VÀI CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ
“ CÓ PHẢI…?” CỦA THY LỆ TRANG
CÓ PHẢI...?
Chiều nghiêng nhè nhẹ, nắng Thu phai
Nào hay gió lặng âm thầm đợi
Đâu biết hồn mềm ngơ ngẩn say
Trước ngõ, hoa vàng vừa hé nụ
Trên cành. bướm trắng đã choàng vai
Chao ôi ...có phải yêu không nhỉ
Sao mãi nhớ hoài ánh mắt ai ?
THY LỆ TRANG
Có người nói thơ Đường là loại thơ bác học nên phải dùng nhiều Hán tự, nhiều điển tích thì đọc nghe mới thâm thúy, còn dùng toàn chữ quốc ngữ thì đọc nghe âm thanh không khúc chiết, ý nghĩa không cao siêu.
Tôi không dám nói rằng quan niệm đó sai nhưng tôi nghĩ rằng những bài thơ như bài “ Có phải…?” của Thy lệ Trang chẳng có điển tích nào, chẳng có hán tự nào mà đọc sao nghe trong lòng lâng lâng nhẹ nhỏm, thú vị làm sao.
Bước vào hai câu mở của bài thơ ta có ngay cảm tưởng như đi vào một chiều mùa thu nào đó, và vạt áo bay làm rạng rỡ tươi vui cả bầu trời:
Thơ thẩn em về vạt áo bay
Chiều nghiêng nhè nhẹ, nắng thu phai
Âm điệu của hai câu thơ nầy chẳng khác chi âm điệu của một bài thơ mới, nhẹ nhàng, thanh thoát, chứa hình ảnh và màu sắc hài hòa tươi đẹp.
Bài thơ được tiếp nối với hai câu trạng không đối nhau chan chát bằng những từ hoa mỹ mà ngược lại, nó giống như hai câu thơ phóng tay viết xuống nhưng thật ra từ và ý vừa đối xứng nhau lại vừa hòa điệu với nhau trong âm hưởng :
Nào hay gió lặng âm thầm đợi
Đâu biết hồn mềm ngơ ngẩn say
Tác giả dùng chữ “ gió lặng” và chữ “ hồn mềm” đối nhau thật là tinh tế, làm cho tâm hồn người đọc chùng xuống trong thứ tình kín nhiệm, êm ái, lắng hết cặn bả của bao nhiêu náo nức, bồng bột để còn lại trong cõi lòng một sắc thu hòa hợp với chiều thu ngoài cảnh vật.
Hai câu luận tiếp theo không luận mà thành như luận, vì nó mở rộng bức tranh thu để người đọc thấy mùa thu sâu hơn, đậm hơn, ý nghĩa hơn vơi hoa và với bướm:
Trước ngõ, hoa vàng vừa hé nụ
Trên cành, bướm trắng đã choàng vai
“ bướm trắng đã choàng vai” đã nhân cách hóa con bướm lên thành người, khiến cho khung cảnh trở nên sống động và linh hoạt trong một bức tranh rất nhiều màu. Đây là một bức tranh có thể nói là của mùa xuân nhưng tác giả lại khôn khéo đưa vào đây, làm cho mùa thu không ảm đậm với lá vàng bay, với con nai vàng ngơ ngác, mà tươi vui hòa với “ vạt áo bay”, với “ chiều nghiêng nhẹ”, với “ nắng thu phai”.
Hai câu kết bài thơ là một tiếng than, nhưng “ chao ôi “ đó không phải là tiếng than thở mà là tiếng lòng của cả niềm vui, của cả tình yêu vừa mới đến:
Chao ôi…có phải yêu không nhỉ
Sao mãi nhớ hoài ánh mắt ai?
Bài thơ “ Có Phải…? đúng là một bài Đường thi, nhưng cũng đúng là một bài thơ mới, phóng bút tự do không gò bó bởi câu đối phải đối nhau, không vướng vít gò tìm từ ngữ, không nặng nề với ý tưởng cao siêu, nó như một tà áo bay trong gió chiều thu và nó đúng nghĩa là Đường thi thời cải cách.
CHÂU THẠCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét