CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

CÓ AI CHỜ ANH NỮA KHÔNG - TRẦN HỮU NGƯ




CÓ AI CHỜ ANH NỮA KHÔNG?
Một thời thanh xuân đã đi qua…
Một bài viết cũ.
Nay nhớ cây bàng biển, nhớ ca sĩ Ngọc Tân, nhớ quê nhà những ngày tháng cũ…
Nhớ những ngày xưa ai đã từng chờ đợi ai đó?
So với cây dừa ở quê tôi xứ biển, cây bàng cho tôi nhiều kỷ niệm, dù những kỷ niệm ngắn.
Lá bàng ngày còn xanh cho tôi bóng mát, lá bàng vàng rụng xuống trên đất cát biển, rồi được gió thổi bay đi, cho tôi cảm giác bình yên của những chiều trên bãi biển, và trái bàng chín cho hột bàng thơm ngon.
Cây bàng ở biển thường có những chiếc lá vàng to hơn lá bàng ở thành phố? Tôi đã từng lượm lá bàng làm chiếc quạt của những ngày trời nóng.
Cây bàng với những chiếc lá vàng to, tạo bóng mát nhỏ, của một thời tôi dựa cây bàng mà ngủ.
***
Xa cây bàng biển đã lâu.
Bây giờ tôi là dân thành phố.
Có những buổi mai, tôi lang thang vào những con đường vắng, gần nhà, không biết để làm gì, chỉ biết đi là đi! “Đi cho chân cứng đá mềm!” Hờ hững quan sát, coi có cái gì lạ không? Saigon cũng rất lạ, là ở sát vách với nhau cũng không biết nhau? Bao nhiêu năm ra vào con đường này, vậy mà tôi không thấy cây bàng, xanh tươi tỏa bóng mát xuống cái sân nhỏ của một ngôi trường rất nhỏ, cho những em bé cũng rất nhỏ vui đùa.
Cây bàng, một loại cây cho bóng mát thân yêu của làng quê, những năm chưa biết điện là gì, nơi tụ tập của những đứa trẻ, ngay cả người lớn có đôi khi ngồi dựa gốc bàng với đôi mắt liu-diu những trưa hè. Cây bàng còn cho trái chín vàng, gió phe phẩy rụng xuống, lượm đập lấy hột, ăn, bùi, béo… bá cháy!
Đi bộ ở Saigon, vì đã già, nên tôi sợ mình loạng choạng gặp tại nạn bất ngờ , nên mắt cứ như mắt ngựa ngó thẳng, sợ đụng! Thình lình một con chim nhỏ xíu, “ét” một tiếng, rồi soạt bay đi. Tôi không vội, dứng lại, ngước lên, thấy… cây bàng.
Cây bàng, cây bàng… tôi thầm reo…, và biết bao kỷ niệm thời xa vắng hiện về. Bất chợt tôi nhớ bài ca “Cây bàng thời gian” của Lê Vinh. Một bài thơ không biết của Nguyễn Vĩnh Hà, hay Nguyễn Bảo Chân (?) mà nếu xem lại bài thơ và bài hát thì có nhiều đoạn trong bài hát khác với bài thơ “Cây bàng thời gian”. Có thể nhạc sĩ Lê Vinh mượn ý của bài thơ chăng? Nhưng, nếu mượn ý, cũng phải để tên tác giả bài thơ chứ? Và trong CD “Vầng trăng và con đường” (The moon anh the road) do Ngọc Tân ca, được Saigon Audio phát hành từ năm 1996, cũng không thấy để tên tác giả bài thơ, chỉ thấy một mình tên nhạc sĩ Lê Vinh, mà không ai kiện cáo gì? (Tôi nói điều này, cũng có thể tôi nhầm chăng?)
Cây bàng sinh ra không có giá trị về gỗ, trái, lá…, mà chỉ cho ta bóng mát, vậy mà bàng đã đi vào thơ ca. Cây bàng, nơi hẹn hò, chờ đợi, đến và đi, và đến mùa lá vàng, bàng rụng, cho ta chiếc lá to như chiếc quạt mo của Thằng Bờm. Cuộc đời bàng có khi thọ hơn cuộc đời con người, và bàng cho ta kỷ niệm bóng mát cuộc đời.
Ngọc-Tân (1948 – 2004), một ca sĩ tên tuổi không xa lạ với những ai yêu âm nhạc. Cuộc đời anh “ba chìm bảy nổi, chín cái lênh-đênh”. Và trời bắt anh phải xa cuộc đời vì bạo bệnh ở lứa tuổi 56 - một lứa tuổi “ăn nên làm ra”- của đời một ca sĩ. Giá như bây giờ anh còn, anh sẽ hát với những tiếng nấc vô tiền khoáng hậu! Và cũng giá như anh không chết sớm, anh sẽ nấc Boléro khó ai sánh kịp?
Tôi mê tiếng hát Ngọc-Tân, anh đích thực là một tiếng hát “Nam tính”. Anh có tiếng nấc trời cho, mà không ca sĩ nào bắt chước được. Anh nấc trong một âm vực cao thấp khó mà dùng lời để nói hết được. Anh nấc mà không rên, anh nghẹn mà không nuốt lời, giọng ca lưng-chừng giữa sáng và tối, có khi vồn vã, có khi ngập ngừng, có khi đứt nhưng không lìa, nhỏ không đột ngột, rồi rất nhỏ!
Và trong ca khúc “Cây bàng thời gian”, giọng Ngọc Tân nấc cùng tiếng Piano thoáng dịu, sắc sảo, rải nhẹ như những hạt mưa, để nhớ và “thèm lay ướt một vòm cây xanh cũ”. (Chữ “thèm”, dùng đẹp quá)
Nhạc Việt-Nam sau 1975, thỉnh thoảng ta bắt gặp một vài bài hát nhẹ như sương mai, vàng tươi như lá mùa thu, ngân vang như tiếng chuông chiều xa thẳm, và những bài nhạc như chắt mót lại tình yêu của một thời khó quên, những cuộc tình cao bay xa chạy, đau như có muối xát trong lòng. “Cây bàng thời gian” nằm trong số những bài nhạc lãng mạn đó, khó nhạt nhòa:



“Có ai chờ anh
Ai chờ anh dưới mưa
Như ngày xưa em từng chờ đợi
Đôi vai ướt đẫm…
Cây bàng xinh
Lặng lẽ bên đường…
Em ra đi
Đêm mưa thành cổ tích
Kỷ niệm xưa còn lại nhớ thương
Một mình anh chơ vơ hờn trách
Lá bàng ơi
Giờ ở bay nơi đâu
Xa nhau anh nhận lỗi về anh
Chỉ mong sao đừng nhạt phai kỷ niệm
Xa nhau anh mong em đừng lãng quên
Và thời gian như tàn phai lá bàng
Xa nhau anh không quên được nỗi nhớ
Giá như trở lại quá khứ
Có còn em
Uớt lạnh đứng chờ…”
Một bài hát buồn mà không thảm, ướt mà không ác, bi mà không lụy, một thứ văn hóa yêu thương, lãng mạn trên cả tuyệt vời của những người chỉ “có chết mới chia lìa đôi lứa”.
Thành kính thắp một nén nháng thắp cho Ngọc-Tân, người ca sĩ đã bị đời dày vò, bệnh tật hành hạ, anh ra đi để lại tiếng hát của một thời đọa đầy.
Còn tôi, lững thững trong nỗi nhớ, mơ hồ trong niềm quên, dạt dào từ xa thẳm, mà hỏi rằng:
-Có ai chờ tôi nữa không
Như ngày xưa em từng chờ đợi?…

TRẦN HỮU NGƯ


 

Không có nhận xét nào: