''TRÊN ĐẦU SÚNG''…
LÀ CÁI GÌ?
Trong những bài viết về âm nhạc, chỉ riêng ở niềm Nam, tôi nói rằng nhạc miền Nam không có “nhắm quân thù mà bắn”. Tôi lại quên rằng, có một bài nhạc súng nó nổi tiếng ở miền Nam, nhưng xét cho cùng thì không có hận thù, chỉ mong cho Việt Nam hòa bình thoát xiềng xích, nô lệ, xâm lăng…
Đó là nhạc phẩm “Trên đầu súng” của Anh Việt Thu, một nhạc sĩ không xa lạ với người nghe trong thời chiến tranh ở miền Nam. Chỉ riêng các nhạc phẩm Giòng An Giang, Tám điệp khúc, Cuốn theo chiều gió, Đa tạ… cũng đã đưa ông vào ngồi cùng chiếu, cùng mâm với các nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Và nhạc phẩm Giòng An Giang trong điệu Valse đẹp quá, ca từ lộng lẫy không khác gì Giòng sông xanh, Phạm Duy dịch ra lời Việt từ Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss.
Ông tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, vì là tên “Sang” nên nhạc ông rất Sang, nhưng lại bình dân nên không kén người nghe, người hát, và người thuộc “trên từng cấy số”! Tiếc rằng Anh Việt Thu qua đời quá trẻ (1939 – 1975).
Tôi rất thận trọng, khi nói qua đôi chút về “Trên đầu súng”. Đây chỉ là một gợi nhớ, một kỷ niệm, một điểm danh, một “thực thể”… mà những người yêu nhạc như tôi không thể không nhắc đến, vì âm nhạc theo tôi là một sự giải bày, một tự sự, một cái nhìn về đất nước, con người mà trong đó có tình yêu bao giờ cũng là chủ đề chính. Cho nên đây là một tư liệu của người viết về âm nhạc, không có ý đồ gì khác.
Đất nước nào cũng chuẩn bị súng đạn để giữ gìn quê hương, tiền trăm, tiền triệu, tiền tỷ đô-la dành cho tàu bay, xe tăng, súng đạn tối tân, và kể cả máu xương để gìn giữ đất nước.
Vậy thì, “Trên đầu súng” của Anh Việt Thu chỉ là “chuyện nhỏ”, và “Trên đầu súng” ấy là cái gì?
-“Trên đầu súng quê hương
Tổ quốc đã vươn mình
Trên lưỡi lê căm hờn
Hờn căm như triều sóng…
Trên đầu súng xâm lăng
Xiếng xích với bạo tàn
Trên lưỡi lê nô lệ
Cùng gông phải gục ngã…”
“Trên đầu súng” để làm gì?
-“Cho quê hương ta rạng ngời
Cho yêu thương cao vời vợi
Cho quê hương ta như đóa tuổi xuân…”
Và “Trên đầu súng” chỉ để mong được rằng:
- “Để mai đây nghe nắng dậy hòa bình
Ông cha ta còn nấm đất phủ mình
Ôi quê hương ta nước Việt Nam
Từ đó dâng lên nhà máy với công trường
Những xí nghiệp ngôi trường nhà thương và hầm mỏ…”
Nghe lại nhạc phẩm “Trên đầu súng” tôi thấy hình như đó là sự “hâm dọa”, chỉ có “Những loạt đạn đồng vàng vun lúa trổ tràn đồng sâu!” là nghe có… tiếng súng!
Câu kết của nhạc phẩm “Trên đầu súng” làm tôi xúc động, thương nhớ một thời, bây giờ và mai sau:
“Ôi bao la thăm thẳm bát ngát cánh đồng vàng
Cùng với lũy tre xanh
Và tiếng ê a đầu làng
Là kinh nguyện cầu
Cho người gục xuống…”
Thành kính đốt một nén nhang cho nhạc sĩ Anh Việt Thu, và cám ơn ông đã để lại những nhạc phẩm khó quên cho đời.
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét