CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

BÓNG THỜI GIAN - THƠ PHẠM QUANG TRUNG




credited Ferrit T


 BÓNG THỜI GIAN

xoay lưng là hết một ngày
xoay tôi ngoảnh lại
là xa mịt mù
ai bụi đỏ thực hư
là tôi một buổi lãng du hạ trần
một hôm chiều xuống bâng khuâng
trong non mấy cánh hoa vàng rưng rưng
vụng tu rời núi xa rừng
mặc cơn gió nổi
bão bùng
xô đi
về ngang phố có đôi khi
nghe ai hát lời từ bi ngùi ngùi
đèn khuya soi chiếc bóng rơi
ngó quanh quẩn
thì ra rồi
bóng ta
ghé ngỏ xưa lúp xúp nhà
bạn bè như bụi
tình là vô không
ra sức gióng hồi chuông đồng
âm rền rền vọng lòng vòng tử sinh
xoay lưng lại có một mình
bụi nào hoá kiếp
đoá quỳnh ngoài sân
ôm hình nhốt bóng đời gần
ta là bụi
em đâu cần tiếc thương


PHẠM QUANG TRUNG

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

SÔNG DÀI - THƠ TỪ KẾ TƯỜNG

 




SÔNG DÀI

Ta về sông ấy còn trôi
Lục bình vẫn tím bồi hồi như xưa
Con bìm bịp gọi nắng mưa
Nước ròng nước lớn mà chưa hết buồn

Hỏi người ở cuối màu sương
Sớm mai còn thả mùi hương tóc sầu
Vai nghiêng gió nát về đâu
Để mùa lá trút tình đầu nhạt phai

Tay trơ gối lạnh trăng cài
Đèn khuya bóng đổ u hoài nhớ nhau
Sông sâu không thể bắc cầu
Bên bồi bên lở vì đâu bẽ bàng

Ta về gom chút hương tàn
Ngồi hiên nguyệt quế ngỡ ngàng đợi ai
Bỗng nghe trong tiếng thở dài
Có lời vàng đá nhạt phai mấy mùa

Hỏi người xa vẫn chưa xưa
Sao tình lại cũ nắng mưa phai màu
Sông dài chảy đến ngàn sau
Ta làm con ốc mượn nhau bóng hình


TỪ KẾ TƯỜNG
(Bến Lặng 12-7-2024)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

BẾN KHÔNG CHỒNG - THƠ HUY VỤ

 



BẾN KHÔNG CHỒNG* 

( Nhân ngày TBLS)


Đã toan không viết vậy mà rồi 

Đọc "Bến không chồng" dạ khó nguôi 

Xót bậc chinh phu cung kiếm mải

Thương nàng thiếu phụ tuổi xuân trôi 

Gia cang nhờ cậy người chăm sóc 

Xã tắc chờ trông kẻ đắp bồi 

Đất nước thanh bình từ thuở ấy 

Mắt còn ngóng đợi phía mù khơi.


HV 27/07/24 

* Tên tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng


Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

HỒ TRUỒI - THƠ NGUYỄN AN BÌNH





HỒ TRUỒI


Hồ Truồi hồ Truồi

Xanh màu ngọc bích

In sắc mây trời

Phải “Tuyệt tình cốc”

Lòng người chơi vơi.

Cao ngất Trường Sơn

Sóng vờn Bạch Mã

Hoa vàng ngát thơm

Rừng tràm xanh lá

Bướm chạm mùi hương.

Đi giữa trời mây

Con thuyền xuôi mái

Bên người phút giây

Gương soi bóng núi

Tình làm sao khuây.

*

Hồ Chuồi hồ Chuồi

Bao dòng suối nhỏ

Hợp về một nơi

Tìm trong hạc nội

Mây ngàn còn trôi?

Vẳng tiếng chuông chùa

Chìm trong sương trắng

Một ngày không mưa

Bừng lên sắc nắng

Đâu tiếng gà trưa?

Ấm một bàn tay

Người cùng ta nhé

Về ngủ am mây

Vui cùng lá cỏ

Quên hết tháng ngày


6/7/2024 

NGUYỄN AN BÌNH


Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

TRÒ CHƠI KÉO MO CAU - TỪ KẾ TƯỜNG

 



TRÒ CHƠI KÉO MO CAU

Bến Tre là xứ dừa nên có thể thấy dừa khắp mọi nơi, người ta trồng dừa quanh nhà, trong sân, ranh đất, sát bờ rào, ngay trước cổng nhà. Nhưng dừa nhiều nhất là trong các thớt vườn rộng cả héc-ta hoặc nhiều hơn nữa, nha giàu có từ đời ông, cha để lại có thể tới 5 hoặc 10 héc-ta (mẫu) là chuyện bình thường. Nhiều thớt vườn dài, rộng mút mắt, mỗi lần đi “thăm vườn” cả buổi mới giáp hết một thớt vườn. Tất nhiên trogn vườn dừa không chỉ có dừa mà người ta còn trồng xen chuối, mãn cầu xiêm (mãn cầu gai), nhưng đi sát với cây dừa thường là cây cau. Do đó trên một mương vườn thường xen những cây cau chiếm vị trí giữa khoảng cách của hai cây dừa nằm theo một bờ mương.
Hoa dừa rụng xuống đất đã thơm, nhất là sau một cơn mưa đêm, nhưng hoa cau rụng càng thơm hơn hoa dừa. Mùi hoa cau lẫn trong gió sớm mai, sau một cơn mưa như càng đậm hơn trong không gian, thơm ngây ngất, nôn nao không chỉ với người ở quê mà mùi thơm dân dã, thuần khiết này còn hấp dẫn, quyến rũ cả người thành phố có dịp về thăm quê gặp mùa hoa cau rụng. Ngày xưa người ta trồng cau tất nhiên là để bán cau trái vì có nhiều người nhà quê ăn trầu hoặc khi có người tổ chức đám cưới cho con rất cần mua cau buồng bởi cau và trầu là lễ vật không thể thiếu cho một đám cưới. Nhưng cau còn có một công dụng nữa dành làm trò chơi cho lũ trẻ con, đó là những chiếc mo cau khi rụng xuống. Mo cau là phần đầu của tàu cau, giúp tàu cau bám vào thân cau, khi những nhánh lá cau già, khô héo thì tàu cau rụng xuống.
Tôi thường được bà ngoại sai đi lượm tàu cau về để cắt phần mo cau ra làm quạt, tất nhiên phải lựa tàu cau nào có chiếc mo lớn nhất, bằng phẳng và đẹp nhất mới làm được quạt mo cau. Chiếc quạt mo cau đã đi vào câu chuyện dân gian “Thằng Bờm có cái quạt mo”, chiếc quạt mo cau dân dã, bình dị, không giá trị bằng chiếc quạt giấy nhưng lại quạt mát hơn quạt giấy nhất là vào những buổi trưa hè ở thôn quê có chiếc quạt mo cau phe phẩy thì thật tuyệt. Nhưng lũ trẽ con chúng tôi khi đi lượm mo cau ít khi đi một mình mà phải rủ bạn theo, đặc biệt là một đứa bạn gái cùng trang lứa cạnh nhà, chung xóm. Thế là tàu cau lại thêm một công dụng khác trước khi được cắt phần mo cau ra để làm quạt, nó trở thành một chiếc xe mo cau để đôi bạn trẻ con trai, gái thay phiên nhau kéo bạn mình loanh quanh trong sân nhà. Đó là trò chơi “kéo mo cau” đã đi vào kỷ niệm tuổi thơ, ghi dấu ấn sâu đậm một quãng đường đời từ tuổi ấu thơ đến ngày khôn lớn, trưởng thành có thể nói bất kỳ nam, nữ thanh niên nào lớn lên ở thôn quê cũng khó quên được kỷ niệm tuyệt vời khi được ngồi trên mo cau hai tay vịn chặc vào tàu cau cho bạn kéo.
Một chiếc tàu mo cau bình dị nhưng chuyên chở cả một thiên đường tuổi thơ nếu ta được ngồi trên đó cho bạn kéo. Thiên đường kỷ niệm này vô giá, không tiền bạc nào mua được dù bây giờ ta có thể mua được vé đi máy bay lên chín tầng mây nhưng khung trời tuổi thơ thì rất khó mua vé để được “kéo mo cau” quay về kỷ niệm nếu không có được trái tim son sắt ghi đậm hình bóng quê nhà.


TỪ KẾ TƯỜNG


VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA , THƠ NGUYỄN AN BÌNH , NHẠC TRẦN HOÀNG







VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA
THƠ NGUYỄN AN BÌNH
NHẠC TRẦN HOÀNG
TRÌNH BÀY KIM TUYẾT

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

THÁI ĐỘ CHUNG CỦA XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH - VŨ THỊ HƯƠNG MAI






THÁI ĐỘ CHUNG CỦA XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH

-------------

Sự phát triển của xã hội hiện đại mang lại quan niệm và nội dung mới cho hệ thống giá trị truyền thống, nhiều quan niệm cổ hủ không hợp lý bị đả kích mạnh mẽ, thậm chí bị đào thải. Tình cảm, tình yêu, giới tính và hôn nhân là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả, quan niệm giá trị mới đang trong quá trình đổi mới và hình thành một cách nhanh chóng. Trong quá trình thay đổi quan niệm diễn ra hết sức quyết liệt này, dùng quan niệm giá trị gì để giáo dục con cái, nhất là con gái là vấn đề khiến các bậc phụ huynh gặp nhiều mắc mớ. Một mặt, chúng ta không còn giáo lý và nguyên tắc sẵn có do đời trước lưu truyền lại để noi theo, mặt khác, quan niệm mới đang không ngừng tiếp tục đổi mới và hình thành, chưa có một hệ thống và quan niệm rõ ràng, nhưng cái quan trọng nhất có lẽ là sự bối rối và nghi ngờ của bố mẹ trước các quan niệm giá trị, rút cuộc xã hội tương lai sẽ là một xã hội như thế nào, mọi người phải tuân thủ chuẩn mực hành vi gì, đó còn là một ẩn số. Và ngày nay, có lẽ cả bố mẹ cũng đang chơi vơi trong vòng xoáy của quan niệm mới: có cần phải chung thủy với hôn nhân của mình không, có cần giữ gìn trinh tiết không, có nên nghi ngờ sự tồn tại của tình yêu chân chính không… Tất cả những cái đó chả dễ gì mà suy xét cho rành mạch, càng không dễ gì mà giải thích cho rõ ràng. Nhưng chúng ta có nguyên tắc cơ bản để tuân thủ, có quan niệm đạo đức cơ bản để làm cơ sở lựa chọn. Chúng ta không thể và cũng không nên để con cái lớn lên trong sự hỗn độn, không thể để cho chúng thiếu một cái khung quan niệm giá trị cơ bản và rõ ràng để tuân thủ… Để rồi phải tiêu tốn thời gian và tình cảm quý báu và những thứ quý giá nhất của cuộc đời con trẻ trong sự tự mò mẫm trên đường đời, đó là sự thiếu trách nhiệm của người làm cha mẹ.

Trong vấn đề giới tính, hành vi hay thái độ có tác động mạnh hơn lời nói. Vậy đâu là thái độ thực sự của xã hội chúng ta đối với vấn đề giới tính và quan niệm đối với vấn đề đạo đức là gì? Điều đó trong xã hội chúng ta còn thiếu hẳn mô hình về chuẩn mực đạo đức. Trong giáo dục nói chung và trong giáo dục tình dục nói riêng, sự giảng giải, mệnh lệnh, cấm đoán không đủ. Giáo dục tình dục sẽ hiệu quả hơn khi nó được thực hiện trong sự tác động tự nhiên, đó phải được coi là một quá trình “thẩm thấu”. Sự tác động này không phải từ phía cha mẹ, giáo viên mà còn từ một phạm vi rộng rãi trên quy mô toàn xã hội.

Cha mẹ, thầy cô và xã hội cần nhận thức được rằng, lứa tuổi mới lớn là những người chưa được toàn quyền trước những lợi ích vật chất, chưa đủ lòng tự tin, tính ổn định. Vì vậy các em rất dễ sử dụng tình dục như là mảnh đất tự do duy nhất cho việc khẳng định cái tôi của mình, khẳng định vị trí xã hội của mình giữa những người cùng thế hệ. Ở tuổi này, đã không ít các em cho rằng ai trong số họ có nhiều “người yêu” là loại cừ khôi: các em chưa nhận thức được rằng cái cừ khôi đó không được đạo đức xã hội chấp nhận. Ở lứa tuổi các em, nhận thức về tình yêu, tình dục chưa rõ ràng, nếu không được giáo dục nghiêm túc thì sẽ rất nguy hại sau này. Song, dường như gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật đề cao vấn đề này, cho rằng đó là vấn đề cá nhân. Trong số những cô gái hành nghề mại dâm có biết bao những em gái mới 15, 16 tuổi và có không ít những cậu con trai 15 - 16 tuổi đã phải đứng trước vành móng ngựa vì tội cưỡng hiếp. Tất nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho cha mẹ, cho nhà trường, cho xã hội, nhưng trong đó họ vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Đã không ít những bậc cha mẹ quan niệm rằng, không nên giáo dục vấn đề tình dục cho con cái ở lứa tuổi này, như vậy là vẽ đường cho hươu chạy, hãy để chúng tự tìm hiểu. Đó mới chính là quan niệm sai lầm và lệch lạc, có thêm phần vô trách nhiệm. Ai cũng phải trải qua một thời “khủng hoảng” của tuổi dậy thì, mọi sự thay đổi về tâm sinh lý đều gây cho chúng ta tinh thần bất an và khơi gợi trí tò mò nếu không được biết trước những gì sẽ xảy đến với chúng ta. Tuy nhiên, đại đa số chúng ta đều trải qua thời kỳ đó một cách yên ổn, nhưng ai dám chắc rằng trong số đó không có người tò mò “thử nghiệm”. Ngay trong trường phổ thông, vấn đề giáo dục giới tính cũng còn rất lờ mờ, nó không được coi là một môn học mà chỉ thông qua môn học khác thầy cô giáo giáo dục sơ qua về sự phát triển sinh lý bình thường xã hội ta chưa đề cao vấn đề này và vẫn thờ ơ với nó. Cả xã hội hô hào hạn chế, ngăn chặn việc lan tràn của đại dịch AIDS, song vấn đề giáo dục tình dục cho lớp trẻ một cách có hệ thống, bài bản thì chưa được coi trọng. Điều đó biểu hiện ngay từ trong gia đình. Có một số cha mẹ cho rằng, giáo dục tình dục cho con cái là vẽ đường cho hươu chạy, là khuyến khích tình dục bừa bãi. Một số cha mẹ khác chê bai, phản đối, xem những cuộc thảo luận về giới tính là xấu xa, kinh tởm. Cha mẹ cần hiểu, vấn đề không phải là ở đó mà vấn đề là làm thế nào tuổi mới lớn có thể duy trì những chuẩn mực mà chúng ta mong muốn trong một xã hội. Rõ ràng là đang xáo trộn về lối sống, đạo đức thông qua việc giáo dục giới tính.


*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319Long Biên - Hà Nội.

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

.


Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CẢ ANH LÀ CẢ EM -CẢ EM LÀ CẢ ANH - THƠ KHÊ KINH KHA

 

trang khe kinh kha


 CẢ ANH LÀ CẢ EM - CẢ EM LÀ CẢ ANH

 

                                                                cho DP

 

Nếu anh có thể gôm hết ánh trăng vàng để kết thành vòng hoa cài lên mái tóc em

Anh sẽ làm mỗi khi chúng mình ngồi ngắm trăng trên đại dương.

 

Nếu anh có thể hái hết hoa Xuân để lót đường cho đôi ta tay trong tay bước qua cuộc đời tạm bợ này

Anh sẽ dành hết thời gian đời mình để xây dựng con đường tuyệt vời này cho cuộc đời đôi ta.

 

Nếu anh có thể vương tay vào không gian để hái một ngôi sao cho mỗi nụ cười em dành cho anh chứa đầy tình âu yếm, ân cần và nồng say trong suốt những năm tháng chúng mình sẻ chia

chắc sẽ không có đủ sao trong vũ trụ cho anh hái.

 

Nếu anh có thể ôm em và hôn em hàng ngàn lần mỗi ngày

trong mỗi năm chúng mình bên nhau

Và nếu anh có thể ôm em cả triệu năm để lấp đầy hơi ấm yêu thương của em

Anh vẫn không thể nào bày tỏ hết tình yêu trong trái tim anh dành cho em.

 

em ơi!

bởi vì em là thế giới đời anh

là hạnh phúc đời anh

là tất cả mọi thứ trong đời anh

Đôi ta quyện vào nhau như mưa với nước

như đại dương với sóng

như mây với gío

như mùa thu với lá vàng khô

và bởi vì em ơi!

cả em là cả anh

cả anh là cả em

cả đôi ta trong tình yêu vĩnh cửu

 

KHÊ KINH KHA


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

XẾ CHIỀU 1-2 - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 



XẾ   CHIỀU  1  -  2 

 

1. 

 

“Nhớ Quê”… nhớ nhất bóng hình

Cây Đa rợp bóng, mái Đình xanh rêu

“Nhớ Quê”… biết mấy mùa yêu

Cổng làng, giếng nước, cánh diều nghiêng chao…

Nắng sông óng ánh lụa đào

Ngàn dâu lá biếc, xanh xao góc trời

Bến sông, nước chảy bồi hồi

Sóng xô nhịp phách, ru hời thinh không

Sông quê nước chảy xuôi dòng

Chuồn chuồn rợp nắng, cánh đồng làng ta

Thoảng hương Cỏ Mật, Cỏ Gà

Trôi theo dòng nước, cánh hoa bềnh bồng…

Lúa về đòn gánh oằn cong

Tiếng kêu “kĩu… kịt”, tiếng đồng reo vang

Muộn chiều, cánh gió lang thang

Mùi hoa Sen nở, ao làng hương say

Tóc mây… dài lắm sợi mây

Em ngồi gội tóc cuối ngày tịch liêu

Mẹ về quảy gánh liêu xiêu

Đường xa, đồng vắng… đò chiều sang sông…

 

 

2. 

 

Lũy tre “kẽo… kẹt” giữa đồng

Trưa hè nắng lửa, mắt trông xa vời

Nhớ quê mùa nắng dữ rồi

Mồ hôi nhỏ giọt, rơi rơi má đào

Mồ hôi mặn chát tuôn trào 

Để câu Lục Bát ngọt ngào Nghĩa - Nhân

Nghĩa tình, Tình nghĩa phân vân

Đồng xanh chưa chín, ngại ngần lo âu

Nhớ quê miền nhớ thâm sâu

Lòng yêu còn tím hơn màu hoa Xoan…

Qua sông, nước mắt hai hàng

Có người viễn xứ quá giang… đi rồi

Dòng sông, nước chảy bồi hồi

Nhớ thương câu hát buông trôi dặm dài

Sông buồn, ai nhớ nhớ ai

Gió xuôi rét ngọt, u hoài nắng xiêu…

Bóng Quê… Bóng Mẹ xế chiều

Nhớ Quê, nhớ Mẹ, nhớ nhiều… Mẹ ơi!
Mẹ giờ vĩnh biệt… lên Trời

Cho con nỗi nhớ bời bời trong tim…

 

             Nha Trang, tháng  7. 2024

                  LÊ KIM THƯỢNG


THU CA ,BÀI TANGO BÂY GIỜ VÀ MAI SAU - TRẦN HỮU NGƯ







THU CA, BÀI TANGO BÂY GIỜ VÀ MAI SAU

Nói đến Tango, giới đam mê âm nhạc thường nghĩ đến Hoàng Trọng, suốt một thời gian dài từ năm 1953 đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau không một ai có thể soán ngôi ông, cho nên người ta phong ông là “ông vua Tango” quả không sai. Hoàng Trọng có đến 30 bài Tango mang đến cho người nghe trong những lời ca mượt mà, có sự đóng góp ca từ của thi sĩ Hồ Đình Phương, cùng những giai điệu Tango lả lướt, xuất phát từ một nhịp điệu khiêu vũ chậm của xứ Mexique, tiết điệu 2/4, anh em, họ hàng cùng với Habanera, “Tango Habanera”.
Và cho đến năm 1961, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mới cho ra đời bài hát có một tên rất ngắn: “Thu ca”, ca về mùa thu. Đây là một nhạc phẩm viết về mùa thu mang giai điệu Tango nổi bật nhất so với những giai điệu Tango của một số ca khúc của các nhạc sĩ khác viết về mùa thu, và người yêu âm nhạc đã đón nhận bài “Tango lạ” này, vì “Thu ca” ngoài giai điệu, nó còn mang đến cho người nghe những ca từ mang trọn vẻ đẹp toàn vẹn, quý phái của một mùa thu.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác chừng 50 nhạc phẩm, nhưng người ta chú ý đến ông qua mấy nhạc phẩm như: “Thế rồi một mùa hè” ca sĩ Thanh Thúy đã thu vào dĩa hát Sóng Nhạc, và “Loài hoa không vỡ” đã được ban nhạc Nghiêm Phú Phi hòa âm, ca sĩ Hoàng Oanh thu thanh vào dĩa hát Việt Nam, “Thung lũng hồng” do Khánh Ly ca… và còn rất nhiều ca khúc quen thuộc khác. Phạm Mạnh Cương là một ông thầy giáo dạy triết, nên nhạc ông có thoáng một chút triết lý, nhưng không đến nỗi suy nghĩ nhiều mới hiểu được và nhạc ông như trong bài “Loài hoa không vỡ”, ông không dùng hoa tàn, héo, úa, khô… mà vỡ, cũng chính vì chữ “vỡ” này mà “Loài hoa không vỡ” có một sức sống lâu bền trong lòng mọi người dù nó mang một chút triết lý.
Có một điều đặc biệt rằng, bài nhạc “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương không dành riêng cho một ca sĩ nào. Đây là một bài hát chung cho tất cả các ca sĩ, nó không kén chọn ca sĩ và người nghe từ bình dân cho đến cao cấp, ai cũng lĩnh hội được nhạc phẩm này, người nghe thấy “đã” vì cái nhịp Tango dồn dập và cuồn cuộn đi tới cùng với lời ca như tan chảy, thấm đẫm vào tâm hồn người nghe.
Bài hát “Thu ca” ra đời từ năm 1961, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương giữ bản quyền, đây là nhạc phẩm nằm trong bộ sưu tập của NXB Mỹ Hạnh, thời gian này, đã có những bài Tango lóe sáng trên bầu trời ca nhạc miền Nam, nhưng “Thu ca” như một hiện tượng, một vì sao sáng, chiếu qua bầu trời Tango. Nhạc Tango, một giai điệu hầu như rất khó trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ miền Nam thời bấy giờ! Và hãy xem lại, cái gì đã làm cho người ta say mê, nồng nhiệt đón nhận “Thu ca” đến như vậy?
Giai điệu, hay ca từ?
“Thu ca” là một cuộc tình lãng mạn, hình như đây là một ca khúc “giai điệu ôm trọn ca từ”, ngắt đoạn, nhưng không rời nhau.
Mùa thu là một mùa đẹp đẽ, chỉ cần một chiếc lá vàng rơi, một tiếng mưa nhỏ hạt, một khung cảnh lãng đãng khói sương, một thoáng mây qua khung cửa… cũng làm cho người nhạc sĩ chạnh lòng. Nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lam Phương và một số nhạc sĩ khác, đã cho chúng ta nghe nhiều về nhạc mùa thu. Nhưng ở bài “Thu ca” này, ngoài hình bóng của một anh chàng lữ thứ với một mối tình lãng mạn đầy sương khói mùa thu, nhẹ gió rung một tà áo, nhẹ nụ cười thắm như cánh hao đào, nhẹ một tiếng nói… Tất cả hình ảnh cũng đều nhẹ nhàng, chỉ có giai điệu Tango là mạnh mẽ, và chính vì cái nhịp sôi nổi đó nên làm người nghe thích thú vì thấy lạ tai rồi hưng phấn, rồi thăng hoa với một bài thu ca đặc biệt này!
Tiếp theo sau năm 1961, Phạm Mạnh Cương lấy “Thu ca” là nhạc hiệu chương trình của ông. Thế mới biết “Thu ca” là đứa con yêu dấu của ông và có lẽ nhắc đến tên ông là người nghe nghĩ đến ca khúc này. Cuộc đời viết nhạc, chỉ một ca khúc để làm nên tên tuổi, điều này cũng không dễ chút nào!
“Thu ca”, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương viết móc đôi và móc đơn ông dùng những nốt Bémol: Mí, Si, La, đó là những “nốt buồn”, vì mùa thu, mùa của lá vàng rơi, mùa của gió heo may, mùa của trời mây bay tản mát… nói chung mùa thu mang đến cho chúng ta cảm giác buồn, dù mùa thu là mùa đẹp đẽ trong bốn mùa.
Mỗi năm mùa thu lại đến, nhạc thu cũ có rất nhiều những bài hát hay, nhưng thời gian đã làm nhạc thu ngủ yên, có đôi khi hờ hững, lặng yên trong đong đầy nỗi nhớ, và mỗi năm đến mùa thu, dù ai quên, ai nhớ, nhưng “Thu ca” đã thức dậy khi bên ngoài trời thu có


                         

những ngọn gió heo may thổi về:
“… Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu…”
Mỗi năm mùa thu đến hẹn lại về, trong sương rơi, cô đơn và chuyện tình yêu cũ cũng về:
“… Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lưới cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vì đâu
Mờ xóa tình quen biết nhau
Nhắc chi cho lòng đớn đau…”
“Thu ca” hát không cần mùa, một bài Tango bây giờ và mai sau.


TRẦN HỮU NGƯ

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

VỀ THUƠNG MẤY NHỊP TRƯỜNG TIỀN - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 



VỀ THƯƠNG MẤY NHỊP TRƯỜNG TIỀN


Em còn tựa gốc phượng già

Nghe ve gọi nắng – mưa sa cháy lòng

Đỏ mùa hoa cuối mênh mông

Qua cầu áo trắng trổ hồng sắc mây.


Ngô đồng tím – tím lắt lay

Bên kia bờ Bắc chiều nay rụng đầy

Lòng theo con nước vơi đầy

Xanh hàng long não một ngày nắng lên.


Đò nương mái đẩy lướt êm

Chờ ai ngả nón lượt mềm tóc rơi 

Bến thời gian – dấu chân người

Cầu nghiêng soi bóng một thời mộng mơ


Bên ni bên nớ đôi bờ

Đếm từng nhịp nối sao hờ hững nhau

Đêm dòng Hương – sóng sánh say

Nhẹ tay vóc nước vớt đầy thuyền trăng.


Thương gàu lòng giếng khơi trong 

Thương em lặn lội ngược dòng đội mưa

Nhủ lòng đừng bạc áo xưa

Chợ quê vẫn đượm dẫu mùa đã trôi.


Áo dài tím Huế của tôi

Một sương hai nắng tơ trời còn vương

Gởi người màu nắng yêu đương

Trường Tiền mấy nhịp có thương thì về.



16/9/2023


NGUYỄN AN BÌNH


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

HÁT TUỒNG , XIẾC VÀ ĐỜI - THƠ KHA TIỆM LY





HÁT TUỒNG.

Mấy thằng mặt trắng, mấy thằng đen
Đứa thấp đứa cao có mấy quèn.
Mão ốp tai, bỏ lời phải trái.
Râu che mồm, táp miếng chê khen
Vợ lên vai mẹ, đâu còn lạ,
Con chửi thằng cha, riết cũng quen!
Xiêm áo mập mờ che bộ vó
Phấn son sao gột lớp chân phèn!

XIẾC VÀ ĐỜI

Thằng hề trơ trẽn thế mà vui,
Tay múa, miệng la, bọt mép sùi!
Khỉ mặc áo hoa, trò lếu láo,
Chó làm toán cộng,...chuyện hên xui!
Hí trường vất vả pha nhào, lộn,
Phù thế gian nan cuộc tiến, luì!
Sân khấu và đời không khác mấy,
Kẻ thì ốm nhách, kẻ trâu cui!


KHA TIỆM LY

 

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

KHÓC MỘT CHÚT RỒI THÔI - NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

 


ao-dai


KHÓC MỘT CHÚT RỒI THÔI

    – Ừ,   Mẹ biết chuyện này khi còn ở Việt Nam, ở xóm mẹ, Tài là một chàng trai học dở con nhà nghèo, chỉ được cái mã đẹp trai, tán gái giỏi, sau 1975 Tài đi thanh niên xung phong về không có việc làm, Tài theo vài người bạn đi buôn bán chợ trời đồ cũ ở chợ Tân Bình, Tài quen Nhạn cô gái bán sạp quần áo trong chợ, cô Nhạn con nhà khá giả, tuổi mới lớn, xinh xắn hiền lành, đã yêu “sét đánh” Tài phong trần trong chiếc áo thanh niên xung phong bạc màu nắng gió nông trường dù khác biệt học vấn và gia cảnh, cha mẹ Tài đã mất, Tài đang sống chung  cùng mấy chị em trong căn nhà xập xệ của cha mẹ để lại. Cha mẹ Nhạn không chịu gả con gái cho Tài, họ quyết liệt ngăn cản. Cô Nhạn đau khổ và thất vọng một buổi chiều đã lang thang ra cầu chữ Y nhảy xuống sông tự tử…
    – Mỗi lần cô Nhạn bị chồng đánh cô đã quỳ lạy van xin chồng tha hoặc chạy trốn sang nhà hàng xóm, nhưng sức chịu đựng có hạn. Khi đứa con 3 tuổi cô li dị người chồng tệ bạc vũ phu này. Tài trắng trợn ra giá nếu Nhạn muốn quyền nuôi con thì phải chi cho anh ta một số tiền lớn. Nhạn sẵn sàng bỏ của chạy lấy người, cha mẹ cô đã thí cho thằng rể bất nhân món tiền để con gái và cháu ngoại được yên thân. Hôm ra tòa li dị Tài đã gởi cho tòa lá đơn đồng ý giao con cho vợ nuôi tới khi khôn lớn. Thâm tâm Tài nào muốn nuôi con vừa tốn công vừa tốn tiền. Thế là anh ta phủi tay trách nhiệm và  có tiền bỏ túi.

– NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

(Jan. 2, 2024)