Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022
THƯỞ LÍNH YÊU EM - THƠ HUỲNH TÂM HOÀI, NHẠC HUỲNH MAI HOA
Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022
NỒNG NÀN MÀU LÁ GIÊNG HAI - THƠ NGUYỄN AN BÌNH
NỒNG NÀN MÀU LÁ GIÊNG HAI
Lắng nghe hương dậy đất trời
Chút lạ lẫm giữa đứng ngồi ban mai
Ven đường hương cỏ ngất ngây
Lá phơn phớt nắng sáng nay ửng hồng.
Ơ kìa chiếc lá trầu không
Chờ giêng hai đến đèo bồng hương đưa
Nghe con chim ngói gọi mùa
Suối nguồn hò hẹn xanh bờ cỏ cây.
Tớc mây em thả vai gầy
Ai vừa sang bến trầu cay vợ chồng
Mưa xuân lảng đảng trổ đòng
Tôi hôn vạt nắng ngỡ hồng môi em.
Trong ngần sương rụng qua đêm
Áo hoa lất phất bên thềm cúc mai
Nồng nàn màu lá giêng hai
Trâm cài ý lược thương hoài sắc xuân.
19/11/2022
NGUYỄN AN BÌNH
TRỜI ĐÃ GIÊNG RỒI, EM BIẾT KHÔNG - THƠ TRẦN HOÀI THƯ
Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022
CA HUẾ VÀ NHẠC CUNG ĐÌNH. - PHAN NI TẤN
CA HUẾ VÀ NHẠC CUNG ĐÌNH
Ông anh họ Hồ tên Đắc Duệ bên ngoại tôi từng là nhạc công của dàn nhạc cung đình Huế thời Bảo Đại. Thấy tôi có năng khiếu về âm nhạc, ngoài việc dạy tôi đàn nguyệt và ca Huế ông còn hứa hẹn sẽ giới thiệu tôi vào nhóm nhạc cung đình Huế một ngày không xa.
Cũng vì lời hứa sôi nổi như rứa mà suốt ngày tôi cứ ôm lẽ đời có câu "mộng tưởng thành chân". Điều này khiến tôi lúc nào cũng tưởng ánh nắng tràn ngập trong lòng sẽ mang đến nhiều may mắn cho ước mơ tôi. Nhưng đời không như là mơ, ước mơ của tôi không thành sự thật.
Từ ngày vị vua thứ 13, vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn thoái vị, nhạc cung đình Huế chấm dứt kéo luôn giấc mộng cung đình của tôi tan tành theo mây khói. Có điều an ủi là dù ước mơ tan vỡ, tôi cũng đã học được nhiều điều hữu ích từ ông anh họ, nhất là một số tài liệu chép tay của ông về ca Huế và nhạc cung đình ông cuộn trong bao nylon đưa cho tôi về nhà tự học luyện giọng và học hỏi thêm. Nay ông anh họ mất đã lâu, nhớ ông tôi ư hử vài câu ca Huế và tóm tắt ôn lại bài học vỡ lòng năm xưa.
1. Nhạc Cung Đình.
Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc cung đình Huế là nhạc diễn xướng bởi trên 100 nghệ nhân vào những ngày lễ hội cho vua chúa và các đại thần, hoặc các lễ hội trang nghiêm khác. Nhạc cung đình đều phát nguồn từ trong các quy luật của nhiều nghi thức cung đình tại các làng xã người Việt từ nhiều thế kỷ trước.
Nhạc cung đình Huế có từ thời nhà Lý thế kỷ XI là một thể loại nhạc căn cứ theo quan niệm triết lý Nho giáo, cũng là biểu tượng của vương quyền. Nhưng các nghệ thuật ca múa thời đó, ngoài ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Chiêm Thành còn chịu ảnh hưởng của các loại âm nhạc dân gian.
Nhạc cung đình Huế đầy tính trang trọng của Huế với 7 thể loại nhạc như Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc, quy tụ rất nhiều nghệ nhân có khả năng sử dụng nhiều loại nhạc khí gồm các bộ gõ, dây và hơi, như trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, sáo, khánh, chuông, mõ, phách (sênh tiền) v.v…
Thời kỳ vàng son của âm nhạc cung đình là thời nhà Nguyễn khởi từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời Pháp thuộc, các vua nhà Nguyễn mất hết quyền bính và nhuệ khí khiến đời sống cung đình đâm ra tẻ nhạt, âm nhạc cung đình ngày càng suy giảm. Đời vua Thành Thái lập thêm một đội nghệ nhân thiếu niên, song tất cả đều hoạt động cầm chừng.
Năm 1942 là năm cuối cùng triều nhà Nguyễn, vua Bảo Đại cử hành lễ Tế Nam Giao, cũng là lần cuối cùng nhạc cung đình Huế được trình diễn trọng thể trước công chúng.
Tháng 8 năm 1945, trên Ngọ Môn, hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn thoái vị. Nhạc cung đình Huế tan rã. Tuy nhiên, thân mẫu của vua Bảo Đại là đức Từ Cung đã đứng ra bảo trợ và duy trì đội nhạc cung đình tồn tại cho đến năm 1975.
Tài liệu chép tay của ông anh họ chỉ nói đến đời vua Bảo Đại là hết, không thấy đề cập tới tập đoàn UNESCO sau này công nhận Nhạc Cung Đình Huế là Di Sản Nghệ Thuật của nhân loại.
Nhân nói đến nhạc khí của nhạc cung đình Huế tôi lại có một kỷ niệm khó quên. Tuy tôi có chút năng khiếu về âm nhạc nhưng thuở mới nhập môn kỹ thuật của đàn nguyệt là khảy, rung, nhấn, vuốt, vỗ, vê (luân chỉ) tôi cứ lúng ta lúng túng, lọng ca lọng cọng, vụng về, cứng ngắc làm tiếng đàn cứ ọt ẹt, rên rỉ, ngòng ngọng như ai bóp cổ.
Rứa mà khi tiếng đàn nguyệt của tôi trở nên mềm mại, duyên dáng, sắc điệu rộn ràng thì xảy ra biến cố chính trị buộc vua Bảo Đại thoái vị. Giấc mộng được tuyển vô nhóm nhạc cung đình Huế của tôi tan rã cũng là lúc tôi giã từ cây đàn nguyệt chuyển trường học về Sài Gòn. Đã hơn sáu mươi năm tôi lìa xa cây đàn nguyệt để rồi đàn thầy trả thầy; giọng ca Huế thanh thoát năm xưa cũng chìm xuống, im lắng theo tuổi tác tôi. Dù rứa tôi vẫn thương nhớ hình dạng cây đờn kìm và thích nghe tiếng đàn nguyệt tuy mộc mạc, trầm đục, chân tình nhưng phơi phới với nhịp điệu sinh động, thanh khiết, vui tươi.
Đàn nguyệt xuất xứ từ Trung Quốc, vốn có nhiều tên gọi. Đàn nguyệt còn được gọi là đàn song thanh hay song vận có 2 dây. Thùng đàn hình tròn như mặt trăng nên gọi là nguyệt cầm. Khi du nhập vào Việt Nam, người miền Nam ta gọi đàn nguyệt là đờn kìm, thùng đàn vẫn tròn không có lỗ phát âm, cần đàn dài hơn, phím đàn cao hơn, cách xa nhau và không đều nhau, từ 8 phím tới 11 phím, đánh theo lối ngũ cung. Đờn kìm được vinh danh là Quân Tử Cầm hay Vọng Nguyệt Cầm rất thịnh hành trong nghề đờn ca tài tử miền Nam. Hơn nữa, đàn nguyệt thường được dùng để độc tấu, hòa tấu trong ban nhạc chầu văn, ca Huế, phường bát âm…
2. Ca Huế.
Thuở nhập môn, giọng ca niên thiếu tôi thanh thoát, rộn ràng, nhanh, mạnh, đầy tự tin. Còn bây chừ thì ôi thôi rồi, tôi cố cách mấy giọng vẫn rè, khàn đục, già chát nghe lảng nhách, chán phèo, dở ẹc, dở thầy chạy.
Nhưng mà ca Huế là gì, ca ra răng, làm răng? Trả lời dễ ẹc. Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế. Đơn giản rứa thê. Cũng tài liệu chép tay của ông anh họ khái quát ghi rằng:
Ca Huế phát sinh từ trong cung đình vào thế kỷ thứ 17, là thú chơi tao nhã của hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc. Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, giáo dục cũng như nhân cách của con người, được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam. Chính vì vậy nên ca Huế rất đa dạng và phong phú, mang âm hưởng của hai điệu thức Bắc rộn rã, vui tươi và Nam nỉ non, ai oán, hầu hết thường diễn qua 4 nhạc khúc thịnh hành Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ.
Tài liệu chép tay của ông anh họ chỉ nói ca Huế là loại nhạc thính phòng, không thấy nói ca Huế trên sông Hương.
Ngày nay, ca Huế đã vượt ra ngoài cung đình để những câu hát, điệu hò Huế ngọt ngào, xao xuyến với những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát hòa quyện với tiếng dìu dặt của dàn nhạc gồm đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, sáo, xênh, phách… trổi lên trên thuyền rồng bồng bềnh trên sông Hương sẽ ru tâm hồn giới thưởng ngoạn vào miền ký ức sâu thẳm khởi từ đời nhà Lý.
PHAN NI TẤN
Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022
TRỪ DẠ HỮU HOÀI - THÔI ĐỒ , ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIỄN NÔM
Góc Đường Thi :
TRỪ DẠ HỮU HOÀI
崔涂 Thôi Đồ
崔涂 (854~?)字礼山,今浙江富春江一带人。唐僖宗光启四年(888)进士。终生飘泊,漫游巴蜀、吴楚、河南,秦陇等地,故其诗多以飘泊生活为题材,情调苍凉。《全唐诗》存其诗1卷。
THÔI ĐỒ ( 854-? ) , tự là Lễ Sơn, là người ở đất Phú Xuân Giang, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông đậu Tiến Sĩ năm Quang Khải thứ 4, đời Đường Hi Tông. Cả đời phiêu bạc, lãng du các xứ Ba Thục, Ngô Sở, Hà Nam, Tần Lũng... nên thơ của ông phần nhiều lấy đề tài tả cảnh sống phiêu bạc giang hồ, tình tiết âm điệu thê lương. "Toàn Đường Thi" còn giữ được một tập thơ của ông. Sau đây là bài thơ Trừ Dạ Hữu Hoài của ông .
除夜有懷 TRỪ DẠ HỮU HOÀI
迢遞三巴路, Điều đệ tam Ba lộ,
羈危萬里身。 Ký nguy vạn lý thân.
亂山殘雪夜, Loạn sơn tàn nguyệt dạ,
孤燭異鄉人。 Cô chúc dị hương nhân.
漸與骨肉遠, Tiệm dữ cốt nhục viễn,
轉於僮僕親。 Chuyển ư đồng bộc thân.
那堪正飄泊, Na kham chánh phiêu bạc,
來日歲華新。 Lai nhật tuế hoa tân.
崔涂 Thôi Đồ
* CHÚ THÍCH :
1. Điều Đệ 迢遞 : Xa xôi diệu dợi.
2. Tam Ba 三巴 : Chỉ xứ Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, nay thuộc đông bộ của tỉnh Tứ Xuyên.
3. Ký Nguy 羈危 : Chỉ Trong nguy nan mà thân lại ở xứ người.
4. Câu số 4 : Có bản chép là : " Cô độc dị hương xuân " 孤獨異鄉春 . Có nghĩa : Mùa xuân đến mà chỉ có một thân một mình nơi đất khách tha hương.
5.CHÚC 燭 : Là Đuốc, là đèn, là nến. Hoa Chúc 花燭 : là Đuốc Hoa. Cô Chúc 孤燭 : là Cây đuốc cô độc lẻ loi.
6. Đồng Bộc Thân 僮僕親 : Đồng là Tiểu đồng, Thư đồng. Bộc là Nô bộc. Thân là Thân thiết . Đồng Bộc Thân có nghĩa : Cả thư đồng nô bộc cũng thấy thân thiết như người thân.
* DỊCH NGHĨA :
Hoài Cảm Đêm Giao Thừa
Diệu vợi trên đường đi gập ghềnh khúc khủy của xứ Tam Ba, Tấm thân ngoài ngàn dặm nầy đang tạm dung ở xứ người an nguy khó định. Đêm lạc lỏng trong cảnh tuyết tan giữa núi non chập chùng , người tha hương cô độc với ngọn đuốc lẻ loi, và ... càng đi thì lại càng xa những người thâm tình cốt nhục, nên tình cảm chuyển sang cho thư đồng nô bộc xem họ như những người thân. Không sao kham nỗi với nỗi phiêu bạc giang hồ, trong khi ngày mai nầy đã lại bước sang năm mới rồi !
* DIỄN NÔM :
TRỪ DẠ HỮU HOÀI
Diệu dợi Tam Ba đường núi,
Quê người muôn dặm xa xăm .
Đêm xuống loạn sơn tàn tuyết,
Đèn côi chiếc bóng một thân .
Cốt nhục ngày càng xa cách,
Thư đồng tựa kẻ thiết thân.
Không kham cuộc đời phiêu bạc,
Mai ngày lại phải đón xuân !
Lục bát :
Ba sơn diệu vợi đường dài,
Lẻ loi cô độc ai hoài một thân.
Tuyết tan non núi chập chùng,
Đuốc đơn người lẻ ngại ngùng bước chân.
Thân nhân cốt nhục xa dần,
Tình thân chuyển cả thư đồng bộc nô.
Tấm thân phiêu bạc giang hồ,
Mai ngày năm mới thân cô một mình !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài dịch tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022
NHỮNG NGỌN ĐÈN CẦY CỦA NGÀY SINH NHỰT - TRẦN HOÀI THƯ
Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022
THƠ XUÂN CAO BÁ QUÁT (2) - ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIẼN NÔM
XUÂN NHẬT TUYÊT CÚ THẬP THỦ