''BẾN DUYÊN LÀNH”
Nhạc sĩ Miền Nam viết nhạc về BẾN khá nhiều. Nghĩa là Bến sông, Bến đò, Bến… ấy…, nơi đây là những cuộc hò hẹn, gặp gỡ, chia ly, người đi kẻ ở… Biết bao nhiêu cuộc tình nơi những Bến không tên!
Nói về Bến, thì cuộc đời của người con gái có 12 bến nước, trong nhờ đục chịu, còn người con trai sao không có bến nào ? Chắc tiền nhân cũng đã nói về vấn đề này rồi, nên tôi miễn bàn ở đây, mà tôi chỉ nói đời người con gái có một bến là: BẾN DUYÊN LÀNH và trong 12 bến nước ấy không biết có bến nào là “Bến duyên lành” hay không?
Một ngày nghe nhạc, bỗng đâu “Bến duyên lành” xuất hiện. Một bài hát “lâu ơi là lâu” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Những ngày rất xa xưa, tôi đã biết hát “Bến duyên lành”, một bài hát bây giờ nghe lại chỉ để hoài niệm, vì bến bờ cũ đã mất, đã xa tắp, hoặc có còn thì cũng đã thay hình đổi dạng, nhưng dù có thế nào, quê hương Việt Nam nhìn đâu cũng thấy những cây dừa: “… Đây quê tôi cao vút bóng dừa xanh/ Đời êm trôi trong mái lá dịu hiền…”.
Nhắc đến “bóng dừa xanh”, tôi nhớ quê tôi có những hàng dừa cao ngất, ông bà, cha mẹ đã trồng từ hồi Pháp thuộc. Một thứ dừa chịu nước biển nên sai trái, nước ngọt và cho bóng mát quanh năm. Có những cây dừa bị thương, mang đầy thương tích của tàu thủy Pháp cân “mọt-chê”. Thời kháng chiến chống Pháp dân làng lên núi vào rừng, bỏ những hàng dừa xanh một thời cô quạnh, hoang sơ.
Chúng tôi ở rừng, đã nhiều lần rủ nhau trở về nhà cũ, trèo ăn trộm dừa. Chủ những vườn dừa chống trộm bằng cách “bôi mở cá mòi” lên thân cây dừa, ôm vào nó dính mình và trơn hơn bất cứ một loại mở nào! Một sáng kiến của những ông già hút thuốc rê, đi chân đất, mù chữ! Nhìn lên thấy buồng dừa, mà thèm, nhưng đành chịu, dù tôi lúc nhỏ là một kiện tướng leo dừa mướn.
BẾN DUYÊN LÀNH, một bài hát, hát trong giai điệu Rumba-Boléro, nhịp nhàng, khoang thai, như một mái chèo dịu dàng đưa người nghe từ miền Trung qua miền Nam sông nước.
Ai đã từng nghe bài hát này, mới thấy Phạm Thế Mỹ, người nhạc sĩ dành một chỗ rất trang trọng cho quê hương: Cây lúa, bến sông, con đò, xóm nghèo… Rồi trong những giờ phút nghĩ về quê hương, anh lại thốt lên: Thương quá Việt Nam (Một nhạc phẩm nổi tiếng một thời của anh).
Tôi không nhớ bài hát “Bến duyên lành” ra đời năm nào, chỉ biết hình như lâu lắm, nghĩa là cái ngày bỗng dưng nhạc không thể thiếu trong đời sống của người miền Nam. Rất nhiều bài hát của “Những ngày xưa thân ái” vừa mới ra đời là chúng tôi hát được, nghe được, dù chỉ nghe qua một vài lần!
Nghe “Bến duyên lành”, (một trong những Bến nước của đất nước Việt-Nam) như một người thân yêu đã xa nhau một thời gian không tính bằng tháng mà tính bằng năm:
“… Ai đi qua trên bến nước làng tôi
Dừng chân nghe cô lái hát khoan hò
Hò hò ơ
Bên bến tự do trăng nước xuôi dòng trôi
Chim trắng bay ngàn lối
Trăng lên khơi chênh chếch bóng đầu non
Để anh tôi buông mái ngắm trăng tròn
Hò hò khoan
Bên bến đò ngang
Soi bóng con thuyền nan
Ta đắp xây mộng vàng…”.
Bài hát nó đứng được vững vàng trong lòng người nghe qua bao dâu bể là nhờ nhạc sĩ biết “Tả những cạnh đẹp” lồng vào tình yêu thiết tha dành cho đất nước, cho nhân sinh:
“… Mai về ngược sóng Đồng Nai
Sông dài lại thắm tình ai
Đời có em quên lầm than
Ruộng lúa kia cho thơm vàng
Đời nghèo thêm dịu dàng…”
(Bến duyên lành).
Và trong “Bến duyên lành”, có nói một câu tưởng thừa, nhưng rất thật, có còn chăng trong cuộc đời này:
“… Yêu thương nhau
Tay nắm lấy bàn tay
Dù mai sau mưa nắng có phai màu…”
Bài hát ra đời rất lâu, nhưng hôm nay nghe lại để nhớ “Những ngày xưa thân ái” trên quê hương.
TRẦN HŨU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét