CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

NHỚ LUỸ TRE LÀNG - TRẦN HỮU NGƯ

 



NHỚ LŨY TRE LÀNG
Đã lâu lắm không về quê, tôi nhớ lũy tre làng. Nhưng phần đông ở quê bây giờ ảnh hưởng đô-thị-hóa hoặc ít ra cũng đã làm “nông-thôn-mới”, nên đã mất nhiều thứ trong đó có lũy tre?
Tuy không về quê, nhưng tôi biết chắc rằng, lũy tre làng không còn. Tôi đã xa quê lâu rồi. Xa thật rồi. Dù xa quê, nhưng ai ngăn được nỗi nhớ quê hương?
Riêng tôi, tôi nhớ lũy tre làng, vì nơi đây tôi đã sinh ra rồi lớn lên, nhìn đâu cũng thấy cây tre, thấy những con chim đậu mút trên cành tre đu đưa tưởng có thể nó rớt xuống được, và gió lay cành tre kẽo kẹt làm nên một điệu nhạc vui tai. Và thật khó mà quên được những nhạc phẩm viết có hình bóng “cây tre” đã đi vào lòng người: “Có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo” (Nhạc Đường xưa lối cũ - Hoàng Thi Thơ), “Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngát” (Nhạc Quê hương - Hoàng Giác), “Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh” (Nhạc Tôi yêu quê tôi - Trịnh Hưng), “Bà, bà mẹ quê gà gáy trên đầu ngọn tre (Bà mẹ quê - Phạm Duy), “Có lũy tre còm tả tơi (Quê nghèo -Phạm Duy)…
Ở nhà quê còn có nhiều thứ để nhớ, nhưng bỗng dưng tôi lại nhớ lũy tre làng, và nhớ những mụt măng của một thời kiếm tìm, bới móc để cứu đói.
Ai cũng biết cây tre, dân quê tôi ăn ngủ cùng tre: Cất nhà, ngăn vách, giường nằm, thúng mủng rổ rá, đũa ăn, vót dây cột, kều móc, thang leo… nhưng điều kỳ diệu của tre thì ít người biết. Có thể nói không ngoa rằng tre là loại cây thân thiện với con người, mặc dù tràn ngập thị trường những vật dụng làm bằng inox, sắt, nhôm nhựa sáng choang, nhưng cây tre vẫn còn chỗ đứng trong đời sống hàng ngày, tuy rằng hơi khiêm tốn, lâu lâu mới tìm đến tre. Vì có những việc phải dùng đến tre mà thứ khác không thay thế được.
Ở thế kỷ 21 này, người ta bảo tồn tre bằng cách dựng lên làng tre, gây giống… (khác với lũy tre làng), nghe đâu ở thời đại khoa học kỹ thuật này, tre có tới mấy trăm loại, và điều kỳ diệu thay, tre chế ra được nước hoa, làm khung sườn xe đạp, rồi tre có khả năng giải độc v.v và v.v…
Và xin đừng quên rằng tre có một thành tích rất lớn đáng tự hào, đáng được gắn huy chương, là chống giặc ngoại xâm với những hầm chông cắm tre vót nhọn mà thằng Tây mới thấy đã phải xanh máu mặt dù chưa dẫm phải!
Quê tôi có lũy tre bao quanh làng, có phải vì vậy mà người ta gọi là lũy tre làng chăng? Tôi đoán chừng nhiều thế hệ đã cư ngụ lâu đời ở mảnh đất này, vì khi tôi sinh ra, thì lũy tre đã có rồi, mỗi ngày tre già nua theo năm tháng, nhưng không phải như vậy mà tre mất đi, nó vẫn tồn tại theo định luật “tre tàn măng mọc”.
Có một bài hát “Tre” ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, được một giọng ca vượt thời gian của ca sĩ Kim Tước cất lên nghe như tiếng sáo diều lờ lững trên không trung, âm thanh tỏa xuống cho chúng ta nghe, như nghe-một-kỷ-niệm của một thời xa ngái, đó là ca khúc “Sau lũy tre xanh” của cố nhạc sĩ Nhật Bằng:



“… Sau lũy tre xanh xưa đầm ấm
Tiếng sáo ru êm đưa nhẹ ngân
Cánh đồng lúa in trên đồi xanh
Mờ mờ xa dòng nước xuôi nhanh
Êm gió đưa sóng rung làn lúa
Bao cánh hoa nay đã tàn úa
Đâu tìm thấy những khi chiều buông
Lòng tràn ngập mối tình thương
Bao ngày xa cách lòng vẫn mong chờ
Sau hàng tre thắm dòng nước lững lờ
Mái nhà xưa khi về còn êm ấm
Mối tình xưa còn đâu tàn theo giấc mơ
Sau lũy tre xanh xưa làng cũ
Tiếng sáo ru êm đềm một chiều Thu
Bao ngày thắm khi ta còn thơ
Người ơi sao vẫn… thờ ơ…
Sau lũy tre xanh xưa đầm ấm…”
Bài hát ấy đã làm mủi lòng tôi, trong nỗi nhớ “Tre”, tuy biết rằng quê cũ bây giờ lũy tre làng không còn, bởi đất chật người đông. Nhưng dù có mất đi rồi, tôi vẫn hình dung được cái làng quê tôi ngày ấy có lũy tre xanh mướt những ngày đầu xuân, héo hắt vàng lá cuối thu và lả ngọn những ngày mưa giông bão tố.
Làng thường bao bọc bởi lũy tre, cho nên người ta gọi “Sau lũy tre” chớ không ai gọi làng “Trước lũy tre”. Cuộc đời này, hình như đằng sau bao giờ cũng bình yên hơn phía trước? Phía trước thường rủi ro, bất trắc, có đôi khi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí phải đổi bằng máu để có một phía sau an bình?
Sau lũy tre là một làng quê yên ắng, chỉ xao động những buổi sớm mai, đâu đó có tiếng “gà gáy trên đầu ngọn tre” (Phạm Duy), và một chút lao xao khi chiều về có “tiếng trâu nghé ngọ”. Thỉnh thoảng có cơn gió thoáng qua hàng tre đong đưa, và những âm-thanh, mùi vị đồng quê mà khách lạ nghe, ngửi, có đôi khi cảm thấy khó chịu, khó phân biệt được.
Thời đại chúng ta cho dù có văn minh đến mức nào đi nữa cũng phải dùng đến cây tre. Nếu không nói quá, cây tre là biểu tượng của người Việt Nam vì tính bền bỉ, dẻo dai, đoànkết (tre không mọc đơn lẻ). Nhưng để chặt được một cây tre thì không dễ chút nào! Người đời có một câu nói chắc nịch rằng, “o mèo”, “gò gái”… rất khó, nhưng chỉ đứng đằng sau cái khó của đốn tre; “Nhứt đốn tre, nhì ve gái!”. Và có một điều rất lạ, khó lý giải: Những hàng tre trồng hai bên đường bao giờ những cũng ngã cành tìm nhau chụm ngọn. Có lẽ tre biết yêu thương nhau, không thể sống tách rời nhau?
Quê hương tôi nhìn đâu cũng thấy tre… Những loại tre quen thuộc như tre gai (vì có nhiều gai), tre đá (mọc lưng chừng trong vách đá), tre lồ ô, le, tre tàu (có sọc vàng sọc, sọc xanh)… Nhưng bây giờ, các nhà khoa học, những người nghiên cứu về cây tre đã đặt tên rất đẹp cho tre Việt Nam như: Vàng sọc, tre ngà… Và có những tên nước ngoài khó đọc như Bambusa, Telnostachyum… Và cũng biết đâu chừng, một ngày nào đó cái tên dân dã khai sinh đã bao đời như tre gai, le, lồ ô, mỡ, tàu… biến mất như sự biến mất của lũy tre làng. Nếu thế thì tiếc quá!
Đặc biệt, tre trồng làm hàng rào quanh làng là loại tre có rất nhiều gai, tiếp xúc với nó thì hãy cẩn thận coi chừng bị cào xước da, rách áo.
Tôi nghĩ, tổ tiên ông bà chúng ta trồng tre quanh làng không phải để rào làng, vì trong làng không có gì để mất, cũng không phải để giữ đất, ngăn chia tình làng nghĩa xóm, mà hình như lũy tre làng là biểu tượng của sự che chở, ấp ủ, bao dung, gắn bó và là bóng mát của cuộc đời. Ước mong sự tiếp nối ngàn đời của họ hàng, con cháu, sống êm đềm hạnh phúc sau lũy tre làng.
Nhưng bây giờ, lũy tre làng chỉ là chuyện… cổ tích!
Nghe và hát “Sau lũy tre xanh” trong câu “Lòng tràn ngập mối tình thương”, để nhớ lũy tre làng, và thương tiếc Nhật Bằng, người nhạc sĩ “sinh nội tử ngoại”!

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: