CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

SOI CÁ KÈO - TỪ KẾ TƯỜNG

 



SOI CÁ KÈO

Quê tôi ở vùng biển, nhiều kênh rạch chảy qua những cánh đồng mênh mông bát ngát, bao quanh là màu xanh bạt ngàn của dừa, ruộng vườn ở quê tôi, một nông dân trung bình sở hữu một mẫu ruộng và một mẫu vườn là chuyện bình thường. Và cứ theo thời tiết, mùa màng sáu tháng nắng, sáu tháng mưa, vị nước mặn từ biển lấn vào đồng đất sẽ ngọt dần khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Cũng chính khi lớp đất cứng mốc trắng hằn dấu chân trâu mùa nắng bổ nhát cuốc nháng lửa ngậm đầy nước mưa, tơi ra, mềm nhão dưới chân, cỏ lác bắt đầu nhú lên, những thanh niên trai tráng lực điền quê tôi bắt đầu “vần công, đổi công” cuốc những tảng đất màu mỡ ấy lên đánh thành “vồng khoai”, phơi cho chết cỏ, rả phèn đợi vụ mạ lên xanh sẽ bắt đầu “bang” ra cấy luống.
Và cũng chính trong thời điểm những “vồng khoai” hình thành trên những thửa ruộng mênh mông, thẳng tăm tắp, mưa rào đằm chân ruộng, ngập sâu giữa những bờ mương đã lên “vồng khoai”, lũ cá kèo không biết từ đâu chui lên, lớn tự khi nào, có lẽ là sau những cơn mưa dai dẳng, thiết tha đồng ruộng mà người ta có thể còn nghe hơi rét lẫn trong gió chiều cũng là mùa soi cá kèo giục giã người lớn, trẻ con quê tôi đang tới. Cá kèo lúc này đã ở hang, sinh sôi, phát triển nòi giống, tăng số lượng trên đồng ruộng nhanh như thổi.
Một hang cá kèo có nhiều ngách và một hang trầm ăn sâu xuống lớp đất sét bên dưới. Người bắt cá kèo “thiện nghệ” chỉ dùng một chân thụt vào hang chính để chận đường cá kèo rút xuống hang trầm, hai bàn tay chận các ngách và chỉ trong năm phút lôi được chú cá kèo mập núc, mình màu nâu nhạt, có sọc đen, to cỡ ngón tay cái, dài khoảng gang tay bỏ vào giỏ. Nhưng bắt cá kèo cách này thuộc dạng “đau lưng, tốn sức”, trẻ con quê tôi có cách bắt cá kèo “thần sầu” hơn, gọi là “soi cá kèo”.
Đã gọi “soi cá kèo” tức là phải đi ban đêm. Một tốp soi cá kèo chừng năm, ba đứa cùng xóm rũ nhau tới nhà một bạn nào đó gần đồng, gần rẫy để ngủ và chờ giờ đi soi. Những đêm không có trăng, giờ ra đồng soi cá kèo khoảng 9 giờ đêm, đi tới 2-3 giờ sáng thì về. Nếu những đêm có trăng, phải chờ trăng lặn mới đi, vì bất cứ thứ gì sống dưới mặt nước, lúc có trăng thấy bóng người đi soi là trốn sạch. Cá kèo cũng rất tinh khôn nên phải nhìn trăng mà tính toán giờ đi soi hoặc nếu đi soi giác tối, mà trăng lên vào lúc nửa đêm cũng phải xách giỏ ra về.
Ngày xưa, soi cá kèo phải chuẩn bị đèn khí đá (vì chưa cò đèn pin đội đầu như bây giờ), giỏ đựng đeo bên hông, thắt lưng dắt một con dao cán dài để gặp cá lóc, gặp lươn thì chặc. Riêng con lươn, buổi tối bò lên khỏi hang kiếm ăn thường nằm phơi bụng trên mặt ruộng nước lấp xấp, gặp lươn người đi soi rút dao, trở bề sóng lên “khè” đèn khí đá cho sáng, canh từ cổ con lươn xuống giữa sống lưng nó chọn “điểm rơi” khoảng 1/3, tức ngay phía dưới cổ đưa tay cầm dao lấy sức chặc một nhát thật mạnh, tay kia túm cổ lươn bỏ vào giỏ thật gọn. Nếu chặc lươn bằng lưỡi dao, lươn sẽ đứt cổ, nếu chặc bằng sóng dao mà ngay giữa con lươn khi thò tay kia xuống bắt thì nó sẽ quay lại cắn vào bàn tay mình ngay. Lươn cắn không đau, nhưng răng ngoạm sâu vào da thịt, gỡ được miệng lươn ra bàn tay sẽ chảy máu rất nhiều. Chỉ canh chặc ngay cổ lươn thì chị chàng chịu phép, nằm thẳng lưng cho ta bắt gọn.
Nhưng mục đích người đi soi cá kèo thì… cá kèo vẫn là đối tượng chính chính. Buổi tối, cá kèo cũng lên khỏi hang nhưng chúng không lờ đờ, chậm chạp như lụ lươn mà rất tinh ranh, nhanh nhẹn. Người đi soi đi khom lưng nhìn dưới mũi bước chân mình, tay trái cầm đèn đẻ soi sáng tìm cá, tay phải cầm nơm, cái nơm cá kèo khác với nơm cá lóc, được làm bằng một ống tra mạnh tông già cỡ cổ chân, dài khoảng 6 tấc. Một phần ba bên dưới là miệng hom, chẻ nan, vuốt nhỏ để có đủ độ dẻo uốn cong thành miệng chén gọi là “chụp”. Hai phần ba còn lại là tay cầm. Tre mạnh tông rổng ruột nên phần trên miệng hom cũng coi như khoảng trống để đựng tạm “chiến lơi phẩm” thu được trước khi trút vào giỏ.
Khi thấy một chú cá kèo phía trườc mũi bàn chân , tay phải cầm nơm, canh sao cho ngay phía trước đầu con cá kèo rồi “chụp” nhanh xuống, chụp cách này sẽ “bá phát’, vì chú cá kèo thấy động nước là phóng tới, nằm gọn trong miệng nơm, người đi soi chỉ nhẹ lắc miệng nơm chú cá kèo sẽ phóng ngay lên phía trên, qua cái hom và nằm gọn trong đó. Cứ khoảng mười phút trút cá vào giỏ một lần. người soi giỏi một buổi tối có thể soi được năm, bảy chục cá kèo, có khi cả trăm con là chuyện trong tầm tay.
Bây giờ đồng ruộng hầu như tiệt giống cá kèo, nếu còn chúng cũng chạy “nò” theo con nước từ ruộng cuống kênh, rạch…thú soi cá kèo không còn nữa. Và cá kèo giờ đây đã lên ngôi đặc sản, từ một loài cá ngày xưa chỉ có nhà nghèo mới ăn, nhà giàu có chỉ dùng phơi khô làm phân bón dưa, bón bí… nên đã được nuôi ao công nghiệp mới đáp ứng nổi nhu cầu của người ăn cá kèo mà chủ yếu là phố lẩu cá kèo mọc ra khắp nơi. Ở thành phố có khu lẩu cá kèo Bà huyện Thanh Quan và sự Thiện Chiếu lúc nào cũng đông vui, tấp nập. Nhưng cá kèo nuôi ao công nghiệp không thể so sánh với cá kèo trong thiên nhiên, giá lại mắc không thua thịt bò, thịt gà. Nhưng biết làm sao được. Và từ đấy thú soi cá kèo mùa mưa ở một góc làng quê của lũ trẻ con chúng tôi ngày xưa cũng chỉ còn lại trong kỷ niệm.


TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: