CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

SÀI GÒN NGÕ NGÁCH CÀ PHÊ - TỪ KẾ TƯỜNG

 




SÀI GÒN NGÕ NGÁCH CÀ PHÊ

Người Sài Gòn có thể uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày. Uống cà phê buổi sáng sớm theo thói quen ở quán cóc lề đường, bàn chuyện tào lao thế sự với bạn bè hay ngồi một mình ngắm phố phường trong sương sớm để thư giãn, chiêm nghiệm thế thái nhân tình hay hoài niệm những khoảnh khắc vui buồn xảy ra trong đời mình. Uống cà phê buổi trưa kết hợp với bữa ăn trưa để bàn công việc, sơ thảo nội dung một bản hợp đồng làm ăn, thậm chí tìm một góc tịnh tâm, trốn nắng, trú mưa trước khi trở về công ty, cơ quan làm việc buổi chiều.
Nhưng “cà phê văn nghệ” có mục đích hẳn hoi và dứt khoát chỉ vào buổi tối khi thành phố lên đèn. Đó là cơ cơ hội hẹn hò của thanh niên nam nữ yêu nhau tìm một nơi chốn lãng mạn, êm đềm để tâm sự, chia sẻ trong một không gian “văn nghệ” mà âm nhạc là đường dẫn tới sự thăng hoa của đôi tâm hồn. Không chỉ có không gian, mà thời cũng luôn song hành cho những phút giây lãng mạn ấy, đó là cảm giác chỉ riêng hai người giữa một đám đông đồng điệu. Chính vì nhu cầu ấy mà những quán cà phê văn nghệ ra đời.
Trước năm 1975 có một số quán cà phê văn nghệ “đình đám” ở Sài Gòn thu hút thanh niêm nam nữ, văn nghệ sĩ tới ngồi bên ly cà phê, thưởng thức văn nghệ với sân khấu nhỏ rất đơn sơ, chỉ là một bục gỗ cao cho ca sĩ đứng hát và người đệm đàn thùng, một chân cắm micro có dây, dàn âm ly và loa khuyếch đại âm thanh. Những dụng cụ này đặt trong một ngôi quán bên đường khu trung tâm Q1, Q3…với vài chục cái bàn thấp, ghế ngồi chẳng cần trang trí, bày trí hoa hòe hoa sói gì nhiều, đã là một tụ điểm thu hút dân sành điệu tới một không gian cà phê văn nghệ rất lãng mạn, xôm tụ tạo một sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn về đêm bên cạnh những nơi giải trí ồn ào khác như vũ trường, quán bar, nhà hàng ăn nhậu mọc ra như nấm ở Sài Gòn thủa ấy.
Quán cà phê “Thằng Bờm”, nằm ở góc đường Nguyễn Thái Học- Phạm Ngũ Lão Q1 của nhóm sinh viên Luật khoa, được coi là quán cà phê văn nghệ dành cho giới sinh viên học sinh, có lẽ là tiền thân của sân khấu “hát với nhau” sau năm 1975. Bởi ngoài các ca sĩ được tăng cường và hai buổi tối cuối tuần thứ bảy-chủ nhật thì ngày thường người tới uống cà phê cao hứng có thể lên hát, chỉ cần viết một mảnh giấy đăng ký bài hát và họ tên đưa cho chủ quán rồi ngồi chờ tới lượt mình được giới thiệu lên “sân khấu”, không hát thì đọc thơ, tự đêm đàn hay nhờ “nhạc sĩ” của quán đệm đàn. Quán “Thằng Bờm” rất nổi tiếng, tồn tại một thời gian khá dài.
Quán cà phê “Hầm Gió” nằm trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ) cũng thuộc Q1. Quán này của nhóm nhạc trẻ Nam Lộc-Trường Kỳ, bề thế, đẹp hơn quán “Thằng Bờm” rất nhiều. Gọi là “Hầm Gió” vì quán là một cái hầm, không gian khá rộng, chứa được gần 100 người. Do ở đây văn nghệ mang tính chuyên nghiệp hơn, thường xuyên có các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tới trình diễn, sân khấu cũng “hoành tráng” nên “Hầm Gió” dịp cuối tuần rất đông khách. Những cặp đôi ca sĩ-nhạc sĩ của Sài Gòn thời đó bắt đầu nổi lên cũng từ quán cà phê “Hầm Gió”, lúc đó ca sĩ Thanh Lan còn rất trẻ, vừa đi học trường Tây vừa đi hát, cùng với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thành một cặp đôi rất được giới trẻ hâm mộ, thường xuyên xuất hiện ở “Hầm Gió”. Thanh Lan lên sân khấu với bộ áo dài lụa màu trắng hay màu vàng nhạt, vẫn còn nhí nhảnh và hồn nhiên bên cạnh Trầm Tử Thiêng rất “bụi”.
Quán “Cây Tre” của ca sĩ Khánh Ly nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, bên trong con hẻm nhỏ, kế bên sân vận động Hoa Lư cũng thuộc Q1, một thời cũng rất nổi tiếng. Ngoài ca sĩ Khánh Ly, Ngọc Minh (em gái của Khánh Ly), còn xuất hiện nhiều cặp đôi đình đám bấy giờ như Lê Uyên-Phương, Từ Dung-Từ Công Phụng.
Nhưng đặc biệt, một quán cà phê ghi đậm dấu ấn một thời cà phê văn nghệ Sài Gòn có lẽ là “Hội quán Văn”, gọi tắt là cà phê Văn, của nhóm sinh viên đại học Văn Khoa, nằm phía sau trường, trên khoảng đất trống khá rộng ở góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ)-Lê Thánh Tôn Q1. Bây giờ là Thư viện Quốc Gia. Quán Văn ngày ấy rất sơ sài, chỉ là một giang nhà trống, mái tôn, vách cót ép, bàn thấp, ghế thấp. Nhưng mỗi đêm có hàng trăm thanh niên sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ tới uống cà phê, thưởng thức văn nghệ “ngoài trời”. Chính ở quán cà phê Văn, ca sĩ Khánh Ly từ Đà Lạt xuống kết hợp với Trịnh Công Sơn thành một “cặp đôi hoàn hảo”, đình đảm, tạo thành những đêm nhạc tình ca, nhạc phản chiến khuấy động Sài Gòn. Từ đó Khánh Ly nổi danh với danh hiệu “ca sĩ chân đất” bởi khi hát với Trịnh Công sơn trên bục gỗ sân khấu ngoài trời quán Văn, có lúc cao hứng Khánh Ly đã lột cả dép đi chân trần trên cỏ. Và ca khúc tạo dấu ấn lúc bấy giờ của Khánh Ly là “Ru ta ngậm ngùi”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”…
Sau năm 1975, một thời gian khá dài, người Sài Gòn cũng trở lại với thói quen uống cà phê cóc mà mở đầu rất sớm là khu vực cà phê cóc hồ Con Rùa Q1. Khu vực này một thời sau năm 1975 có thể nói là khu vực cà phê cóc văn nghệ Sài Gòn vì một số văn nghệ sĩ ra đây mở quán cà phê vỉa hè, sáng mở, chiều tối dọn, chỉ một xe đẩy nhỏ dựng ly tách, bình thủy, vài cái bàn, chục cái ghế, cây đàn thùng…là thành một quán cà phê. Khách tới uống thoải mái, có khi ngồi đồng từ sáng trới trưa, từ trưa tới chiều, bày bàn nhậu tới khuya, đàn hát, ngâm thơ đập bồn, đập bát mệt xỉu mới tan hàng.
Sau đó, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh nở rộ phong trào mở quán cà phê văn nghệ có sân khấu ca nhạc hằng đêm và tăng cường ca sĩ, tấu hài mỗi tối cuối tuần. Quán cà phê Champa nằm trên đường Nguyễn Thông Q3 là một điển hình, quán rất nổi tiếng và một loạt ca sĩ trẻ, nhóm tấu hài thành danh từ đây. Sau đó tới một loạt các phòng trà như Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, Thế Kỷ và phòng trà trên lầu cà phê Broda, rồi Phiêu Linh của nhạc sĩ Hà Dũng ở góc đường Lê Thánh Tôn-Nguyễn Huệ Q1 hoạt động hàng đêm rất nhộn nhịp.
Nhưng dấu ấn quán “cà phê văn nghệ Sài Gòn” mang hơi hướng của những “Văn, Thằng Bờm, Hầm Gió” sau năm 1975 có lẽ cà phê Văn Nghệ nằm trên đường Lam Sơn quận Bình Thạnh. Ở đây cũng có những ca sĩ, nhóm nhạc nổi lên như: Vinh Hiển, nhóm tam ca Áo Trắng, Ba thế hệ… Và có lẽ còn cái chất cà phê văn nghệ Sài Gòn nhất, dù đã được “nâng cấp” bằng tên gọi phòng trà là cà phê Ân Nam nằm trên đường Trương Định Q1 của ca sĩ Lan Ngọc. Nó cũng là một cái hầm, giống như “Hầm Gió” của Nam Lộc-Trường Kỳ ngày xưa. Chương trình ca nhạc ở đây khá chọn lọc, thu hút giới trung niên muốn tìm lại dư âm của một thời “cà phê văn nghệ Sài Gòn” đã mất.


TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: