SÀI GÒN NGỒI NHỚ
Sài Gòn bây giờ náo nhiệt hơn, thay đổi rất nhiều, phố sá sang trọng, kiểu cách nổi bật lên ở khu trung tâm Q1, đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Mỗi ngày tôi vẫn thường qua đây, nhưng làm sao không nhớ một góc phố cũ khu Lê Thánh Tôn-Tự Do (Đồng Khởi) với quán cà phê Cái Chùa (La Pagode). Xích xuống phía dưới, trước Nhà hát Thành Phố, đối diện với khách sạn Continental là cà phê Givral… và rạp ciné Eden, bên kia đường Nguyễn Huệ là ciné Rex. Những ngày cuối năm như thế này khu vực đó thật rộn ràng, thanh niên nam nữ đưa nhau đi bát phố, vào thương xá mua quà tặng, ngồi cà phê nhìn chiều xuống chậm, đợi đèn đường bật lên sáng bừng những hàng me xanh ven đường và chắc chắn sẽ dẫn người yêu vào xem phim. Những bộ phim chọn lọc, nhớ đời. Bây giờ thú rong chơi cuối năm ấy đâu còn nữa, những quán cà phê, rạp chiếu phim ấy đã mất dấu… chỉ còn hiện ra trong hồi tưởng cuối năm thôi.
Và xa hơn một chút, góc Pasteur-Lê Lợi là rạp ciné Casino Sài Gòn, một rạp hạng B thời đó nhưng dắt người yêu vào xem xuất tối cuối năm, ngồi ở cánh gà A hoặc B trên lầu cũng khá tình tứ, lãng mạn. Bây giờ rạp Casino Sài Gòn mất tăm, chỗ đó người ta đang xây dựng công trình gì đó rất hoành tráng. Tôi nhớ nhất (và mọi người cùng thời với tôi chắc cũng vậy) con hẻm Casino sát bên rạp Casino dẫn vào khu ăn uống với đủ các món Nam-Bắc-Trung. Những thanh niên nam nữ đi từng nhóm, các cặp tình nhân thường vào đây. Bún chả, bánh tôm, phở… thứ gì cũng có, giá cả phù hợp với túi tiền học sinh, sinh viên. Tôi có quá nhiều kỷ niệm với con hẻm này. Một thời đã qua, tái hiện như giấc mơ. Thoáng chốc đã là quá khứ, đã là ngày xưa… Ai còn, ai mất, ai vẫn ở Sài Gòn, ai xa cách mấy phương trời còn ngồi nhớ ?
Người ở Sài gòn trước đây hầu như ai cũng biết 3 thương xá lớn nằm ngay trung tâm Q1, cũng có nghĩa là trung tâm Sài Gòn: Thương xá Eden, góc đường Tự Do-Lê Lợi, trong Eden ngoài những quầy hàng cửa kính, bán những mặt hàng tiêu dùng sang trọng còn có rạp chiếu phim Eden, ngày đó là một trong những rạp chiếu phim sang trọng của Sài Gòn ngoài Rex, Đại Nam. Ngoài mặt tiền Eden, ngay góc đường Tự Do-Lê Lợi là quán cà phê sang trọng, nổi tiếng theo phong cách Pháp, nơi giới nhà báo nắm bắt tin tức, đó là quán cà phê Givral. Thương xá Eden, rạp chiếu phim Eden và quán cà phê Givral đã biến mất.
Ở góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi, ngay vòng xoay có hồ nước là thương xá Tax. Khu thương xá này rộng lớn, bán nhiều mặt hàng tiêu dùng: kim khí điện máy, vải vóc, vàng… Ở khu tứ giác đường Lê Lợi-Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa)-Nguyễn Trung Trực -Lê Thánh Tôn là thương xá Cystal Palace, ngoài tầng trệt còn mấy tầng lầu bên trên. Ở tầng 1 tôi còn nhớ có quầy nhạc Phạm Mạnh Cương, quầy sách Tuổi Ngọc của Duyên Anh, phía dưới mặt tiền đường Lê Lơi-Nguyễn Trung Trực có quầy nhạc Minh Phát, bên kia là quán cà phê Kim Sơn, nhà hàng Thanh Thế rất nổi tiếng vì giới văn nghệ sĩ thường la cà.
Và đặc biệt ngay góc Lê Lợi-Nguyễn Trung Trực có quầy sách báo rất hoành tráng của cô Nga, giới văn nghệ thường gọi là cô Nga ốm, vì cô nhỏ con, rất ốm và… móm. Nhưng cô chủ quầy sách báo rất dễ thương, sẵn sàng cho mấy anh nhà thơ, nhà văn nghèo tới đọc cọp sách báo, thậm chí cho mượn tiền uống cà phê mà ít đòi. Người thường xuyên có mặt ở đây là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Đối diện với quầy sách báo của cô Nga ốm là quầy nhạc Mạnh Phát, quầy nhạc này gần như trung tâm phát hành những bản nhạc in mới ra lò, khổ lớn gồm 2 tờ với tranh bìa của họa sĩ Kha Thùy Châu.
Bây giờ những góc phố này đã thay đổi hoàn toàn, người xưa ở Sài Gòn còn khó nhận ra huống chi là khách vãn lai và người mới nhập cư làm dân Sài Gòn, đặc biệt là thế hệ trẻ sau năm 1975?
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét