CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

CỒN HẾN ,GIỮA DÒNG HƯƠNG XANH - PHAN NI TẤN

 


CỒN HẾN, GIỮA DÒNG HƯƠNG XANH

                                                      Đã mê ớt đỏ cay nồng 
                                       Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
                                                                    (ca dao)
    Đang nghí ngoáy viết về chuyến đi Cù Lao Ré non tháng trước, chợt anh Nắm, cả năm không thấy mặt, lù lù… hiện về rủ tôi qua Cồn Hến ăn Tết chơi, tôi nghe mà sướng rên. 
    Anh Nắm là con nuôi của mạ tôi. Hồi trào Tây, lúc ba tuổi anh bị bỏ rơi ở Chợ Nọ trong xã Phú Dương, được ngoại thương tình nhận về nuôi. Tuy là con nuôi lớn hơn tôi một hai tuổi nhưng hồi nhỏ tụi tôi thường chơi chung nên tôi vẫn quen miệng gọi anh Nắm bằng tên; còn anh xưng mi tau với tôi, mặc kệ tôi là con gái giả trai.
    Lớn lên anh Nắm lập gia đình ở rể phụ giúp ông già vợ hành nghề sửa tàu bè dưới bến đò Ba Bến gần cửa Chánh Tây chèo qua làng Trúc Lâm. Gọi là Ba Bến vì ở đây sông Kẻ Vạn gặp sông Bạch Yến nên có đến ba bến sông. Cận Tết năm nào anh chị cũng về Thành nội thăm mạ tôi ở phố Thuận Xương, tay xách nách mang lủ khủ không chục xoài thì chục mận, không mận thì ổi, cam, măng cụt; có lần anh ôm về một bó ô môi miệt Hậu Giang tôi ăn tới tím miệng. Chộ miệng tôi tèm lem ô môi anh cười nhạo con gái con lứa sắp tới tuổi lấy "dôn" (chồng) ăn chi mà vô hậu, tôi nguýt mắt "xí!" dài một tiếng chống chế nói tui là con trai mà. Mà thật đã lớn chồng ngồng cái đầu tôi vẫn thích cắt tóc ngắn, ăn mặc kiểu con trai, thực thì như hổ, nói năng ôi thôi văng mạng, lại võ nghệ rùm trời mới ghê. Lần mô về thăm mạ, gặp tôi anh Nắm cũng xổ thơ chọc quê: "Con gái Huế đẹp như rượu Làng Chuồn. Dịu dàng như búp nõn nường trà sen" bị tôi giở võ hù dọa, rượt anh chạy có cờ.  
    Đầu thập niên 1950, đường Thành nội đi Phú Vang không mấy gì êm. Xe đò vô ý sụp lỗ thì thôi rồi, không bứt bù lon cũng đi đoong con tán. Cũng may chuyến xe đò chúng tôi chạy êm ru bà rù. Xế chiều xe vừa tới Phú Vang, thay vì chuyển xe cho kịp chuyến đò qua Cồn Hến thì anh Nắm sinh tật rủ rê: 
    - Ê Hòa! Ghé vô trường Phú Vang rủ thằng Út Mội nhậu chơi mi.
    Tôi tròn mắt ngạc nhiên, cự nự "Trường trung học người ta ai vô đó mà nhậu, ông nội". Sẵn miệng tôi cương "Với lại tui là con gái đó nghe" thì anh vỗ vai tôi bồm bộp, cười hề hề:
    - Mi lúc mô mà không là con gái. Mà tau đố thằng mô con mô biết mi con gái hè. Rồi anh chỉ tay qua bên kia đường, nói: "Xéo bên kia trường có quán nhậu của mệ Xíu em Chợ Cồn, réo thằng tùy phái (tức Út Mội) một tiếng là hắn gật đầu cái rụp liền. Thằng nớ chắc khun còn nhận ra mi mô. "Biệt ly" từ hồi… ở lỗ tắm mương còn chi.
    Sống chung nhà từ nhỏ tôi chẳng lạ gì tính nết thẳng như ruột ngựa của anh Nắm. Làm thì làm chết bỏ mà chơi thì chơi tới bến. Thấy tôi ngần ngừ anh lắc đầu, chắc lưỡi kéo tay tôi, nói nhỏ:
    - Rượu gạo của mệ Xíu em không thua gì rượu Làng Chuồn, một thời tiến vua nghe mi. Mình ghé vô mần vài ba xị cho đã cáy đi. Sáng mai tau… cõng mi lội qua cồn cũng đặng, hối chi!
    Tôi không phải là dân sành rượu nên ngồi phá mồi, đưa hơi cho có, còn thì hai trự cưa tới bến, tối mịt mới mò về nhà Út Mội ngủ.
    Hôm sau, trời trưa trờ trưa trật anh Nắm mới lồm cồm bò dậy hối Út Mội mượn đỡ chiếc xe Vespa 120 phân khối của ôn mệ hắn chở tụi tôi chạy tắt theo con đường đất xuống bến đò chợ Cồn. Bước lên sức nóng của đất và cát anh em tôi lần xuống bến vừa kịp lên đò chạy về hướng Tây trên sông Hương qua Cồn Hến. Lần đầu tiên được đi đò Cồn Hến, ngồi ở đầu mũi hít thở gió mát trong lành tôi mơ màng tưởng mình như đang lặn lội hết chiều sâu thăm thẳm của dòng sông Hương để hớn hở lên bờ ăn Tết với dân cư Cồn Hến. 
    Cồn Hến thuộc xã Hương Lưu, phường Vỹ Dạ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km. Hàng trăm năm trước Cồn Hến được hình thành bởi phù sa bồi đắp thành cồn nằm giữa dòng sông Hương. Thuở đó, hai khe nước giữa cồn được phù sa sông Hương bồi đắp cạn dần, nên có thời Cồn Hến được gọi là "xứ cồn cạn" (Ai sinh cồn cạn này ra. Áo quần rách nát, thịt da gầy mòn). 
    Theo các bậc hương thân phụ lão kể lại thì Cồn Hến là do xác hến ở khắp các ao hồ, sông lạch trên dãy Trường Sơn đổ ra sông Hương tụ lại lâu đời mà thành gò nổi, chia sông Hương thành hai nhánh được mệnh danh là "Tả Thanh Long" đối mặt với "Hữu Bạch Hổ". Dân chúng thấy cồn này có vô số hến mới gọi nôm na là Cồn Hến. Người dân trên cồn sống bằng nghề cào hến, nhiều đến nỗi bán không xuể, ăn cũng không hết, phải làm ruốc hoặc chế biến các món ăn có vị cay. 
    Luận về cái tính có vị cay xé họng trong tô bún bò Huế hay nồng nàn cay trong tô 
cơm hến Huế, có lần tôi nghe "các thánh ăn cay" của xứ Huế đàm tiếu một cách rất chi là Huế, rằng "đất Huế cổ, dân Huế xưa" vốn sinh ra dưới… gốc ớt.  
    Anh Nắm thường qua lại sửa chữa máy móc thuyền bè Cồn Hến gần như không công nên rất được lòng người dân ở đây. Khi đò cập bến thì trời đã xế trưa, anh em tôi được huynh đệ chùa Thầy đón về chùa nghỉ ngơi. Khi đi ngang qua đình thờ nghe văng vẳng âm ba của tiếng niệm Phật khiến lòng tôi bồi hồi, xao xuyến.
    Sáng hôm sau, anh Nắm và tôi đi dạo một vòng bờ sông tràn ngập vỏ hến. Ở Cồn Hến, những con đường, những sân nhà, quanh ao, hồ đều lót bằng vỏ hến. Rảo bước trên con đường Cồn Hến, nghe tiếng vỏ hến lạo xạo dưới chân tôi có cảm giác như lòng mình cũng rộn lên… tiếng vỡ của vỏ hến. Đúng là Cồn Hến đâu có gì ngoài hến, vỏ hến bao phủ khắp mặt cồn. 
    Cồn Hến thuở đó chỉ có vài xóm nghèo chìm trong yên lắng. Nhưng ngày bắt đầu bằng tiếng cào hến, xúc hến của bạn dân đủ xua tan bầu không khí tĩnh mịch, cùng lúc những làn khói trắng từ nồi hến luộc chở mùi thơm nức nở theo làn khói trắng lan đi. Mùi hến dẫn chúng tôi vô chợ Cồn xem bà con chòm xóm đang xôn xao, nao nức mua sắm Tết. Nhìn tận mặt Cồn Hến hay hòa mình giữa chợ Tết tôi nhận thấy người chợ Cồn, nam hay nữ, già trẻ lớn bé đều ăn mặc đơn sơ, giản dị trong bộ đồ bà ba, bản tính hiền hòa, hiếu khách biểu lộ phẩm chất trong sáng của con người Cồn Hến. Nhìn quanh tôi thấy chợ Cồn Hến mang màu sắc dân dã mà hào sảng.
    Buổi trưa anh em tôi ghé vô sạp bán cơm Hến, cháo Hến, bún Hến trứ danh của chị Tư Hến. Cơm Hến vốn xuất thân từ những bàn tay cần cù, chân chỉ của dân nghèo Cồn Hến nên cơm Hến chính là quê hương của Cồn Hến Huế. Tuy là món ăn dân dã nhưng cách pha trộn, chế biến thôi thì đủ kiểu, đủ cách, đủ các loại gia vị. Từ nguyên liệu quen thuộc như cơm nguội, nước hến tươi, tóp mỡ, da heo sấy, mắm ruốc, hành khô, môn, bạc hà, thân ruột non chuối sứ, khế, rau má, rau thơm, giá, bún tàu, đậu phộng nguyên hạt, bóng bì chiên giòn, sợi mì chiên giòn, ớt màu, tương ớt chưng tiêu, bột ngọt, muối, mè, gừng và nguyên liệu quan trọng nhất không thể thiếu chính là hến tươi.  
    Nhìn tô cơm Hến tròn tròn, trắng trắng hấp dẫn, thơm lừng gợi tôi liên tưởng tới gương mặt cô gái Huế với cái nhìn e ấp, với đôi môi chín mọng và đôi má ửng hồng. Ngồi chò hỏ như anh Nắm mà ăn "cái gương trăng đầy đặn" ni với lổn nhổn hến vừa chín tới trộn với các loại rau xanh chan thêm màu hồng đậm của tương ớt cay xé họng cũng đủ để nghe cơm Hến… hát lên trong miệng anh Nắm. Thì rõ ràng là rứa tề. Chộ anh Nắm vừa rung đùi vừa xúc từng muỗng cơm Hến tộng vô bản họng kèm theo tiếng rên hừ hừ vì cái thần thái ngon thần sầu của cơm Hến. Riêng tôi cũng không kém gì anh Nắm, nữ thực như hổ mà, nhưng kín đáo hơn, yên lặng thưởng thức từng búng cơm hến "lăng ba vi bộ" xuống cái bụng vừa đủ no của cô gái Huế giả trai ở tuổi tròn trăng. 
Đã mê ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành
Mời nhau buổi sáng chân thành món quê.
    Buổi chiều đứng ở trên cồn nhìn hoàng hôn đỏ ối lấp loáng trên mặt nước gợi cho tôi một cảm giác thật yên bình. Đứng trên Cồn Hến nghĩa là tôi đứng với Huế của tôi. Huế có Đại nội, lăng vua, có chùa Linh Mụ, cầu Tràng Tiền… Huế có cả những tinh hoa thơm ngát của ẩm thực… Tất cả quốc hồn quốc túy của sông Hương, núi Ngự muôn đời vẫn thơm thảo nở rộ trên một miền đất oằn mình, co lại, dữ dội, vừa cổ kính vừa thâm trầm giữa miền Trung.    
    Anh Nắm mất đã nhiều năm. Anh sinh ra ở đất chợ Nọ, lúc mất anh cũng được vợ con chôn trên đất chợ Nọ. Còn tôi tính đến nay tôi đã xa Cồn Hến, nói đúng ra tôi biền biệt xa Huế của tôi ngót nghét 60 năm ròng. Nhưng mà, trên dòng chảy cùa thời gian, cuộc đời của con sông thơm tho vẫn thấp thoáng bóng hình tôi trôi trên sóng nước xanh biếc, da diết và trữ tình.
Chuyến đi ăn Tết ở Cồn Hến với anh Nắm, dù đã nhiều năm đằng đẵng trôi qua, vẫn để lại trong tôi biết bao kỷ niệm khôn nguôi. Thành phố Huế và Cồn Hến cách nhau có bao xa đâu song là một cuộc hành trình bằng đò đưa đầy cảm xúc, thú vị, nó gắn bó da diết với hoài niệm như một cái đẹp long lanh với người Cồn Hến.
    Tôi kết thúc bài viết ở đây, về Cồn Hến, với những xóm nhỏ, chợ nghèo nhưng nổi tiếng bên những tô cơm hến, bún hến, cháo hến ngọt lịm, thơm lừng.


PHAN NI TẤN

Không có nhận xét nào: