CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

NGÀY XƯA KHI TÔI ĐI HỌC - TỪ KẾ TƯỜNG

 





NGÀY XƯA KHI TÔI ĐI HỌC

Nhân năm học mới khai giảng. Tôi xin kể lại cậu chuyện ngày xưa khi tôi đi học, vào lớp năm, tức lớp 1 bây giờ ở trường làng.Ở lứa tuổi của tôi ngày đó học theo chương trình Pháp, đầu cấp I gọi là Sơ Học gồm 3 lớp, lớp đếm ngược, nên Sơ Học có Lớp 5, Lớp 4 và Lớp 3. Thi Sơ Học đậu mới lên Lớp Nhì, Lớp Nhất, Thi Tiểu Học đậu lên Lớp chuyển cấp gọi là Lớp Tiếp Liên. Sau đó Thi vào cấp II học đệ Thất tức Lớp 6 bây giờ.
Làng tôi ngày xưa là vùng quê nghèo, ruộng rẫy miệt vườn, mùa nắng nước mặn đất phèn không ai cấy lúa. Mưa xuống nước ngọt mới là mùa vụ. Tôi đi học cũng giống như cậu bé lần đầu tiên theo chân mẹ tới trường với tâm trạng náo nức khi đi lại con đường quen thuộc mình từng đi, nhưng nay sao thấy khác lạ. Đó là vào một sáng mùa thu, cũng là mùa tựu trường vào một sớm mai khi đứa trẻ con lên 6 tuổi theo chân mẹ đến trường.
Hồi tưởng lại thuở ấy, tôi có cảm nhận riêng mình giống y như truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh:” Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. tôi không thể nào quên được những cảm giác trong buổi sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Đây cũng là đoạn mở đầu trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi cũng được học trong sách Giáo khoa hồi ấy.
Trường tôi học là trường sơ cấp Phú Vang thuộc xã Phú Vang huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, một ngôi trường có 4 gian mái lá, vách đóng nẹp gỗ thành ô chéo, nền đất chỉ cao quá đầu đứa trẻ con. Bàn đóng theo kiểu bàn học trò, 4 bạn ngồi vừa đủ trên một băng dài chia làm hai dãy, một bên nam, một bên nữ. Tấm bảng đen và bục gỗ bên góc trái, bàn của thầy ngay giữa. Ba gian chia thành 3 lớp: Lớp năm, lớp tư, lớp 3. Gian thứ 4 nhỏ hơn làm văn phòng tôi chỉ thấy có thầy hiệu trưởng ngồi.
Trước cửa văn phòng của thầy hiệu trưởng treo một cái trống lớn, mỗi sáng, khi vào học thầy hiệu trưởng cầm cây dùi trống đánh một hồi trống dài, rồi nhịp 3 tiếng, sau đó học sinh theo thứ tự vào lớp. Sân chơi là bãi cỏ rộng thênh thang sát với con lộ đất cát. Đầu sân có cây dầu cổ thụ, những cánh hoa dầu màu nâu cánh gián đeo theo trái dầu nhỏ cỡ ngón tay út cứ theo gió bay tản mác như đàn bướm. Cuối sân có cây phượng vĩ tán lá mát rượi, thân sù sì, mùa hè đỏ rực hoa và suốt ngày bầy ve ca hát không ngừng trên tán lá xanh. Hết mùa hoa là mùa trái phượng chín, những trái phượng khô đen, cong cong. Cơm trái phượng ăn được, có vị ngọt nhưng hơi tê tê ở đầu lưỡi.
Giữa sân trường là cột cờ, những viên ngói cũ cắm thành một vòng tròn bao quanh cột cờ, đất đắp cao lên, trồng hoa mười giờ. Một lối đi từ ngoài đường vào, ngang qua khoảng sân tới cửa lớp 3 có lát gạch Tàu. Mỗi sáng đầu tuần chào cờ, học sinh xếp hàng theo lớp hướng về cột cờ. Chào cờ xong mỗi lớp học sinh theo hàng một, vừa vào lớp vừa đọc to lên bài học thuộc lòng nào đó. Thường là bài thơ lục bát. Vào lớp rồi học sinh vẫn đứng đọc, hết bài học thuộc lòng thầy nhịp cây thước bản xuống mặt bàn mới được ngồi xuống.
Tôi đi học lớp năm (Lớp 1 bây giờ) lúc 6 tuổi, áo sơ mi ngắn tay mới keng, quần cụt đen và đi… chân trần (Hồi đó học trò không mang dép, còn vì sao không mang dép thì tôi không biết-Có lẽ vì nghèo chăng?). Tập viết mới mua, viết mực ngòi lá tre, bình mực tím… đầu cắt ngắn hồi xưa gọi là húi cua. Tôi được má tôi nắm tay dẫn đi trên con đường làng chưa tan sương sớm, gió mùa thu lành lạnh, trên không có những đám mây bàng bạc. Tay tôi ôm chiếc cặp đệm, trong đựng tập vở, viết, thước, gôm, tấm bảng nhỏ kẽ ô vuông, còn bình mực tím thì để trong cái lon sữa bò xách bên ngoài. Má tôi đưa tôi trới trường, vào lớp chỉ một lần duy nhất, hôm sau tôi tự tới trường một mình, bạn cùng lớp đứa nào cũng vậy.
Tôi còn nhớ thầy dạy lớp tôi là thầy Phi, dáng thầy cao ráo, mảnh khảnh, gương mặt xương xương, da trắng, đôi mắt rất sáng. Tôi bắt đầu bài học vỡ lòng, đó là tập viết trên trang vở kẽ hàng đôi, viết bằng viết chì, tập đọc nhận mặt chữ và ráp vần xuôi rồi vần ngược với những mẫu tự 24 chữ cái: A,B,C D,Đ…Không có cờ lờ mờ, không có C là Q là K, không có rối rắm, lòng vòng, khó hiểu, đọc, học tới đâu nhớ tới đó, hết giai đoạn viết chì tới viết mực, hết tập hàng đôi tới tập hàng chiếc. Mỗi năm lên lớp, lớp tư, lớp ba rồi thi sơ học, thi đậu phải đi bộ 2km xuống làng Lộc Thuận học lớp nhì, lớp nhất, thi tiểu học rồi lên lớp Tiếp Liên…
Hồi đó học Lớp Ba tôi nhớ đã có học tiếng Pháp, và cấp sơ học thì “thủ” bộ sách “Quốc văn Giáo khoa thư” Lớp Đồng Ấu. Bài tập đọc, bài Tập làm văn, Học thuộc lòng rất ngắn gọn, trong sáng, dễ nhớ và đều mang tính nhân văn rất cao, Giáo dục lòng hiếu thảo, kính trọng người lớn tuổi, kính trọng thầy cô, yêu thương giúp đỡ bạn bè, chứ không có chuyện dạy cho trẻ con sự ma mảnh như “ông trọng tài” trong chuyện chia quả Bứa, hoặc tiêm nhiễm cho trẻ con sự mưu mẹo, gian trá như chuyện “Bé xách giúp mẹ”… như trong sách GK Tiếng Việt Lớp 1 “Công nghệ Giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại bây giờ.
Lứa tuổi của tôi ngày ấy chắc đều còn nhớ chuyện “Mạnh Tông khóc măng”, “Mẫn Tử Khiêng đẩy cha vào rừng”, Mẹ thầy Mạnh Tử dạy con”… và bài học thuộc lòng “Cây bàng cuối thu” mãi sau này tôi mới biết là của nhà thơ Nguyễn Bính:
"Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây
Quạnh hiu như tấm thân này
Âm thầm sống với những ngày gió mưa"
Còn chuyện “Mạnh Tông khóc măng” kể rằng Mạnh Tông rất hiếu thảo với cha mẹ, biết cha mẹ thèm ăn măng mà giữa mùa hè nóng bức làm sao có măng. Mạnh Tông đã đứng bên cạnh bụi tre khóc đến đất ướt mềm, nứt ra mục măng để làm món ngon dâng lên cho cha mẹ. Hay chuyện đôi vợ chồng nọ thấy cha già yếu, vô dụng, không còn giúp ích gì cho gia đình nên vợ bàn với chồng lấy xe đẩy cha vào rừng bỏ, con trai của họ thấy vậy hỏi sao cha bỏ ông nội vào rừng, nghe cha giải thích ông nội già yếu rồi không làm gì được cho gia đình đã trở thành gánh năng nên phải bỏ ông nội vào rừng cho rảnh nợ.
Người con liền nói nếu như vậy mai này cha già giống như ông nội con cũng sẽ lấy xe chở cha vào rừng như cha đã bỏ ông nội bây giờ vậy. Người cha nghe con trai nói thế liền hối hận mang cha trở về nhà nuôi dưỡng tử tế, hết lòng hiếu thảo… Còn chuyện mẹ thầy Mạnh Tử dạy con thì chắc ai cũng biết, tôi xin không dẫn ra đây cho khỏi mất thời gian.
Như vậy để thấy rằng, chương trình học ngày xưa chủ yếu giáo dục về đạo đức ngay từ lúc đầu cấp Sơ Học gọi là “Vỡ Lòng”. Học trò được dạy rất kỹ từ nét chữ đầu tiên, tập đánh vần, ráp vần, học cửu chương và đặc biệt được quan tâm đến đạo đức, ứng xử với chung quanh và học làm người. Và câu thuộc nằm lòng của thế hệ học sinh ngày ấy tôi tin rằng lớp học sinh tuổi tôi không bao giờ quên:”Tiên học lễ.Hậu học văn”.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

MÀU MẮT BIẾC. - THƠ NGUYỄN AN BÌNH , NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG LIÊU









MÀU MẮT BIẾC
THƠ NGUYỄN AN BÌNH
NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG LIÊU
HOÀ ÂM HUY ĐẠT
TRÌNH BÀY TRẦN NGỌC HOÀ



VÌ TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - THƠ KHÊ KINH KHA

 

VN11

em tự ngàn xưa
từ muôn thuở
em là ánh sáng
là sông sâu, là núi cao
là rừng rậm
em là thác nguồn là ruộng lúa
là ao cá, là vườn rau
là bờ đê, là hàng dậu
là mặt trời
là ánh trăng, là sao sáng
là ánh sáng là gío cao là mây thấp
là mưa sa, là đường vắng
em là ngọc quí là quế thơm

em là nỗi sống là niềm tin
là hạnh phúc
là niềm vui là nỗi nhớ
là sầu đau, là ước vọng
em là trái tim là tình yêu
là quá khứ, là tương lai
là hy vọng là ước mơ
là sự thật là đau thương
em là tất cả
hỡi em ơi

xin cám ơn em
người tình muôn thuở
em đã cho tôi màu da vàng lúa chín
một dòng máu Rồng Tiên
một Trưng Vương một Triệu Ẩu
một Quang Trung Nguyễn Huệ
một Đinh Bộ Lĩnh
một Trần Hưng Đạo
một Lý Thường Kiệt
và em đã gieo vào hồn tôi
một Hồ Xuân Hương
một Nguyễn Du
một bà Huyện Thanh Quan

em tự ngàn xưa em đến đây
một dãy giang sơn, một giống nòi
em đã ra đi từ thành Văn Lang
hơn bốn ngàn năm trước
đem máu xương xây thành non nước
đem trái tim xây dựng tình người
từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu
uốn mình theo hình chữ S
có Thái Bình Dương sóng vỗ
ngàn đời như tiếng sáo lững lơ
đã nuôi sống dân tôi bao đời trên bãi cát trắng
có dãy Trường Sơn sừng sững đứng
can trường như chí khí ông, cha
tôi lớn lên
trong khí sắc của cha
với hoài bão của anh em tôi
bao phù sa ước vọng
bao ruộng lúa mơ mộng
và bao suối ngàn chảy cuồn cuộn trong tôi
tôi lớn lên
trong lời ru của mẹ
dịu dàng như tiếng ca dao
mẹ ru con vào đời
ru gío qua sông
ru mưa về nguồn
ru lòng can trường
ru niềm hy vọng
à ơi, à ơi

xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
em đã cho tôi làm người Việt nam
cho tôi nỗi sống can trường
tôi lớn lên vội vã như cỏ cây
như trăng soi như gío thoảng
trên quê hương tan nát
trên quê hương nghèo rách
trên quê hương lệ nhiều hơn cơm gạo
nhiều hơn mộng mị
nhiều hơn ước ao
trái tim chúng tôi đầy thương tích
tuổi trẻ chúng tôi như lá đổ
chúng tôi thèm hoà bình hơn thèm hơi thở
thèm tự do hơn thèm sự sống
em Việt Nam ơi

xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
hôm nay đây
tôi làm thân phận mây trôi
với mộng ước quê hương thanh bình
và trong hồn tôi đầy ắp những ruộng vườn
những bờ ao, những lũy tre gìa
cùng bao kỷ niệm lớn lên
đầy ắp những giọt lệ tha hương
em ơi !
là nhờ…
tôi là người Việt Nam

xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
cho tôi được làm người Việt Nam
tên tôi là tên Việt Nam
máu tôi là máu Việt Nam
tiếng tôi nói là tiếng Việt Nam
đôi mắt xếch của tôi là mắt Việt Nam
sóng mũi thấp của tôi là sóng mũi Việt Nam
nụ cười của tôi là nụ cười Việt Nam
nước mắt của tôi là nước mắt Việt Nam
trái tim tôi là trái tim Việt Nam
tình tôi là tình Việt Nam

Việt Nam ! Việt Nam !

con tôi cũng là Việt Nam
nói tiếng Việt Nam
làm thơ Việt Nam
soạn nhạc Việt Nam
làm tình Việt Nam

hôm nay tôi sống đây
tôi biết yêu
biết thương mến mọi người
biết di tích ông bà
biết ngâm câu Kiều
biết hát ca dao
biết ăn nước mắm
biết húp bát phở
biết giỗ cúng ông bà cha mẹ
biết đi tìm tự do, dân chủ cho quê hương tôi
cho đồng bào tôi
cho những linh hồn chết vì chiến tranh
những linh hồn trên biển cả
những linh hồn trong trại tù

là vì cũng nhờ
tôi là người Việt Nam

vì tôi là người Việt Nam
có da vàng mầu lúa chín
có trong mình giòng máu Rồng Tiên
làm sao tôi sống nổi khi không còn tình em
hỡi em Việt Nam
hỡi em Việt Nam


KHÊ KINH KHA
(1967-2006)
(Michigan-Massachusetts-Virginia)


Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

TRĂNG VỀ GIA HỘI - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




TRĂNG VỀ GIA HỘI


Em có theo ta về Gia Hội
Chờ trăng lên sóng sánh đôi bờ
Để tóc bay bồng bềnh mây nổi
Ai chờ ai lòng trót hẹn hò.

Sương thấm lạnh hồn người lữ khách
Con thuyền nào xuôi ngược dòng Hương
Khúc Nam Ai mang niềm xa vắng
Nỗi u hoài gợn chút tơ vương.

Từng mái ngói rêu phong thầm lặng
Thuở nhà ai kín cổng cao tường
Lòng phố cổ sao dài hun hút
Đèn Chi Lăng bóng đổ mà thương.

Đêm vẫn trôi lung linh huyền ảo
Sóng dập duềnh cung điệu ngẩn ngơ
Trăng Gia Hội neo tình khách trọ
Chút tình thầm gởi Huế mộng mơ


*Tháng 6-2024, những ngày ở Huế
NGUYỄN AN BÌNH

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

THẤT TÌNH - THƠ THY LỆ TRANG

 


Ảnh tác giả THY LỆ TRANG


THẤT TÌNH 
Thể LUÂN XA ĐƯỜNG LIÊN VẬN


Tà áo phất phơ màu lụa bạch
Hiên trời bàng bạc ánh trăng côi
Nàng thơ- vạn kiếp... nàng thơ đó
Kẻ sĩ- muôn đời... kẻ sĩ thôi
Rượu đã vơi, lòng chưa đủ ấm
Tình còn đầy, mộng vội tàn hơi
Mắt ai chất ngất ngàn con sóng
Xô dạt thuyền ta giữa biển khơi

Hiên trời bàng bạc ánh trăng côi
Một thoáng phù du... lỡ mộng đời
Bên lở- bên bồi- sông nước chảy      
Giữa thương- giữa nhớ- lệ tình rơi
Câu thơ ngày cũ lời say đắm
Nét mực đêm nao chữ rã rời
Thế đó- bỗng dưng mà cách trở
Hương nồng dẫu tiếc cũng đành thôi

Nàng thơ vạn kiếp nàng thơ đó
Nỗi nhớ muôn đời nỗi nhớ đây
Năm tháng phôi pha ngàn mộng thắm
Cuộc tình tan tác một mình cay
Ta về mưa bụi sầu hoen mắt
Gió thổi đêm tàn lạnh ướt vai
Thèm tiếng cười trao chiều tiễn biệt      
Bờ môi khao khát nụ hôn đầy.

Kẻ sĩ muôn đời kẻ sĩ thôi
Nam kha giấc mộng vỡ tan rồi
Trần gian xơ xác trăng vàng úa
Thế sự điên cuồng phận tả tơi
Viết khúc Đường thi lòng vẫn thẹn
Nhìn tranh Vân cẩu dạ chưa nguôi
Đường mây lận đận, hồn thơ lạnh
Thương cánh sao rơi lạc cuối trời

Rượu đã vơi lòng chưa đủ ấm
Tình vừa nồng mắt cũng vừa cay
Mời trăng mỏng mảnh treo cành liễu
Gọi gió dịu dàng chở phiến mây
Nguyệt khúc em đàn bên mái trúc
Quỳnh tương ta tặng giữa đôi tay
Bóng ai chìm khuất vào hư mộng
Để khách đa tình ngớ ngẩn say

Tình còn đầy mộng đã tàn hơi
Đóm lửa thương yêu lịm chết rồi
Cứ ngỡ ngàn năm duyên bất diệt
Nào ngợ̀ một thoáng nợ chia phôi
            Con tim son sắt ta giành lấy                  
Sợi tóc phụ phàng bậu đánh rơi
Uống đến tàn canh chưa thấm rượu
Tưởng hương bồ kết quấn quanh đời 

Mắt ai chất ngất ngàn con sóng
Hồn kẻ si tình vạn nỗi đau
Muôn ngả ta về nơi quạnh quẽ                 
Nghìn đêm em khóc chốn lao đao
Rừng dù thay lá từ hôm đó
Biển vẫn yêu trăng tự thuở nào
Hai chữ tương tư chừng rất nhẹ
Đâu ngờ ray rứt mãi vì nhau

Xô dạt thuyền ta giữa biển khơi
Đường trần ngao ngán cuộc rong chơi
Ngủ vùi một giấc quên cơn mộng
Vỗ nhẹ đôi tay xóa chuyện đời                     
Man mác thềm xưa làn gió thổi
Êm đềm bến cũ áng mây trôi
Phù hoa, phú qúy là hư ảo
Thì tiếc làm gì chút nét môi            



                         THY LỆ TRANG
                     Massachusetts



CÂU CUA MÙA NƯỚC LỢ - TỪ KẾ TƯỜNG

 



CÂU CUA MÙA NƯỚC LỢ

Khi những cơn gió chuyển mùa đẩy nước từ rạch vào mương vườn mà vốc tay hớp thử ngụm nước mát lạnh có lẫn mùi vị phù sa lờ lợ thì người miệt vườn, miệt ruộng biết là mùa câu cua đã tới. Mùa này vào khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm, kéo dài cho đến lúc mưa sa thì cua rút vào hang đợi kỳ lột võ. Nên có thể nói rằng cua vào độ nước lợ thì chắc thịt, gạch son, mai xanh màu rêu và đôi càng vàng lườm lượm màu gạch, một màu đặc trưng của phù sa châu thổ không trộn lẫn. Cua cuối tháng tư đầu tháng năm mười con như một, luộc cũng ngon mà nướng lửa than miễng gáo thì bay mùi khắp xóm.
Để chuẩn bị cho việc câu cua, trẻ con thời tuổi tôi thường tranh thủ vào những ngày nghỉ học cuối tuần khi sắp bước vào mùa hè. Tất cả dụng cụ câu cua đều làm bằng “cây nhà lá vườn”, tuyệt không có thứ gì phải bỏ tiền ra mua ngoài chợ, vì chắc chắn ngoài chợ không có bán. Trước tiên là cục dằn dây câu. Thủa đó tôi thường lên đồng móc đất sét dẻo ở những thửa ruộng khô, hoặc xuống vườn tìm những hang tèn hen, lựa bùn dẻo chúng đùn lên miệng hang đem về làm thứ dụng cụ không thể thiếu này. Một tảng đất sét ước lượng vừa đủ để làm chừng 20-30 chục cục dằn dây câu, đất được ngắt từng cục, vo tròn trong lòng bàn tay đến khi nó tròn như một viên bi lớn cỡ mặt đồng hồ đeo tay, lấy cây que xoi lỗ rồi mang ra sân phơi nắng cho khô trắng. Thường phải mất một buổi.
Chiều, đợi lúc mẹ nấu cơm xong, than miễng gáo còn trong bếp chỉ việc lấy ống thổi, thổi bùng lên, cho thêm miễng gáo vào, đợi chúng bén lửa tỏa hơi nóng rát mặt thì cho những cục đất tròn ấy vào nung cho đến khi cháy đỏ rực thì lấy ra để nguội. Những cục đất ấy bây giờ đã chuyển màu gạch và thực chất chúng đã trở thành những viên gạch cứng không tan khi dìm trong nước để thay cho những cục chì nặng đủ sức dằn sợi dây câu không bị dòng nước cuốn trôi. Những cục đất tròn này càng nung lửa già thì càng cứng, có thể bền vững suốt một mùa câu cua mà khỏi phải thay mới.
Việc kế tiếp là xuống vườn tìm chặt những cây bình linh non, bao nhiêu cần câu thì bấy nhiêu cây bình linh, đặc biệt của cây bình linh non để làm cần câu cua lý tưởng vì nó tròn, to cỡ ngón tay và thẳng trong khi nếu làm cần câu cua bằng tre hay trúc thì phải hơ lửa uốn mới thẳng được, mất rất nhiều công sức. Cần câu cua làm bằng cây bình linh sau khi chặt ngọn, đẵng gốc còn dài cỡ 1,5m, tướt vỏ xanh còn lại lõi trắng. Dây câu chắc và không sợ bị cua kẹp đứt ngoài loại nhợ gai màu trắng, sợi to cỡ cây tăm tre là chuẩn, dây cầu độ dài cũng cỡ 1,2m, một đầu cột chặc vào cần câu, đầu khia xỏ ngang qua cục dằn dây câu, dưới đó là một vòng kẽm để móc mồi câu, sau khi móc mồi thì gài lại bằng cách bẻ cong hai đầu vòng kẽm móc lại là xong. Mồi để câu cua là lươn, lịch, đẻn ruộng, cá kèo hoặc cóc. Nếu chọn mồi không phải là cóc thì chặt khúc cỡ lóng tay móc vào vòng kẽm, nếu mồi cóc thì chặt con cóc làm hai để móc vào vòng kẽm.
Sẽ không đủ bộ dụng cụ câu cua nếu thiếu cây vợt cán dài cỡ 1m bằng tre to cỡ ngón chân cái, vợt là một tấm lưới cá luồn qua vòng bằng thép nhọn phần đáy và đủ độ thòng khoảng 6 tấc cho chú cua nằm gọn trong đó không thoát ra được. Cuối cùng là một cái giỏ đựng cua, dây trói cua bằng nylon hay dây chuối, lạt dừa tùy điều kiện của người câu. Cần câu cua móc mồi sẵn, vác lên vai người câu cùng với cây vợt, vai bên kia mang cái giỏ cua và canh khi nước vừa “những lớn” vừa từ rạch bò vào mương vườn thì đi “trãi câu”.
Mỗi cây cần câu cua cắm gốc sau vào mép mương vườn sao cho đủ sức chịu đựng được lực trì kéo của chú cua ham mồi, mồi câu thả đụng đáy mương, dây câu để thẳng góc với mép bờ, cần này cắm cách cần kia khoảng 10 bước chân và…chỉ việc chờ đợi để cua ăn câu mà vợt lên thôi. Nhưng không phải chú cua nào ngoạm mồi cũng bắt được dễ dàng nếu kh6ong có kinh nghiệm cuả người lão luyện “tay nghề”. Khi đi thăm câu, thấy cần câu nào mà dây câu bị kéo thẳng về một hướng, có chú cua thích kéo ngược nước, có chú cua thích kéo xuôi nước nhưng dù ngược nước hay xuôi nước người câu cua tay phải cầm vợt, tay trái nhổ cần, từ từ nhấc cần lên khỏi mặt nước sao cho khéo léo để chú cua càng “tức khí”, càng “mê mồi” không bỏ nửa chừng. Đây là cả một nghệ thuật, vì nếu nhấc mạnh thì chú cua sẽ sợ, bỏ mồi và…người câu sẽ tiếc hùi hụi. Nên nhớ câu cua không phải bằng lưỡi câu mà chỉ bằng cục mồi móc vào vòng kẽm và cua chỉ dùng hai càng ngoạm mồi đưa vào miệng “rỉa từ từ” nên rất dễ “sẩy”.
Khi người câu nhấc cần lên, vừa thấy hai càng chú cua quơ quơ ngoạm cục mồi khỏi mặt nước là lập tức đưa vợt xuống ngay xuống phía dưới cục mồi vớt chú lên, giây phút này rất quan trọng, quyết định việc thành bại của ngừoi câu cua, nếu đưa vợt xuống nhanh quá thì làm chú cua hoảng loạn bỏ mồi, nếu đưa vợt xuống chậm quá thì “hỏng ăn” vì chú cua đủ thời gian lặn mất. Cua ăn câu đủ dạng, từ chú “nhé” chỉ bằng miệng tách cà phê đến chú cua kình khệnh khạng nặng trên ký lô chỉ nhìn thấy đôi càng quơ quơ ngoạm cục mồi đã “ khoái chí tử” muốn run tay. Sau khi vợt chú cua lên, nếu chú còn bé quá thì thả chú xuống mương, chỉ bắt những chú cua “ trưởng thành”và rút dây trói chú lại bỏ vào giỏ. Một con nước câu cua như thế không kéo dài, từ lúc nước “ những lớn” đến khi nhìn thấy “nước đứng” trong mương thì nhổ cần chuẩn bị ra về. Người câu cua giỏi, gặp ngày “trúng mánh” sẽ bắt được 5-7 ký cua là chuyện bình thường.
Câu cua là môt thú vui đồng quê, rất căng thẳng, hồi hộp và là một nghệ thuật tổng hợp bao gồm sự khéo léo, chí kiên nhẫn và rèn luyện tư duy đối phó giữa một chú cua dưới nước và người ở trên bờ. Cuối cùng là ai thắng ai, đó mới là kết quả cuối cùng. Bảo đảm ai đã từng câu cua mà lỡ để “sẩy” một chú cua kình cỡ 500gram đến 1 ký lô thì…ăn không ngon ngủ không yên, cả trong giấc mơ cũng thấy tái hiện và sẽ tiếc mãi, ám ảnh mãi thành…kỷ niệm khó phai.


TỪ KẾ TƯỜNG

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

ĐẤT HỨA ,THƠ SAY - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 



ẢNH TÁC GIẢ LÊ KIM THƯỢNG


ĐẤT   HỨA                             

 

Ngày tới quê em cuộc biển dâu

Giữa đời Đất Hứa gặp vì đâu

Rừng ngăn núi chắn  chiều u uẩn

Khói tỏa mây che nắng dãi dầu

Hoài bão bao năm tàn sự nghiệp

Ước mơ mấy thuở hết công hầu

Đôi khi rượu uống say điên đảo

“ Dụng tửu binh…” không phá được sầu  


 

THƠ   SAY

 

Xin em đứng sát lại gần đây

Nắng xế che cùng một bóng mây

Từ độ quên đi mùi má phấn

Bao lần nhớ lại ấm vòng tay

Tơ duyên chẳng trọn buồn thăm thẳm

Phận số không thành sống lất lây

Chí lớn xa quê làm tráng sĩ

Gươm mòn nặng một túi thơ say

 

 

        Nha Trang, tháng  8. 2024

               LÊ KIM THƯỢNG


Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

ĐI QUA CỬA THƯỢNG TỨ - PHAN NI TẤN

 




ĐI QUA CỬA THƯỢNG TỨ

Nhân ngày lễ Vu Lan, tôi đến thăm Mạ tôi cũng là để mừng đại thọ 98 tuổi của bà. Nhà Mạ cách nhà tôi chừng bảy phút đi bộ. Mỗi lần tôi ghé thăm bà rất vui, nói cười sang sảng. Ở cái tuổi gọi là bách niên giai lão Mạ tôi vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, nhớ cặn kẽ từng câu chuyện đời xưa ở Huế. Lìa xa Huế ngót 70 năm mà giọng nói của bà vẫn nặng thổ ngữ Huế, Huế rêu phong, cổ kính rứa bà vẫn nhớ rất rõ. Có lần Mạ tôi hỏi:
- Hòa nì. Mi còn dớ (nhớ) Hoàng thành có mấy cửa khun?
Tôi xa Huế lâu quá, không còn nhớ chi nhiều về Huế, nghe Mạ hỏi tôi lớ ngớ: " Dà. 13 cửa Mạ hè?"
- Khun phải rứa! Bà lắc đầu gắt nhẹ. Đó là cửa Kinh thành khác với Hoàng thành. Hoàng thành còn gọi là Đại nội tề, là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành. Mi dớ (nhớ) chưa? Hỏi rồi bà tự trả lời luôn: "Hoàng thành có bốn cửa, con hỉ. Cửa Ngọ Môn là cửa chính ở phía Nam, mi nì, cửa Hiển Nhơn ở phía Đông nì, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình".
Bốn cửa Đại nội có cửa tôi còn nhớ tên, có cửa lại quên nhưng cửa Thượng Tứ phía ngoài Kinh thành thì tôi nhớ hoài nhớ hủy.
Cuối thập niên 1930, thời còn thắp đèn chai, mối thâm duyên kỳ ngộ đẩy đưa chi đó mà Mạ tôi đã về với Cha. Thời Cha tôi làm Tri phủ, là chức quan văn thuộc Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn được vua ban cho đất đai, nhà cửa ở bên trong phường Thuận Thành gần cửa Thượng Tứ. Năm 1939, Cha tôi giũ áo từ quan, Mạ mới sanh ra anh tôi, sáu năm sau mới có tôi, phận gái. Sau này Mạ nói tôi mới biết ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp đem quân trở lại Việt Nam đúng lúc tôi oe oe cất tiếng khóc chào đời. Mạ cũng nói mỗi lần cho tôi bú bình, Mạ phải bồn (bồng) tôi đi loanh quanh cửa Thượng Tứ, Cha và anh tôi cũng đi theo dỗ dành tôi mới chịu bú.
Khi tôi đủ lớn khôn Mạ hay nhắc tới cửa Thượng Tứ, ở đó những lần khát sữa tôi thường giãy nảy làm vung vãi sữa xuống đất. Chao ôi! Nghĩ lại thuở ấu thơ đọ mà thương cho hạnh của đất Thượng Tứ cũng dịu dàng như hạnh của Huế tôi rứa thê.
"Nhưng cửa Đông Nam còn gọi là cửa Thượng Tứ là răng Mạ hè?" Có lần nghe tôi hỏi Mạ mỉm cười xoa đầu con gái, ôn tồn giải thích. Tôi còn nhớ đại khái như ri:
Gọi là cửa Thượng Tứ vì ngày xưa, ở gần bên trong cửa thành này, triều đình đã lập nên một viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để dẫn xa giá cho Vua. Thuở xưa, phương tiện di chuyển của vua chúa thường dùng ngựa hoặc xe kéo bằng ngựa. Mạ tôi giải thích thêm, rằng chữ Thượng có nghĩa là trên cao, ý chỉ là Vua. Chữ Tứ chỉ xe bốn bánh do ngựa kéo (Tứ mã).
Cửa Thượng Tứ còn gọi là Đông Nam Môn, nằm ở bên trái Kỳ đài Kinh thành Huế, gần khu vực nuôi ngựa nên người dân quen gọi là cửa Thượng Tứ, dù trên vọng lâu của cửa vẫn có ghi ba chữ Đông Nam Môn.
Nói tới ngựa Thượng Tứ tôi vẫn nhớ hoài hồi nhỏ trong phường Thuận Thành, nhà của quan Tự thừa - chức quan coi việc giữ đền miếu - có năm cô con gái. Cả năm cô, có chị có em đều thích mon men qua nhà chơi với tôi. Khi vô trong nhà, năm cô đều xuýt xoa, trố mắt chộ đồ vật của tôi chưng trên đầu giường. Con búp-bê tóc vàng, cái kẹp tóc sừng trâu, đôi vòng ngọc thạch, cái mũ len kết bông hoa bằng nhựa. Cái chi cũng lạ với các cô nhưng được cái là không O mô sờ mó chúng. Ai đời năm O ngoan rứa nhưng về nhà lại ba hoa xích đế, hoang bà cố.
Cửa Thượng Tứ là cửa để ngựa ra vô nên mỗi lần có việc khẩn họ điều ngựa chạy rần rật. Sau này các O Huế nào có tánh lanh chanh, lắc xắc là có câu mắng ví von của mấy mệ: "Con gái mà chạy rật rật như ngựa Thượng Tứ rứa tề" Cũng y rứa, chiều chiều tôi thường nghe mệ Tự, vợ của quan Tự thừa, cũng là mạ của năm cô gái hàng xóm thích phá phách, ưa cười đùa, chạy nhảy là bị la rầy: "Con gái con lứa chi mà lắc xắc, rật rật như ngựa Thượng Tứ rứa bây?"
Chuyện tôi kể trên, nay đã lùi thật sâu trong quá khứ. Cha và anh tôi đã về trời từ lâu. Người đã mất nhưng những kỷ niệm và hình ảnh của họ tôi vẫn cất giữ và tiếc thương. Nhớ tới họ tôi vẫn nhớ tới phường Thuận Thành, nhất là cửa Thượng Tứ, nơi tôi thường ra vô nhiều lần, cho tới một ngày tôi đi qua cửa Thượng Tứ rồi không bao giờ trở lại.
Xa quê Huế, một dãi đất miền Trung muôn ngàn thương nhớ. Ờ đó có phường Thuận Thành, cái phường nhỏ như xóm quê thuở xa xưa có Cha Mạ, có anh tôi và có cả năm cô con gái nghịch ngơm của quan Tự thừa. Thuận Thành, một phường nhỏ, một xóm quê bề ngoài tầm thường nhưng chứa đựng trong nó biết bao niềm vui, nỗi buồn đã lấn át tất cả các tình cảm khác của riêng tôi.
Ngày nay, với tôi, cửa Thượng Tứ, nơi đó Mạ tôi thường ẵm tôi ra đó dỗ cho tôi bú, nơi đó những giọt sữa vẫn mềm mại, vẫn rơi hoài rơi mãi trong trạng thái vui buồn lẫn lộn, của tôi.


PHAN NI TẤN