ĐI QUA CỬA THƯỢNG TỨ
Nhân ngày lễ Vu Lan, tôi đến thăm Mạ tôi cũng là để mừng đại thọ 98 tuổi của bà. Nhà Mạ cách nhà tôi chừng bảy phút đi bộ. Mỗi lần tôi ghé thăm bà rất vui, nói cười sang sảng. Ở cái tuổi gọi là bách niên giai lão Mạ tôi vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, nhớ cặn kẽ từng câu chuyện đời xưa ở Huế. Lìa xa Huế ngót 70 năm mà giọng nói của bà vẫn nặng thổ ngữ Huế, Huế rêu phong, cổ kính rứa bà vẫn nhớ rất rõ. Có lần Mạ tôi hỏi:
- Hòa nì. Mi còn dớ (nhớ) Hoàng thành có mấy cửa khun?
Tôi xa Huế lâu quá, không còn nhớ chi nhiều về Huế, nghe Mạ hỏi tôi lớ ngớ: " Dà. 13 cửa Mạ hè?"
- Khun phải rứa! Bà lắc đầu gắt nhẹ. Đó là cửa Kinh thành khác với Hoàng thành. Hoàng thành còn gọi là Đại nội tề, là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành. Mi dớ (nhớ) chưa? Hỏi rồi bà tự trả lời luôn: "Hoàng thành có bốn cửa, con hỉ. Cửa Ngọ Môn là cửa chính ở phía Nam, mi nì, cửa Hiển Nhơn ở phía Đông nì, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình".
Bốn cửa Đại nội có cửa tôi còn nhớ tên, có cửa lại quên nhưng cửa Thượng Tứ phía ngoài Kinh thành thì tôi nhớ hoài nhớ hủy.
Cuối thập niên 1930, thời còn thắp đèn chai, mối thâm duyên kỳ ngộ đẩy đưa chi đó mà Mạ tôi đã về với Cha. Thời Cha tôi làm Tri phủ, là chức quan văn thuộc Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn được vua ban cho đất đai, nhà cửa ở bên trong phường Thuận Thành gần cửa Thượng Tứ. Năm 1939, Cha tôi giũ áo từ quan, Mạ mới sanh ra anh tôi, sáu năm sau mới có tôi, phận gái. Sau này Mạ nói tôi mới biết ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp đem quân trở lại Việt Nam đúng lúc tôi oe oe cất tiếng khóc chào đời. Mạ cũng nói mỗi lần cho tôi bú bình, Mạ phải bồn (bồng) tôi đi loanh quanh cửa Thượng Tứ, Cha và anh tôi cũng đi theo dỗ dành tôi mới chịu bú.
Khi tôi đủ lớn khôn Mạ hay nhắc tới cửa Thượng Tứ, ở đó những lần khát sữa tôi thường giãy nảy làm vung vãi sữa xuống đất. Chao ôi! Nghĩ lại thuở ấu thơ đọ mà thương cho hạnh của đất Thượng Tứ cũng dịu dàng như hạnh của Huế tôi rứa thê.
"Nhưng cửa Đông Nam còn gọi là cửa Thượng Tứ là răng Mạ hè?" Có lần nghe tôi hỏi Mạ mỉm cười xoa đầu con gái, ôn tồn giải thích. Tôi còn nhớ đại khái như ri:
Gọi là cửa Thượng Tứ vì ngày xưa, ở gần bên trong cửa thành này, triều đình đã lập nên một viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để dẫn xa giá cho Vua. Thuở xưa, phương tiện di chuyển của vua chúa thường dùng ngựa hoặc xe kéo bằng ngựa. Mạ tôi giải thích thêm, rằng chữ Thượng có nghĩa là trên cao, ý chỉ là Vua. Chữ Tứ chỉ xe bốn bánh do ngựa kéo (Tứ mã).
Cửa Thượng Tứ còn gọi là Đông Nam Môn, nằm ở bên trái Kỳ đài Kinh thành Huế, gần khu vực nuôi ngựa nên người dân quen gọi là cửa Thượng Tứ, dù trên vọng lâu của cửa vẫn có ghi ba chữ Đông Nam Môn.
Nói tới ngựa Thượng Tứ tôi vẫn nhớ hoài hồi nhỏ trong phường Thuận Thành, nhà của quan Tự thừa - chức quan coi việc giữ đền miếu - có năm cô con gái. Cả năm cô, có chị có em đều thích mon men qua nhà chơi với tôi. Khi vô trong nhà, năm cô đều xuýt xoa, trố mắt chộ đồ vật của tôi chưng trên đầu giường. Con búp-bê tóc vàng, cái kẹp tóc sừng trâu, đôi vòng ngọc thạch, cái mũ len kết bông hoa bằng nhựa. Cái chi cũng lạ với các cô nhưng được cái là không O mô sờ mó chúng. Ai đời năm O ngoan rứa nhưng về nhà lại ba hoa xích đế, hoang bà cố.
Cửa Thượng Tứ là cửa để ngựa ra vô nên mỗi lần có việc khẩn họ điều ngựa chạy rần rật. Sau này các O Huế nào có tánh lanh chanh, lắc xắc là có câu mắng ví von của mấy mệ: "Con gái mà chạy rật rật như ngựa Thượng Tứ rứa tề" Cũng y rứa, chiều chiều tôi thường nghe mệ Tự, vợ của quan Tự thừa, cũng là mạ của năm cô gái hàng xóm thích phá phách, ưa cười đùa, chạy nhảy là bị la rầy: "Con gái con lứa chi mà lắc xắc, rật rật như ngựa Thượng Tứ rứa bây?"
Chuyện tôi kể trên, nay đã lùi thật sâu trong quá khứ. Cha và anh tôi đã về trời từ lâu. Người đã mất nhưng những kỷ niệm và hình ảnh của họ tôi vẫn cất giữ và tiếc thương. Nhớ tới họ tôi vẫn nhớ tới phường Thuận Thành, nhất là cửa Thượng Tứ, nơi tôi thường ra vô nhiều lần, cho tới một ngày tôi đi qua cửa Thượng Tứ rồi không bao giờ trở lại.
Xa quê Huế, một dãi đất miền Trung muôn ngàn thương nhớ. Ờ đó có phường Thuận Thành, cái phường nhỏ như xóm quê thuở xa xưa có Cha Mạ, có anh tôi và có cả năm cô con gái nghịch ngơm của quan Tự thừa. Thuận Thành, một phường nhỏ, một xóm quê bề ngoài tầm thường nhưng chứa đựng trong nó biết bao niềm vui, nỗi buồn đã lấn át tất cả các tình cảm khác của riêng tôi.
Ngày nay, với tôi, cửa Thượng Tứ, nơi đó Mạ tôi thường ẵm tôi ra đó dỗ cho tôi bú, nơi đó những giọt sữa vẫn mềm mại, vẫn rơi hoài rơi mãi trong trạng thái vui buồn lẫn lộn, của tôi.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét