CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

CON TÒ HE - PHAN NI TẤN

 


CON TÒ HE

Ngày xửa ngày xưa là cái ngày tôi còn con nít con nôi thích ở truồng tắm mương, thích lấy gióng của mạ làm ngựa chạy cà ròng cà rọc trong nhà lồng chợ, mũi dải thì lòng thòng mỗi lần hít vô một cái rột, nghe đã cái lỗi nhĩ và dĩ nhiên, con nít nào cũng thích chơi các trò chơi… con nít. Thuở xa xưa nớ các làng quê đều có nhiều trò chơi dân gian trong đó có trò chơi "tò he". Nhưng mần chi có tiền mua con tò he nên lũ trẻ tụi tôi thường lấy đất sét nặn ra đủ thứ hình dạng, như gia con gà, con chó, con heo, con cua, con cá, có cả hình ngũ quả, đôi hài… dù sần sùi, méo mó, không đẹp nhưng chơi đỡ ghiền. — với Tâm Hoài Huynh
54 người khác
.
Lớn lên tôi lại sanh cái tật khó ưa, là hay tò mò tọc mạch cố tìm hiểu một số sự vật có mặt trên cái cõi đời ô trọc này. Con tò he chẳng hạn. Con tò he mà hồi nhỏ tôi thèm muốn đứt ruột. Rứa mà, ôn mệ ơi! Thèm thì thèm nhưng tò he có từ đời nào? Răng gọi là tò he? Ai chế ra? Ăn được không? Vì răng các trò chơi dân gian thường bị mai một, dễ trở thành hoài niệm, rứa mà con tò he, cho tới ngày nay vẫn một đường thẳng tiến, hiên ngang tiến thẳng vào… trò chơi trẻ con.
Thật sự tôi chẳng biết tò he có từ đời nào, ông tổ nghề nào, làng nào đã sáng tạo ra con tò he. Tìm hiểu tôi chỉ biết tò he là món đồ chơi dân gian ngộ nghĩnh, nhiều màu sặc sỡ, lại nhẹ hều, nhẹ như tiếng võng kẽo kẹt, như tiếng mẹ ru con vào những buổi trưa hè gió thổi hiu hiu buồn thiu chiếc lá.
Tò he đơn sơ ra răng thì nguyên liệu tò he cũng khá là thô sơ làm vậy, gồm: bột, phẩm màu, con dao, chiếc đũa, cây viết, tre vót sẵn và cái thùng xốp để cắm tò he lên. Cách làm tò he: Trộn bột bình tinh hoặc bột gạo với bột nếp cho dẻo xong phết thêm lớp dầu bóng để giữ được lâu, không bị khô, mốc. Tò he được hấp chín pha chút đường cho dẻo tỏa ra mùi thơm hương vị đồng quê là có thể ăn được.
Nói thì dễ ẹc song bắt tay vô mần mới thấy biết bao là khó. Bụng dạ tôi xưa nay vốn thẳng như ruột ngựa, đầu óc lại không thích quanh co nên óc tưởng tượng của tôi dỡ vô hậu; đã rứa lại thiếu cần mẫn kiêm nhẫn nại, rốt cuộc con tò he tôi nặn chẳng ra hồn ra vía cái chi chi. Ngược lại, người có hoa tay nặn ra con tò he, dù không con nào giống con nào, nhưng tạo cho nó có thần thái xong khoét lỗ ở giữa hoặc phía dưới để thổi thành tiếng nghe rất vui tai. Cũng có nơi người ta gắn thêm một chiếc kèn ống, khi thổi thì phát ra âm thanh "tò te tí te" sau này người ta nói trại thành "tò he", dính tên luôn.
Từ đó, dưới hình thù ngộ nghĩnh, vui nhộn, màu sắc bắt mắt tò he trở thành một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam rất được ưa chuộng. Tò he có nhiều màu nhưng căn bản chỉ có bảy màu: xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, trắng và đen. Màu thì lấy từ thực vật, như màu xanh thì chiết ra từ lá tràm, màu đỏ thì từ trái gấc, màu tím từ trái mồng tơi, màu vàng từ củ nghệ, màu hồng từ cánh sen, màu đen từ lọ nồi, riêng màu trắng thì… "em hổng biết". Khi cần thêm màu ta cứ pha các màu kể trên theo màu mình muốn. Dễ ẹc.
Tò He, nét đẹp văn hóa dân gian mang một cái tên mộc mạc, ngộ nghĩnh, dễ thương lại dễ nhớ, nên nó không những có mặt ở các vùng thôn quê mà còn nhẹ nhàng len lỏi vào các cơ sở kinh doanh khắp các tỉnh thành, như Tò He Quán, Tò He Café, Tò He Hà Nội, Tò He Phan Thiết, Tò He Hội An… Đã rứa, con tò he còn vượt không gian ra tuốt hải ngoại hiên ngang chui tọt vô tự điển Wikipedia để được mang tên tiếng Anh: Toy Figurine, rứa mới bảnh.
Tóm lại, con tò he, sản phẩm truyền thống quen thuộc ni đã gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi, nó không chỉ là cục đất sét vô tri song một khi thành hình tò he là nó còn có hồn đất níu được chân tôi mà thong dong chở hết những kỷ niệm vào hồn.



PHAN NI TẤN




Không có nhận xét nào: