CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

CHIẾU RƯỢU - THƠ TRẦN HOÀI THƯ






CHIẾU RƯỢU

Thau rượu có gì nơi đáy thiếc?
Vâng, có rất nhiêu tình nghĩa anh em
Đêm ở núi chỉ một vầng trăngkhuyết
Nhưng rượu thì nồng. ấm cà con tim

Ta cũng hiểu ta không là rượu sĩ
Cũng nốc vào những cốc rươu chuyền tay
Có một lúc ta ngừng không uống nổi
Tiếng cười dòn chế nhạo vẳng bên tai

"Ai cõng ông thây lúc ông bị thương ?"
Như thăng Luông cõng cứu thằng Hường
Để rồi trúng đạn nằm đôi bạn
Sóng soải bên nhau giữa chiến trường

Thau lên, rượu đế, chuyền nhau uống
Uống cả tình, và uống cả vàng trăng
50 năm sau, bỗng thấy mình muốn khóc
Giữa căn phòng trơ trọi lặng câm


TRẦN HOÀI THƯ

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

NƯỚC NGUỒN - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 



NƯỚC NGUỒN
Mùa Phật Đản 2024.

Nước thơm trong
Chảy từ nguồn,
Thời gian lặng lẽ lách luồng dòng trôi
Nước thơm trong
Miền ngược xuôi,
Vẫn ngày tháng với dòng đời đục trong.
Xa nguồn từ độ mây hồng,
Ai hay hương vị đến mông mênh đời.
Từng vách đá,
Từng vịnh, voi
Đục trong những lúc đầy vơi tháng ngày.
Đôi bờ lau lách sông dài
Hành trình con nước ngày mai vẫn còn.!
Mây nghiêng bóng nước đầu non,
Nước chuyên chở cả tình son biển trời.
Từ thiên không
Giọt sương rơi,
Trên muôn lá cỏ tiếp lời nước mây.
Nước nguồn
Vạn thuở xưa nay,
Bến đời trong đục, không phai vị nguồn..


Houston (Tx), ngày 28/4/2024.
MẶC PHƯƠNG TỬ.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

MỘT ĐỜI CHỢ QUÊ - TỪ KẾ TƯỜNG

 



MỘT ĐỜI CHỢ QUÊ

Tôi ở làng Phú Vang, ngày nhỏ làng chỉ có trường tiểu học sơ cấp, học theo chương trình Pháp, lớp đếm ngược: lớp năm, lớp tư, lớp ba (tức lớp 1,2,3 bây giờ). Thầy giáo đều là nam, thầy giáo dạy lớp ba đồng thời là hiệu trưởng. Tôi học hết lớp ba, học cực giỏi, luôn đứng bảng danh dự, bảng danh dự có 3 hạng nhất, nhì ba…tôi ít khi nào rơi xuống hạng ba. Hết lớp ba thi sơ học, đậu lên lớp nhì phải xuống trường tiểu học xã Lộc Thuận học ké, lên lớp nhất, đậu tiểu học phải học lớp tiếp liên, gọi là lớp chuyển cấp để thi lên lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ).
Có lẽ Lộc Thuận là xã lớn nên có trường tiểu học tới lớp đệ thất và có tới 2 cái chợ cũng khá lớn: chợ Lộc Thuận ngoài và chợ Lộc Thuận trong. Chợ ngoài vì nó ở gần sông, chợ trong vì nó ở gần lộ đá, con lộ lớn từ trung tâm thị trấn (hồi đó còn là huyện) chạy lên tỉnh Bến Tre (quẹo trái ở ngã tư huyên Châu Thành, quẹo phải ra phà Rạch Miễu huyện Tân Thạch qua Mỹ tho, Tiền Giang). Ngày nhỏ, 5-6 tuổi tôi thường được má tôi dẫn theo lúc bà đi chợ Lộc Thuận ngoài (vì chợ Phú Vang là chợ nhỏ, chợ chồm hổm chỉ bán vài thức lặt vặt). Ký ức của một đứa trẻ theo mẹ đi chợ xa, trên con đường đất viền hai vạt cỏ xanh, chạy giữa hai cánh đồng làng mênh mông vào mùa lúa cấy hay khi xong vụ gặp giáp tết thật đẹp. Tôi nhớ mãi.
Khi được học trường tiểu học Lộc Thuận tôi đã 9-10 tuổi, vì nhà xa nên mang theo cà men cơm để buổi trưa ở lại lớp ăn, chờ giờ học buổi chiều (hồi đó học ngày 2 buổi). Buổi trưa ăn cơm xong tại lớp, tôi và mấy mấy đứa bạn rủ nhau ra chợ Lộc Thuận ngoài chơi, buổi trưa chợ thưa người, nhà lồng chợ rộng thênh thang thoang thoảng mùi vải mới, mùi cây trái, mùi hành tỏi hăng hắc, mùi đường ngòn ngọt…cái mùi chợ trưa vắng người cứ đi mãi vào ký ức tôi tới tận bây giờ. Loanh quanh nhà lồng chợ tìm tổ chim sẻ chán, tôi và mấy đứa bạn đi dọc theo phố chợ nhặt những trái me tây chín khô đen, rụng lăn lốc trên vỉa hè dùng đá đập ra nhấm nháp lớp cơm mỏng bao quanh cái hột trái me tây có vị ngọt ngọt nồng, đắng đắng. Ăn nhiều quá có thể bị say, tê tê đầu lưỡi.
Thỉnh thoảng tôi mới có địp được vào chợ Lộc Thuận trong, tất nhiên cuốc bộ, đi thẳng từ nhà vào lộ đá tới chợ thì đường xa hơn là đi từ trường tôi học vào chợ. Nhưng đường nào cũng tới ngã ba Lộc Thuận và lộ đá, đây là khu vực thị tứ, sầm uất, phố sá buôn bán, tiệm cà phê, hũ tiếu, tiệm sửa xe, hớt tóc… chợ nằm sát lộ đá, đối diện ngã ba, nhà lồng chợ Lộc Thuận cũng lớn như nhà lồng chợ Lộc Thuận ngoài, thỉnh thoảng có gành hát cải lương về, hoặc đoàn mô tô bay ghé lại diễn, nhà lồng chợ được bao lại bằng vải bạt dày, xe lôi quảng cáo chạy khắp mấy làng Phú Vang, Lộc Thuận, Tân Định, Vang Quới… tiếng trống thùng thùng, thúc giục người làng đi xem hát.
Bây giờ, có dịp về quê tôi vẫn hay đi chợ Lộc Thuận ngoài và chợ Lộc Thuận trong như đi tìm kỷ niệm xưa, lần theo dấu vết tuổi thơ trên đường đất lầy lội, bụi cát, gió lộng, tóc khét nắng… với nỗi ngậm ngùi sâu kín, nhớ lại trường học, những gương mặt thầy cô, những đứa bạn kẻ mất người còn nhưng không được gặp lại. Đặc biệt chợ Lộc Thuận trong có mấy quán cà phê cóc ven chợ, ngay ngã ba tôi rất thích ngồi ở đây để nhìn qua cửa chợ ngắm người mua, kẻ bán, quầy sạp, như một người đi tìm hình bóng xưa, gương mặt cũ. Có một lúc, chợ Lộc thuận trong không biết nghĩ sao người ta đổi tên thành chợ Lộc Sơn, cái tên rất xa lạ, chẳng tạo xúc cảm gì, với tôi cái tên ấy lại càng vô cảm.
Nhưng may sao, gần đây chợ được xây mới, khang trang hơn, đổi lại tên cũ là chợ Lộc Thuận. Mỗi lần về quê, đi chợ, chỉ để uống cà phê, tôi thích ngồi cái quán cà phê cóc ven đường chợ, ngay ngã ba chợ để ngắm chợ, như ngắm bóng dáng tuổi thơ thôi đã gắn liền với mấy đời chợ sớm, chợ trưa và bồi hồi, xúc động như đã tìm được thứ hạnh phúc vàng đã đánh mất sau những năm tháng bụi mờ.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

CHÉN TRONG TRUYỆN KIỀU - PHIẾM LUẬN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 


Tạp Ghi và Phiếm Luận : 


                 CHÉN trong TRUYỆN KIỀU


      Trong Văn học cổ, CHÉN không phải là dụng cụ dùng để ăn như ta hiện nay : Ăn cơm, ăn cháo, ăn phở, ăn mì... mà là dụng cụ dùng để uống : Uống nước, uống canh, uống trà, uống rượu... Nhất là dùng để uống rượu ! Không cần phải có Túc từ RƯỢU, chỉ cần nhắc tới CHÉN là người đọc biết ngay đó là CHÉN RƯỢU. Như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du chẳng hạn. 

      Sau đây ta sẽ lần lượt điểm qua hết các CHÉN trong Truyện Kiều nhé. 

      Khi lần đầu tiên Kim Trong và Thúy Kiều hội ngộ, lúc "Nhà lan thanh vắng một mình, Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay". Và sau khi đã :

                                 Đủ điều trung khúc ân cần,
                         Lòng xuân phơi phới CHÉN XUÂN tàng tàng.

         - CHÉN XUÂN tức là chén rượu uống trong ngày xuân đó. Đối với Kim Kiều lúc bấy giờ thì CHÉN XUÂN cũng là chén rượu tình xuân của đôi lứa đang xuân với tình xuân phơi phới.

     ... và sau khi "Tóc tơ căn dặn tấc lòng, trăm năm tạc một chữ đồng đến xương", rồi thì...

                                 CHÉN HÀ sánh giọng quỳnh tương,
                              Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.

        - CHÉN HÀ là chén uống rượu có vẽ hoa văn như mây ngũ sắc rất đẹp ở trên trời. HÀ 霞 : là Ráng, mà Ráng là mây màu rực rỡ của buổi sáng ở trời đông và sặc sỡ trong buổi chiều khi hoàng hôn xuống ở trời tây. Ta gặp lại chữ HÀ nầy trong phần sau, khi Từ Hải đã xưng vương xong cho mười vị tướng quân đi đón Thúy Kiều với :

                            Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
                           Hoa quan chấp chới HÀ Y rỡ ràng !

      HÀ Y 霞衣 là Áo có thêu mây màu ngũ sắc và hình chim loan chim phượng để cho các phi tần và hoàng hậu mặc trong cung. 

                   


         Khi đã bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều đã nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa tình cho chàng Kim Trọng, khi "Giữa đường đứt gánh tương tư, Giao loan chắp nối tơ thừa mặc em". Bởi vì ...

                                Kể từ khi gặp chàng Kim,
                       Khi ngày quạt ước, khi đêm CHÉN THỀ.

     - CHÉN THỀ là Chén rượu uống để thề thốt cùng yêu nhau trong đêm hội ngộ.
                             
                      

      Sau đêm thất thân với Mã Giám Sinh, khi "Lầu mai vừa rút còi sương, Mã sinh giục giã vội vàng ra đi ", mặc dù Vương Ông đã đặt tiệc tiễn hành ở " Bề ngoài mười dặm trường đình". Mã Giám Sinh vẫn cứ gấp gáp muốn lên đường ngay :

                              Vài tuần chưa cạn CHÉN KHUYÊN,
                             Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe.

      - CHÉN KHUYÊN là Chén rượu khuyên mời nhau uống lúc chia tay.

      Khi ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều mang tâm trạng ngỡ ngàng của thân phận lạc loài với "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng", khi nhớ đến người yêu :

                           Tưởng người dưới nguyệt CHÉN ĐỒNG,
                         Tin sương luống những rày trông mai chờ.

      - CHÉN ĐỒNG là Chén rượu cùng uống để cùng thề nguyền với nhau.


                        
      Khi được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh và được quan phủ thử tài rồi khen " Thực là tài tử giai nhân, Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn" rồi tác hợp cho sống cuộc sống lứa đôi với nhau. Thúy Kiều sau một năm hnh phúc lại rất biết điều mà khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư để tránh cảnh "Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang". Thúc Sinh đã nghe theo nên lại có cuộc chia tay :

                                Tiễn đưa một CHÉN QUAN HÀ,
                            Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.

     - CHÉN QUAN HÀ : Quan 關 là Quan Ải 關隘, Hà 河 là Giang Hà 江河. Nên QUAN HÀ chỉ nơi sông ngòi quan ải xa xôi; CHÉN QUAN HÀ là chén rượu tiễn đưa người đi đến nơi xa xôi diệu vợi, cách trở quan san. Đưa Thúc Sinh đi, Thúy Kiều cũng đã nhắc nhở chàng nhớ ngày trở lại bằng lời nhắn nhủ :

                               Chén đưa nhớ bửa hôm nay,
                        Chén mừng xin hẹn ngày này năm sau.

          - CHÉN ĐƯA là chén rượu uống khi đưa tiễn. Còn...
          - CHÉN MỪNG  là chén rượu uống mừng khi gặp lại nhau.

       Khi về đến nhà gặp Hoạn Thư thì Thúc Sinh quên tuốt luốt lời Thúy Kiều căn dặn "Đôi ta chút nghĩa đèo bòng, Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh", mà cứ lo...

                             TẨY TRẦN vui CHÉN THONG DONG,
                               Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

     - TẨY TRẦN 洗塵 : là Rửa Bụi, là Rửa đi những bụi bặm trong bước đường dài. Ngày xưa, khi người đi xa về hoặc có bạn bè từ xa đến, thì chủ nhà thường làm một tiệc để đãi khách, gọi là TIỆC TẨY TRẦN.
     - CHÉN THONG DONG là Chén rượu uống một cách thung dung nhàn nhã trong bữa tiệc tẩy trần. Và ...

                    

     Vì qúa thong dong mà Thúc Sinh " Nghĩ đà bưng kín miệng bình, Nào ai có khảo mà mình lại xưng ?" để đến nỗi Hoạn Thư cho bắt Thúy Kiều về làm Hoa Nô, và khi tưởng Kiều đã bị chết thiêu, Thúc lại " Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê" gặp lại Thúy Kiều đang là con hầu của Hoạn Thư thì mới tá hỏa rồi... khóc. Hoạn Thư hỏi thì nói dối là "...hiếu phục vừa xong" vừa mới hết tang mẹ, nên Hoạn Thư lại : 

                                   Khen rằng: Hiếu tử đã nên!
                         TẨY TRẦN mượn CHÉN GIẢI PHIỀN đêm thu.
         
     - CHÉN GIẢI PHIỀN là Chén rượu uống để giải trừ phiền muộn buồn bã.

     Thúc Sinh cứ ngỡ là nói dối xong thì đã yên chuyện, nào ngờ con vợ qủy quái bắt Thúy Kiều phải đứng hầu rượu để cho :

                                 Vợ chồng CHÉN TẠC CHÉN THÙ,
                                Bắt nàng đứng chực Trì Hồ hai nơi.

     - CHÉN TẠC CHÉN THÙ : TẠC 酢 là Mời Ngược, nên CHÉN TẠC là Chén rượu của người khác mời mình. THÙ 酬 là Mời khách, nên CHÉN THÙ là Chén rượu của mình mời người khác uống. Nên THÙ TẠC 酬酢 là Mời qua mời lại với nhau khi uống rượu.
     - Nói thêm về từ TRÌ HỒ 持壺 : TRÌ là Cầm là Bưng; HỒ là Bình (rượu). Câu "Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi" là : Bắt Thúy Kiều cầm bình rượu đứng đó để rót rượu cho hai vợ chồng mời mọc lẫn nhau. Khiến cho :

                               Sinh càng như dại như ngây,
                        Giọt dài giọt vắn CHÉN ĐẦY CHÉN VƠI..
 
      - CHÉN ĐẦY CHÉN VƠI là hết chén rượu nầy tới chén rượu khác, uống vương vãi hổ lốn.

     Đến khi chịu hết nỗi, Thúc sinh mới "Cáo say chàng đã toan bài lảng ra", thì "Tiểu thư vội thét: Con Hoa! Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn". Làm cho :

                               Sinh càng nát ruột tan hồn,
                        CHÉN MỜI phải ngậm bồ hòn ráo ngay.


  
     Trúng kế Hồ Tôn Hiến, sau khi Từ Hải đã chết đứng giữa chiến trường rồi, Thúy Kiều lại bị Hồ Tôn Hiến "Bắt nàng thị yến dưới màn" phải hầu rượu trong bửa tiệc và có lẽ đã phải "hầu" luôn Hồ Tôn Hiến trong đêm đó, vì cụ Nguyễn Du đã viết "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình", và đến sáng hôm sau khi :

                               HẠ CÔNG CHÉN đã quá say,
                          Hồ công đến lúc rạng ngày tỉnh ra .
                              Nghĩ mình phương diện quốc gia,
                         Quan trên nhắm xuống người ta trông vào .

     - HẠ CÔNG 賀功 : HẠ là Hỉ HẠ, là Ăn Mừng; CÔNG là Thành Công, ở đây là Thắng trận. Nên CHÉN HẠ CÔNG là Chén rượu ăn mừng khi thắng trận.



      Đến khi nhờ Giác Duyên chỉ điểm tìm được Thúy Kiều và Vương Ông đã thuyết phục nàng phải về với gia đình, thì "Một nhà về đến quan nha, Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy". Lúc bấy giờ, khi :

                            Tàng tàng CHÉN CÚC dở say,
                       Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.
                            Rằng trong tác hợp cơ trời ...

     - CHÉN CÚC là Chén rượu được ủ bằng hoa cúc, là Cúc Tửu 菊酒. Thường thì rượu cúc thơm và nhe, nên các bà các cô hay uống thứ rượu nầy.



     Khi Thúy Kiều đã bị mọi người trong nhà thuyết phục để nối lại duyên xưa với Kim Trọng, "Cùng nhau giao bái một nhà, Lễ đà đủ lễ đôi đà đủ đôi", để đưa đến :

                              Động phòng dìu dặt CHÉN MỒI,
                     Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa .
                              Những từ sen ngó đào tơ,
                         Mười lăm năm mới bây giờ là đây !

     ... và khi Kim Kiều đã cùng nhau thoả thuận không "động phòng" tối hôm đó, nhưng lại :

                              Thêm nến giá nối hương bình,
                    Cùng nhau lại chuốc CHÉN QUỲNH giao hoan .                                             

     - CHÉN QUỲNH là CHÉN QUỲNH TƯƠNG 瓊漿 : là loại rượu được ủ bằng trái cây cho lên men, nên có màu lóng lánh như đá qúy QUỲNH DAO. Quỳnh Tương 瓊漿 là rượu trái cây, rượu cocktail của hiện nay đó. Trong truyện Nôm Tây Sương Ký khi tả cảnh Thôi Oanh Oanh thất thân với Trương Quân Thụy cũng đã có câu :

                            CHÉN QUỲNH sóng sánh hồng nhan,
                           Sẵn chăn phỉ thúy sẵn màn phù dung.

     - CHÉN QUỲNH còn có nghĩa là Chén uống rượu được làm bằng đá quý Quỳnh Dao, gọi là QUỲNH BÔI 瓊杯: là Ly uống rượu làm bằng ngọc quỳnh. Như trong truyện thơ Nôm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) :

                             Đào mai đua mặt dâng câu gấm,
                         Thông cúc dang tay chuốc CHÉN QUỲNH.

      Nói thêm về rượu Quỳnh Tương, gọi cho đủ tên là NGỌC DỊCH QUỲNH TƯƠNG hay là QUỲNH TƯƠNG NGỌC DỊCH 瓊漿玉液 là thứ dung dịch được tan chảy ra từ ngọc hay được chế biến từ các loại ngọc. Theo thần thoại Trung Hoa cổ đại, đây là loại thức uống của các thần tiên, nên người thường uống vào có thể thành thần tiên được. Theo Sở Từ 楚辭, chương《Cửu Tư. Tật Thế 九思·疾世》của Vương Dật đời Hán có câu :"Duyện Ngọc Dịch hề chỉ khát, giảo chi hoa hề liệu cơ 吮玉液兮止渴,嚙芝華兮療饑". Có nghĩa : Nút dung dịch của ngọc để giải khát, Nhai hoa của nấm Linh chi để đỡ đói. Chỉ đời sống của các thần tiên trong núi. Lại có thuyết cho rằng QUỲNH TƯƠNG NGỌC DỊCH 瓊漿玉液 là thứ rượu được ũ bằng các loại trái cây qúy hiếm mà bà Tây Vương Mẫu dùng để đãi khách trong tiệc Hội Bàn Đào. 
      Trong tích Lam Kiều (Cầu Lam) Chàng thư sinh lạc đệ Bùi Hàng 裴航 gặp Phàn phu nhân hồi âm cho bài thơ dự đoán trước tình duyên của chàng với Vân Anh như sau :

                一飲瓊漿百感生,   Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
                玄霜搗盡見雲英。   Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
                藍橋便是神仙窟,   Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
                何必崎嶇上玉京?   Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?
    Có nghĩa :
                Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
                Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
                Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
                Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Kinh ?!


      Tất cả gồm 20 chữ CHÉN trên đây đều chỉ CHÉN RƯỢU, mặc dù không có từ RƯỢU đi kèm, nhưng mọi người đều hiểu đó là CHÉN RƯỢU, và đó cũng là một trong những cách dùng chữ tài tình của Truyện Kiều, của cụ Nguyễn Du. Ở cuối tác phẩm, cụ mới cho một từ CHÉN RƯỢU xuất hiện hiên ngang để kết thúc cho một cuộc tình có hậu, một tác phẩm có hậu theo kiểu cổ điển xưa là "Văn dĩ tải đạo"; Cuối cùng rồi những người tốt cũng sẽ có được hoàn cảnh tốt "Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào" như cảnh Kim Kiều tái hợp vậy 

                               Khi CHÉN RƯỢU khi cuộc cờ,
                           Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
                               Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
                           Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy !...



          Có tất cả "21 CHÉN" trong truyện Kiều từ đầu bài viết cho đến cuối là :

               1. Chén Xuân               2. Chén Hà               3. Chén Th               
               4. Chén Khuyên           5. Chén Đồng            6. Chén Quan Hà      
               7. Chén Đưa                8. Chén Mừng            9. Chén Tẩy Trần  
             10. Chén Thong Dong   11. Chén Giải Phiền    12. Chén Tạc    
             13. Chén Thù               14. Chén Đầy             15. Chén Vơi           
             16. Chén Mời               17. Chén Hạ Công       18. Chén Cúc               
             19. Chén Mồi               20. Chén Quỳnh
                                                               ...  và cuối cùng là CHÉN RƯỢU !

           Xin được kết thúc tất cả các "CHÉN trong Truyện Kiều" ở đây. 

           Hẹn bài viết tới !


                                                               杜紹德
                                                       ĐỖ CHIÊU ĐỨC