CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

ĐÃ AI VE ĐƯỢC CON ĐÒ THỦ THIÊM? - TỪ KẾ TƯỜNG

 



ĐÃ AI VE ĐƯỢC CON ĐÒ THỦ THIÊM?
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Thủ Thiêm là đất xưa ở Sài Gòn, ngày nay thuộc quận 2 cách trung tâm thành phố một con sông gọi một cách thân quen là sông Sài Gòn. Sông không rộng lắm, đứng bờ bên này có thể nhìn thấu bờ bên kia với màu cây xanh chạy dọc bên sông, vút lên khoảng không gian cao rộng ấy là những tấm pa nô quảng cáo, ban ngày sáng chói dưới nắng, ban đêm rực rỡ trong ánh đèn hoa lệ. Hồi ấy cư dân hai bên bờ muốn qua lại đều phải đi đò ngang cho nhanh vì phà Thủ Thiêm lúc nào cũng đông nghẹt. Người đi phà phải chờ đợi, chen lấn, mất thời gian.
Những con đò ngang qua lại trên sông Sài Gòn phần đông là đò chèo và chỉ chở người đi xe đạp hoặc đi bộ. Bến đò ngang bên này sông Sài Gòn phía Q1 đóng dọc theo khúc cua bờ sông từ phà Thủ Thêm về hướng cột cờ Thủ Ngữ gần cầu Quay nối Q1 và Q4-Khánh Hội. Hồi ấy sông Sài Gòn còn thưa vắng những chiếc tàu lớn vào ra, nhưng bờ bên này phía Q1 thường gọi là Bến Tàu với kè đá xanh thoải dốc xuống mặt sông và công viên nhiều cây xanh, băng đá chạy dài để người dân vào đây hóng gió, đặc biệt là vào những buổi chiều cuối tuần.
Nhưng có lẽ lãng mạn nhất là mỗi sớm tinh sương được đi bách bộ dọc “Bến Tàu” để đón gió sông mà cũng có thể là gió từ những cánh đồng trống bên kia Thủ Thêm đưa sang. Hơi gió trong nắng sớm như có mùi vị khác, được lọc qua màn sương còn lờ nhờ, lãng đãng trên mặt sóng sông nhấp nhô theo những con đò ngang đưa khách qua sông. Những cô gái Thủ Thiêm da rám nắng, đội nón lá, áo bà ba trắng, quần vải xoa đen ngồi sau con đò cong lưng eo khua mái chèo quẫy nước mang vẻ đẹp dịu dàng, nhưng cũng đầy sức mạnh của một vùng cư dân Nam Bộ, đồng thời cũng rất ý nhị theo câu ca dao:”Bắp non mà nướng lửa lò…Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. “Ve” là tiếng miền Trung, được Nam Bộ hóa, mang ý nghĩa “tán gái”, “ghẹo gái”.
Hai bờ sông Sài Gòn đoạn từ phà Thủ Thiêm đến cột cờ Thủ Ngữ gọi chung là “Bến Tàu” hồi ấy không gian không ken dày những công trình quảng cáo và nhà cao tầng như bây giờ. Đứng trên bờ kè đá xanh trong sớm tinh sương có thể nhìn thông thống qua bên Thủ Thiêm và ngược lại. Theo con nước lớn, ròng mỗi ngày những giề lục bình xuôi theo con nước lớn hay ngược dòng trở ra lóng lánh sắc hoa màu tím nhạt theo chu kỳ của loài hoa ngâm rễ trong nước phù sa để vừa trôi vừa nở in bóng xuống mặt nước sông Sài gòn xanh trong. Trong thảm hoa tím nhạt của lục bình lồng lộng bó hình những cô gái dập dềnh trên sóng đưa những con đò Thủ Thiêm đầy khách qua sông thật đẹp và lãng mạn.
Buổi tối, cũng ở Bến Tàu, lại thêm một thế giới khác trên những con đò Thủ Thiêm. Đó là những “cửa hàng” di động với những bà, những chị, những cô gái bán quà bánh quê, hột vịt lộn, chè thưng, cháo vịt, gỏi cuốn, bì cuốn… và cả một “quán nhậu” với rượu đế, bia, thuốc lá, mồi là các loại khô nướnc trên bếp than đỏ rực. Những “cửa hàng” di động này thường treo trước mũi đò một bóng đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, hoặc tiên tiến hơn là một bóng đèn néon 6 tấc chạy bình ắc-quy. Tiếng rao mỗi người mỗi kiểu, giọng lãnh lót của những cô gái bán chè thưng, hoặc giọng trầm, buồn của các bà, các chị hột vịt lộn, bán đồ nhậu cứ vang trên sóng nước. Họ chèo dọc theo mấy con tàu hàng đang thả neo hoặc dọc bờ sông. Khi nghe tiếng khách gọi những con đò “thương mại” này liền tấp vào “giao dịch” trong khung cảnh “trên bến dưới thuyền” rất đông vui, nhộn nhịp.
Sau ngày 30- 4- 1975, trải qua nhiều thời kỳ, cho đến hôm nay, giao thông giữa hai bờ sông Sài Gòn được thuận lợi nhanh chóng nhờ cầu Thủ Thiêm và bây giờ là hầm chui Thủ Thiêm. Người thành phố từ phía Q1 có thể qua Thủ Thiêm trong nháy mắt bằng hầm chui hiện đại dưới lòng sông Sài Gòn để thưởng thức vịt nấu chao ba món ở quán Kim Lợi và ngược lại người bên Thủ Thiêm cũng có thể trong nháy mắt qua chợ Bến Thành mua sắm. Nhưng hình ảnh những con đò ngang Thủ Thiêm trước đây vẫn là nỗi nhớ trong hồi tưởng lãng mạn của mình về một góc nhỏ của Sài Gòn hiện đang đang mất dần đi những hình bóng cũ. Đặc biệt là hình bóng những cô gái mặc đồ bà ba, đội nón lá, dáng nghiêng lưng ong tay thoăn thoắt đưa mái chèo trên con đò ngang vượt sóng nước chở khách qua sông. Hình bóng đẹp, dịu dàng ấy như vẫn còn in trên mặt sông Sài Gòn một thời đã qua nhưng khó phai mờ trong ký ức cư dân thành phố.
Tôi không sinh ra ở Sài Gòn nhưng là dân cố cựu của thành phố với lịch sử 300 năm hình thành trong ký ức của một đứa trẻ con 12 tuổi rời quê nhà lên Sài Gòn tiếp tục học cấp 2 sau khi đậu tiểu học ở quê. Trong vô vàn kỷ niệm của tôi từ ngày thơ ấu đó tới mãi hôm nay vẫn đậm nét với bóng dáng những con đò Thủ Thiêm xuôi ngược trên dòng sông rộng lớn giống như con sông Bến Bạ quê tôi. Dấu ấn thời gian đủ dài nhưng câu hỏi trên vẫn chưa có lời đáp:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm?


TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: