CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

RÓC RÁCH - THƠ PHAN NI TẤN

 




RÓC RÁCH

Anh ra đi tuyệt không hò không hẹn
Đã lâu rồi biền biệt chốn xa xăm
Em mòn mõi đến gan bào ruột thắt
Những ôm lòng hoài vọng mấy mươi năm
Anh xa quê biết bao mùa mưa nắng
Miệt mài đi quên hết cả đường quê
Em xây nón dạ sầu bi bát ngát
Hoàng thành xưa móm mém đợi ai về

Đò lên Huế đò chèo anh xa Huế
Xa sông quê xa luôn cả bờ em
Trách anh bạc em như dao sút ngạc
Bỏ buồn len cho đèn nọ lu lem

Thương con đò Thừa Phủ nằm im bóng
Co ro từng miếng ván mục hôi phai
Đưa anh đi hai mái chèo chèo thốc
Điệu Nam Ai biếng tiếng cũng thở dài

Cầu Tràng Tiền xui duyên chưa kịp bén
Anh xa rồi em quyến luyến cơn mơ
Tà áo trắng dài bay hương Đồng Khánh
Cũng mịt mờ trong sương lạnh bơ ngơ

Nước sông Hương chừ vẫn trôi róc rách
Núi Ngự Bình gió vẫn lách cách bay
Em rón rén dựa lưng vào Đại Nội
Nghe Huế buồn róc rách tiếng trôi ngày.


PHAN NI TẤN

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

CÓ MỘT MÙA THU -THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 





CÓ MỘT MÙA THU.

Lá đã vàng rồi, thu đã sang
Phương xa lớp lớp trắng sương ngàn.
Đâu đây tiếng nhạn trong chiều vắng,
Còn đọng mùa xưa những lá vàng.

Năm tháng hoài hương bao kỷ niệm
Lòng đời chưa ráo vết thu xưa.
Rừng phong dẫu có phai màu lá,
Mạch chuyển còn xanh tiếp lại mùa
.
Những lá vàng bay về tịch liêu
Gởi bao tâm sự lại trong chiều.
Đường mây dẫu có về vô tận,
Còn-mất, nào ai được bấy nhiêu ?

Như lịch tuần lưu của đất trời
Kiếp người muôn việc cứ dần trôi.
Nhục vinh mấy cuộc hưng rồi phế,
Thành bại, hay chăng tiếng ở đời !

Thu đã đến rồi, thu sẽ qua
Còn chăng ở lại cõi lòng ta.
Mấy mùa điểm sắc, và thu nữa,
Vẫn một tin yêu khắp vạn nhà.!


South Dakota, chớm thu 2021.
MẶC PHƯƠNG TỬ.


VỀ PHƯƠNG NAM TÌM MỘT CÁNH CÒ - THƠ NGUYỄN AN BÌNH,NHẠC HUY THỌ







VỀ PHƯƠNG NAM TÌM MỘT CÁNH CÒ 
Thơ NGUYỄN AN BÌNH 
Nhạc HUY THỌ 
Hòa âm phối khí nhạc sĩ HUỲNH PHƯƠNG NAM 
Trình bày ca sĩ ANH ĐÀO 
Bài hát đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 2018

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

HOÀNG HÔN - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 




HOÀNG   HÔN 1 - 2  

 

 

1

 

Người về tìm mái nhà xưa

Tìm hình bóng cũ…gió đưa phiêu bồng

Tìm trong sợi nắng hừng đông

Tinh khôi, ấm áp, rực hồng tươi xinh

Nhớ nhiều những sáng bình minh

Líu lo chim hót, thanh bình làng quê…

Nhớ sao những buổi trưa hè

Lời ru lẫn với tiếng ve ngọt ngòn

Lời ru thấm đậm lòng con

Khắc sâu trong dạ, sắt son vô vàn

Mẹ ơi, cuộc sống cơ hàn

Mà tình mẫu tử ngập tràn mênh mông…

Ráng chiều thả vạt nắng trong

Đò xuôi, xuôi mãi theo dòng tịch liêu

Sắc màu nắng ngã tím chiều

Hoàng hôn rơi nhẹ, cánh diều chung chiêng

Người về lưng tựa chiều nghiêng

Ngắm nhìn quê cũ bình yên một mình

Người quê mộc mạc, chân tình

Đói no đùm bọc, hết mình thiết tha…

 

 

2. 

 

Quê hương có Mẹ. có Cha

Quê hương có nỗi nhớ nhà đinh ninh

Bâng khuâng nỗi nhớ vô hình

Cứ ray rứt mãi một mình chông chênh

Buồn lòng nhớ nhớ, quên quên

Thèm nghe khế rụng bên thềm rêu phong

Trải lòng nhớ nhớ mong mong

Ngọn tre treo mảnh trăng trong trên trời…

Dù không tính lãi, tính lời

Nhưng tôi mắc nợ một đời với quê

Vướng neo lời hẹn câu thề

Còn nghe tiếng gọi bùa mê ngày ngày

Trăng nghiêng xuống đọt tre gầy

Mái tranh quyện khói, đong đầy lời ru…

Mẹ giờ đã hóa… Thiên thu

Lời ru xưa cũ hình như cỗi già

Mẹ đi về phía… Trời xa

Lời ru còn thấm đậm đà trong con

Con giờ tuổi đã hoàng hôn

Tóc xanh đã bạc… vẫn còn lời ru…

 

             

              Nha Trang, tháng  9. 2024

                  LÊ KIM THƯỢNG

NHỚ THU XƯA - Nhạc: MAI HOÀI THU - Thơ: NHẤT HÙNG




       


NHỚ THU XƯA
THƠ NHẤT HÙNG
NHẠC MAI HOÀI THU
CA SỸ LAN PHƯƠNG



 


NHỚ THU XƯA


tháng chín hoa đô đã chớm thu

heo may lành lạnh gió vi vu

lá vàng hờ hững rơi vài chiếc

cảnh gợi niềm riêng khách lãng du


mùa thu năm ấy lúc ra đi

nào biết từ đây mãi biệt ly

xa mặt cách lòng buồn não nuột

sao em đành vội bước vu quy


ngày dài gặm nhấm buồn ly hương

không thể nào vơi nỗi vấn vương

từ ấy trong tôi thu đã chết

thu khơi nỗi nhớ, nhớ người thương


thu này viễn xứ bước cô đơn

kỷ niệm trong mơ mãi chập chờn

dáng cũ hương xưa tâm vẫn tưởng

vóc mai mùi tóc nét em hờn


thời gian thấm thoát mấy thu rồi

nước chảy bên cầu lặng lẽ trôi

người ở bên trời còn có nhớ

nơi này da diết nhớ khôn nguôi



NHẤT HÙNG


 

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

LẠC BƯỚC - NHẠC KHÊ KINH KHA







LẠC BƯỚC
NHẠC KHÊ KINH KHA
TRÌNH BÀY CA SỸ ÁNH TUYẾT



con gió lạc bước giữa trời
ngàn năm gió vẫn rong chơi giữa đời
cánh mây lãng đãng trên đồi
con sông nước chảy, chim trời lênh đênh
bao la sương khói, nắng vàng mênh mông

con trăng ngủ muộn trên cành
ngàn sao lạc bước dưới giòng nước trôi
và tôi ngơ ngác giữa đời
qua đây lạc bước chân người trăm năm
qua đây lạc bước  phận người thế gian

chiếc lá lạc giữa núi rừng
hạt sương rơi xuống đêm hoang một mình
suối reo trong đá trên ghềnh
môi thơm ửng đỏ cho tình em ngoan
long lanh mắt biếc cho tình đi hoang

em vui lạc giữa mối tình
còn tôi lạc bước đi tim trái tim
à ơi em xõa tóc mềm
bâng khuâng tôi đứng giữa đường bơ vơ
tôi như chiếc lá bên đường gió mưa
 

KHÊ KINH KHA

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

SÀI GÒN NGÕ NGÁCH CÀ PHÊ - TỪ KẾ TƯỜNG

 




SÀI GÒN NGÕ NGÁCH CÀ PHÊ

Người Sài Gòn có thể uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày. Uống cà phê buổi sáng sớm theo thói quen ở quán cóc lề đường, bàn chuyện tào lao thế sự với bạn bè hay ngồi một mình ngắm phố phường trong sương sớm để thư giãn, chiêm nghiệm thế thái nhân tình hay hoài niệm những khoảnh khắc vui buồn xảy ra trong đời mình. Uống cà phê buổi trưa kết hợp với bữa ăn trưa để bàn công việc, sơ thảo nội dung một bản hợp đồng làm ăn, thậm chí tìm một góc tịnh tâm, trốn nắng, trú mưa trước khi trở về công ty, cơ quan làm việc buổi chiều.
Nhưng “cà phê văn nghệ” có mục đích hẳn hoi và dứt khoát chỉ vào buổi tối khi thành phố lên đèn. Đó là cơ cơ hội hẹn hò của thanh niên nam nữ yêu nhau tìm một nơi chốn lãng mạn, êm đềm để tâm sự, chia sẻ trong một không gian “văn nghệ” mà âm nhạc là đường dẫn tới sự thăng hoa của đôi tâm hồn. Không chỉ có không gian, mà thời cũng luôn song hành cho những phút giây lãng mạn ấy, đó là cảm giác chỉ riêng hai người giữa một đám đông đồng điệu. Chính vì nhu cầu ấy mà những quán cà phê văn nghệ ra đời.
Trước năm 1975 có một số quán cà phê văn nghệ “đình đám” ở Sài Gòn thu hút thanh niêm nam nữ, văn nghệ sĩ tới ngồi bên ly cà phê, thưởng thức văn nghệ với sân khấu nhỏ rất đơn sơ, chỉ là một bục gỗ cao cho ca sĩ đứng hát và người đệm đàn thùng, một chân cắm micro có dây, dàn âm ly và loa khuyếch đại âm thanh. Những dụng cụ này đặt trong một ngôi quán bên đường khu trung tâm Q1, Q3…với vài chục cái bàn thấp, ghế ngồi chẳng cần trang trí, bày trí hoa hòe hoa sói gì nhiều, đã là một tụ điểm thu hút dân sành điệu tới một không gian cà phê văn nghệ rất lãng mạn, xôm tụ tạo một sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn về đêm bên cạnh những nơi giải trí ồn ào khác như vũ trường, quán bar, nhà hàng ăn nhậu mọc ra như nấm ở Sài Gòn thủa ấy.
Quán cà phê “Thằng Bờm”, nằm ở góc đường Nguyễn Thái Học- Phạm Ngũ Lão Q1 của nhóm sinh viên Luật khoa, được coi là quán cà phê văn nghệ dành cho giới sinh viên học sinh, có lẽ là tiền thân của sân khấu “hát với nhau” sau năm 1975. Bởi ngoài các ca sĩ được tăng cường và hai buổi tối cuối tuần thứ bảy-chủ nhật thì ngày thường người tới uống cà phê cao hứng có thể lên hát, chỉ cần viết một mảnh giấy đăng ký bài hát và họ tên đưa cho chủ quán rồi ngồi chờ tới lượt mình được giới thiệu lên “sân khấu”, không hát thì đọc thơ, tự đêm đàn hay nhờ “nhạc sĩ” của quán đệm đàn. Quán “Thằng Bờm” rất nổi tiếng, tồn tại một thời gian khá dài.
Quán cà phê “Hầm Gió” nằm trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ) cũng thuộc Q1. Quán này của nhóm nhạc trẻ Nam Lộc-Trường Kỳ, bề thế, đẹp hơn quán “Thằng Bờm” rất nhiều. Gọi là “Hầm Gió” vì quán là một cái hầm, không gian khá rộng, chứa được gần 100 người. Do ở đây văn nghệ mang tính chuyên nghiệp hơn, thường xuyên có các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tới trình diễn, sân khấu cũng “hoành tráng” nên “Hầm Gió” dịp cuối tuần rất đông khách. Những cặp đôi ca sĩ-nhạc sĩ của Sài Gòn thời đó bắt đầu nổi lên cũng từ quán cà phê “Hầm Gió”, lúc đó ca sĩ Thanh Lan còn rất trẻ, vừa đi học trường Tây vừa đi hát, cùng với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thành một cặp đôi rất được giới trẻ hâm mộ, thường xuyên xuất hiện ở “Hầm Gió”. Thanh Lan lên sân khấu với bộ áo dài lụa màu trắng hay màu vàng nhạt, vẫn còn nhí nhảnh và hồn nhiên bên cạnh Trầm Tử Thiêng rất “bụi”.
Quán “Cây Tre” của ca sĩ Khánh Ly nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, bên trong con hẻm nhỏ, kế bên sân vận động Hoa Lư cũng thuộc Q1, một thời cũng rất nổi tiếng. Ngoài ca sĩ Khánh Ly, Ngọc Minh (em gái của Khánh Ly), còn xuất hiện nhiều cặp đôi đình đám bấy giờ như Lê Uyên-Phương, Từ Dung-Từ Công Phụng.
Nhưng đặc biệt, một quán cà phê ghi đậm dấu ấn một thời cà phê văn nghệ Sài Gòn có lẽ là “Hội quán Văn”, gọi tắt là cà phê Văn, của nhóm sinh viên đại học Văn Khoa, nằm phía sau trường, trên khoảng đất trống khá rộng ở góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ)-Lê Thánh Tôn Q1. Bây giờ là Thư viện Quốc Gia. Quán Văn ngày ấy rất sơ sài, chỉ là một giang nhà trống, mái tôn, vách cót ép, bàn thấp, ghế thấp. Nhưng mỗi đêm có hàng trăm thanh niên sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ tới uống cà phê, thưởng thức văn nghệ “ngoài trời”. Chính ở quán cà phê Văn, ca sĩ Khánh Ly từ Đà Lạt xuống kết hợp với Trịnh Công Sơn thành một “cặp đôi hoàn hảo”, đình đảm, tạo thành những đêm nhạc tình ca, nhạc phản chiến khuấy động Sài Gòn. Từ đó Khánh Ly nổi danh với danh hiệu “ca sĩ chân đất” bởi khi hát với Trịnh Công sơn trên bục gỗ sân khấu ngoài trời quán Văn, có lúc cao hứng Khánh Ly đã lột cả dép đi chân trần trên cỏ. Và ca khúc tạo dấu ấn lúc bấy giờ của Khánh Ly là “Ru ta ngậm ngùi”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”…
Sau năm 1975, một thời gian khá dài, người Sài Gòn cũng trở lại với thói quen uống cà phê cóc mà mở đầu rất sớm là khu vực cà phê cóc hồ Con Rùa Q1. Khu vực này một thời sau năm 1975 có thể nói là khu vực cà phê cóc văn nghệ Sài Gòn vì một số văn nghệ sĩ ra đây mở quán cà phê vỉa hè, sáng mở, chiều tối dọn, chỉ một xe đẩy nhỏ dựng ly tách, bình thủy, vài cái bàn, chục cái ghế, cây đàn thùng…là thành một quán cà phê. Khách tới uống thoải mái, có khi ngồi đồng từ sáng trới trưa, từ trưa tới chiều, bày bàn nhậu tới khuya, đàn hát, ngâm thơ đập bồn, đập bát mệt xỉu mới tan hàng.
Sau đó, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh nở rộ phong trào mở quán cà phê văn nghệ có sân khấu ca nhạc hằng đêm và tăng cường ca sĩ, tấu hài mỗi tối cuối tuần. Quán cà phê Champa nằm trên đường Nguyễn Thông Q3 là một điển hình, quán rất nổi tiếng và một loạt ca sĩ trẻ, nhóm tấu hài thành danh từ đây. Sau đó tới một loạt các phòng trà như Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, Thế Kỷ và phòng trà trên lầu cà phê Broda, rồi Phiêu Linh của nhạc sĩ Hà Dũng ở góc đường Lê Thánh Tôn-Nguyễn Huệ Q1 hoạt động hàng đêm rất nhộn nhịp.
Nhưng dấu ấn quán “cà phê văn nghệ Sài Gòn” mang hơi hướng của những “Văn, Thằng Bờm, Hầm Gió” sau năm 1975 có lẽ cà phê Văn Nghệ nằm trên đường Lam Sơn quận Bình Thạnh. Ở đây cũng có những ca sĩ, nhóm nhạc nổi lên như: Vinh Hiển, nhóm tam ca Áo Trắng, Ba thế hệ… Và có lẽ còn cái chất cà phê văn nghệ Sài Gòn nhất, dù đã được “nâng cấp” bằng tên gọi phòng trà là cà phê Ân Nam nằm trên đường Trương Định Q1 của ca sĩ Lan Ngọc. Nó cũng là một cái hầm, giống như “Hầm Gió” của Nam Lộc-Trường Kỳ ngày xưa. Chương trình ca nhạc ở đây khá chọn lọc, thu hút giới trung niên muốn tìm lại dư âm của một thời “cà phê văn nghệ Sài Gòn” đã mất.


TỪ KẾ TƯỜNG

TÌNH ĐÃ XA RỒI - THƠ NHÃ MY,NHẠC TRẦN NHÀN







TÌNH ĐÃ XA RỒI
THƠ NHÃ MY
NHẠC & HOÀ ÂM TRẦN NHÀN
CA SỸ DIỆU HIỀN
VIDEOCLIP HUỲNH TÂM HOÀI


Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

PHIẾM VỀ NHÂN QUẢ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC



 


Tạp Ghi và Phiếm Luận :

                         Phiếm về NHÂN QỦA
                      
                                     
      Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc NHÂN QỦA là gì ? Xin thưa, NHÂN 因 là hạt giống, còn QỦA 果 là cái trái do hạt giống đó tạo ra; Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" thì chữ NHÂN là chữ dùng Tượng hình để Chỉ sự, có diễn tiến chữ viết như sau :


                           Giáp Cốt Văn   Đại Triện    Tiểu Triện     Lệ Thư

      Ta thấy :
         Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một hạt giống bên trong có hình dáng của một cây mầm; đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra cho giống hình chữ viết, và kịp đến Lệ Thư đời nhà Tần thì đã giống như là chữ viết hiện nay : NHÂN 因 là Hạt giống. Hạt Giống thì sẽ nảy mầm và phát triển thành một giống cây, trái nào đó; nên NHÂN hiểu rộng ra, còn có nghĩa là Nguyên Nhân, là lý do phát sinh của một sự kiện hay sự việc nào đó...
     Còn...
           QỦA 果 cũng là một chữ được hình thành bằng Tượng hình và Chỉ sự theo diễn tiến của chữ viết như sau :



                               Giáp Cốt Văn   Đại Triện    Tiểu Triện     Lệ Thư

                                      Ta thấy :
         Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một cái cây phía trên kết một trái có 4 múi hình tròn, đến Tiểu Triện thì các nét vẽ được kéo thẳng cho thành chữ viết và đến chữ Lệ thì đã hình thành như chữ viết hiện nay : QỦA 果 là Trái. KẾT QỦA 結果 là Kết thành Trái. Khi dùng rộng ra thì KẾT QỦA là Rốt cuộc, là thành tựu cuối cùng của một động thái hay việc làm nào đó. Ta hay hỏi : Kết Qủa của việc đó ra sao ? Có nghĩa là :"Đến cuối cùng thì sự việc đó đưa đến những hệ lụy hay thành đạt nào ?".
   Nói chung...
       NHÂN là Hạt Giống, QUẢ là cái Trái do hạt giống đó phát triển mà có được, như câu của ông bà ngày xưa thường nói :

                    種瓜得瓜,  Chủng qua đắc qua,
                    種豆得豆。  Chủng đậu đắc đậu.
      Có nghĩa :
              - Trồng dưa thì được trái dưa, còn...
              - Trồng đậu thì có trái đậu.


      Đó là cái nguyên lý không bao giờ thay đổi trong đời sống của con người. Nên ông bà lại thường hay nhắc nhở ta rằng "Gieo NHÂN nào thì gặt QỦA nấy. Ác lai thì ác báo, làm dữ thì gặp ác, ở hiền thì gặp lành. Cọng rau nào thì con sâu đó; Hạt giống nào thì sẽ cho ra trái đó, không sai chạy bao giờ. 
     Trong Phật giáo, thì NHÂN QỦA tiếng Phạn là hetu-phala,chỉ Nguyên Nhân và Kết Quả. Phật giáo cho là nhất thiết chư pháp, mọi việc trên đời đều theo Luật Nhân Quả mà sinh ra hoặc mất đi. NHÂN là cái Gốc để phát sinh ra sự việc, còn QỦA là cái Kết của sực việc được sinh ra. Nên "Có NHÂN tất phải có QỦA, và có QỦA vì đã có NHÂN". Như câu nói trên của ông bà ta là có xuất xứ từ câu kệ trong Niết Bàn Kinh《涅槃經》như sau :

                    種瓜得瓜,   Chủng qua đắc qua,
                    種李得李。   Chủng lý đắc lý.
      Có nghĩa :
              - Trồng dưa thì được dưa, còn...
              - Trồng mận thì được mận (Lý).
                  
      Ông bà ta đổi chữ LÝ 李 thành chữ ĐẬU 豆 chắc có lẽ là để cho ăn vận với một câu nói trong chương thứ 73 của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh 老子《道德经》第七十三章 như sau :

                   (種瓜得瓜,  Chủng qua đắc qua,
                    種豆得豆。  Chủng đậu đắc đậu).
                    天網恢恢,  Thiên võng khôi khôi,
                    疏而不漏.   Sơ nhi bất lậu !
      Có nghĩa :
              - Lưới trời lồng lộng, tuy...
              - Thưa mà chẳng để lọt mất (bao giờ)!

      LƯỚI TRỜI (Thiên võng) ở đây chỉ cái lẽ phải tự nhiên ở đời, cũng là cái lẽ phải của Trời luôn công bằng chính trực, thưởng thiện phát ác một cách rõ ràng không thiên vị một ai và cũng không ai trốn thoát được cả ! 
      Nho Giáo cũng nói rằng : Nhân hữu thiện nguyện, Thiên tất hựu chi 人有善願,天必佑之。Có nghĩa : "Con người mà có những nguyện ước lương thiện, thì trời sẽ che chở giúp đỡ cho những người đó". và luôn khuyên răn người đời :

                善有善報,惡有惡報。Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo.
                不是不報,日子未到。 Bất thị bất báo, Nhật tử vị đáo.
Có nghĩa :
        - Hiền thì có báo ứng hiền, Ác thì có báo ứng ác.Trước mắt...
        - Không phải là không có báo ứng, chỉ vì ngày tháng chưa tới mà thôi !

      Một câu kệ nữa trong TAM THẾ NHÂN QỦA KINH 《三世因果經》như sau :
      
                 欲知前世因,   Dục tri tiền thế NHÂN,
                 今生受者是;   Kim sinh thụ giả thị;
                 欲知來世果,   Dục tri lai thế QỦA,
                 今生作者是。   Kim sinh tác giả thị.
 Có nghĩa :
       - Muốn biết cái NHÂN của đời trước, thì hãy xem, đó...
       - Chính là sự hưởng thụ đời nầy của ta đó; Còn như...
       - Muốn biết cái QỦA đời sau của ta sẽ ra sao, thì hãy xem...
       - Việc làm của ta ở đời nầy đây, thì sẽ rõ !...

      Nếu đời nầy ta được giàu sang phú quý là do cái NHÂN đời trước ta biết tu nhân tích đức; Còn nếu đời nầy ta nghèo khổ khó khăn là do đời trước ta phóng túng ăn chơi... Còn như muốn biết cái QỦA của đời sau, thì hãy xem việc làm của ta ở đời nầy. Nếu đời nầy ta biết làm việc thiện và tích đức, thì chắc chắn đời sau của ta sẽ được sống an vui sung sướng, còn như đời nầy ta chỉ biết ăn chơi đàng điếm thì đời sau chắc chắn sẽ đói khổ cơ hàn; hay đời nầy ta chỉ biết làm ác hại người thì đời sau sẽ bị lục đạo luân hồi thác sinh thành súc vật cầm thú chớ không được làm người nữa !...
       Không phải như những Sàm tăng, Dâm tăng, Ác tăng, Tham tăng hiện nay thường hay nói một cách ngu muội và dốt nát là : Làm Thợ hồ kiếp nầy là do kiếp trước phá nhà. Làm Bác sĩ kiếp nầy là do kiếp trước giết người. Làm Nhà giáo kiếp nầy là do kiếp trước đốt sách... Nếu kiếp trước đi phá nhà, giết người, đốt sách... thì chắc chắn sẽ bị đánh xuống 18 tầng A-Tỳ địa ngục chẳng được siêu sinh, làm sao còn có được "kiếp nầy" mà nói, và nếu may mắn còn có được kiếp nầy thì chắc chắn sẽ bị thác sinh thành súc vật, chớ làm sao còn làm được Bác sĩ, Thầy giáo, Thợ hồ ?!... Vì...
      Nếu kiếp trước giết người mà kiếp nầy được làm Bác sĩ, thì cái NGHIỆP LỰC chuyển hóa bị đão lộn càn khôn, Lục đạo Luân hồi sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" làm cho cái Ma Tâm Tà Tâm của con người ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn, tín đồ Phật tử sẽ tranh nhau đi giết người để kiếp sau được làm Bác sĩ... Từ bi bác ái, bát nhã ba la mật đa... bị "phá sản" hoàn toàn, xã hội sẽ băng hoại theo các Ma tăng Sàm tăng... của thời mạt pháp !


     Trở lại với Nhân Qủa Luân Hồi. Có người nêu thắc mắc : Trong xã hội trước mắt có rất nhiều người làm đủ điều ác đức, hống hách ngang tàng, nhưng sao họ vẫn sống giàu sang phú qúy; và có rất nhiều người nhân đức làm rất nhiều điều từ thiện, nhưng sao cuộc sống của họ vẫn khó khăn trắc trở, lao đao lận đận ? Như vậy, chẳng hóa ra là "Thiện vô thiện báo, Ác vô ác báo 善無善報,惡無惡報" sao ?! Vậy thì "Luật Nhân Qủa" ở đâu, làm sao cho người đời tin tưởng đây ?!
     Thực ra, LUẬT NHÂN QỦA là phải thông qua tam thế, là ba đời ba kiếp, chớ không thể xét trong một lúc được. Ví dụ như : Có người chí thú làm ăn tích lũy gởi ngân hàng rất nhiều tiền. Bây giờ, giở chứng ăn chơi hút sách cờ bạc hiếp người... chẳng lẽ lại không cho anh ta rút tiền để dành trong ngân hàng ra để đền bù trả nợ cho người khác hay sao ? Lại như, có người trước đây ăn chơi đàng điếm, thiếu nợ ngập đầu. Bây giờ lãng tử hồi đầu, chí thú làm ăn, siêng năng cần cù... nhưng chả lẽ biết quay đầu hướng thiện rồi khỏi phải trả cái nợ mà trước đó đã thiếu hay sao ?!
      Cái người ác đức mà vẫn sống giàu sang, vì cái đức cái thiện của kiếp trước còn chưa hết; Cũng như người hiền lành người lương thiện mà vẫn sống nghèo khổ khó khăn là vì cái Nghiệp làm ác của kiếp trước còn chưa dứt. Cái qúa trình chuyển hóa từ ÁC sang THIỆN, từ THIỆN sang ÁC; hay nói cách khác, Cái qúa trình chuyển hoá từ NHÂN sang QỦA và từ QỦA sang NHÂN đó, được gọi là NHIỆP LỰC 業力. Và...
      Cái NGHIỆP LỰC nầy là phải do chính ta phải tu tập giác ngộ, sống thật tốt rồi mới chuyển hóa được. Cho nên mới nói là : Muốn biết cái QỦA của kiếp sau thì hãy xem việc làm (TÁC NGHIỆP) của ta ở kiếp nầy. Nhưng khi TÁC NGHIỆP viên mãn, NGHIỆP LỰC đã đầy đủ thì sẽ không phải đợi đến kiếp sau, mà chuyển hóa ngay ở kiếp nầy, cái đó ta thường gọi là QUẢ BÁO NHÃN TIỀN là báo ứng liền ngay trước mắt. Như lời của con ma Đạm Tiên nói với Thúy Kiều khi Kiều tự trầm ở sông Tiền Đường là :

               ...."Tâm thành đã thấu đến trời,
                Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
                    Một niềm vì nước vì dân,
               ÂM CÔNG CẤT MỘT ĐỒNG CÂN ĐÃ GIÀ,
                    Đoạn trường sổ rút tên ra,
                Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
                    Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
               Duyên xưa đầy đặn Phúc sau dồi dào...
    
      NGHIỆP LỰC có thể chuyển xấu thành tốt, mà cũng có thể chuyển tốt thành xấu, tùy theo sự giác ngộ và việc làm của ta mà chuyển hóa. Trong văn chương thì gọi nghe nên thơ hơn là NGHIỆP DUYÊN 業緣, như những lời Tam Hợp Đạo Cô nói với sư Giác Duyên về Thúy Kiều là :

                    Sư rằng :"Song chẳng hề chi,
                NGHIỆP DUYÊN cân lại nhắc đi còn nhiều.
                    Xét trong TỘI NGHIỆP Thúy Kiều,
                 Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
                    Lấy tình thâm trả tình thâm,
                 Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
                    Hại một người cứu muôn người,
               Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
                    Thuở công đức ấy ai bằng ?
                Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
                    Khi nên trời cũng chìu người,
                Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau !...

      NHÂN QỦA lại có cái NGUYÊN LÝ của Nhân Qủa. Ví dụ như : Sức khoẻ có Nhân Qủa của sức khoẻ. Muốn có sức khoẻ tốt thì phải giữ cho lòng thanh thản, sống yên vui trong cuộc sống dưỡng sinh bình thường; Nếu làm ngược lại, thì dù cho có niệm Phật đọc kinh để cầu cho có sức khoẻ cũng không thể có được. Đó là cái NGUYÊN LÝ : Gieo Nhân nào thì sẽ gặt qủa nấy. Muốn có tiền thì phải làm việc, lao động cần cù; Muốn có tiếng tốt thì phải biết giữ gìn nhân cách; Muốn người khác tin tưởng thì phải giữ gìn chữ tín... Sức Khoẻ có Nhân Quả của Sức Khoẻ, Đạo Đức có Nhân Qủa của Đạo Đức, Tín Ngưỡng có Nhân Qủa của Tín Ngưỡng... Ta không thể đem cái nọ xọ qua cái kia được. Đi du lịch nhiều thì bị hết tiền, chớ sao lại bị bại liệt được ?; Nằm võng nhiều sẽ bị cong lưng, chớ sao lại hết phước ?; Hát karaoke nhiều thì bị khô cổ khan tiếng, chớ sao lại thành ma câm ?. Thế thì các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tụng kinh suốt ngày có bị thành ma câm không ? Hay là sợ thành ma câm nên các vị "hổng thèm" gỏ mõ tụng kinh nữa ?!


     Vả lại, từ NHÂN đến QỦA còn có một chữ DUYÊN nữa. Nhân nào cho ra Qủa nấy là đúng với Nguyên Lý rồi, nhưng luôn có cái DUYÊN chen vào, vì vậy mà Thành Qủa sẽ khác đi. Ví dụ như truyện "ÁN TỬ" trong đời Xuân Thu sau đây :     

       Một lần Án Tử vâng lệnh vua Tề đi sứ sang nước Sở. Vua Sở định làm nhục để thử tài của Án Tử, nên sau khi ban rượu, thì cho lính dẫn một người bị trói đi ngang qua. Vua Sở mới hỏi là người đó phạm tội gì ? Lính đáp, đó là một người ở nước Tề, phạm tội ăn trộm ngựa. Vua Sở bèn cười mà quay sang hỏi Án Tử là : "Người nước Tề hay ăn trộm lắm hay sao ?". Án Tử mới đứng dậy chắp tay thưa rằng : "Thần nghe nói, cây quít trồng ở phương bắc thì cho trái to và ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương nam thì lại cho trái nhỏ và chua, là bởi vì đâu ? Đó là đều do Thủy Thổ mà ra cả ! Nay người nước Tề ở nước Tề thì không trộm cắp, sang qua ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, thần nghĩ chắc cũng do cái Thuỷ Thổ bất đồng mà sinh ra như thế chăng ?! Vua Sở cười rằng : "Ta vì muốn nói chơi mà bị nhục !". Thế mới biết kẻ cả không nên nói chơi bao giờ !




       Cái "THỦY THỔ " mà Án Tử đã nói ở trên, chính là cái "DUYÊN" trong Nhân Qủa đó. Cũng "hạt giống" đó cho ra "Trái đó", nhưng lớn, nhỏ, chua, ngọt có khác. Vì đâu ? Vì khí hậu thời tiết, đất đai thổ nhưỡng khác nhau, vì cái "DUYÊN" khác nhau. Cái Duyên trong nhà Phật chính là cái Hoàn cảnh, điều kiện sống mà ta gặp phải, nên mỗi người đều có một cái DUYÊN RIÊNG của mình. Cũng cùng kinh doanh nhưng thành đạt lớn nhỏ thì có khác nhau, chính là do cái DUYÊN mà mình gặp phải đó ! Như...
      Các Ma tăng, sàm tăng có cái Duyên với tu hành, lại có cái Duyên với các tín đồ Phật tử trong thời buổi này, nhưng lại không biết giữ mình tu tập cho nghiêm chỉnh đứng đắn, lại lợi dụng niềm tin của Phật tử, lợi dụng cái Duyên mà mình có được để làm giàu cho bản thân, kêu gọi Phật tử phải cúng dường bằng tiền có mệnh giá lớn, để cho Tham Sân Si che lắp cả Phật tính, rồi lại "Đắc ý vong hình 得意忘形" quên mất mình là ai, vọng tưởng mình là Thích Ca, Bồ Tát nên lại dám cả gan sửa đổi cả các "Giới luật thanh quy 戒律清規" trong Ngũ Giới Cấm, đổi giới cấm thứ 3 là TÀ DÂM thành KHÔNG PHẢN BỘI, để mặc sức mà TÀ DÂM chăng ?! KHÔNG PHẢN BỘI là phải trung thành với Thầy, không được tố giác những việc làm xấu xa đồi bại của Thầy với người khác ?! Nhưng cuối cùng cái Nghiệp Lực đã viên mãn, cái Duyên cũng đã đến mức cùng cực, nên chỉ cần "Những bước chân âm thầm lặng lẽ nhưng lại có tác dụng như sấm sét của sư MINH TUỆ" làm cho các Ma tăng Sàm tăng... tất cả đều hiện nguyên hình để chịu sự chế tài của Phật pháp và của Luật Nhân Qủa. Vì làm qúa nhiều điều xằng bậy, nên mới bị Qủa Báo Nhãn Tiền, chớ không cần phải đợi đến kiếp lai sinh. Như cụ Nguyễn Du đã viết :


                        Có Trời mà cũng tại ta...   

        
      Truyện NHÂN QỦA gần đây đang lan truyền mạnh mẽ ở vùng Đông Bắc Trung Hoa là truyện về tướng Lâm Bưu, một trong Bộ Tứ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thời tiền Cách mạng Văn Hóa như sau :
 
       Ai cũng biết Dương Gia Tướng 楊家将 là khai quốc công thần của nhà Tống. Tống Thái Úy Dương Nghiệp 楊業 (tức Dương Lệnh Công) bị gian thần Phan Nhân Mỹ hãm hại, nên bại binh ở Kim Sa Than bị quân Liêu bắt rồi nhịn đói 3 ngày mà chết. Cùng chết với ông còn có 4 người trong Thất Lang Bát Hổ và 2 tướng bị bắt : Duy chỉ có người con thứ 5 là Ngũ Lang đột phá vòng vây chạy lên Ngũ Đài Sơn lánh nạn, rồi bái hòa thượng Tuấn Kiến xin được xuất gia và an thân nơi cửa Phật. Cây thiết bổng mà Dương Ngũ Lang sử dụng khi đánh trận hiện nay vẫn còn được bảo quản trong Tàng Trân Lâu của nhà chùa. Lúc bấy giờ Thái Bình Hưng Quốc Tự được xây dựng từ năm Công Nguyên 982, Dương Ngũ Lang là chủ trì đời thứ 2 của chùa. Người đời sau vì sự trung nghĩa oanh liệt của Dương Gia Tướng mà đổi tên chùa thành NGŨ LANG MIẾU 五郎廟 suốt hơn một ngàn năm nay. Nào ngờ... 
     Ngày 13 tháng 9 năm 1970 Lâm Bưu 林彪 là Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng và là Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương đưa bộ đội đến Ngũ Đài Sơn mang theo đầy đủ bom mìn để giật sập Ngũ Lang Miếu và Kim Cang Quật ở bên cạnh, gây nên những  tiếng nổ rền vang rung động cả núi rừng và khói lửa mịt mù cả vùng trời của Ngũ Đài Sơn, và ra lệnh đuổi hết trên 300 tăng ni xuống núi bắt phải hoàn tục; chỉ để xây nên một hành cung biệt phủ riêng cho gia đình mình. Với trình độ khoa học kỹ thuật của ngành xây dựng lúc bấy giờ mà Lâm Bưu đòi hỏi biệt phủ phải sáng sủa mà không được thấy ánh đèn, phải thoáng khí mát mẻ mà không được thấy quạt gió... và phải hoàn thành trong vòng một năm. Qủa là những đòi hỏi xa xỉ và qúa đáng của một kẻ võ biền ngu ngốc mà hống hách ! Khi biệt phủ hành cung xây xong, gia đình của Lâm Bưu chỉ ở được có một ngày duy nhất mà thôi ! Vì...
      Ngày 13 tháng 9 năm 1971, gia đình Lâm Bưu, cùng với vợ là Diệp Quần, con trai là Lâm Lập Qủa, cùng các phụ tá và phi hành đoàn gồm 9 người trên chuyên cơ 256 AP-ATL bị rớt ở Thị trấn Bối Nhĩ Hách của Mông Cổ. Tất cả 9 người đều bị tử vong. Mọi người nghe tin đều cho đó là Luật Nhân Qủa, là cái Qủa Báo của những kẻ phá chùa phá miểu và bức hại tăng ni. Ngày máy bay rớt cũng chính là ngày mà Lâm Bưu hạ lệnh cho bộ đội đặt bom phá Ngũ Lang Miếu của một năm sau đó. Hình ảnh chụp được trong ngày phá chùa giữa lửa khói mịt mù hôm đó có ẩn hiện hình của Văn Thù Bồ Tát là vị Bồ Tát mà tất cả các tự miếu ở Ngũ Đài Sơn đều thờ phượng.


      Trước mặt Phật Đà và Bồ Tát, chúng sinh đều bình đẳng như nhau, đều không thoát khỏi Lục Đạo Luân Hồi. Những con vật bị ta giết hại để ăn thịt, những người bị ta hãm hại đến bước đường cùng, đến tán gia bại sản, đến chết... Những sự sợ hãi, phẫn nộ, hờn oán đó khó mà tiêu trừ cho được mà ngày càng tích lũy và đè nặng tâm tư của ta hơn. Nên nếu đã lỡ làm ác thì phải biết sám hối tu tập để giải trừ phần nào đó tội nghiệt của mình đã gây nên.
      Oán có đầu, nợ có chủ; Phật và Bồ Tát chỉ là người trung gian điều hợp, khuyên ta hướng thiện để nhẹ bớt lỗi lầm và cũng khuyến khích thế nhân nên từ bi hỉ xả, bao dung cho những người lầm đường lạc lối biết quay đầu trở lại. Nói chung là...
      Tất cả các tôn giáo ở trên đời nầy đều khuyên ta hướng thiện, làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức. Có thế, mới có thể quân bình được tâm lý và khơi dậy các thiện nguyện ở trong lòng, kết nhiều thiện duyên để hóa giải nhất thiết hờn oán ở trên đời nầy; và có thế mới tạo nên được những nghiệp duyên tốt đẹp trong NHÂN QỦA, LUÂN HỒI luôn luôn đang vận hành trong TUẦN HOÀN của đời sống nhân sinh !
      
       NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !
       NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT !



                                                          杜紹德
                                                         ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

LK NGƯỜI DƯNG - Huỳnh Thanh Sang | Playlist DÂN CA MIỀN TÂY 2024













VỌNG PHU, TÌNH CỜ - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 


VỌNG PHU

 

Ngàn năm ngóng mãi tít xa mù

Mưa nắng tàn phai đọng tiếng ru

Ngậm ngãi tìm trầm đi biệt biệt

Trông chồng lộng gió thổi u u

Đau thương nước mắt tuôn dòng suối

Trắc trở tình duyên hóa Vọng Phu

Thương kẻ ôm con thành tượng đá

Phụ bần tham phú chuyện thiên thu

 

TÌNH CỜ       

 

Tình cờ gặp lại giữa sân ga

Em của tôi xưa đã chớm già

Ánh mắt mơ buồn màu năm cũ

Nụ cười héo úa bóng ngày qua

Hẹn thề thuở ấy còn vương vấn

Luyến nhớ bây giờ vẫn thiết tha

Tàu đến rồi đi người cũng thế

Bồi hồi tiễn biệt khói mờ xa

 

 

        Nha Trang, tháng  9. 2024

               LÊ KIM THƯỢNG