểu âm tiết.
Ví dụ: lạ đời, chợ xuân, lợi ích, lạm dụng, trục trặc, bẹp ruột
* THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT TRONG ÂM HÁN VIỆT
Tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ thanh điệu (tone-language). Nguyên thủy có 8 thanh điệu bao gồm 2 yếu tố: âm vực và âm điệu. Âm vực có 2 mức độ: phù (cao) và trầm (thấp). Âm điệu được chia thành bằng vàtrắc. Bằng là bình. Trắc gồm thượng, khứ, nhập. Nhân 2 âm vực với 4âm điệu, ta được 8 trường hợp. Xin mượn một ví dụ của Cao Xuân Hạo
(1998:82) "an", "ản", "án", "àn", "ãn", "ạn", "át", "ạt"
Trong tiếng HánViệt trước đây có bốn thanh: bình 平, thượng 上, khứ去, nhập 入; mỗi thanh có hai bậc là phù 浮 và trầm 沈 (hoặc thanh 清/trộc 濁; thượng 上/hạ 下)
Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平),phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).
1. Thanh bình: Có hai bậc, phù và trầm.
Thanh bình bậc phù (phù bình hay âm bình) là những tiếng không dấu,tức thanh ngang. Ví dụ: 阿 (a), 香 (hương).
Thanh bình bậc trầm (trầm bình hay dương bình) là những tiếng có dấu huyền. Ví dụ: 陀 (đà), 田 (điền), 神 (thần).
Điều cần chú ý là các chữ thanh ngang bắt đầu bằng l, m, n, ng, nh, d, v đều thuộc "trầm bình" ("hạ bình") trong cách áp dụng phiên thiết (LêNgọc Trụ) như minh 明, nhân 人, vân 云, nếu không sẽ sai về bậc thanh.
Điều này rất ít tác giả nhấn mạnh.
2. Thanh thượng: Có hai bậc, phù và trầm.
Thanh thượng bậc phù (phù thượng) là những tiếng có dấu hỏi. Ví dụ: 把 (bả), 海 (hải), 斬 (trảm).
Thanh thượng bậc trầm (trầm thượng) là những tiếng có dấu ngã. Ví dụ: 母 (mẫu), 女 (nữ), 語 (ngữ).
3. Thanh khứ:
Thanh khứ bậc phù (phù khứ) là những tiếng có dấu sắc. Ví dụ: 鬥(đấu), 放 (phóng), 進 (tiến).
Thanh khứ bậc trầm (trầm khứ) là những tiếng có dấu nặng. Ví dụ: 大(đại), 在 (tại), 妄 (vọng).
4. Thanh nhập:
Thanh nhập bậc phù (phù nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t,ch, c và có dấu sắc. Ví dụ: 答 (đáp), 切 (thiết), 責 (trách), 捉 (tróc).
Thanh nhập bậc trầm (trầm nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t,ch, c và có dấu nặng. Ví dụ: 沓 (đạp), 滅 (diệt), 石 (thạch), 濯 (trạc).
*
Cứ liệu thống kê về nguồn gốc của 8 thanh trong cách đọc Hán-Việt,chúng ta có bảng sau:
BÌNH: Ngang, Huyền,
THƯỢNG: Hỏi, Ngã
KHỨ: Sắc khứ, Nặng khứ
NHẬP: Sắc nhập (Cao), Nặng nhập (Thấp)
Có thể liệt kê 8 thanh điệu đọc âm Hán Việt như sau:
Ngang, Huyền, Hỏi, Ngã, Sắc khứ, Nặng khứ, Sắc nhập, Nặng nhập.
LA THUỴ
*
THAM KHẢO:
- Huình Tịnh Của (1895) Đại Nam quấc âm tự vị. Rey, Curiol & Cie: Saigon
- Nghiên cứu về chữ Nôm của Lê Văn Quán (Nhà xuất bản Khoa Học Xãhội, Hà Nội, 1981)
- Đào Duy Anh: Hán Việt Từ điển.
- Lê Ngọc Trụ: Lối đọc chữ Hán Tập san Đại học Văn Khoa (Sài Gòn)1968
- Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1979
- Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1981.
- Trẩn văn Chánh: Từ điển Hán Việt, Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nhàxuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 1999
ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN - CHÂU THẠCH
VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA
LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đât hết vô tâm.
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.
Phương Tấn
(Quy Nhơn 1973)
Lời bình: Châu Thạch
Thơ Phương Tấn có nhiều bài đọc thấy hay và dễ hiểu. Thơ Phương Tấn cũng có nhiều bài đọc khó hiểu, khó hiểu mà vẫn biết hay, như nhìn một bức tranh trừu tượng với nét vẽ ẩn dụ nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy, mơ hồ trong sâu xa ta cảm nhận được sự “Trong sáng vô biên và quyến luyến”của nó . Tôi không đủ trình độ để xác nhận những bài thơ như thế có phải là thơ siêu thực hay không, nhưng thật sự đọc những bài thơ ấy ta cảm nhận được hư và thực lẩn lộn trong nhau như một giấc mơ đem đến cho ta những cảm xúc phiêu bồng, tưởng mình được nhẹ như chỉ có linh hồn bay trong cõi thơ hư hư, thực thực!
Bài thơ “Vào Trại Phung Quy Hòa Làm Thơ Gửi Hàn Mạc Tử” đối với tôi phải cần suy tư nhiều để hiểu, nhưng tôi cảm nhận được nó thật sự là hay, hay không thua bất cứ bài thơ nào của các thi nhân thơ Mới trong và ngoài Tự Lực Văn Đoàn.
Năm 1938, khi bệnh bắt đầu trở nặng, Hàn Mạc Tử chịu đựng những cơn đau của mình. Nhà thơ dùng thơ để làm dịu bớt những cơn đau ấy, từ đó “Máu Cuồng và Hồn Điên” ra đời. Bình về “Máu Cuồng và Hồn Điên”, Hoài Thanh trong “Thi Nhân Việt Nam” viết: “Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao...Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được...”
Nhà thơ Hàn Mạc Tử trút hơi thở vào ngày 11-11- 1940. Mộ nhà thơ lúc đó được đặt dưới chân núi Quy Hòa. Sau hơn 18 năm chôn cất tại đây, ngày 13-1-1959, gia đình và bè bạn đã làm lễ cải táng Hàn Mặc Tử lên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng – Quy Nhơn). Năm 1991, trên mộ cũ của Hàn ở Quy Hòa, người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời và trang thơ của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Phần trên đỉnh vừa tượng trưng cho hình ảnh bút nghiên của thi sĩ vừa là hình cây thánh giá. Bờ tường trước đài thể hiện hình ảnh vầng trăng luôn ẩn hiện trong thơ Hàn. "Ta bay lên, ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta với nguyệt thiềm/ Ta ở cõi cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm".
Năm 1973 nhà thơ Phương Tấn vào nghĩa địa tại trại phung Quy Hòa dưới chân núi Trứng thăm ngôi mộ cũ của Hàn Mạc Tử và bài thơ gởi Hàn Mạc Tử ra đời.
Hãy đọc khổ thơ đầu tiên:
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
Đây là những cảm xúc đầu tiên khi nhà thơ bước vào khu nghĩa địa.
“Cười cợt” là hành động chế nhạo. Phương Tấn mới bước vào nghĩa địa đã cười chế nhạo với những linh hồn mà xương cốt còn vùi chôn nơi đây. Có lẽ ta phải hiểu đây chỉ là phản ứng chống lại sự sợ hải khi đứng ở một nơi mà tác giả cho rằng chỉ toàn “yêu ma và xương cốt”. Bước vào nơi đây, nhà thơ nhớ ngay những bài thơ trăng của Hàn Mạc Tử, và những bài thơ ấy làm cho tác giả có cảm giác bầu trời như ban đêm, có trăng và mưa lạnh trên lớp lớp mộ bia. Cụm từ “một bát trăng sầu” làm cho ai đọc thơ cũng lạnh gáy, lại thêm “Ướt như chuột lột”, “lớp lớp mộ bia” làm cho khung cảnh vô cùng ảm đạm.
Khổ thơ đầu tiên tác giả đã vẽ một bức tranh sầu, sầu như đời Hàn Mạc Tử, sầu như bệnh phung Hàn Mạc Tử, sầu như tình Hàn Mạc Tử và sầu như cái chết Hàn Mạc Tử. Khổ thơ diễn tả hoàn toàn thật những xúc động khi nhà thơ bước vào một khung cảnh cô liêu, tưởng nhớ lại người xưa, một nhân tài nhưng gánh chịu đau thương vì thất tình, cô đơn và đau đớn thể xác.
Khổ thơ thứ hai:
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
Phương Tấn vui gì mà nhảy nhót? Nhảy nhót vì đã đứng bên mộ Hàn Mạc Tử, nhảy nhót vì tưởng tượng mình đã diện kiến người xưa, nhảy nhót vì ước mơ bao ngày nay đã đạt. Đây là cảm xúc thăng hoa mà bất kỳ ai yêu thơ Hàn Mạc Tử đều như vậy khi đến với Hàn, đứng bên mộ Hàn. Tất nhiên Phương Tấn nhảy nhót trong lòng mình, nhà thơ “vã xuông” vì hân hoan. Giờ phút nầy tác giả đã quên đây là nghĩa địa, đã quên “yêu ma xương cốt”, đã quên “bát trăng sầu”, chỉ còn biết Hàn Mạc Tử, Hàn Mạc Tử mà thôi, đến nỗi ông gói cả đời vui tặng Hàn và gói cả đời buồn giữ lại cho ông. Điều đó chứng tỏ nhà thơ yêu Hàn Mạc Tử đến độ nào, say Hàn Mạc Tử đến độ nào, sẳn sàng dâng tặng cho Hàn tất cả, với vui mừng đến độ nhà thơ tưởng tượng giữa khuya mùa đông, nụ hoa nở ra trong lòng ông lúc bấy giờ.
Vì sao không nở nụ tầm xuân mà lại nở “nụ tầm đông”? Bởi vì cuộc đời Hàn Mạc Tử đâu có mùa xuân bao giờ. Tất cả thơ của Hàn là thơ đau, đến nỗi bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn cũng đau vì “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Giờ đây Phương Tấn trong trạng thái khoái Lạc vì ông nghĩ đã hội ngộ cùng linh hồn Hàn Mạc Tử nơi đây, nhưng linh hồn Hàn xem như là một khối sầu trong vắt, cho nên Phương Tấn khoái lạc vì được chung niềm đau với Hàn. Sự khoai lạc đó không khác chi “nụ tầm đông” nở ra thơm ngát trong cơn mưa gió. Đó chính là cái “thú đau thương” cái thú lạ kỳ mà không ai không mắc phải khi ta rơi lệ vì một màn kịch đóng hay với đầy nghịch cảnh.
Khổ thơ thứ ba:
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đât hết vô tâm.
Bây giờ nhà thơ vui hẳn, vui vì ông đã san sẻ được nỗi sầu, niềm đau của Hàn Mạc Tử qua ông. Nhà thơ vui vì nghĩ rằng ông đã làm được “Một đời vui đem gói lại cho người” và tại đây linh hồn Hàn Mạc Tử đã nhận quà lớn của ông. Nhà thơ vui vì ông nghĩ răng ông đã tự nguyện nhận của Hàn “Một đời buồn riêng gởi lại cho ta” và Hàn đồng ý trao cho ông nỗi sầu đau của Hàn. Từ niềm vui trong lòng đó, tình yêu trong tâm hồn Phương Tấn tràn ra vạn vật cho đến cây cỏ.
Vì Hàn Mạc Tử, Phương Tấn đã vị tha “Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ”. đã lạc quan “Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng”, đã có lòng bao dung rộng lớn “Ta sẽ thả hồn ta cho trời đất”, và đã biến đổi cả linh hồn trời đất trở nên tươi đệp “Trời ra hoa và đất hết vô tâm”. Bây giờ không chỉ Phương Tấn nhảy nhót mà cả không gian nhảy nhót, nghĩa địa biến mất trong mắt ông, còn chăng là mộ Hàn Mạc Tử trở nên một đền đài tuyệt mỹ.
Khổ thơ thứ tư:
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
NIềm vui tràn ngập trong hồn thi nhân. Bỗng dưng nhà thơ lại nhớ đến chuyên Kinh Kha và sông Dịch Thủy bên Tàu từ một thuở xa xưa. Có nghich lý chăng? Nếu ta hiểu nhà thơ, sẽ không cho là nghịch lý. Hãy nghe mấy câu thơ trong “Bài Ca Sông Dịch” của Vũ Hoàng Chương:
“Biên thuỳ trống giục
Nẻo Tần sương sa
Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà
Buồn xưa giờ chưa tan
Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Bạch vân! Bạch vân! kìa ngang rừng phất phới
Ôi màu tang khăn áo lũ người Yên”
Khung cảnh Kinh Kha qua sông Dịch Thủy để đi hành thích Tần Thủy Hoàng trong tiếng tiêu của Cao Tiệm Ly buồn quá buồn. Lúc đó tất cả người Yên đều mặc đồ tang để tiển đưa Kinh Kha lên đường. Vậy thì sông Dịch Thủy bấy giờ khác chi là nghĩa địa ngày nay mà thi nhân đang đứng. Lúc đó, người Yên tiễn đưa trong cảnh buồn nhưng lòng vui. Vui vì họ hy vọng Tần Thủy Hoàng sẽ chết, đất nước sẽ bình yên, con người sẽ hanh phúc. Vậy thì cảnh buồn đâu phải tại Kinh Kha, bởi Kinh Kha đang đem niềm vui và hy vọng cho mọi người. Bây giờ Phương Tấn cũng vậy, đời Hàn thì buồn, nghĩa địa thì buồn nhưng lòng Phương Tấn đang vui bởi ông đã đến nơi đất hành hương, đã đứng nơi mộ của Hàn Mạc Tử, đã thỏa lòng mơ ước được đến một lần nơi thi hào nằm xuống. Vậy nên, lòng nhà thơ cũng như lòng dân nước Yên thuở trước, vui trong khung cảnh rất buồn, rơi lệ tiển đưa trong niềm hy vọng lớn lao.
Khổ thơ cuối cùng:
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi
Bài thơ mở đầu với “tình ta như chuột lọt”. Bài thơ kết thúc với “tình ta phơi phới lắm”. Ta thấy tâm trạng nhà thơ Phương Tấn thay đổi rất mau, ông rất buồn, gần như sợ hải khi bước vào nghĩa địa, nhưng lòng ông chuyển biến ngay khi đến với mộ Hàn. Cuối cùng, dầu “Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi” nghĩa là con mắt nhìn đời vẫn lắm bi quan nhưng tâm hồn ông đã rộng mở “bao dung lồng lộng”. Đó là nhờ đâu? Nhờ Phương Tấn đã thấy mộ Hàn Mạc Tử. Mới thấy mộ thi nhân mà nhứ thế, nếu gặp được con người thật Hàn Mạc Tử thì sẽ như thế nào. Điều đó cho ta hiểu được những kỳ ngộ trong sử sách như Bá Nha - Tử Kỳ, những duyên lành gặp gỡ của những tâm hồn, của những trí tuệ lớn trong đời nầy sẽ làm nên lịch sử.
Cuối cùng, đây là bài thơ hay trên những bài thơ hay. Phương Tấn đưa ta đến thăm mộ Hàn Mạc Tử nhưng chưa một làn nhắc đến tên Hàn Mạc Tử Trong thơ. Vậy mà ta vẫn thấy Hàn Mạc Tử thắm thiết trong lòng ta trên từng dòng thơ thiết tha sớt hồn cho cây cỏ, thả hồn cho trời đất và “Trong chiu chắt tình ta phơi phới” của nhà thơ ./.
CHÂU THẠCH