CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

BÁNH TÉT HƯƠNG CẦN - PHAN NI TẤN

 





BÁNH TÉT HƯƠNG CẦN

Lúc lột vỏ chuối cắt bánh, người Huế gọi là "tét bánh" sau gọi trại là Bánh Tét.
Trong màn đêm lành lạnh ướt sương của thôn Phe Kiền, huyện Hương Cần Huế, tuổi thơ tôi trùm mền nằm co ro trên nền đất bên cạnh nồi bánh tét đang sôi lục ục. Không có gì thích thú cho bằng nấu bánh tét ở ngoài trời từ lúc chạng vạng tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau.
Những ngày cuối năm đêm xuống rất nhanh. Đêm càng sâu không gian càng tịch mịch, gió hiu hiu càng thêm gai lạnh. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét sau hè và sự yên tĩnh của trời đất làm cho tâm hồn trong veo của tôi có cảm tưởng như thôn Phe Kiền của ngoại đang gối đầu lên thế giới bình an vô sự.
Năm mô cũng rứa, những ngày cuối năm sắp Tết, ngoại và mạ tôi vẫn thường gói bánh tét cúng Phật đầu năm, cầu cho thế giới hòa bình, cho muôn loài yên ổn, cho gia đạo bằng an, cho con cái nên người... (ngoại tôi hay khấn rứa nờ).
Ngoài bánh tét, đôi tay khéo léo của hai bà còn ra công ngào mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me nguyên trái, mứt gừng nguyên củ... nhằm tăng thêm vẻ đẹp văn hóa và làm giàu thêm món ăn dân gian cạnh mâm ngũ quả trong ba ngày Tết cổ truyền. Nhớ hồi nhỏ tôi rất thích ăn bánh tét ngoại chiên với dưa món củ kiệu mạ mần. Ăn ngon miệng nên tôi nhõng nhẽo đòi hoài rứa thê.
Lớn lên học sử tôi mới biết đời Hùng Vương thứ 18 nước ta có bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất; còn bánh tét thì tương truyền ngày xưa cứ tết đến người ta gói một loại bánh gọi là "bánh tết", lâu dần đọc trại thành "bánh tét". Còn người Huế lúc lột vỏ chuối cắt bánh, họ gọi là "tét bánh" sau gọi trại là Bánh Tét.
Cũng tương truyền bánh tét do vua Quang Trung lấy mẫu từ bánh dày bánh chưng làm thành bánh tét, tiện lợi trong việc di chuyển tạo nên một vai trò quan trọng trong trận chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung. Cũng cần nói thêm khi vua Quang Trung thiết kế xong đòn bánh tét giao cho một vị quan ở làng Chuồn, Thừa Thiên Huế thực hiện làm mẫu.
Nguyên liệu gói bánh tét mặn gồm: gạo nếp ngon, đậu xanh không vỏ, bó lạt tre, thịt heo ba chỉ, lá chuối tươi (hoặc lá dong), muối, tiêu xay, hạt nêm. Bánh tét chuối thì chỉ có nhưn chuối; bánh tét chay thì chỉ nhưn đậu xanh.
Ngoài ra, bánh tét hay bánh đòn là một loại bánh của người Kinh lẫn của một số dân tộc thiểu số. (Nhớ hồi tôi ở lính đóng quân cạnh làng A Rưm thuộc huyện A Lưới, vào dịp Tết trung úy A Mia và tôi nhăm nhi lít rượu cần với đòn bánh tét vợ con ông gói rất ngon).
Nói tới Tết, ta đều nhớ câu ca dao:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng phào, bánh chưng xanh.
Chỉ hai câu song thất với sáu biểu tượng dân dã đã khéo léo gói gọn vẻ đẹp đón Tết cổ truyền của người Việt ta.
Cũng cái không khí Tết nơi thôn dã ồn ào, náo nhiệt, có ai tả Tết tài tình như cụ Cao Xương (Tú đổi thành Cao nên sự thế):
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà.
Năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu. Ở cái tuổi về chiều, trời xui đất khiến tôi lại dính vào cái công việc bếp núc lọ lem, lui cui giúp nội tướng tôi nấu bánh tét y hệt như cái thuở ấu thời. Chỉ khác một điều là ngày xưa nấu bánh bằng một tâm hồn trong veo, nay thì đầu óc có quá nhiều tạp niệm nên mỗi lần đụng phải vấn đề chi đơn giản hay phức tạp tôi đều băn khoăn, như đụng phải bánh tét chẳng hạn, tôi cứ nhởn nhơ trước một câu hỏi riết rồi kẹt luôn giữa hai động từ "tét" và "cắt".
Làm sao để "tét" hay "cắt" một đòn bánh tét?
Dùng dao thì chỉ "cắt" ngang đòn bánh thành từng khoanh chớ không thể "tét" theo chiều dọc từ trên xuống như chẻ tre.
Còn dùng dây lạc cột bánh hoặc sợi chỉ quấn quanh đòn bánh để cắt hay tét thành từng lát nên gọi là "bánh tét"
Có điều dù "tét" hay "cắt" thì cái tên "bánh tét" cũng đã thành tên từ cái thời xửa thời xưa. Cái tên dân dã như bánh ít, bánh ú nghe sao mà hiền lành, mộc mạc, dễ thương, nó gần gũi, thân quen như cái tên thằng cu, thằng tí, thằng tèo.
Tuổi thơ tôi lớn lên theo đòn bánh tét đơn sơ, nẫu nẹt, quê mùa.
Tôi cuộn tuổi thơ tôi trên đòn bánh tét
Để nghe nó reo ngoài ngõ xuân về
Nó gánh xuân đi cong đòn kẽo kẹt
Lặc lè lặc lẹo làm trẹo cả hồn quê
Tôi dắt tuổi thơ đi dung dăng dung dẻ
Về nghe tháng giêng mừng tuổi vang trời
Tay bưng tài lộc tay bồng phúc đức
Ông thọ sún răng méo cả miệng cười
Tôi cõng tuổi thơ lội đồng xuân lấp lánh
Đất nứt chui lên những cọng hoa hiền
Mùi quê đi qua cầu tre lắt lẻo
Dựng lại câu hò câu hát ngả nghiêng
Đi qua tuổi thơ gặp cơn mơ luống cuống
Thả cái cò bay trong tiếng à ơi
Câu hát ngày xưa cũng lắn quắn líu quíu
Níu đóa thanh tân về nở giữa hồn tôi.



PHAN NI TẤN


Không có nhận xét nào: