NHỚ QUÁ HÒ CẤY LÚA
1. Cấy lúa
Ngày nay, theo các nhà nghiên cứu về nông nghiệp thì sạ lúa có lợi hơn cấy lúa. Thứ nhứt là thu hoạch lúa nhiều hơn; thứ hai là ít cần đến nhân công: Một vài mẫu lúa chỉ cần một người cật lực sạ một buổi là xong; đó là chưa nói ngày nay có máy sạ thì năng suất lao động tăng cao gấp bội! Trong lúc cấy lúa phải trải qua nhiều công đoạn mà giai đoạn nào cũng cần nhiều người và lắm gian nan. Từ nhổ mạ, bó lại từng bó, rồi dùng cộ* kéo đi hoặc đòn xóc** mà gánh (lên bờ hoặc đem về nhà). Đợi ba bốn ngày sau cho mạ ra rễ non; trong lúc nầy người nông dân phải làm lại ruộng cho thật bằng phẳng, sạch sẽ, sẵn sàng cho công đoạn cấy.
Ngày nay đồng lúa bị nhường chỗ cho cây ăn trái, hay công nghệ nuôi trồng thủy sản nên hiếm thấy được những cánh đồng bạt ngàn cò bay thẳng cánh như xưa; từ đó cũng khó thấy được cảnh cấy lúa với hàng trăm công cấy lô nhô trên ruộng. Thiết tưởng cũng nên sơ nói qua cho người sau được biết.
Cấy lúa có thể nói là công đoạn gay go nhứt trong qui trình trồng lúa. Người chủ ruộng phải chuẩn bị trước nhiều ngày, có khi cả tháng để “kêu” công cấy – tức những người “thợ” cấy lúa. Tùy theo ruộng nhiều hay ít mà “kêu” số công cấy thích hợp, thường thì cũng không dưới hai mươi; lắm khi “kẹt công”, người chủ ruộng phải “kêu” công cấy thêm ở những làng lân cận, hay thợ cấy từ xa đến.
Sau khi ăn sáng – thường là xôi và muối mè hay tép rang mặn; không thấy chủ ruộng “đãi” cơm bao giờ, vì ngoài “ăn xôi cho chắc bụng”, chủ ruộng cũng không có thời gian lo thức ăn cho năm sáu chục người. Xôi thường được đựng bằng thúng, bên trong được lót mấy lớp lá chuối; chén đũa cá nhân cũng không, người ăn cứ lấy nhiều đôi đũa công cộng rồi mạnh ai nấy vít vào tay, chấm vào mấy tô muối mè hoặc vừa cầm xôi, vừa cầm tép để trong nhiều tô, dĩa lớn ở chung quanh. Công cấy đủ mọi lứa tuổi trong đó có những thanh niên nam nữ trong lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nên sức ăn như hổ. Tại những thửa ruộng gần đường đi, chủ ruộng luôn mời những người đi đường ngang qua “ăn cho vui” và cho lũ học trò chúng tôi mỗi đứa cũng được một nắm lớn, vì thế lượng xôi phải thật nhiều vì chủ ruộng không muốn mang tiếng là keo kiệt! Thành ngữ “nấu như cho công cấy” là nhằm phê bình các chị nào nấu cơm quá nhiều so với lượng người ăn.
Khi no bụng, các công cấy “xuống công”. Nếu đủ người, họ dàn hàng ngang hết thửa ruộng rồi “bắt luống”. Mỗi “luống” do một người phụ trách, có thể từ 4 đến 6 bụi bề ngang, họ cứ khom lưng xuống thụt lùi mà cấy từ đầu ruộng bên nầy đến đầu bờ ruộng bên kia. Tới bờ ruộng bên kia là dứt luống cấy của họ. Trường hợp bề ngang thửa ruộng quá lớn mà công cấy không đủ dàn ngang một lần, thì họ phải “bắt luống” lại từ đầu bên kia trở lại đầu khởi điểm lần trước. Nếu cũng chưa xong, thì tiếp tục quay lại “bắt luống” cho đến khi nào cấy giáp thửa ruộng thì thôi.
Với công cấy người địa phương, thì những người cấy giỏi họ tự chọn đứng gần nhau để không ai bị “nhốt” - Nhốt là bị hai người cấy giỏi “dẫn luống” hai bên qua mặt, bỏ lại người cấy yếu rớt lại phía sau, bị kẹp ở giữa hai “luống” hai bên. Nếu người cấy giỏi “bắt luống” gần người cấy yếu thì họ nương nhau, tức là người giỏi cấy chậm lại để chờ, hoặc “gánh” giùm một bụi cho người cấy chậm hơn - nếu mỗi người cấy 5 bụi thì người cấy giỏi sẽ cấy 6 bụi, còn người kia cấy bốn bụi. Cùng làng mà!
Còn với công cấy phương xa đến, thì những công cấy xuất sắc trong làng âm thầm cấu kết xen kẽ với công cấy xa, cho công cấy ở xa xen giữa; với mục đích để người ở xa bị “nhốt” chơi! Người nông thôn không có tính ác, nhưng họ muốn cho “đối phương” phục dân làng mình có những tay cấy thượng thừa!
Nếu công cấy phương xa ấy cấy kém – đã bị “nhốt”, thì lúc nghỉ để ăn xôi trên bờ ruộng, họ đến nói với hai người đã “nhốt” mình: “Hai anh/chị cấy hay quá, tui “chạy” theo muốn chết mà cũng không kịp”, chỉ cần câu nói đó là người địa phương khoái chí, họ liền nói: “Anh/chị đừng lo, để lát nữa tụi tui phụ chị một hàng”. Thế là vui vẻ cả… hai làng! Dân quê là như vậy đó!
Cấy lúa ngoài việc khom lưng suốt buổi dưới ánh mặt trời, mỏi lưng còn có thể đứng thẳng lên một lát nhưng mỏi chân thì chỉ chịu trận bởi bên dưới là nước; ngoài ra họ còn thường xuyên bị đỉa bám cho nên phải nói cấy là công đoạn rất gian nan. Để tạo niềm vui cho quên đi những nhọc nhằn của công việc, người xưa đã bày ra những câu hò. Câu hò gắn liền với động tác lao động: Hò giã gạo, hò chèo ghe, ở đây là hò cấy lúa.
2. Hò cấy lúa
Thực ra nếu gọi là “những câu hò trong lúc cấy lúa” thì có lẽ đúng hơn. Bởi vì những câu hò nầy không nhất thiết phải có nội dung “cấy lúa”, mà nhằm đề tài nào cũng được, miễn đừng đi lệch quá xa động tác lao động khác như chèo thuyền chẳng hạn. Nó có thể mượn từ những câu hát xưa, ca dao, những câu thơ, với đủ thể loại như lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát…, hoặc do tự người trong “giàn hò”- những người hò giỏi trong một nhóm công cấy - tự đặt ra, cho nên hò cấy lúa rất đa dạng. Nếu hò một mình thì gọi là “hò lẻ”, nếu hai người hò đối đáp nhau thì gọi là “hò đối đáp”, mà người mở đầu gọi là xướng hay “buông”; người hò đối lại gọi là đáp hay “bắt”.
Một câu hò “có ca có kệ” như vầy: “Hò hơ..ơ…ờ … Thò tay mà ngắt cọng ngò.. hò ơ…ờ ơ..ờ…/ Anh thương em đứt ruột, Hò hơ…hờ.. Anh thương em đứt ruột (mà) giả đò làm lơ. Hò ơ… ờ… (Sau nầy xin bỏ những chữ “hò ơ ơ…” và câu lập lại).
Hò đối đáp nghe thú vị hơn, nhất là với đề tài tình cảm trai gái; vì nó đòi hỏi trí thông minh và “tay nghề” của cả hai bên xướng đáp; nó tạo ra nhiều trận cười và được những cái tặc lưỡi khâm phục. Hò đối đáp thường là tỏ tình hay chọc ghẹo lẫn nhau, đại khái như: “Anh thấy em cái gò má hồng hồng / Phải chi em đừng mắc cỡ thì anh bồng anh hun”, hoặc như các câu: “Ngó lên mây trắng trời xanh, ưng ai cũng vậy, em ưng anh cho rồi!” “Con ếch ngồi dựa gốc bưng, nó kêu cái “quệt”,” bảo em ưng anh cho rồi!”.
Tùy theo “đối tượng” mà người nữ hò đáp lại: “Chuyên vợ chồng anh chớ khá bồn chồn, anh thương em nên dè dặt kẻo thiên hạ đồn không hay”, hoặc là: “Gió đưa ba lá sa kê, ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi!”.
Sau đây là những câu hò đối đáp khác: “Bạc với vàng con đen con đỏ, đôi lứa mình còn nhỏ thương nhiều, vừa nghe tiếng em là anh muốn như chàng Kim Trọng thương nàng Thúy Kiều thuở xưa”. Đáp: “Ớ! Người không quen ơi! Nghe anh nói em cũng muốn thương nhiều nhưng hoa đà có chủ nên khó chiều dạ anh”. Nam: “Cửu hạn phùng cam võ, tha phương ngộ cố tri, tình cờ mà gặp mấy khi, hỏi thăm người thục nữ giai kỳ định chưa?”; nữ đáp: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đồng tâm bán cú đa. Miễn sao anh ăn nói thật thà, dẫu cho Hồ Việt cũng một nhà khó chi”. Lắm khi bên nữ cũng gieo tình trước: “Em đến đây kiếm anh như con cò trắng bay cao, nầy bậu ơi! Thân em đâu khác thể vì sao trên trời”; đáp: “Thân anh như tấm da trời, mình ơi! bốn mùa sương lạnh anh không rời vì sao”.
Hò đối đáp nhiều khi chỉ là những câu đố bông lơn. Nữ: “Em thấy anh ăn học cũng thông, lợi đây em hỏi cái khăn bàn lông mấy đường?”, Chỉ có… trời mới biết! nhưng chàng đã lanh trí: “Em ơi! cái khăn bàn lông anh đội cũng thường, bây giờ nó cũ nó có mấy đường anh cũng quên!”và: “Chữ gì chôn dưới đất. Chữ gì cất trên trang. Chữ gì mang không nổi. Chữ gì gió thổi không bay. Trai như anh mà đối đặng, thì em ngửa bàn tay cho anh ngồi”. Đáp: “Chữ Thọ Đường chôn dưới đất. Chữ hiếu cất lên trang. Chữ tình mang không nổi. Chữ tạc đá bia vàng thì gió thổi không bay! Ôi, người thục nữ ôi! Anh đà đối đặng nhưng em có ngửa tay anh cũng không dám ngồi”. Hi !
Có anh “bạo” đến sỗ sàng: “Ơi, ai đó ơi! Em cấy lúa lưng cong cong như con tôm sú, mà anh liếc nhìn thấy cặp vú anh muốn hun”. Hết chỗ nói! Còn chị cũng không kém: “Anh muốn hun vậy cũng không gi khó, anh hãy về nhà ôm vú… chó mà hun!” Chết chưa! Nhưng anh trả đũa cái rẹt: “Nắm tay em anh hỏi có ngằn, vậy chớ từ nhỏ tới lớn em có “đãi đằng” ai chưa?”. Chị quật lại: “Thân em như thể trái dừa, đãi người trên trước, cặn thừa cho anh ăn”. Độc đáo thiệt! “Đau” thiệt! Những câu hò đối đáp ngoắc ngoéo như vậy không những không làm họ giận nhau mà còn nể phục nhau hơn và công cấy trên ruộng cũng vui hơn. Không ít “cặp hò” vì mến tài nhau mà sau nầy thành chồng vợ.
Nếu có những công cấy ở làng bên qua phụ công, thì họ cũng không quên tuyển lựa những tay hò “chiến đấu” đem sang để cho làng địa phương nể mặt. Những lúc đó thì hai phe hò đối đáp nhau càng quyết liệt. Tuy vậy, không phải câu nào bên đối phương “buông” ra là bên nây đều “bắt” được. Gặp trường hợp như thế thì một trong hai bên chỉ… cười trừ! Bên “thua” không lấy đó làm xấu hổ, và bên “thắng” cũng không lấy đó mà ngạo mạn. Văn chương mênh mông mà!
Những thửa ruộng dọc theo đường làng, các câu hò của công cấy thường thu hút bà con đi đường, và đám học trò chúng tôi: Một đàng là nghỉ chân nghe hò; một đàng thì đến để… xin xôi! Trong đám bà con thính giả nầy có những tay hò lão luyện. Khi họ thấy bên nào “bắt” không được, máu văn nghệ, nổi lên, họ… ngứa miệng “bắt” giùm ngon ơ, ngọt xớt! Sau những lời thán phục, rồi đâu đó nghe câu nói: “Gặp ổng/bả rồi!”
Mấy chị gái quê dù chất phác, đảm đang nhưng cũng có lúc đáo để lắm: Một anh đang gánh mạ trên đường, chợt nghe dưới ruộng tiếng hò của một chị vọng lên: “Ngó lên đường cái băng băng, thấy thằng cha gánh mạ mặt nhăn như cái l…” Tức thì anh gánh mạ bèn để gánh mạ xuống, cao giọng: “Tay cầm bó mạ xanh xanh, đầu em ngút ngoắt như con c… anh đi đường!” Cả ruộng ôm bụng cười quên cả cấy lúa!
Những câu hò làm người ta vui, bao nhọc nhằn cũng từ đó mà tiêu tan. Một câu hò với hai câu lục bát cũng phải mất hơn ba mươi giây khiến người “thợ hò” không thể theo kịp “luống” nên luôn được bạn cấy hai bên cấy gồng giùm mỗi người một cây như là một luật bất thành văn vậy.
Những ngày nghỉ học, nhằm vào mùa cấy, đám học trò chúng tôi thường men theo đường cái để xin xôi, và nghe anh chị dưới ruộng hò. Tuổi trẻ “sáng dạ”, mau thuộc, nhưng qua bao thăng trầm của thời gian, dần dà quên mất đi nhiều. Nhưng những hình ảnh cấy lúa thì chẳng thể phai mờ. Từ năm sáu mươi, trên ruộng tiếng hò đã không còn nữa!
KHA TIỆM LY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét