CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

MƯA CHIỀU KỶ NIỆM - TRẦN HỮU NGƯ

 




MƯA CHIỀU KỶ-NIỆM

Những ngày mưa… Nhìn mưa, tôi nhớ những bài hát viết về mưa, đã từng để lại trong tôi nhiều kỷ-niệm một thời ở tỉnh lẻ của những năm Chiến-tranh. Nhạc viết về mưa thì có nhiều, tôi xin mượn tựa nhạc phẩm “Mưa chiều kỷ niệm” của Duy-Yên - Quốc-Kỳ để nhớ về những kỷ-niệm của những chiều mưa…
Và tôi đi tìm hình ảnh của hai nhạc sĩ này, nhưng không có. Duy-Yên – Quốc-Kỳ, nghe tên hai nhạc sĩ này thấy lạ. Có thể là bút hiệu của hai nhạc sĩ đã quen tên, hay đây là bài hát duy nhất của một nhạc sĩ, một người làm lời chăng?
Nhạc viết về mưa thật là phong phú. Có lẽ, mưa đã làm cho nhiều nhạc sĩ “chấp bút”, ôm đàn nhìn mưa: Mưa phùn, mưa rả rít, mưa dầm, mưa giọt, mưa thúi đất, mưa bão, mưa tuôn, mưa xối xả, mưa như thác đổ, mưa sáng, mưa chiều, mưa trưa, mưa nửa đêm, mưa rừng, mưa thành phố, mưa nông thôn… Và nhạc sĩ Đặng-Thế- Phong, chỉ có riêng ông mới nghe được giọt mưa thu và chỉ một giọt mưa thôi cũng đã đủ để ông viết một tác phẩm để đời:
“… Ngoài hiên giọt thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…”
(Giọt mưa thu)
Rồi nhạc sĩ Phạm-Duy, cũng chỉ riêng ông có cái nhìn “mưa nhân thế” qua chỉ một giọt mưa:
“… Giọt mưa trên lá tiếng nói thì thầm
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đinh vì người…”
(Giọt mưa trên lá).
Tôi nhớ những chiều mưa kỷ-niệm ở một tỉnh lẻ. Tỉnh này cuối Trung đầu Nam, là sợi dây nối liền Trung-Nam. Miền đất này không thiếu gió, cát, nắng… Và rừng vàng, biển bạc. Nhưng, nếu không có ngọn hải đăng Kê-Gà, núi Tà-Cú, núi Bảo Đại, Rừng Lá… thì ít ai biết Bình-Tuy? (Nay là huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận).
Xuôi, ngược trên QL1 đường ra Trung, những em nhỏ nhìn thấy những lò than từ căn cứ 5 đến 46 là tưởng nơi đây sao có nhiều núi lửa bốc khói! Những “núi lửa” này cho ra vàng đen gắn vào hỏa tiển “bắn” những chiếc xe bon bon trên đường. Ngồi xe than, đúng là nóng như núi lửa. Có anh chàng ngoại quốc sau 75 đến bến xe Hàm-Tân, nhìn thấy chiếc xe nào cũng gắn “hỏa tiễn” phía sau, anh chàng ngạc nhiên và nói rằng: “Ngày trước chiến tranh hỏa tiễn dùng để bắn, bây giờ là hòa bình hỏa tiễn dùng để làm xe chạy!”.
Mỗi năm, cứ đến mùa mưa là tôi nhớ thời dầm mưa trên ruộng lúa, bờ đê. Mưa ướt sủng, hai hàm răng đánh “bò cạp”, vì ngày đó không phải ai cũng có áo mưa. Mưa đối với nhà nông là vị cứu tinh làm cho ruộng đồng tươi tốt, cây trái trái nở hoa, còn mưa là nguồn cảm hứng vô biên để văn nghệ sĩ làm nên những câu thơ, tiếng nhạc dâng tặng cho đời. Một năm mà không có mưa thì ngay cả con bò cũng… buồn: “… Đàn bò vào thành phố không còn ai hỏi thăm/ Đàn bò tìm dòng sông/ Nhưng dòng nước cạn khô/ Đàn bò bỗng thấy buồn/…” (nhạc phẩm Du mục của TCS).
Mùa mưa, tôi nghe “Mưa chiều kỷ niệm” để nhớ một thời yêu thương, đầy ắp những kỷ niệm:
“… Nhớ chiều nào em đến thăm tôi
Hai bên đường phố đã lên đèn
Mưa xuân giăng mờ kín khung trời
Ngồi bên nhau lưu luyến
Mưa thắm ướt đôi bờ vai
Tiếng nhạc lòng xao xuyến tôi tim
Mưa giao hoa nước mắt ân tình
Tay trong tay trong tiếng đàn thầm
Nhìn nhau nhưng không nói
Sợ tình ta chóng phai…”
Bây giờ tôi đã xa quê, nhìn những buổi chiều mưa Saigon bất chợt, có khi đụt mưa dưới một tòa ao ốc, nhìn mưa mà tưởng về năm nào xa lơ xa lắc, rồi nhớ những mối tình không có đoạn kết :
“… Có một mình tôi đứng trong mưa
Nơi đây hình bóng cũ mịt mờ
Em ra đi không nói một lời
Từng chiều mưa dĩ vãng
Xao xuyến mãi trong lòng tôi…”
Nghe mưa chiều để thấy hình bóng dĩ-vãng, một thời đong đầy kỷ niệm:
“… Những chiều buồn hui hắt thương ai
Mưa âm thầm phố cũ đêm dài
Trong cô đơn hình bóng một người
Tìm ai trên phố cũ…”
Và bây giờ, nhìn mưa Saigon, nhìn những buổi chiều chầm chầm xuống…, những hình bóng cũ nhạt nhòa của một thời lãng mạn hiện về, khi tỏ khi mờ:
-Nhớ chiều nào em đến thắm tôi
Hai bên đường phố đã lên đèn…
Em ra đi không nói một lời
Từng chiều mưa dĩ vãng
Xao xuyến mãi trong lòng tôi…

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: