CÁNH THIỆP ĐẦU XUÂN
-TÔI CHÚC GÌ ĐÂY VÀO MÙA XUÂN NÀY?
Tôi xin mượn tựa đề nhạc phẩm “Cánh thiệp đầu Xuân” của Minh Kỳ và Lê Dinh - bài hát này xuất hiện từ khoảng tháng 11 năm 1963 - để viết cho bài tùy bút ngắn này. Và đây là một bài hát Xuân không thể thiếu, như không thể thiếu bánh mứt, hoa quả tromg những ngày Tết.
Biết bao mùa Xuân đi qua kể từ Tết 1963, nhưng ca khúc “Cánh thiệp đầu Xuân” vẫn là nét văn hóa không thể quên dù ngày nay người ta thay “Thiệp chúc Tết” bằng những hình thức khác.
“… Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này
Khi nắng vắng tươi nhuộn làn tóc ai
Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm
Trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm…”
(Ca khúc Cánh thiệp đầu Xuân)
Thời gian mỗi ngày mỗi đi qua, và đời sống hàng ngày theo năm tháng đi qua… Rồi có những cái cũ chìm vào quên lãng và xuất hiện cái mới. Bớt cũ, thêm mới, tuy rằng không ảnh hưởng đến cuộc sống quanh ta, nhưng có đôi khi ta chợt nhớ cái gì đó chẳng hạn như một lá thư tay của người bạn cũ, nhớ thiệp chúc Tết mỗi độ xuân về, đôi khi bỗng dưng ta nhớ… tiếng pháo đêm giao thừa, thèm một cái xoa đầu của ông bà cha mẹ, thèm nghe một lời chúc của những người thân…v.v…
Ngày Xuân, nói đến thiệp chúc Tết thì đâu có gì lạ, nhưng… xưa rồi Diễm! Bây giờ người ta nhắn tin, Email, Facebook… vừa tiện vừa nhanh. Chỉ cần múa máy vài động tác chừng ba mươi giây là… cả thế giới biết tin!
Ngày xưa… mỗi lần sắp Tết, ở các quày sách báo thường bán rất nhiều thiệp chúc Tết đủ các loại, tha hồ lựa chọn. Sắm thiệp chúc Tết phải hoàn tất trước 20 tháng chạp vì còn dán tem rồi ra Bưu điện gởi những người ở xa để thiệp được đến trước Tết. Người nhận được thiệp rất vui và người gởi cũng thể hiện được một nét văn hoá mà mỗi năm chỉ có một lần gởi tâm tình trên những cánh thiệp chúc Tết ấy. Cũng có những “hoa tay” cặm cụi làm những thiệp chúc Tết bằng tay cũng “họa tiết” “hoa văn” đường nét trông cũng khá dễ thương, chỉ việc mua phong bì bỏ vào, gởi đi…
Ngày ấy, thiệp chúc Tết là một món quà không thể thiếu trong lứa tuổi học sinh (kể cả người lớn), tặng thầy cô bạn bè, anh chị, những người thân quen gần cũng như xa… Tuy rằng, thiệp chúc Tết nó không có một chút giá trị vật chất, nhưng về tinh thần đây là một món quà tình cảm, ngày Tết niềm vui được nhân theo cấp số những cánh thiệp, dù còn đi học hay đã vào đời, và hình như ngày ấy… cơm áo gạo tiền chỉ là thứ yếu! Có những người ít bạn bè vì vậy cũng không nhận được nhiều thiệp chúc Tết, nên cũng tủi thân. Để an ủi, chỉ việc… mua năm mười cái về treo vào cây mai, chậu hoa để “dợt le” với khách khứa. Càng về già, tôi là càng “hoài cổ”, mặc dù đã chúc Tết trên điện thoại di động, tôi vẫn thấy thiếu và nhớ những cánh thiệp chúc Tết bằng giấy từ những thập niên 60. Thôi thì, ghé vào lề đường mua năm bảy cái thiệp chúc Tết về treo trên cành mai, chơi theo kiểu “mình chúc mình” ít ra cũng tự sướng và cho đỡ nhớ!
Nếu nói thiệp chúc Tết là nét văn hoá từ những ngày thiệp ra đời thì cũng không có gì quá đáng. Ngày ấy, những người cẩn thận và muốn mang an lành đến cho người thân bạn bè, họ thường lập danh sách, rồi tuỳ theo đối tượng mà chúc nhau. Phải nắn nót chữ viết, lựa chọn lời chúc, mà bây giờ nhớ lại sao nghe nó “cải lương” và “sến” quá: “… Nhân dịp Xuân về, khi muôn hoa khoe sắc… Thời gian như bóng câu cửa sổ… Mỗi năm có bốn mùa, bây giờ là mùa Xuân… Khi tiếng pháo giao thừa rộn ràng, là lúc… thêm được một tuổi…”, v.v… Những câu chúc ấy dù có sáo rỗng, mùi mẫm đến mấy, nhưng đó là những lời chúc chân thành mà ngày ấy có lẽ vì thiếu ngôn ngữ để giãi bày.
“ Cánh thiệp đầu xuân”, một nhạc phẩm nói về “Thiệp chúc Tết”, ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ! Mặc dù nó đã xa chúng ta rồi, nhưng nghe lại là để “nghe-những-kỷ-niệm” của một thời:
“… Tôi chúc ngày mai dù đường xa vời
Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi
Cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới…”
Và ít ra nó cũng làm ấm lòng cho những ai hoài cổ, như tôi:
“… Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng
Xuân đến rồi đây nào ai biết không
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang
Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này
Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai
Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm
Trong khi xuân ấm mới tô đẹp tháng năm…”
(Cánh thiệp đầu xuân- Minh-Kỳ - Lê-Dinh).
Thiệp chúc Tết bây giờ vẫn còn bày bán trên lề đường trong những ngày Tết (chắc còn có người mua!) Đây là nét văn hóa lâu đời khó mà bỏ được cho dù ngày nay với chiếc điện thoại di động người ta “tít tít” để… chúc nhau rất nhanh gọn và có hình ảnh kèm theo trông rất… ngọt ngào!
TRANHUUNGU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét