CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

THÁNG TƯ,TÔI ĐI - TRẦN HỮU NGƯ

 



THÁNG TƯ, TÔI ĐI…
*Một bài viết từ tháng Tư năm 2017, nay tháng Tư năm 2024 là… 7 năm. Bảy năm là một thời gian rất ngắn kể từ tháng Tư năm 1975!
Đăng lại để thấy, tại sao tôi là người nhà quê bỗng dưng thành người Saigon?
Lại… tháng Tư. Một bài viết từ tháng Tư dạo ấy. Nay một tháng Tư nữa. Tôi đọc lại “THÁNG TƯ, TÔI ĐI…”, đọc mà hai hàng nước mắt tôi rưng rưng, xúc động như ngày tôi mới viết… dù đã mấy năm trôi qua, kể từ ngày tôi ngồi vào bàn, suy nghĩ: Phải viết một cái gì cho tháng Tư?
Bài “THÁNG TƯ, TÔI ĐI”, tôi viết ở Saigon vào tháng Tư năm 2017, như vậy, “THÁNG TƯ, TÔI ĐI” bài viết rất ngắn này, tôi viết từ tháng Tư 75 đến tháng Tư 2017, một thời gian là… 42 năm. Chuyện thật như đùa: 42 năm trôi qua, tôi mới đủ bình tĩnh, hoàn hồn, máu đã trở về tim (vì đã mất máu)… mới viết được bài viết này! Tôi đặt bài này là “Nhật ký chiến tranh” bỏ túi, cứ mỗi năm đến tháng Tư tôi thò tay vào túi mở ra đọc lại… đọc lại… đọc lại…, và đọc lại, tôi khóc thật sự các bạn ạ, dù nước mắt không còn nhiều như xưa!
Ngày xưa viết là chỉ sự giãi bày, oan khuất, tiếc nuối, thương hận… Ngày nay đọc lại, đăng lại, để xem lòng mình có còn xúc động như xưa không? Vâng. Vẫn là những xúc động khôn nguôi!)
Kính mời các bạn nghe tôi ghi lại câu chuyện đau xé lòng này, dù ngắn chữ, câu từ không gãy gọn trau chuốt như các nhà văn, nhưng đây là tính chân thật, không hư cấu dù chỉ một vài chi tiết nhỏ, và chuyện nào nhớ trước viết trước:
… Tính đến tháng Tư năm 2017, là 42 năm, và ngày 20.4.75, tôi mất phương hướng trước sự lựa chọn Đi và Ở Lại.
Bình Tuy quê tôi, một tỉnh quá nhỏ, chợ búa, hàng hóa… tập trung ở một thị trấn Lagi cũng nhỏ và nơi đây “Hình như ai cũng quen nhau” (Một truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn).
Và cuối cùng, tôi lựa chọn: Đi!
Vứt lại tất cả, chỉ đem theo những gì cần thiết, đưa vợ con xuống cửa biển chợ cá Lagi thuê thuyền ra khơi nhắm hướng Vũng Tàu mà đi… (Tôi thủ sẵn một khẩu Colt 45-mượn của thằng em để phòng cướp biển. Ghe cập Long Hải, nghe trên loa phóng thanh: “Ai có vũ khí phải nộp”. Tôi sợ xanh mặt, đi tìm chỗ có mấy ông mang túi dzếch, nón cối:
-Dạ thưa… con…con… đến từ Bình Tuy, xin nộp súng.
-Sao có hai viên?
-Dạ thưa… chỉ có hai viên thôi! Dạ thưa, còn cái này nữa, con vừa lượm được cái nón sắt ở bãi biển để lót đít ngồi, có nộp không? Ông cán bộ nhìn tôi, hình như ông này là xếp - mang chiếc Đài (Radio) trước bụng – quát:
-Không!
Lúc này, tôi… tôi… sợ quá, muốn té đái trong quần, vội rút lui về ngồi trên cái nón sắt mà ngẫm nghĩ sự đời.
(…)
Tôi bỏ lại căn nhà đã từng tràn ngập tiếng cười, hai đứa con còn quá nhỏ, chúng không biết vì sao phải đi. Tôi đến trước bàn thờ, thắp nhang mong hương hồn tám phương bốn hướng phù hộ cho gia đình tôi trong cuộc hành trình mịt mờ vô vọng này.
Con chó, hình như biết trước cuộc biệt ly này, nó cạ lưng vào chân tôi, đưa mắt nhìn như cầu khẩn cho nó theo với! Nhà cửa, đồ đạc… lúc bấy giờ như vô nghĩa đối với tôi, nhưng đối với con chó, tôi nhìn nó mà rơi nước mắt. Tôi vuốt ve đầu nó, và nói với nó rằng:
-Mày hãy yên lòng ở lại, biết đâu người chủ mới thương yêu mày hơn tao!
Vợ tôi còn cẩn thận, lấy cơm trong nồi, đem để ở góc sân dành cho nó một bữa ăn lần cuối. Còn con mèo nằm yên trong xó bếp với đôi mắt xanh màu cẩm thạch nhìn hai đứa con tôi, vì hằng ngày chúng chơi với nó, tôi nói với hai đứa con tôi:
-Ôm nó lần cuối đi con…
Tôi đưa chiếc xe Honda Dame ra khỏi cổng, con chó chạy theo ra, tôi la nó, nó ngước nhìn tôi như khẩn cầu thêm một lần nữa, lúc này, lòng tôi đau như cắt, nhưng tôi xô nó vào, rồi khép cổng lại. Tất cả gia tài chất gọn lên xe, tôi nổ máy, thay vì đi thẳng, tôi quay lại con đường mà hằng ngày chúng tôi đi làm. Ghé qua Sở Học Chánh (nơi tôi lảm việc), Trường Tiểu học Tỉnh Lỵ (nơi bà xã tôi dạy học) để nhìn lần cuối, “Chắc học trò em giờ này nó cũng theo gia đình mà chạy”, tôi nói theo, bạn bè anh cũng chạy…
Ghe chạy mãi đến chiều thì cặp vào bãi ngang Long Hải. Tá túc trên bãi biển mấy ngày, rồi tiếp tục lên đường đến niềm đất hứa: Vũng Tàu. Một ngày, hai ngày, rồi… một tháng, vô gia cư, vô nghề nghiệp… Ngóng trông tình hình Bình Tuy, mới biết “mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, tránh trời không khỏi nắng, chúng tôi quyết định trở về quê cũng trên chuyến hải trình ngược dòng mà lòng nặng trĩu.
Về lại căn nhà xưa… nhìn cái nhà tội nghiệp…cửa mở tung… “… Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác…” (Bến xuân-Văn Cao), không còn thứ gì để mất, thiếu điều người ta dỡ mái tôn, cạy cửa đem bán. Con chó không còn, con mèo đã mất, hai con tôi chạy xuống bếp cất tiếng kêu meo meo meo!
Những ngày tháng tiếp theo, may mắn thay vợ tôi được đi dạy lại, còn tôi… hãy đợi đấy.
Tôi, lại một lần nữa từ giã gia đình đi biền biệt năm năm (…). Lúc trở về đoàn tụ gia gia đình, các con tôi không nhận ra tôi, một gã ốm yếu, gầy gò, da den, bụng to, vì uống nước phèn Đồng Tháp.
Thương thay, một cô giáo sáng bán khoai, chiều đi dậy, vậy mà nàng vẫn không bỏ nghề, bằng lòng với sắn khoai, nuôi hai đứa con khôn lớn. Thời này, lý lịch là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người. các con tôi không vào đại học được cũng vì cái lý lịch của người cha.
Tôi có viết một bài thơ về Mẹ tôi:
(Trích):
“… Gia tài mẹ còn lại mấy đứa con
Mớ lý lịch viết thiếu sau hụt trước.
Đêm từng đêm mẹ thắp nhang nguyện ước
Đời các con sớm được bình yên
Dẫu hôm nay còn bão tố triền miên
Còn sóng gió xô lũ đời tàn phế…”
Và tôi lại bỏ nhà ra đi lần thứ ba. Vào Saigon làm đủ nghề, nhưng nghề “chính quy” là buôn lậu. Tôi đến Mộc Bài mua thuốc lá, chở về Saigon bằng xe đạp, đi xe đò là bị bắt. Xuống Long Hải mua mực khô, từ Long Hải chở bằng xe đạp mấy chục ký mực khô lên bến xe Bà Rịa, về Saigon, có khi bị quản lý thị trường bắt… mất trắng. (Được thua là chuyện hàng ngày của tôi).
Rồi, bỗng dưng tôi là người Saigon, như có phép màu, riêng cái việc “Có nhà mới nhập được hộ khẩu, và có hộ khẩu mới được mua nhà”, một câu nói của một “triết gia” nào đó, đáng ghi vào “bia… hơi” (không phải bia đá) Việt Nam cuối thế kỷ 20, đã làm cho những ai muốn sống ở Saigon phải điêu đứng với cái luận chứng quái chiêu, quái đãn, quái vật, quái quỷ… này.
Có người hỏi tôi, trong cuộc đời, sắp tàn cuộc chơi, ông nhớ cái gì nhất? Tôi trả lời không do dự: THÁNG TƯ.
Mỗi khi có dịp về Bình Tuy, tôi dành một chút thời gian ghé qua xóm cũ, nhà cũ…, tất cả đã đổi thay. Tôi đứng đây như trời trồng, trong giây phút mặc niệm này tôi bỗng nhớ hình ảnh con chó, con mèo, giờ này không biết chúng lang bạt nơi đâu, chắc chúng hận oán tôi, như tôi đã oán hận cuộc đời.


TRẦN HỮU NGƯ
(Saigon, Một ngày cuối tháng Tư năm 2017)

Không có nhận xét nào: