LÒNG MẸ
Nhắc lại chuyện cũ, nhân ngày mẹ 10.5.2020. Đêm (2.3.2019) VTV có truyền hình trực tiếp ca ngợi Phụ nữ Việt Nam (kỷ niệm ngày 8. 3).
Người ta nói, về mẹ, người ta ca những bài về mẹ. Nhưng người mẹ ở thời buổi này sao khôn ngoan quá, lại môi son, má phấn, học hành giỏi quá, lại triết lý nữa, giàu sang phú quý quá! Không giống mẹ tôi nói riêng và những người mẹ thôn quê khác, của thời kỳ Chiến tranh của miền Nam nói riêng và nói chung là từ Bắc vô Nam.
Sau 1975, có biết bao bài thơ, bài nhạc, bài văn viết về mẹ, nghĩa là ca ngợi mẹ, nhưng thú thật rằng, hình như có cái gì đó không thực, đôi khi thái quá.
Đa số những người mẹ thôn quê Việt Nam trong đó có mẹ tôi là những người ít học, không có tượng đồng bia đá, không huy chương, không huyền thoại, không son phấn, một đời chung thủy hy sinh cho chồng cho con. Dù không trực tiếp cầm súng giết giặc “bà già giết giặc”, nhưng nuôi con ở hậu phương là một trách nhiệm vô cùng lớn lao, công này sánh ngang với trời cao, biển rộng.
Chương trình này đến phần hát những bài hát về mẹ, thú thật, tôi nghe, tôi hiểu, nhưng tôi không cảm được. Còn những câu phát biểu về phụ nữ, về mẹ, của MC và “những người của công chúng” là những lời nói như có cánh, nhưng tiếc rằng cánh không có gió để nó bay lên!
Ngồi chăm chú nghe, tôi bỗng nhớ về bốn nhạc phẩm viết về mẹ của Lê Thương, Phạm Duy, Nhị Hà và Y Vân. Và tôi nghĩ, bài hát không có mới, cũ, chỉ có hay và dở. Và có lẽ, bốn nhạc phẩm này của “bên thua cuộc” nên nó không được hát chăng?
Dù không được hát công khai, nhưng tôi đã nghe qua nguồn băng dĩa bốn nhạc phẩm viết về mẹ này, để thấy hình ảnh mẹ tôi và những người quê mùa khác, của thế kỷ 20, sao nó hiền từ dạt dào yêu thương đến vậy!
-LÒNG MẸ VIỆT NAM tức BÀ TƯ BÁN HÀNG của Lê Thương.
Có thể nói đây là một nhạc phẩm viết về mẹ đầu tiên của Việt Nam. Bài hát tôi thuộc từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và tôi biết thương mẹ tôi qua nhạc phẩm này. Rất tiếc rằng trong quyển TÂM TÌNH VĂN NGHÊ SĨ của Lê Phương Chi, anh có viết và phỏng vấn rất kỹ về nhạc sĩ Lê Thương, nhưng anh lại không hỏi về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm LÒNG MẸ VIỆT NAM! Biết hỏi ai, khi nhạc sĩ Lê Thương đã qua đời vào sáng ngày 18.9.1996.
“… Bà Tư bán hàng có bốn người con
Thằng hai đã lớn ba em hãy còn
Học theo các trường nay đã thành khôn
Năm loạn lạc kia trong nước Việt Nam
Mấy con của bà đều lên nối đường
Đầu quân chiến trường theo chí người dân…
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên
Suốt ba năn liền bà Tư mẫu hiền
Ngày đêm khấn nguyện cho mấy người con…
Thư rằng mẹ xin thành mẹ Việt Nam
Có con sa trường chỉ mong ước rằng
Ngày sau nước còn công ấy về con…”
-BÀ MẸ GIO LINH của Phạm Duy.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Phạm Duy, người đã một lòng vì nước, ông đã viết rất nhiều nhạc kháng chiến, trong đó có ca khúc BÀ MẸ GIO LINH (1948) đã làm rơi lệ hàng ngàn người một lòng đi theo kháng chiến đánh Tây. Khi ca khúc BÀ MẸ GIO LINH ra đời, đã khơi dậy lòng căm thù, toàn dân quyết một lòng đánh giặc giữ nước:
“… Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
…
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chốn cắt đầu
-MẸ TÔI của Nhị Hà.
Rồi kháng chiến đã đi qua, người ta đã quên LÒNG MẸ VIỆT NAM, rồi người ta cũng không hát BÀ MẸ GIO LINH nữa, vì tác giả của nó đã… dinh tê! Và đến năm 1948, ca khúc MẸ TÔI của Nhị Hà ra đời. Nhị Hà viết MẸ TÔI ở Quảng Bình, năm ấy, ông chỉ mới 13 tuổi! Nếu đúng như vậy, thì ông là thần đồng âm nhạc Việt Nam:
“… Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai
Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mĩm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân
…
Chiều nay đốt nhang tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nào đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên…”
MẸ TÔI, là một bài hát như câu kinh tiếng kệ viết về Mẹ, và ngày ấy người ta đã nhật tụng hàng ngày để nhớ về Mẹ - người đã qua đời - hoặc tại thế.
-LÒNG MẸ của Y Vân.
Và từ năm 1948 đến năm 1960, tức 10 năm sau LÒNG MẸ của Y Vân mới ra đời, người nghe lại nhận được một tác phẩm viết về mẹ không hơn không kém ca khúc MẸ TÔI.
Ngày ấy, hàng triệu con tim ở miền Nam đã lay động qua nhạc phẩm LÒNG MẸ của Y Vân. Những người mất mẹ, họ nghe LÒNG MẸ để ngậm ngùi, thương tiếc, người còn mẹ, họ nghe để ghi nhớ công lao của mẹ. Có thể nói, đây là một kiệt tác bất hủ viết về mẹ. LÒNG MẸ, ngoài bài hát, nó là một bài thơ, một áng văn không lấy gì để so ánh:
“… Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào
Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu
…
Thương con thao thức bao đêm trường
Con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn…”
Bài hát LÒNG MẸ có tới hai lời không trùng lắp, đây là chuyện hiếm có trong một nhạc phẩm hay.
Bài viết ngắn này, để ưởng nhớ những người mẹ nguyên bản còn hay đã mất.
Sau Chiến tranh cũng có nhạc viết về mẹ, nhưng đó chỉ là NHỮNG HUYỀN THOẠI MẸ, và những người mẹ tượng đồng, huy chương…
Không biết ở suối vàng các anh nhạc sĩ nêu trên có biết bài hát viết về Mẹ: “… Mẹ già như chuối chín cây, gió lạy Mẹ rụng con phải mồ côi…”?
Người ta chỉ viết có một câu như vậy cũng đã đủ để nói về Mẹ rồi, còn các anh sao viết về Mẹ lung tung quá, dài giòng quá!
Tôi xin đốt bốn cây nhang, thành kính tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Nhị Hà và Y Vân. Hương khói sẽ lan tỏa xuống các anh, gởi các anh bốn nải chuối chín cây để các anh trải nghiệm và mong rằng các anh thu dung bài viết ngắn này.
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét