MẮT TRĂNG VÀNH VẠNH
Nếu không bị giựt mình khựng lại, lom khom ngẩn đầu, ngước mắt lấm lét nhìn ra ngoài cửa sổ chắc tôi cũng chẳng ngờ nỗi vào cái giờ giấc tinh sương đông giá tuyết lạnh này lại lộ ra cái bản mặt tuyệt thế mà lạnh lùng của con trăng 16 lồng lộng treo trên bầu trời. Cái uy nghi, ngạo nghễ; cái thăm thẳm, mênh mông; cái hắt hiu, cô tịch của mắt trăng xuyên qua cửa sổ hắt thứ ánh sáng lạnh lẽo xuống nền nhà làm tôi rợn người.
Phải rồi. Gần 44 năm qua, mùa Đông năm nào cũng vậy, vào cái tháng này, ngày này, giờ này con trăng kia vẫn âm thầm, lặng lẽ, đơn độc nổi lên vằng vặc, lừng lững trên nền trời, kiên nhẫn chờ tôi ngước mắt nhìn lại nó một lần, nhưng vì cuộc sống xô bồ, chụp giựt, hỗn độn nơi quê người mà lâu rồi tôi đành đoạn quên lửng. Ở cái tuổi của tôi, ngày xưa giữa thị trấn núi rừng cao nguyên đất đỏ bạn bè cuối tuần thường trà dư tửu hậu, văn nghệ văn gừng và thưởng trăng. Chao ôi! Con trăng vành vạnh lúc đó sao mà rỡ ràng, sao mà ấm áp, sao mà gần gũi như chạm vào được. Nốc một ly rượu, hớp một hớp trà, nhắp một ngụm cà phê mà cứ như là nuốt ánh trăng vào bụng.
Tha thiết đến như thế. Gắn bó đến thế. Lãng mạn đến thế. Ấy vậy mà khi bỏ xứ đi biệt gần nửa thế kỷ không một lần trở về tôi hầu như quên mất “con bạn vàng trăng” hiền lành, thủy chung, mắt sáng ngời, mặt tròn quay kia. Thật ra đôi khi tôi cũng nhìn thấy nó, nhưng sao lòng mình cứ hờ hững quá, thờ ơ quá, lạnh lùng quá. Thấy nó mà như không có nó trên cái cõi đời ô trọc này.
Bấy lâu nay ta đây vẫn tự hào cho rằng mình không phải là một tên “vong bản”, vậy mà ngoảnh đầu nhìn lại mới biết mình đã bi “Tây hóa” tự bao giờ. Cái câu “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc” thiệt đáng để suy gẫm. Nhưng mà suy đi nghĩ lại riết rồi tôi không biết mình tội nghiệp cho con trăng hay con trăng kia tội nghiệp cho mình. Trang Tử và con bướm ngày xưa chắc cũng nhiều phen trăn trở, phân vân ghê lắm. Thiệt tình.
Nhưng nói về ánh trăng dù chỉ "Một Nửa Trăng" của Hàn Mặc Tử cũng thật hay:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
MÙI
Hồi còn trai tráng, con đường mỗi ngày tôi lái xe đến sở làm, dọc hai bên đường, rừng thưa dần, ruộng rẫy, nông trại cũng lần hồi biến mất, thay vào đó là nhà cửa, khu thương mại và xưởng ốc mọc lên. Xác mấy con thú nhỏ bị xe cán trên đường cũng thưa dần, hoạ hoằn lắm mới thấy một chú sóc đen bẹp dí hoặc chú chồn mướp mập lù nằm vô hồn với bộ lông mướt rượt, phất phơ, lung linh trong nắng. Những lúc đó, lòng tôi lại bồi hồi, xốn xang và có ý… mừng thầm. Không phải tôi mừng thấy mấy con thú hoang nhỏ bé, hiền lành, vô tội bị xe cán chết mà tôi mừng là vì mỗi lần nhìn thấy chúng băng qua đường, như mấy chục năm nay tôi vẫn quen mắt nhìn thấy và ngửi thấy mùi thú hoang, lòng lại cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái; cái an nhiên chạy theo tôi suốt dọc đường đến sở hay về nhà.
Có một buổi sáng trời hơi ui ui chẳng hạn. Vừa chạy qua khỏi dốc cầu nghĩa trang tôi chợt thoáng ngửi được… mùi thú hoang mà đã lâu tôi không còn ngữi thấy. Lập tức tôi nín thở rồi hít hít vô mấy cái. Một thoáng nghi ngờ về mùi vị tan mau. Sau khi xác định đó không phải là mùi… tử thi trong nghĩa trang bay ra tôi khoan khoái vươn vai, rướn cổ, phồng mũi ra hít thật sâu vào lồng ngực cái mùi mà đã hơn năm sáu năm trời tôi không ngửi được mùi của nó hay nhìn thấy nó: con skunk.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét