CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

NGÀY XƯA KHI TÔI ĐI HỌC - TỪ KẾ TƯỜNG

 





NGÀY XƯA KHI TÔI ĐI HỌC

Nhân năm học mới khai giảng. Tôi xin kể lại cậu chuyện ngày xưa khi tôi đi học, vào lớp năm, tức lớp 1 bây giờ ở trường làng.Ở lứa tuổi của tôi ngày đó học theo chương trình Pháp, đầu cấp I gọi là Sơ Học gồm 3 lớp, lớp đếm ngược, nên Sơ Học có Lớp 5, Lớp 4 và Lớp 3. Thi Sơ Học đậu mới lên Lớp Nhì, Lớp Nhất, Thi Tiểu Học đậu lên Lớp chuyển cấp gọi là Lớp Tiếp Liên. Sau đó Thi vào cấp II học đệ Thất tức Lớp 6 bây giờ.
Làng tôi ngày xưa là vùng quê nghèo, ruộng rẫy miệt vườn, mùa nắng nước mặn đất phèn không ai cấy lúa. Mưa xuống nước ngọt mới là mùa vụ. Tôi đi học cũng giống như cậu bé lần đầu tiên theo chân mẹ tới trường với tâm trạng náo nức khi đi lại con đường quen thuộc mình từng đi, nhưng nay sao thấy khác lạ. Đó là vào một sáng mùa thu, cũng là mùa tựu trường vào một sớm mai khi đứa trẻ con lên 6 tuổi theo chân mẹ đến trường.
Hồi tưởng lại thuở ấy, tôi có cảm nhận riêng mình giống y như truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh:” Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. tôi không thể nào quên được những cảm giác trong buổi sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Đây cũng là đoạn mở đầu trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi cũng được học trong sách Giáo khoa hồi ấy.
Trường tôi học là trường sơ cấp Phú Vang thuộc xã Phú Vang huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, một ngôi trường có 4 gian mái lá, vách đóng nẹp gỗ thành ô chéo, nền đất chỉ cao quá đầu đứa trẻ con. Bàn đóng theo kiểu bàn học trò, 4 bạn ngồi vừa đủ trên một băng dài chia làm hai dãy, một bên nam, một bên nữ. Tấm bảng đen và bục gỗ bên góc trái, bàn của thầy ngay giữa. Ba gian chia thành 3 lớp: Lớp năm, lớp tư, lớp 3. Gian thứ 4 nhỏ hơn làm văn phòng tôi chỉ thấy có thầy hiệu trưởng ngồi.
Trước cửa văn phòng của thầy hiệu trưởng treo một cái trống lớn, mỗi sáng, khi vào học thầy hiệu trưởng cầm cây dùi trống đánh một hồi trống dài, rồi nhịp 3 tiếng, sau đó học sinh theo thứ tự vào lớp. Sân chơi là bãi cỏ rộng thênh thang sát với con lộ đất cát. Đầu sân có cây dầu cổ thụ, những cánh hoa dầu màu nâu cánh gián đeo theo trái dầu nhỏ cỡ ngón tay út cứ theo gió bay tản mác như đàn bướm. Cuối sân có cây phượng vĩ tán lá mát rượi, thân sù sì, mùa hè đỏ rực hoa và suốt ngày bầy ve ca hát không ngừng trên tán lá xanh. Hết mùa hoa là mùa trái phượng chín, những trái phượng khô đen, cong cong. Cơm trái phượng ăn được, có vị ngọt nhưng hơi tê tê ở đầu lưỡi.
Giữa sân trường là cột cờ, những viên ngói cũ cắm thành một vòng tròn bao quanh cột cờ, đất đắp cao lên, trồng hoa mười giờ. Một lối đi từ ngoài đường vào, ngang qua khoảng sân tới cửa lớp 3 có lát gạch Tàu. Mỗi sáng đầu tuần chào cờ, học sinh xếp hàng theo lớp hướng về cột cờ. Chào cờ xong mỗi lớp học sinh theo hàng một, vừa vào lớp vừa đọc to lên bài học thuộc lòng nào đó. Thường là bài thơ lục bát. Vào lớp rồi học sinh vẫn đứng đọc, hết bài học thuộc lòng thầy nhịp cây thước bản xuống mặt bàn mới được ngồi xuống.
Tôi đi học lớp năm (Lớp 1 bây giờ) lúc 6 tuổi, áo sơ mi ngắn tay mới keng, quần cụt đen và đi… chân trần (Hồi đó học trò không mang dép, còn vì sao không mang dép thì tôi không biết-Có lẽ vì nghèo chăng?). Tập viết mới mua, viết mực ngòi lá tre, bình mực tím… đầu cắt ngắn hồi xưa gọi là húi cua. Tôi được má tôi nắm tay dẫn đi trên con đường làng chưa tan sương sớm, gió mùa thu lành lạnh, trên không có những đám mây bàng bạc. Tay tôi ôm chiếc cặp đệm, trong đựng tập vở, viết, thước, gôm, tấm bảng nhỏ kẽ ô vuông, còn bình mực tím thì để trong cái lon sữa bò xách bên ngoài. Má tôi đưa tôi trới trường, vào lớp chỉ một lần duy nhất, hôm sau tôi tự tới trường một mình, bạn cùng lớp đứa nào cũng vậy.
Tôi còn nhớ thầy dạy lớp tôi là thầy Phi, dáng thầy cao ráo, mảnh khảnh, gương mặt xương xương, da trắng, đôi mắt rất sáng. Tôi bắt đầu bài học vỡ lòng, đó là tập viết trên trang vở kẽ hàng đôi, viết bằng viết chì, tập đọc nhận mặt chữ và ráp vần xuôi rồi vần ngược với những mẫu tự 24 chữ cái: A,B,C D,Đ…Không có cờ lờ mờ, không có C là Q là K, không có rối rắm, lòng vòng, khó hiểu, đọc, học tới đâu nhớ tới đó, hết giai đoạn viết chì tới viết mực, hết tập hàng đôi tới tập hàng chiếc. Mỗi năm lên lớp, lớp tư, lớp ba rồi thi sơ học, thi đậu phải đi bộ 2km xuống làng Lộc Thuận học lớp nhì, lớp nhất, thi tiểu học rồi lên lớp Tiếp Liên…
Hồi đó học Lớp Ba tôi nhớ đã có học tiếng Pháp, và cấp sơ học thì “thủ” bộ sách “Quốc văn Giáo khoa thư” Lớp Đồng Ấu. Bài tập đọc, bài Tập làm văn, Học thuộc lòng rất ngắn gọn, trong sáng, dễ nhớ và đều mang tính nhân văn rất cao, Giáo dục lòng hiếu thảo, kính trọng người lớn tuổi, kính trọng thầy cô, yêu thương giúp đỡ bạn bè, chứ không có chuyện dạy cho trẻ con sự ma mảnh như “ông trọng tài” trong chuyện chia quả Bứa, hoặc tiêm nhiễm cho trẻ con sự mưu mẹo, gian trá như chuyện “Bé xách giúp mẹ”… như trong sách GK Tiếng Việt Lớp 1 “Công nghệ Giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại bây giờ.
Lứa tuổi của tôi ngày ấy chắc đều còn nhớ chuyện “Mạnh Tông khóc măng”, “Mẫn Tử Khiêng đẩy cha vào rừng”, Mẹ thầy Mạnh Tử dạy con”… và bài học thuộc lòng “Cây bàng cuối thu” mãi sau này tôi mới biết là của nhà thơ Nguyễn Bính:
"Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây
Quạnh hiu như tấm thân này
Âm thầm sống với những ngày gió mưa"
Còn chuyện “Mạnh Tông khóc măng” kể rằng Mạnh Tông rất hiếu thảo với cha mẹ, biết cha mẹ thèm ăn măng mà giữa mùa hè nóng bức làm sao có măng. Mạnh Tông đã đứng bên cạnh bụi tre khóc đến đất ướt mềm, nứt ra mục măng để làm món ngon dâng lên cho cha mẹ. Hay chuyện đôi vợ chồng nọ thấy cha già yếu, vô dụng, không còn giúp ích gì cho gia đình nên vợ bàn với chồng lấy xe đẩy cha vào rừng bỏ, con trai của họ thấy vậy hỏi sao cha bỏ ông nội vào rừng, nghe cha giải thích ông nội già yếu rồi không làm gì được cho gia đình đã trở thành gánh năng nên phải bỏ ông nội vào rừng cho rảnh nợ.
Người con liền nói nếu như vậy mai này cha già giống như ông nội con cũng sẽ lấy xe chở cha vào rừng như cha đã bỏ ông nội bây giờ vậy. Người cha nghe con trai nói thế liền hối hận mang cha trở về nhà nuôi dưỡng tử tế, hết lòng hiếu thảo… Còn chuyện mẹ thầy Mạnh Tử dạy con thì chắc ai cũng biết, tôi xin không dẫn ra đây cho khỏi mất thời gian.
Như vậy để thấy rằng, chương trình học ngày xưa chủ yếu giáo dục về đạo đức ngay từ lúc đầu cấp Sơ Học gọi là “Vỡ Lòng”. Học trò được dạy rất kỹ từ nét chữ đầu tiên, tập đánh vần, ráp vần, học cửu chương và đặc biệt được quan tâm đến đạo đức, ứng xử với chung quanh và học làm người. Và câu thuộc nằm lòng của thế hệ học sinh ngày ấy tôi tin rằng lớp học sinh tuổi tôi không bao giờ quên:”Tiên học lễ.Hậu học văn”.


TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: